Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã

KHỔNG LOAN 26/11/2012 21:11 GMT+7

TTCT - Trong khi các bên liên quan đang tranh cãi về hiệu quả của cuộc chiến bảo vệ những động vật hoang dã hiếm hoi còn lại, vẫn cần những nỗ lực lớn khi một "diện mạo" Việt Nam xuất hiện khá nhiều trên truyền thông quốc tế không với đường nét tích cực.


Một con tê giác đen được bịt mắt, bị đánh thuốc mê và cẩu bằng máy bay từ tỉnh Eastern Cape (Nam Phi) tới một chiếc xe tải chờ sẵn và đưa nó đến khu nhà mới an toàn hơn cách đó 1.500km - Ảnh: Green Renaissance/WWF

Dù cùng nhìn nhận “hệ thống văn bản pháp luật liên quan của Việt Nam khá đầy đủ và phù hợp” song lãnh đạo hai tổ chức danh tiếng trong hoạt động bảo vệ động vật hoang dã là Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites Việt Nam) vẫn có những khác biệt rất lớn khi đánh giá về hiệu quả của cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam gần đây.

TS Văn Ngọc Thịnh - Ảnh: WWF

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, giám đốc Chương trình bảo tồn WWF Việt Nam, cho biết tổ chức này “không ủng hộ săn bắn thể thao, lưu giữ và trưng bày sừng tê giác của các cá nhân và các tổ chức dưới bất cứ hình thức nào ngoài mục đích bảo tồn, cho dù đó là các sản phẩm hợp pháp từ những loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, đặc biệt là các loài như tê giác, hổ và voi vì đây là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy việc khai thác, săn bắn dẫn đến suy thoái và tuyệt chủng các loài đó”.

* WWF đang thực hiện chiến dịch chống buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp trên toàn cầu. Ở Việt Nam, chiến dịch này được thực hiện ra sao, có những khó khăn và thuận lợi gì?

- Theo con số thống kê mới nhất của Nam Phi, từ đầu năm đến nay đã có 467 cá thể tê giác bị bắn trộm để lấy sừng, đẩy số phận của loài tê giác đến bờ tuyệt chủng với số cá thể bị bắn chết tăng lên 3.000% kể từ năm 2007. Với hơn hai cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng mỗi ngày, không loại trừ mạng lưới tội phạm đã đồn thổi để đẩy giá sừng tê giác lên cao hơn vàng.

Chiến dịch chống buôn lậu sừng tê giác vào Việt Nam và trong nội địa Việt Nam được WWF và Mạng lưới giám sát buôn bán động vật và thực vật hoang dã quốc tế (TRAFFIC) thực hiện từ tháng 7-2012 đến tháng 6-2013 với mục tiêu chính là nhằm hỗ trợ các bên liên quan chấm dứt buôn bán trái phép sừng tê giác thông qua cam kết chống buôn bán trái phép sừng tê giác và chiến dịch thông tin đại chúng về giảm cầu, tiến tới chấm dứt sử dụng các sản phẩm từ sừng tê giác.

Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh quốc tế thuận lợi, khi các nhà lãnh đạo cấp cao của APEC và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong các phiên họp tháng 9-2012 đã coi việc buôn lậu các loài hoang dã là tội phạm nguy hiểm cần tập trung trấn áp. 

Được sự ủng hộ của chính phủ và công dân toàn cầu, đặc biệt là tại những nước tham gia chiến dịch bao gồm các nước có nguồn cung là Nam Phi và các nước Trung Phi và những nước có cầu thị trường cao là Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, WWF và TRAFFIC đang triển khai một loạt hoạt động nhằm ngăn chặn nạn buôn bán trái phép các loài hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng và các sản phẩm từ chúng như hổ, voi và tê giác. 

Tại Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát buôn bán các loài hoang dã đã được xây dựng phù hợp những quy định quốc tế, trong đó có các quy định của CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng) và việc thành lập ban chỉ đạo liên ngành về thực thi pháp luật loài hoang dã của Việt Nam (Việt Nam - WEN) sẽ là các cơ sở pháp lý cho cuộc chiến chống buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã.

Về khó khăn, mặc dù đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhưng việc thực thi chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn triệt để việc buôn bán trái phép sừng tê giác. Thêm vào đó, nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, giá trị của đa dạng sinh học, hiểu biết các văn bản pháp luật và quy định của luật pháp liên quan đến bảo tồn còn hạn chế.

Và quan trọng hơn cả là với thói quen sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là sự cuồng tín hoang đường về một loại thần dược (sừng tê giác) chữa được cả bệnh hiểm nghèo như ung thư đã làm việc săn bắn trộm và buôn bán sừng tê giác ngày càng tăng và là lý do làm việc buôn bán sừng tê giác trở thành một hoạt động siêu lợi nhuận khiến nhiều kẻ sẵn sàng bất chấp pháp luật và đạo lý để tham gia.

* WWF coi Việt Nam là điểm tiêu thụ chính sừng tê giác - quan điểm này không được phía cơ quan chức năng Việt Nam thống nhất. Vì sao lại như vậy, và việc lệch pha trong xếp hạng ảnh hưởng tới những biện pháp giải quyết nạn buôn lậu sừng tê giác ra sao?

- Các số liệu cụ thể chỉ rõ rằng việc buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam là rất đáng báo động, các vụ bắt giữ buôn bán trái phép sừng tê giác, các vụ thu giữ sừng tê giác tại sân bay quốc tế OR Tambo của Nam Phi đều có liên quan đến người Việt và có điểm đến là Việt Nam. Cho nên, dù ở mức độ nào thì việc cần thiết có một quyết tâm chính trị cũng như sự đồng lòng của toàn xã hội cho việc chống lại nạn buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam sẽ là một hoạt động then chốt để góp phần bảo vệ quần thể tê giác ít ỏi còn lại này của thế giới.

____________

Trao đổi với TTCT, ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc Cơ quan quản lý Cites VN, cho biết trong báo cáo mới nhất của Cites quốc tế (tháng 4-2012), tổ chức này đã ghi nhận “Việt Nam được xếp trong nhóm 1, gồm những quốc gia có hệ thống pháp luật đảm bảo thực thi Cites”.

Ông Đỗ Quang Tùng - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Gần đây dư luận rất bất bình với những hình ảnh động vật hoang dã bị nuôi nhốt trái phép, bị giết hại và vận chuyển, thậm chí quân nhân còn giết voọc... Ông có ý kiến gì về những vụ việc này?

- Nhận thức của người dân giờ đã khác trước rất nhiều, ý thức về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã đã tiến bộ hơn. Mỗi quốc gia đều có những chuyện này chuyện kia về bảo vệ động vật hoang dã. Còn tại Việt Nam, vụ việc quân nhân giết voọc chỉ là thiểu số nhưng tất cả mọi người đều lên tiếng phản đối dữ dội.

Về nuôi hổ, Việt Nam chỉ cho phép nuôi hổ với mục đích bảo tồn, nghiêm cấm mọi hành vi nuôi vì mục đích thương mại, điều này là không trái với những quy định của Cites cũng như pháp luật quốc gia. Các cơ sở được phép nuôi hổ thí điểm từ năm 2007 đến nay đều tuân thủ đúng những quy định của Cites. 

Các cơ quan chức năng của Việt Nam liên tục kiểm tra, giám sát việc nuôi hổ của các cơ sở này, và khi phát hiện những vụ nuôi trái phép đã xử lý nghiêm đúng pháp luật. Nếu để so sánh thì Việt Nam đã có nỗ lực và kiểm soát rất tốt trong việc này, các trại nuôi hổ của ta được kiểm soát chặt, với số lượng thống kê trên 100 cá thể. Nhưng liệu một số nước nuôi nhiều hổ xung quanh ta có công bố công khai hay thống kê được số hổ nuôi?

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ta về quản lý, kiểm soát buôn bán loài hoang dã đã được xây dựng ngày càng hoàn thiện và hài hòa với các quy định quốc tế, trong đó có các quy định của Cites. Mọi hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép mẫu vật thuộc phụ lục I của Cites bao gồm cả tê giác, voi và hổ đều bị pháp luật nghiêm cấm. Với các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt đến 500 triệu đồng, thậm chí xử phạt tù đến 7 năm. Mức xử phạt như vậy đâu có nhẹ. Như Mỹ cũng đâu có các mức xử phạt như vậy, Lào và Campuchia thì mức xử phạt còn nhẹ hơn ta nhiều. Quan điểm của Cites thì không thể lấy việc phạt nặng ra để quản lý.

* Có ý kiến cho rằng Việt Nam là thị trường tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới. Thực hư chuyện này là thế nào. Cites có thống kê được số liệu?

- Việt Nam là nước có địa thế thuận lợi, như một điểm trung chuyển để đưa hàng hóa đến các nước xung quanh. Trước năm 2008, mỗi năm Nam Phi chỉ mất dưới 10 con tê giác. Nhưng từ năm 2009 trở lại đây, số lượng tê giác bị giết lấy sừng tăng vọt lên tới gần 470 con/năm. Chúng tôi không hiểu sao họ lại đổ lỗi do Việt Nam là thị trường tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất. Qua báo cáo của họ thì thấy họ đã đi khảo sát tại các bệnh viện của Việt Nam để đưa ra kết luận đó.

Theo tôi được biết và họ cũng biết, trong sách y học cổ của Việt Nam có nói sừng tê giác chữa được bệnh ung thư. Vậy là họ đến các bệnh viện, hỏi bệnh nhân và thân nhân có nhu cầu dùng sừng tê giác không. Trong bối cảnh tuyệt vọng của hàng ngàn người bệnh thì chắc chắn cả ngàn người trả lời là “có nhu cầu”. Vậy căn cứ vào kết quả khảo sát này là không chính xác.

Thực tế, khi có thông tin Việt Nam tiêu thụ nhiều sừng tê giác thì các cơ quan chức năng Việt Nam đã tăng cường kiểm soát. Từ năm 2004 đến nay, chúng ta đã phát hiện và bắt giữ gần 100kg sừng tê giác và chín chiếc sừng lẻ. Từ năm 2008, Cites VN đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan quản lý Cites Nam Phi trong việc kiểm soát nhập khẩu bất hợp pháp mẫu vật tê giác, hai nước cũng đang xây dựng biên bản hợp tác về bảo tồn và đa dạng sinh học và dự định sẽ trình chính phủ hai nước ký vào cuối năm 2012 hoặc tháng 3-2013.

Một con tê giác đen bị cắt trộm cả hai sừng - Ảnh: Brent Stirton

* Theo ông thì Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong thực thi Cites, bảo vệ động vật hoang dã. Cụ thể đó là những nỗ lực gì?

- Từ những năm 1960, chúng ta đã xây dựng, thành lập các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên nhằm tạo môi trường, sinh cảnh cho động vật hoang dã sinh sống, đó là nỗ lực lớn của Việt Nam.

 Thậm chí, khi các khu bảo tồn có nguy cơ khó bảo vệ được động vật hoang dã, chúng ta đã cố gắng hết sức để tổ chức di dời các loài động vật hoang dã đến những vùng sinh cảnh tốt hơn, như vụ di dời đàn voi ở Tánh Linh (Bình Thuận) năm 2002 hay ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) năm 1993...

Chúng ta đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về thực thi pháp luật loài hoang dã của Việt Nam (Việt Nam - WEN) và sự hợp tác với các nước Asean. Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong việc bắt giữ một số lượng lớn các vụ vận chuyển trái phép mẫu vật loài động vật hoang dã có nguồn gốc từ nước ngoài vào Việt Nam, khi từ năm 2000 đến nay đã bắt giữ trên 50 vụ buôn bán trái phép mẫu vật hổ, hơn 18 tấn ngà voi, gần 100.000 tấn tê tê, hàng trăm ký sừng tê giác...

* Hiện Việt Nam có bao nhiêu trung tâm cứu hộ động vật hoang dã? Trong đó có bao nhiêu trung tâm do Nhà nước bỏ tiền xây dựng, quản lý?

- Chúng ta có hai trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tổng hợp ở TP.HCM và Hà Nội. Cả hai trung tâm này được xây dựng, hoạt động bằng ngân sách của hai địa phương. Còn trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tầm cỡ quốc gia thì chúng ta hiện vẫn chưa có, dù trong nhiều đề án của Bộ NN&PTNT đã kiến nghị vấn đề này.

Việt Nam hiện có khá nhiều trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đơn loài như Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở Cúc Phương (Ninh Bình), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cát Tiên (Lâm Đồng); cứu hộ rùa, hay tê tê (đều ở Cúc Phương), gấu ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Tuy nhiên các trung tâm này chỉ là cứu hộ động vật hoang dã đơn loài, hoạt động có thời hạn và do các tổ chức quốc tế tài trợ.


Trong khi các bên liên quan đang tranh cãi về hiệu quả của cuộc chiến bảo vệ những cá thể động vật hoang dã hiếm hoi còn lại, vẫn cần những nỗ lực lớn hơn nữa khi một “diện mạo” Việt Nam trong câu chuyện này đang xuất hiện khá nhiều trên truyền thông quốc tế mà không mang đường nét tích cực.

Kiểm lâm cắt ngà khỏi một con voi bị săn trộm và bị giết ở khu rừng quốc gia Amboseli (Kenya). Trong nửa đầu năm 2012, sáu kiểm lâm đã bị giết khi bảo vệ voi, họ cũng giết 23 tay săn trộm voi - Ảnh: National Geographic

Con voi sợ hãi

Năm 2010, một con voi đực ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) bị những kẻ trộm ngà chém hơn 200 nhát và đã chết sau gần ba tháng chạy chữa. Nó chết vì cặp ngà dài 70cm của mình. Năm 2011, một con voi đực 38 tuổi ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng bị giết trộm bằng nhiều nhát chém. 

Những thông tin liên tiếp trên báo chí Việt Nam cảnh báo, những lời hứa hẹn sẽ bắt giữ, khởi tố những người có tội chưa thấy nhiều kết quả. Voi ở Việt Nam đang chung số phận bị tận diệt như những loài động vật hoang dã khác, cho dù xác của chúng to lớn nhất.

Số lượng voi rừng và voi nhà tại Việt Nam được công bố mới đây từ hội thảo “Giới thiệu một số quy định về quản lý mẫu vật hoang dã” tại Hà Nội cho thấy chúng suy giảm nghiêm trọng. Từ 1.500-2.000 cá thể voi hoang dã phân bố khắp cả nước trong những năm 1975-1980, đến nay chỉ còn khoảng 70-130 cá thể phân bố ở mười khu vực, trong đó Nghệ An còn khoảng 13-17 cá thể, Đồng Nai có một đàn khoảng mười cá thể, Đắk Lắk còn mười đàn voi với khoảng 83-110 cá thể.

Theo ông Ngô Lê Trụ - Vụ Bảo tồn thiên nhiên Tổng cục Lâm nghiệp, nhiều hành động bảo tồn voi đã được triển khai tại Việt Nam song đến nay chưa có giải pháp nào mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tấm ảnh “mài sừng tê” ở Việt Nam

Ngày 20-10-2012, bức ảnh mà Brent Stirton chụp ở Lâm Đồng khoảng một năm trước đó đã tiếp tục đem đến cho anh thêm một vinh quang nghề nghiệp khác, bổ sung vào bộ sưu tập giải thưởng vốn dĩ rất dày của phóng viên ảnh điều tra danh tiếng đang làm việc cho Hãng ảnh Getty Image (Mỹ). 

Nhưng giải nhì cuộc thi ảnh Cuộc sống môi trường hoang dã Veolia không chỉ đánh dấu cột mốc khác trong sự nghiệp của anh, nó giúp anh cảnh báo thế giới về tương lai loài người không còn một trong những di sản quý giá nhất.


Ảnh: Brent Stirton

Nhu cầu sừng tê giác đang bị thúc đẩy vì tầng lớp trung lưu đang ngày càng nhiều ở châu Á. Nhiều người tin vào huyền thoại nhiều thế kỷ về công dụng của chiếc sừng, dù sừng chỉ có keratin - tương tự chất ta tìm thấy trong tóc, móng tay và móng chân. Người phụ nữ giàu có ở Việt Nam này là người tiêu dùng điển hình.

Bà ta mua sừng từ người buôn sừng ngồi bên cạnh, và mài sừng để uống ngay trước bàn dân thiên hạ trong quán cà phê bên đường. Bà ta nói sừng đã chữa được bệnh sỏi mật và bà uống hằng ngày để sức khỏe tốt hơn. Dù sừng tê giác là vật bất hợp pháp ở Việt Nam, cả người phụ nữ và người buôn bán sừng bên cạnh đều không sợ.


Nhiếp ảnh gia điều tra Brent, 44 tuổi, muốn hiểu rõ về thị trường Việt Nam - nơi được cho vừa là nơi tiêu thụ vừa là địa điểm trung chuyển sừng tê giác săn trộm sang Trung Quốc. 

Trong hai tuần ở Việt Nam, vào vai một tay buôn sừng Canada đi tìm “hàng”, anh đi khắp hang cùng ngõ hẻm, gặp rất nhiều người trong mạng lưới buôn bán và sử dụng sừng tê giác. Brent đã có được bộ ảnh mà một trong những tấm đó đang được treo ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Anh - nơi có khoảng 4 triệu lượt người đến xem mỗi năm.

“Câu chuyện của Việt Nam cần đặt vào một bối cảnh tổng thể của quốc tế, chứ không chỉ là một vài chi tiết” - Brent nói qua điện thoại từ Nam Phi với TTCT khi anh đang chuẩn bị cho những ngày tháng kéo dài để chụp hình trong rừng Tanzania. Trong hai tuần, anh đã được năm người buôn sừng tê giác “tiếp cận”, mời mua “hàng” - con số mà anh nói là “kinh ngạc”. 

Anh cũng thuyết phục được một người buôn sừng tê giác đưa tới gặp một phụ nữ ở Lâm Đồng, tận mắt thấy sừng tê giác bị mài, uống để chữa “sỏi mật” và “bảo vệ sức khỏe” ngay trong quán cà phê giữa thanh thiên bạch nhật.

“Điều làm tôi thất vọng nhất là cả người buôn sừng và người dùng sừng đều cho biết họ biết việc làm của mình là sai luật” - Brent nói.

“Không phải chỉ là chuyện tê giác của Nam Phi hay châu Phi bị săn trộm, sừng tê giác bị lấy cắp đâu - Brent nói - Đó là câu chuyện của một di sản mà nhân loại đang có. Một khi tê giác biến mất thì di sản đó biến mất. Bởi vậy, sự mất mát lớn này không phải của riêng Nam Phi mà là của thế giới, và tất nhiên của cả người Việt Nam nữa”.

Làm thế nào để người Việt Nam hiểu và tham gia các hoạt động giúp duy trì và phát triển bền vững đàn tê giác, trong khi họ có niềm tin mang tính văn hóa truyền thống từ rất xa xưa về “công dụng” của sừng tê giác? Brent cho biết anh không muốn phán xét về những niềm tin đó.

Những khác nhau về văn hóa, thói quen giữa các dân tộc là điều rất khó để phán xét. Anh chỉ muốn nói về một sự thật, để từ đó các bên liên quan, từ các chính phủ, các tổ chức bảo tồn hay mỗi cá nhân sẽ tự quyết định thái độ ứng xử và hành động tiếp theo của họ. “Chúng ta có dân số quá đông, lại đang đòi hỏi những tài nguyên quá hạn chế, bởi vậy những tài nguyên này không bền vững”.

“Tôi cho rằng bọn tội phạm đã có những mánh lới để khai thác bệnh tật của người khác, khiến người ta ngày càng tin hơn vào “công dụng” của sừng tê giác, và trong giây phút nguy cấp với sức khỏe của mình hay người thân, người ta sẵn sàng bỏ những số tiền rất lớn, chắt chiu dành dụm cả đời để mua những mẩu sừng tê giác không có tác dụng gì với sức khỏe. Cả người giàu và nghèo đều trở thành nạn nhân bị lừa đảo, giàu thì mua riêng, nghèo hơn thì thành từng nhóm mua chung”.

Đó là chưa kể đến 90% trong số họ trở thành nạn nhân của sừng giả. Nhưng dù phần lớn là giả, giá cũng không hề rẻ: 8.500-10.000 USD/100 gram cho người nước ngoài và 2.500 USD cho người Việt Nam.

Tháng 2-2012, tạp chí về tự nhiên uy tín trên thế giới National Geographic đã đăng loạt ảnh liên quan tới tê giác của anh chụp ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới cùng với bài phóng sự “Độc dược” (Deadly medicine) của Peter Gwin khi câu chuyện tê giác đã trở nên nóng bỏng. 

Brent không cho rằng thay đổi niềm tin truyền thống là dễ dàng, hay triệt hạ các nhóm tổ chức tội phạm đang ngày càng có nhiều chiêu thức để có được sừng tê giác là “có thể trong thời gian ngắn”. Hình ảnh anh chụp - như ai đó đã nói về tác dụng của hình ảnh - “có thể đem lại thông điệp giá trị hơn cả ngàn lời nói”.

“Việc đoạt giải thưởng lần này giúp tôi cơ hội trao đổi câu chuyện này với nhiều người hơn, giúp tất cả cùng bàn luận về vấn đề đang nóng bỏng đó, giúp mọi người hiểu thêm về vấn đề”.

Từ đầu năm 2012 đến nay đã có 467 con tê giác bị giết ở Nam Phi. Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) là nơi thiệt hại nhiều nhất với 281 con. “Việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác chỉ là một số nhóm tội phạm và những người bị lừa là nạn nhân của chúng. Nhiều người Việt Nam có lẽ chưa hiểu vấn đề trầm trọng liên quan tới tê giác mà Nam Phi đang đối mặt. Chúng ta, dù có những sự khác nhau về văn hóa, cũng cần học chung bài học phát triển bền vững” - Brent nói.

Cần nhắc lại rằng năm 2011, cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam được tuyên bố là đã bị chết trong vườn quốc gia Cát Tiên - “một bi kịch quốc gia” như ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, nhận định.

Năm 2011, trên thế giới có 25.000 con voi bị giết. Theo National Geographic số ra tháng 11-2011, vụ giết voi tập thể kinh hoàng nhất và gần đây nhất là tháng 1-2012, khi hàng trăm người đi ngựa xuất phát từ Chad vào rừng quốc gia Bouba Ndjidah của Cameroon giết hàng trăm con voi, nhiều gia đình voi bị tàn sát toàn bộ. Đây là một trong những vụ giết voi tập trung nhiều nhất trên thế giới kể từ khi có luật cấm buôn bán ngà voi toàn cầu năm 1989. Vũ khí những kẻ giết voi mang theo là AK-47, đạn pháo.

Nạn săn bắt trộm voi hiện được xem là ở mức tồi tệ nhất trong lịch sử, và số lượng ngà voi bất hợp pháp bị tịch thu cũng ở mức cao nhất.

Trước khi có luật quốc tế cấm buôn bán ngà voi, Mỹ, châu Âu và Nhật tiêu thụ 80% lượng ngà voi được chạm khắc trên thế giới. Ngày nay, Trung Quốc là nơi sở hữu ngà voi buôn lậu nhiều nhất. Những năm gần đây, những vụ bắt giữ liên quan tới ngà voi buôn lậu của Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nước châu Phi nào. Nơi đây, ngành công nghiệp ngà voi rất phát triển. Chính phủ đã cấp giấy phép cho 35 nhà máy điêu khắc ngà voi và 130 cửa hàng bán lẻ ngà voi.

Giết voi không khó (những kẻ săn trộm ở Kenya và Tanzania dùng dưa hấu tẩm thuốc độc). Theo Kenneth Burhham - chuyên gia thống kê của chương trình theo dõi voi bị giết bất hợp pháp của cites, số voi thật sự bị giết có thể gấp đôi con số 25.000 con voi châu Phi đã bị giết năm 2011.

Trung tuần tháng 10-2012, cán bộ kiểm lâm TP Lào Cai cùng hai công an viên mai phục đã bắt quả tang một vụ buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, thu giữ một đầu và hai chân gấu chó - loài động vật hoang dã quý hiếm cấm săn bắt - mà theo lời khai của đối tượng bị bắt giữ, họ mua chúng với giá 20 triệu đồng.

Đầu tháng 11, lực lượng chức năng khi kiểm tra đột xuất một xe khách Bắc - Nam đã phát hiện xác hai con hổ con đông lạnh (gần 4kg/con), hai con gấu con (một con nặng 3,7kg, một con 1,4kg), tám tay gấu nặng 17kg...

Một vụ bắt giữ khác đầu tháng 11 tại Hạ Long (Quảng Ninh) cũng phát hiện một chiếc sừng nghi là sừng tê giác (có trọng lượng 3kg, được cắt thành nhiều mảnh). Những người bị bắt khai được thuê vận chuyển với giá 2 triệu đồng.

Mới đây, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng giám định bảy sừng động vật (tổng trọng lượng 23,5kg) phát hiện trong hành lý ký gửi của hai người Việt Nam trên chuyến bay mang ký hiệu QR610 xuất phát từ Doha (Qatar) về Việt Nam. Bảy chiếc sừng nếu là sừng tê giác, có giá hàng chục tỉ đồng.

Quyết định di dời và đóng cửa Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng đang thu hút sự chú ý. Theo Tổ chức Động vật châu Á, quyết định di dời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của 104 con gấu vốn đang được phục hồi và chăm sóc sau khi bị tra tấn, hành hạ dã man trong tay bọn buôn lậu và các trang trại nuôi lấy mật gấu ở Việt Nam.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận