Vụ nổ đường ống "Dòng phương Bắc": Không ai mặn mà tìm thủ phạm?

TƯỜNG ANH 16/04/2023 11:23 GMT+7

TTCT - Ngày 5-4 trên nền tảng Substack, nhà báo lão làng Seymour Hersh đã đăng bài báo thứ ba trong cuộc điều tra miệt mài của ông hòng tìm ra thủ phạm gây nổ hai hệ thống đường ống Dòng phương Bắc (DPB).

Ảnh: DWO

Ảnh: DWO

Bài báo của Hersh, nhan đề: "Con tàu ma DPB. Những chi tiết sai sự thật trong câu chuyện của CIA", chỉ ra các lý giải thiếu thuyết phục của truyền thông phương Tây khi điều tra thủ phạm vụ nổ. Nhưng trong bối cảnh phương Tây đang hồ hởi với việc Phần Lan gia nhập NATO, có vẻ không còn ai muốn nghe chuyện của Hersh nữa.

Cuộc gặp bí ẩn

Trước đó, trong bài viết thứ hai ngày 22-3 nhan đề "Che giấu", Hersh chỉ ra sự vô lý trong giả thiết được các báo The New York Times (NYT, Mỹ) và Die Zeit (Đức) đăng tải hôm 7-3. Hersh mô tả bối cảnh xuất hiện hai bài báo trên NYT và Die Zeit: Đầu tháng 3-2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bay sang Washington gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dư luận Đức thắc mắc vì sao chuyến đi không có phóng viên tháp tùng, kể cả đội nhà báo của thủ tướng, và vì sao hai nhà lãnh đạo không họp báo như lệ thường?

Chuyến đi chỉ gồm hai sự kiện công khai: cuộc trao đổi ngắn gọn theo nghi thức với đoàn báo chí Nhà Trắng, mà các nhà báo không được đặt câu hỏi; và cuộc trả lời phỏng vấn của ông Scholz với CNN, nội dung không đề cập đến DPB. Sau đó, hai ông Biden và Scholz đã họp kín 80 phút, không có sự hiện diện của ngay cả các trợ lý trong phần lớn thời gian. Theo lời Hersh, đã không có tuyên bố hay văn bản nào được hai chính phủ công khai về cuộc gặp, nhưng "một người có quyền tiếp cận thông tin" cho Hersh biết đã có thảo luận về "vụ đường ống dẫn dầu và do đó, một số thành viên CIA được yêu cầu hợp tác với tình báo Đức để cung cấp cho báo chí Mỹ và Đức một câu chuyện thay thế cho việc phá hủy DPB".

Cụ thể, NYT 7-3 trích dẫn một quan chức Mỹ không nêu tên tuyên bố "thông tin tình báo mới... gợi ý" rằng "một nhóm thân Ukraine" có thể đã tham gia phá hủy đường ống; còn Die Zeit nói nhóm điều tra của Đức đã lần theo dấu vết thuốc nổ trên một chiếc thuyền buồm du lịch, được cho là khởi hành vào ngày 6-9-2022 từ cảng Rostock của Đức đi qua đảo Bornholm ngoài bờ biển Đan Mạch, nằm cách khu vực các đường ống bị phá hủy vào ngày 26-9-2022 chỉ vài km. Chiếc du thuyền chở một nhóm sáu người xài hộ chiếu giả: một thuyền trưởng, hai thợ lặn, hai trợ lý thợ lặn và một bác sĩ. Nhóm này đã thuê của công ty Ba Lan Mola Yachting (do hai người Ukraine làm chủ) du thuyền Andromeda dài 15 mét, động cơ 75 mã lực, và đặt khoảng 1.500kg thuốc nổ trên các đường ống dẫn khí đốt ở độ sâu 80 mét dưới lòng biển Baltic, theo Die Zeit.

Tuy nhiên, cả hai ấn bản cảnh báo "không có gì là chắc chắn" (!) trong câu chuyện của họ. Holger Stark, tác giả bài báo trên Die Zeit, còn lưu ý rằng một số "cơ quan an ninh quốc tế" không loại trừ khả năng câu chuyện du thuyền "là chiến dịch đánh lạc hướng".

Chính báo Đức Bild chỉ ra ba điều bất cập trong câu chuyện của Die Zeit: (1) Để có ba vụ nổ dưới nước, cần ít nhất 600-900kg chất nổ quân sự đặc biệt. Andromeda lại không có cần cẩu để thả số chất nổ này xuống nước an toàn. (2) Bằng cách nào "những kẻ thân Ukraine" đưa được nhiều chất nổ như vậy qua biên giới Ba Lan, rồi Đức mà không bị phát hiện. Và (3) cần thiết bị lặn đặc biệt để hoạt động ở độ sâu như vậy.

Ảnh: ZENNIE/PRIVATE MEDIA

Ảnh: ZENNIE/PRIVATE MEDIA

Vai trò Ba Lan và Ukraine

Những tình tiết phi lý này cũng được báo Mỹ The Washington Post 3-4 chỉ rõ trong bài "Các nhà điều tra hoài nghi vai trò của du thuyền trong vụ nổ DPB". Bài báo dẫn nguồn giấu tên "từ Văn phòng Tổng công tố Đức" nói cơ quan thực thi pháp luật ngờ rằng du thuyền Andromeda chỉ dài 15 mét khó thể "là con tàu duy nhất được sử dụng trong vụ tấn công táo bạo này". Theo họ, Andromeda có thể là mục tiêu giả, được đưa ra biển để đánh lạc hướng khỏi những kẻ phá hoại thực sự, vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Với những nghi ngờ nhắm vào Ba Lan, tờ Post dẫn lời Marcin Przydacz, cố vấn đối ngoại cấp cao của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, phủ nhận sự liên can của nước này. Tờ Post phân tích dù phản đối quyết liệt DPB, ông Duda ít có động cơ ra lệnh phá nó, do điều đó "có khả năng làm chia rẽ liên minh các quốc gia đang hỗ trợ Kiev. Các quan chức Ba Lan luôn coi cuộc xung đột Ukraine là của họ và lo ngại rằng nếu Vladimir Putin thành công ở Ukraine, Ba Lan có thể là nạn nhân tiếp theo".

Về phần Kiev, "Ukraine chắc chắn không tham gia vào việc thổi bay DPB", theo lời Mykhailo Podolyak - cố vấn trưởng của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ông nói không có lý do gì để đất nước mình lại tiến hành một chiến dịch có thể "gây bất ổn cho khu vực và chuyển hướng sự chú ý khỏi các hoạt động quân sự" ở Ukraine, "điều hoàn toàn không có lợi cho chúng tôi".

Hệ thống tất cả các thông tin này, Hersh kết luận rằng Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) "luôn chuẩn bị sẵn một câu chuyện che đậy trong trường hợp tình hình xấu đi". "Bằng cách dựng lên câu chuyện về những thợ lặn biển sâu và một thủy thủ đoàn không tồn tại, cơ quan này đã tuân theo mô thức cũ và câu chuyện là một phần của kế hoạch bí mật phá hủy các đường ống", Hersh viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận