Xanh hơn, giàu có hơn

HẠNH NGUYÊN 06/01/2020 19:01 GMT+7

TTCT - Các mô hình kinh tế xanh sẽ thắng thế trong tương lai không xa không chỉ vì chúng sạch hơn và được coi là tiến bộ hơn, mà trước hết và quan trọng là vì chúng được dự báo tạo ra nhiều của cải lẫn công ăn việc làm hơn.

Ảnh: post-gazette.com
Ảnh: post-gazette.com

Hai giáo sư Mark Maslin và Lucien Georgeson (khoa địa lý University College London) trong nghiên cứu “Ước tính quy mô nền kinh tế xanh của Mỹ trong bối cảnh toàn cầu” vừa đăng trên Palgrave Communications, ước tính kinh tế xanh của Mỹ sẽ tạo ra số lượng việc làm gấp 10 lần so với nền kinh tế phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch trong cùng khoảng thời gian.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi các chính phủ đầu tư vào năng lượng xanh để giảm suy thoái môi trường. Khi vấn đề môi trường trở nên cấp thiết như hiện nay, nền kinh tế xanh được dự báo tăng trưởng mạnh trong vòng một thập kỷ tới.

Tuy điều này không có nghĩa là ngành năng lượng hóa thạch không tăng trưởng (số liệu từ Chính phủ Mỹ cho biết giai đoạn 2015-2016, các ngành than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên... đã tuyển dụng khoảng 900.000 nhân sự ở nước này), nhưng hai nhà nghiên cứu nhận thấy cùng thời gian đó, với nền kinh tế xanh, khoảng 9,5 triệu người đã được tuyển dụng, tương đương 4% dân số trong độ tuổi lao động.

Tăng trưởng của nền kinh tế xanh

Vì nền kinh tế xanh còn rất phân tán, các số liệu liên quan tới công ăn việc làm được tạo ra trong lĩnh vực này có thể đã không thể hiện đúng thực tế. Nghiên cứu đã tính toán 26 tiểu lĩnh vực của nền kinh tế xanh như nghề chấp pháp bảo vệ môi trường biển, thu gom carbon, hỗ trợ đa dạng sinh học, năng lượng gió và mặt trời, chống ô nhiễm không khí...

Phân tích chỉ ra nền kinh tế xanh trị giá 1,3 ngàn tỉ đôla Mỹ, đóng góp khoảng 7% GDP của Mỹ, chưa kể việc giúp chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo để đáp ứng các chuẩn khí thải quốc tế.

Khi nền kinh tế xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm tới, nhu cầu thị trường cho năng lượng và công nghệ xanh cũng tăng theo. Hiện nay, theo Ủy ban Thông tin năng lượng Mỹ, năng lượng xanh chiếm 15% tổng lượng điện tạo ra của Mỹ. Đầu tư vào năng lượng xanh đang tăng mạnh, và cả những nơi từng được gọi là thánh địa dầu mỏ cũng đang chuyển mình để bắt kịp xu hướng.

Ví dụ, Texas đang sử dụng một phần điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Mạng lưới điện từ gió và mặt trời tại Texas đang bổ sung cho nhau rất tốt. Tuy nhiên, lưới điện chưa sẵn sàng đáp ứng quy mô cao hơn. Khi nguồn cung của điện gió và điện mặt trời tăng, giá thành giảm, nghĩa là phải tính toán lại về cách sản xuất, truyền tải và bán điện.

Các khách hàng muốn sử dụng 100% năng lượng tái tạo, các bang muốn cắt giảm khí thải nhà kính và các công ty kinh doanh lĩnh vực tiện ích đang vội vã chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng như hạ tầng trước tình hình mới.

Gió và ánh nắng mặt trời là những nguồn năng lượng nhiều nhất trên thế giới và miễn phí, nhưng thách thức lớn nhất là sự hiện hữu gián đoạn của chúng. Mặt trời tỏa ánh sáng vào ban ngày, trong khi gió thường mạnh nhất vào ban đêm.

Vì sự khác biệt này, về mặt lý thuyết, nguồn này sẽ bổ trợ cho nguồn kia. Nhưng thực tế chỉ có ít nơi ở Mỹ đủ ánh nắng và lượng gió để cân bằng. Texas là nơi dồi dào cả hai nguồn đó. Texas cũng là một trường hợp rất đặc biệt của Mỹ: bang sản xuất dầu, than non và khí thiên nhiên lớn nhất nước, đồng thời là nơi sản xuất điện gió lớn nhất.

Phát biểu trên New Scientist, giáo sư Maslin cho rằng cần ủng hộ nền kinh tế xanh càng nhiều càng tốt và chỉ trích kế hoạch của chính quyền Donald Trump thúc đẩy phát triển dựa trên nhiên liệu hóa thạch là “ngu ngốc nếu tính toán về mặt kinh tế”.

Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy nhiều nước khác có thể khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế xanh vì Mỹ đang có nguy cơ đánh mất lợi thế nếu không phát triển các chính sách giáo dục, môi trường, năng lượng để hỗ trợ nền kinh tế xanh. Nghiên cứu chỉ ra rằng nền kinh tế xanh đem lại doanh thu trên đầu người cao hơn ở Mỹ so với các nước khác như Trung Quốc, các nước OECD hay G-20.

Giấc mơ không còn năng lượng hóa thạch

Về mặt công nghệ và kỹ thuật, toàn bộ Trái đất có thể hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2050. Một nghiên cứu xuất bản vào tháng 9-2019 khẳng định nếu sử dụng hết tiềm năng của năng lượng gió trên biển ở châu Âu sẽ thừa năng lượng cung cấp cho toàn châu lục.

Ngay từ năm 2009, Cơ quan Môi trường châu Âu đã xác quyết rằng nếu toàn bộ châu lục hoàn tất các dự án phong điện trên biển và đất liền thì lượng điện tạo ra sẽ gấp 20 lần nhu cầu của châu Âu vào năm 2020, nhưng hóa ra con số đó đã bị đánh giá quá thấp. Theo nghiên cứu mới, con số đó phải là 100 lần và đủ để đáp ứng nhu cầu cho toàn thế giới vào năm 2050.

“Nghiên cứu này không phải là kế hoạch để phát triển điện gió, mà là hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách về tiềm năng, những gì có thể làm và cơ hội tốt nhất đang ở đâu - đồng tác giả nghiên cứu Benjamin Sovacool, giáo sư chính sách năng lượng tại Đại học Sussex (Anh), cho biết - Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tiềm năng rất lớn ở mảng năng lượng gió, và hi vọng của châu Âu tạo ra lưới điện 100% từ năng lượng tái tạo hoàn toàn trong tầm tay về mặt kỹ thuật”.

Năng lượng gió không phải là không có vấn đề, và chúng ta phải ý thức rõ không có thứ nhiên liệu nào là “sạch thuần khiết”. Có một số yếu tố ngăn cản loại hình này trở nên thông dụng: sự thất thường của gió (để tuôcbin hoạt động hiệu quả thì gió phải mạnh liên tục); hiệu ứng gió - bóng (các tuôcbin làm thay đổi hướng gió và như thế “cướp gió” của các tuôcbin khác); nhiệt độ đảo lộn ở nơi lắp tuôcbin...

“Bất kỳ hệ thống năng lượng nào cũng ảnh hưởng tới môi trường - giáo sư kỹ thuật và vật lý David Keith nói với AP - Không có bữa trưa nào là miễn phí. Nếu quy mô dự án đủ lớn thì sẽ thay đổi tình hình”.

Khắp thế giới, sự dịch chuyển sang năng lượng xanh đang diễn ra nhanh chóng, thậm chí không phải chỉ ở các nước giàu. Kenya, quốc gia châu Phi với GDP bình quân đầu người chỉ hơn 2.000 đôla, đang trên hành trình trở thành quốc gia có khí phát thải bằng không và đã bắt đầu xây dựng những trang trại gió lớn nhất châu lục. Ở Trung Đông, UAE vừa ra mắt một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Đầu tư đúng: đầu tư vào kinh tế xanh

Khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một nguyên nhân khiến phát thải khí CO2 tăng, đe dọa sự sống của loài người trên Trái đất. Đầu tư vào nền kinh tế xanh không chỉ đem lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc gia và sự sống của những thế hệ tiếp theo, mà trên hết còn hiệu quả về mặt tài chính.

Theo báo cáo Viễn cảnh xã hội và việc làm thế giới: Việc làm trong nền kinh tế xanh của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2018, nền kinh tế xanh hơn có thể tạo ra thêm 24 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030, nếu các quốc gia thực thi các chính sách đúng.

Các công ăn việc làm mới sẽ được tạo ra khi thế giới ứng dụng các phương thức bền vững trong ngành năng lượng, sử dụng xe điện và cải thiện hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà hiện hữu và tương lai. Báo cáo bác bỏ luận điểm trước đây cho rằng xanh hóa nền kinh tế sẽ làm mất đi công ăn việc làm và gây ra suy thoái kinh tế.

Phó giám đốc Deborah Greenfield của ILO cho rằng kết quả nghiên cứu là thông điệp tích cực về cơ hội trong một thế giới của những lựa chọn phức tạp. Khi thế giới chuyển dần sang kinh tế xanh, ước tính có khoảng 6 triệu việc làm mất đi trong các lĩnh vực khai thác và lọc hóa dầu, than và điện từ than.

Báo cáo nhấn mạnh cần có các chính sách bổ sung để bảo vệ người lao động và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng. ILO cũng khuyến nghị các chính sách được thiết kế tốt sẽ tăng cường khả năng bảo vệ xã hội, hỗ trợ đầu tư xanh vì mục tiêu tăng trưởng cao hơn, tạo ra việc làm và phân bổ thu nhập công bằng hơn.

Tuy nhiên, riêng chính sách là không đủ, cần có sự cam kết mạnh mẽ hơn từ các công ty nhằm đạt được sự bền vững về mặt môi trường ở quy mô toàn cầu. Trên thế giới, 1,2 tỉ việc làm phụ thuộc vào một môi trường ổn định và khỏe mạnh.

Nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên, môi trường suy thoái sẽ ảnh hưởng tới việc làm, điều kiện làm việc vì công việc phụ thuộc vào các tài nguyên thiên nhiên. ILO cũng dự báo 72 triệu việc làm toàn thời gian sẽ mất đi vì Trái đất ấm lên. Nhiệt độ tăng cũng sẽ dẫn tới thời gian làm việc ngắn hơn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm khoảng 2% ở quy mô toàn cầu vào năm 2030.

Khí hậu, do đó, tác động trực tiếp tới tăng trưởng GDP, năng suất và điều kiện làm việc. Không khí, nước, ô nhiễm đất và các hình thức suy thoái môi trường khác ảnh hưởng tới sức khỏe, thu nhập, thực phẩm, an ninh năng lượng và hiệu suất làm việc của người lao động. Tất cả chỉ ra kinh tế xanh không chỉ là hình thức tăng trưởng kinh tế tiến bộ nhất, mà còn là khôn ngoan nhất.■

Những khái niệm bao gồm từ “xanh” và “kinh tế” có thể dễ gây hiểu lầm là cùng chỉ một mô hình, nhưng thật ra chúng rất khác nhau.

Đầu tiên là khái niệm nền kinh tế xanh (green economy). Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), nền kinh tế xanh được định nghĩa là mô hình kinh tế với các đặc tính phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội. Trong một nền kinh tế xanh, tăng trưởng việc làm và thu nhập được thúc đẩy bằng các hoạt động kinh tế, hạ tầng có giảm phát thải carbon và ô nhiễm, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng với tài nguyên và ngăn chặn việc hao mòn các lợi ích của đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Trong khi đó, kinh tế xanh (green economics) lại là một thuật ngữ khác, chỉ một thuyết kinh tế chú trọng duy trì mối liên hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên. Các kinh tế gia theo thuyết kinh tế xanh cho rằng cơ sở của mọi quyết định kinh tế đều phải gắn với hệ sinh thái và quan niệm rằng vốn tự nhiên (natural capital, tập hợp các tài sản của hệ sinh thái) cũng có giá trị kinh tế.

Lại có một mô hình kinh tế và nền kinh tế nữa, vừa giống mà vừa khác kinh tế xanh, đó là nền kinh tế sinh thái (ecological economy) và kinh tế sinh thái (ecological economics). Theo trang Investopedia, kinh tế sinh thái gần tương tự như kinh tế xanh vì cùng xem tài nguyên thiên nhiên có mang giá trị kinh tế đo đếm được, chỉ khác là những người ủng hộ kinh tế xanh sẽ thiên về mặt chính trị hơn khi ứng dụng các ý tưởng của mô hình kinh tế này (chẳng hạn buộc các chính phủ, ngành công nghiệp, cá nhân phải chịu trách nhiệm nếu ảnh hưởng đến “tài sản” thiên nhiên).

TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận