Viktor Bout và Brittney Griner: Đổi trao bất xứng?

DUY VĂN 19/12/2022 17:16 GMT+7

TTCT - "Ngày 8-12-2022, tại sân bay Abu Dhabi (UAE), "trùm buôn vũ khí" Viktor Bout của Nga đã được trao đổi thành công với "kẻ tàng trữ ma túy" Brittney Griner của Mỹ" là dòng tin ngắn đã kịp khuấy động dư luận tuần qua.

Viktor Bout và Brittney Griner: Đổi trao bất xứng? - Ảnh 1.

Viktor Bout và Brittney Griner. Ảnh: usaartnews.com

Ngày 8-12 đó, tại sân bay Abu Dhabi, Bout và Griner đi ngang qua nhau trên đường băng ở làn chuyển tiếp, hoàn tất vụ trao đổi tù nhân nhờ trung gian UAE và Saudi Arabia. 

Bộ ngoại giao các nước đã thông báo vụ trao đổi thành công trong một tuyên bố chung. 23h tối cùng ngày, một chuyên cơ đưa Bout từ Abu Dhabi về sân bay Vnukovo (Matxcơva), nơi mẹ và vợ ông chờ sẵn để gặp lại người thân sau hơn 14 năm.

Báo Anh The Guardian ngày 10-12, trong bài viết nhan đề "Thỏa thuận trao đổi Viktor Bout có thực sự là chiến thắng cho Matxcơva?", dẫn lời "một số người Nga thân Điện Kremlin" nói cuộc trao đổi này rất có lợi cho Nga, đặc biệt là khi Nga vẫn đang giam giữ một số công dân Mỹ khác gồm Paul Whelan - một cựu lính thủy đánh bộ bị bắt vào năm 2018 và bị kết án 16 năm tù vì tội gián điệp. 

Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga, thừa nhận Griner không "có cùng tầm cỡ chính trị" như Bout, The Guardian viết.

"Chúa tể chiến tranh"

Ít người biết rằng "ông trùm vũ khí" Nga sinh năm 1958 và lớn lên ở Dushanbe (Tajikistan) khi nước này còn trong thành phần Liên Xô. Viktor Bout gia nhập quân đội và tiến lên nấc thang sự nghiệp bắt đầu từ Học viện Quân sự của Bộ Quốc phòng. 

Ông thông thạo tiếng Anh, Bồ Đào Nha và một số ngôn ngữ Trung Á như Tajik, Uzbek, Dari, từng làm thông dịch viên ở Angola và Mozambique. 

Đầu thập niên 1990, tận dụng sự chuyển đổi kinh tế, Bout mở doanh nghiệp du lịch hàng không Transavia và công ty xuất khẩu hàng hóa IRBIS (Almaty, Kazakhstan) với các hoạt động thương mại - vận chuyển khắp vùng Vịnh, Nigeria và các nước Nam Phi.

Mọi thứ thay đổi sau khi Bout bắt đầu giao máy bay chiến đấu của Nga cho Malaysia. Năm 2000, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc gọi ông là một trong những tay buôn vũ khí lớn nhất. 

Khách hàng của Bout là các chính phủ lẫn nhóm du kích ở châu Phi và châu Á, từ Angola tới Afghanistan, từ Liberia tới Rwanda. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Bout là kẻ "buôn bán tử thần". Do lo ngại bị bắt ở nước ngoài, Bout hầu như không rời Nga kể từ năm 2002.

Tuy nhiên, trong một chuyến đi hiếm hoi năm 2008, Bout bị bắt giam ở Thái Lan với cáo buộc "sắp bán tên lửa phòng không cho một nhóm cực đoan Colombia". 

Trong nhiều năm, Thái Lan từ chối dẫn độ ông sang Hoa Kỳ và nói yêu cầu của Washington là áp đặt chính trị. Mùa hè 2010, dưới áp lực của Mỹ, cuối cùng một tòa Thái Lan đã phán quyết cho dẫn độ, Bout bị giải sang Mỹ. Ở Nga, vụ việc được gọi là "ví dụ về sự bất công trắng trợn của tư pháp".

Sau phiên tòa kéo dài từ tháng 10-2011 đến tháng 4-2012, Bout bị kết án 25 năm tù. Đến nay, ông vẫn kiên quyết bác bỏ mọi lời buộc tội và khẳng định Washington đã quyết định biến ông thành "phần tử cực đoan" vì ông vũ trang cho những kẻ cực đoan. 

Từ năm 2006, một số nhà phân tích ở Nga đã nói Hoa Kỳ "không có bằng chứng thực sự về tội trạng của Bout, và để đề phòng, họ quyết định loại bỏ một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trong lĩnh vực cung cấp vũ khí, đồng thời duy trì thế độc quyền trong khu vực".

Truyền thông Mỹ gọi Bout là "Chúa tể chiến tranh". Nguồn gốc biệt danh này bắt nguồn từ bộ phim Hollywood Lord of War (2005) - lấy cảm hứng từ chính cuộc đời Bout cho nhân vật chính Yuri Orlov (Nicolas Cage).

Viktor Bout và Brittney Griner: Đổi trao bất xứng? - Ảnh 2.

Poster phim Lord of War với ngôi sao Nicolas Cage. Ảnh: Amazon

Cuộc trao đổi ầm ĩ

Tin tức về cuộc trao đổi tù nhân đã xuất hiện trên trang nhất nhiều tờ báo quốc tế ngày 9-12. Theo tờ Matxcơva buổi chiều (VM) chẳng hạn, "trong chương trình nghị sự của phương Tây và Nga, Bout đã có được địa vị biểu tượng nhất định". 

VM dẫn lời nhà khoa học chính trị Dmitry Zhuravlev, giám đốc khoa học của Viện Các vấn đề khu vực, nói: "Đối với phương Tây, Viktor Bout là biểu tượng của đế chế cái ác, của nền thương mại quân sự Nga đáng gờm, chuyên bán vũ khí cho kẻ thù của họ. Đối với Nga, đó là biểu tượng của sự độc lập, một doanh nhân cố gắng chơi theo luật phương Tây nhưng đôi cánh đã bị cắt mất". 

Vụ hoán đổi Bout - Griner được truyền thông Nga ngợi ca như một chiến thắng của ngoại giao và tình báo Nga.

Trong khi đó, vụ việc lại gây làn sóng phản ứng trái chiều ở Mỹ. The New York Times đăng bài "Hậu quả của việc Griner được trả tự do cho thấy chiều sâu của sự chia rẽ tại Mỹ", mà để hiểu ngọn nguồn, cần tua lại câu chuyện từ đầu. 

Ngày 19-2-2022, Brittney Griner bị bắt tại Matxcơva vì mang theo một loại dầu cần sa cho thuốc lá điện tử. Ngày 4-8, tòa án tuyên Griner phạm tội tàng trữ và buôn lậu ma túy, kết án cô 9 năm với mức phạt 1 triệu rúp.

Vụ việc bùng nổ ở Mỹ vào ngày 5-7-2022 khi Cherell, vợ đồng tính nữ của Griner, lên Đài CBS chỉ trích gay gắt Nhà Trắng vì không có hành động gì để giải cứu Griner và cô đã mệt mỏi vì "im lặng" theo yêu cầu của giới chức Mỹ. 

Griner là một trong những nữ cầu thủ bóng rổ nổi tiếng nhất ở Mỹ: hai lần vô địch Olympic và hai lần vô địch thế giới cùng đội Hoa Kỳ, vô địch WNBA cùng đội Phoenix. 

Cô còn được ấn phẩm cánh tả nổi tiếng The Root vinh danh là một trong những phụ nữ Mỹ gốc Phi có ảnh hưởng nhất năm 2020.

Trước làn sóng chỉ trích, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã gọi điện cho Cherell hứa tìm cách để Griner được trả tự do, cụ thể là chỉ thị cho nhóm phụ trách an ninh quốc gia duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình Griner. 

Khi đó, đến lượt em gái cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan lên tiếng. Hai ngày sau, ông Biden bèn gọi cho em gái của Whelan và cũng hứa sẽ hỗ trợ trả tự do cho anh cô.

Đến tháng 8, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ Bill Richardson xác nhận các cuộc đàm phán "đổi 2 lấy 2" đang được tiến hành. Griner và Whelan sẽ được đổi lấy Bout và Vadim Krasikov - cựu sĩ quan tình báo Nga bị tòa án Đức kết án vì tội giết một công dân Gruzia vào năm 2019. 

Nhưng cuối cùng mới diễn ra vụ trao đổi Griner - Bout. Sự bất xứng là rõ ràng: Bout bị kết tội buôn bán vũ khí, "đe dọa tính mạng người Mỹ", trong khi Griner chỉ mang theo trong mình không tới 1g dầu cần sa lúc bị bắt ở Nga.

Viktor Bout và Brittney Griner: Đổi trao bất xứng? - Ảnh 3.

Griner là người đấu tranh tích cực cho quyền bình đẳng của người da đen ở Mỹ. Ảnh: Getty Images

Dễ hiểu là Washington đã bị không chỉ "những người yêu nước", mà cả các thành viên Đảng Dân chủ, chỉ trích. Làn sóng phản ứng dẫn tới những giải thích trên truyền thông Mỹ là ông Biden đã phải đưa ra một lựa chọn khó khăn, "1 đổi 1 hoặc không trao đổi gì cả". 

Cụ thể, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: "Người Nga đã không thương lượng một cách thiện chí" về việc trả tự do cho Whelan. 

Cũng có thể vì vậy mà chiếc máy bay chở Griner về Mỹ đã không hạ cánh ở Washington, mà ở Texas, và một cuộc đoàn tụ long trọng của gia đình họ trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng đã không diễn ra.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton không giấu sự tức giận: "Việc đổi Bout lấy Griner không phải là một thỏa thuận, mà là sự đầu hàng của Mỹ. Đó không phải là sức mạnh của Mỹ". Cựu tổng thống Donald Trump gọi cuộc trao đổi là một "thỏa thuận ngu ngốc". 

Diễn viên hài Terrence Williams thì cho rằng Griner "không phải là anh hùng. Chơi bóng rổ không khiến bạn trở thành anh hùng… Vậy mà Nhà Trắng lại bỏ rơi người lính, trong khi lẽ ra người lính thủy quân lục chiến phải được về nhà trước". ■

Hậu trao đổi

Theo The Guardian, lương của WNBA khá thấp và chỉ có 14 cầu thủ trong toàn giải kiếm được trên 200.000 USD/năm. Griner là một trong số đó, chỉ là số lẻ so với các đồng nghiệp nam cùng đẳng cấp, như Kevin Durant hay LeBron James đều có mức thu nhập hằng năm hơn 40 triệu USD.

joe-biden-paul-whelan-120822-6bb467d09557439ea06c0dcff0c64d8e

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nhiều lần cam kết sẽ đưa được cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan về nhà. Ảnh: people.com

Sự chênh lệch này đồng nghĩa các cầu thủ nữ - gồm những người dày dạn kinh nghiệm và tài năng nhất như Griner - thường phải kiếm thêm bằng cách thi đấu ở các giải nước ngoài trong thời gian WNBA ngừng hoạt động.

Từ 2015, cô thường xuyên đến Nga theo một hợp đồng chơi cho UMMC Ekaterinburg. Vận động viên quê Houston (Texas) này từng nói cô "coi Ekaterinburg như ngôi nhà thứ hai".

Vấn đề của Griner là cô mắc kẹt trong vũng lầy ngoại giao giữa hai quốc gia thù địch. The Guardian viết: "Griner là một phụ nữ da đen đồng tính mắc kẹt giữa hai quốc gia. Mỗi nước có nền văn hóa sâu sắc, lâu đời của riêng họ về… người da đen và thái độ với người LGBTQ+".

Chưa kể Griner cũng bị cho là không yêu nước Mỹ, với nhiều hành động hòa vào các phong trào phản kháng ủng hộ người da đen, không hát quốc ca, xúc phạm quốc kỳ… sau biến cố George Floyd và những cuộc biểu tình kèm bạo động năm 2020.

Trong khi đó, Viktor Bout thậm chí được mời tham dự một cuộc họp của Ủy ban Đuma quốc gia về các vấn đề quốc tế. Một sự nghiệp chính trị ở Nga cũng là điều hoàn toàn khả dĩ với ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận