World Cup và vị thế mới của thế giới Ả Rập

BAN CẦM 18/12/2022 14:43 GMT+7

TTCT - Đến giờ có thể khẳng định rằng World Cup 2022 đã thành công vang dội, không chỉ về mặt bóng đá và không chỉ với nước chủ nhà Qatar.

Bất kỳ ai bay với Hãng Qatar Airways thời gian gần đây có lẽ đều bắt gặp một đoạn video ngắn về Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong chương trình giải trí miễn phí trên chuyến bay. 

Giữa 15 phút đa phần đều dành để tự đề cao vai trò lãnh đạo của mình, ông nói về World Cup lần này: "Đối với Qatar và Trung Đông nói chung, đây là cơ hội thể hiện mình với thế giới".

World Cup và vị thế mới của thế giới Ả Rập - Ảnh 1.

Morocco đã làm nên kỳ tích ở World Cup 2022. Ảnh: geo.tv

Quyền năng của bóng đá

Infantino có vẻ đã đánh giá hơi thấp về khu vực mà ông đang nói đến. Thế giới Ả Rập là một phần rộng lớn của nhân loại, trải dài từ phía tây Đại Tây Dương đến phía đông Biển Ả Rập, từ phía bắc Địa Trung Hải đến vùng Sừng châu Phi và Ấn Độ Dương. 

Nếu chỉ định nghĩa thế giới Ả Rập là các quốc gia nói tiếng Ả Rập thì chúng ta vẫn đang nói về 22 quốc gia với diện tích 13 triệu km2 và dân số 430 triệu người.

Các quốc gia này chia sẻ ngôn ngữ và tôn giáo chung. Qatar là quốc gia Hồi giáo đầu tiên đăng cai World Cup, và điều này gây ấn tượng rất lớn với người dân các nước thuộc thế giới Ả Rập, là lý do quan trọng khiến họ đồng cảm với giải đấu này. 

Lễ khai mạc cũng mở đầu bằng trích dẫn Kinh Koran, giới thiệu với khán giả một trải nghiệm phần nào chân thực về các nghi lễ Hồi giáo.

Bóng đá cũng không chỉ thuần túy là một môn thể thao trong thế giới Ả Rập. Hỏi bất kỳ người Ả Rập nào, bạn sẽ thấy họ đều hâm mộ thêm một đội khác ngoài quốc gia và CLB của mình. 

Một số sẵn sàng bỏ ra cả tháng lương để đi du lịch khắp thế giới và xem đội mình yêu thích thi đấu. World Cup diễn ra ở Qatar có thể nói là điều mà cả thế giới Ả Rập đã mơ ước, chứ không chỉ mình nước chủ nhà.

Tuy nhiên, điều cũng nên nhớ khi theo dõi World Cup là Qatar từng trải qua những xung đột nghiêm trọng với các nước láng giềng thời gian gần đây. 

Từ năm 2017 đến đầu năm 2021, một liên minh các quốc gia Ả Rập, dẫn đầu là Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và cố phong tỏa, cô lập quốc gia này với thế giới.

Điều này dẫn đến nhiều hậu quả, như biên giới giữa Saudi và Qatar bị đóng cửa, còn Qatar Airways bị cấm vào không phận một số quốc gia. 

Nhiều nước đã hướng dẫn công dân của mình rời Qatar. Tranh chấp cuối cùng đã được giải quyết vào đầu năm ngoái, nhưng nó cho thấy ý tưởng về chuyện mọi quốc gia trong thế giới Ả Rập nghiễm nhiên trở thành huynh đệ chí cốt cũng không có cơ sở.

Nhưng bóng đá có sức mạnh kỳ lạ. Giới bình luận mô tả World Cup Qatar 2022 là "Woodstock [đại nhạc hội huyền thoại vì hòa bình ở Mỹ năm 1969] của thế giới Ả Rập" nhờ cách nó gắn kết người hâm mộ các quốc gia này với nhau. 

Tại Doha, người dân Tunisia, Saudi, Morocco và Syria đã tụ họp để kỷ niệm một trải nghiệm chung chưa từng thấy.

Tờ The Athletic đã phỏng vấn một loạt CĐV đến Qatar để hiểu điều này. "Một quốc gia Ả Rập, một quốc gia Hồi giáo - nó đại diện cho chúng tôi" - Ghaze, một người hâm mộ Tunisia, nói. 

Abdul, người Morocco, thì trả lời ngắn gọn: "Tất cả mọi người ở đây đều là anh em". Tại Jordan, rất nhiều người nói họ coi đây là kỳ World Cup cho toàn thế giới Ả Rập chứ không chỉ riêng Qatar.

World Cup và vị thế mới của thế giới Ả Rập - Ảnh 2.

Ảnh: Fast Company

Một ngôn ngữ, một tôn giáo, một tinh thần

Và dù Qatar phải rời giải sớm, các đội tuyển khác của khu vực đã làm thay họ trên sân bóng. Saudi rời giải ngẩng cao đầu sau khi đánh bại Argentina hùng mạnh ở trận ra quân. 

Morocco, bằng lối chơi kiên cường và quả cảm, lần lượt hạ Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha (có hơi trớ trêu, như cuộc chinh phạt bán đảo Iberia của Hồi tộc Umayyad những năm 700) để có mặt ở bán kết. 

Họ là đội tuyển châu Phi và Ả Rập đầu tiên đi sâu đến vậy trong suốt lịch sử 92 năm của World Cup. Một phép màu thực sự.

Khi các cầu thủ Morocco ghi bàn, họ ăn mừng theo một trình tự đã thành truyền thống: lạy Thượng đế để tạ ơn - một nghi thức thiêng liêng trong đạo Hồi. 

Hãy nhớ lại cả khoảnh khắc Zakaria Aboukhlal và Badr Benoun được thay ra trong trận tứ kết thắng Bồ Đào Nha 1-0. Cả hai chắp tay, cầu nguyện theo một nghi thức trong Hồi giáo gọi là "dua" - khẩn cầu sự giúp đỡ từ Thượng đế.

Không chỉ mang theo các biểu tượng, Morocco ngày nay còn là nơi giải tỏa những ẩn ức bị phân biệt của các quốc gia Ả Rập. 

Đất nước này, chỉ cách Tây Ban Nha một eo biển vỏn vẹn 13km, có nhiều điểm chung về văn hóa, khí hậu, ẩm thực... với vùng Nam Âu Iberia, nhưng giữa họ vẫn là những hố sâu không thể san lấp. 

Hai tuyển thủ Morocco, Achraf Hakimi và Munir Mohamedi, sinh ra ở Tây Ban Nha; bốn trong 26 thành viên đội hình của họ đang chơi tại La Liga, gồm Youssef En-Nesyri - người ghi bàn duy nhất vào lưới Bồ Đào Nha ở tứ kết. 

Chính HLV Walid Regragui cũng từng chơi cho Racing Santader từ năm 2004 đến 2006.

Nhưng ý thức của người Morocco về dân tộc mình rất mạnh mẽ. "Đúng, chúng tôi có nhiều cầu thủ đang chơi ở Tây Ban Nha - HLV Regragui nói trong cuộc họp báo trước trận tứ kết ở Doha - Đó là một quốc gia rất quan trọng với người Morocco. Và chúng tôi có những cầu thủ sinh ra ở Tây Ban Nha đấy, nhưng họ vẫn là người Morocco".

Ai cũng hiểu lý do. "Ngay cả với căn cước và hộ chiếu người Tây Ban Nha của tôi thì chuyện đó (kỳ thị) vẫn diễn ra", Hakimi kể với tờ El Mundo vào năm 2019 về quãng thời gian anh còn ở Real Madrid. "Họ thấy một cái tên Ả Rập. 

Họ nhìn thấy khuôn mặt Morocco của bạn. Dù muốn hay không, họ vẫn phân biệt mà không hay. Tôi nhận ra chuyện này và thấm nó hằng ngày. Tôi có rời Bernabeu trong một chiếc ô tô đẹp, đội mũ lưỡi trai, đi ăn với bạn bè... thì cảnh sát vẫn sẽ chặn xe tôi. Họ nghĩ chúng tôi vừa đi cướp xe".

World Cup và vị thế mới của thế giới Ả Rập - Ảnh 3.

Hakimi và bợ, Hiba Abouk. Ảnh: El Mundo

Vợ Hakimi, Hiba Abouk, là diễn viên sinh ra ở Madrid và có cha mẹ là người Tunisia nhập cư. Cô cũng từng phàn nàn về chuyện bị phân biệt đối xử. 

Cặp đôi này đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội rất nổi tiếng của họ để quảng bá cho các ngày lễ Hồi giáo truyền thống. 

Trước thềm World Cup, cả hai xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Vogue tiếng Ả Rập - dấu hiệu cho thấy họ là những người nổi tiếng khắp thế giới Ả Rập.

HLV Regragui, sau khi đánh bại Tây Ban Nha ở tứ kết, cũng đã được dịp trải lòng. "Trong mười năm là HLV, chẳng ai ngó ngàng đến tôi", ông kể về trải nghiệm bị các CLB ở những nền bóng đá hàng đầu ngó lơ. 

Regragui từng làm việc ở Qatar và Morocco trước khi nhận lời dẫn dắt đội tuyển quốc gia Morocco. 

"Tại sao họ không thuê HLV người Ả Rập? Có thể đó là vấn đề văn hóa hoặc một rào cản tâm lý. Ngày nay, tôi nghĩ Manchester City hay Barcelona sẽ không thuê một HLV Ả Rập. Họ thậm chí không hề nghĩ tới điều đó, như thể chúng tôi không xứng đáng hoặc thiếu hiểu biết hoặc không có khả năng gánh trọng trách".

Nhưng thế giới Ả Rập vẫn đang không ngừng vươn lên để thay đổi định kiến đấy, không chỉ trong thể thao. Đầu năm nay, ngôi sao Lionel Messi đã ký một thỏa thuận trị giá 30 triệu USD/năm quảng bá cho Saudi Arabia vận động đăng cai World Cup 2030. 

Thương vụ được tờ Forein Policy bình luận có thể làm "thay đổi vị thế địa chính trị" của khu vực. Cristiano Ronaldo cũng sẽ về Saudi Arabia chơi bóng cho CLB Al-Nassr từ mùa tới, với mức lương không tưởng 200 triệu euro/năm.

Dù World Cup lần này có ra sao, vị thế của thế giới Ả Rập đã thay đổi vĩnh viễn, và hứa hẹn bền vững, bắt đầu từ bóng đá. ■

Qatar, dù bị loại sớm, đã làm tốt nhiệm vụ định vị họ như trung tâm hòa giải của thế giới Ả Rập. Không có ví dụ nào về điều đó hay hơn cái bắt tay giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattaf El-Sisi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ở Doha vào tháng 11 vừa rồi, trong sự chứng kiến của Emir Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani.

Mối quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã căng thẳng nhiều năm, và tín hiệu hòa giải lần này được cho là kết quả của nhiều tháng đàm phán với sự trung gian của Qatar.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận