TTCT - Không chỉ nuối tiếc về một Sa Pa yên bình, thơ mộng, nhiều bạn đọc khi đọc và xem hình ảnh trong bài “Sa Pa trước ngã ba đường” và “Choáng váng Sa Pa” trên TTCT số 41 còn lo ngại cho tương lai của Sa Pa. TTCT xin cung cấp thêm các góc nhìn khác từ các nhà chuyên môn, nhà quản lý và “người trong cuộc”... Đến Sa Pa vào lúc này du khách sẽ bắt gặp những khung cảnh đau lòng. -Ảnh: Nguyễn Khánh Đâu rồi “Mây đi lên đi xuống”? Bây giờ, nhiều bạn nước ngoài và những bạn thích đi du lịch trong nước không ngại ngần nói thẳng với tôi rằng: “Shu à, tớ không đến Sa Pa nữa đâu!”. Tẩn Thị Shu, người sáng lập Công ty du lịch Sapa O'Chau (Cảm ơn Sa Pa), được trao giải bạc của giải thưởng Du lịch trách nhiệm thế giới 2016, không giấu được nỗi buồn sâu thẳm khi nhắc đến câu chuyện phát triển du lịch ở Sa Pa hiện nay. Sa Pa trong ký ức của Tẩn Thị Shu những năm 1990 mang vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, chứ không ầm ĩ như bây giờ. “Những ruộng bậc thang, những buổi sương mù, những con đường nhỏ quanh thị trấn... Tôi đi bán hàng rong mà như bồng bềnh trong mây. Những buổi chiều ngồi ở chân nhà thờ Sa Pa, tôi có thể nhìn rõ mây đi lên đi xuống trên những đỉnh đồi, đỉnh núi xa xa. Những đêm mùa đông, Sa Pa tịch mịch trong giá lạnh. Bây giờ tôi không thể có lại được cảm giác đó nữa”. Sa Pa giờ cũng đông đúc, tắc đường như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... Những người yêu Sa Pa như Shu không khỏi xót xa khi những con đường bị phá, những ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa không còn... Những công trình bêtông, cốt thép mọc lên san sát ngay giữa trung tâm thị trấn. “Sa Pa không phải chỉ của thế hệ tôi và các bạn mà còn của con cháu chúng ta. Chúng ta sẽ để lại Sa Pa thế nào cho mai sau? Sa Pa đâu cần mấy triệu khách đổ về mỗi năm? Có lẽ bây giờ đã quá muộn để nói đến vấn đề này. Đó không phải là cách làm du lịch bền vững. Nếu Sa Pa là con gà đẻ trứng vàng thì mọi người phải cùng bảo vệ, chăm sóc nó, chứ sao lại xẻ thịt nó, chỉ vì lợi ích hôm nay?” - Mỗi lần nhắc đến chuyện làm du lịch ở Sa Pa hiện nay, Tẩn Thị Shu luôn trăn trở như thế. Hơn 10 năm trước, họa sĩ Trần Hùng quyết định gắn bó lâu dài với Sa Pa bởi thị trấn này cuốn hút anh từ khí hậu, cảnh đẹp thiên nhiên đến nét văn hóa đa sắc tộc không nơi nào có được. Giờ thì anh nuối tiếc: “Kiến trúc đặc thù của Sa Pa là nếp nhà của người Mông, người Dao giờ không còn nhiều. Kiến trúc thời Pháp với những biệt thự nho nhỏ cùng những bờ kè đá giờ đã mất. Sa Pa hiện tại là tổng hợp của những kiến trúc lai căng, ai nấy đều cố gắng xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng thật to, thật cao”. Anh kể: “Tôi thường xuyên đến các làng bản để tìm lại những giá trị ngày xưa tôi đã gặp ở Sa Pa. Những chuyến đi ấy giúp tôi nhận ra rằng việc hàng loạt công trình mọc lên ở thị trấn nhỏ bé này chưa phải là vấn đề lo lắng nhất”. Đáng lo hơn, theo anh Hùng, cách Sa Pa khoảng 20km đã thấy rất rõ sự phát triển công nghiệp lấn sâu vào trong các làng bản. Những căn nhà bêtông, cốt thép được dựng lên ngày càng nhiều để khai thác du lịch - điều này còn nguy hiểm và khủng khiếp hơn chuyện khu trung tâm Sa Pa đang xây dựng ầm ĩ hiện nay. “Cứ với tốc độ xâm chiếm của đô thị hóa như vậy, lại thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn trong phát triển du lịch bền vững, thì không biết 10 hay 15 năm nữa, Sa Pa có còn các làng bản hay không? Khi làng bản không còn, Sa Pa sẽ chết” - anh nói. Màu xanh đang mất dần ở Sa Pa. Ảnh: Nguyễn Khánh Bài học chưa thuộc? Theo TS Đặng Hoàng Giang - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, sự phát triển nóng của Sa Pa hiện nay sẽ khiến Sa Pa trở thành một nơi không đáng sống. “Chính quyền đang “thả cửa” cho xây dựng và không theo nguyên tắc nào về quy hoạch đô thị dù trước đây, đơn vị tư vấn quy hoạch của Pháp đã giúp họ một bản quy hoạch Sa Pa rất tốt theo hướng phát triển bền vững”. Trong tương lai gần, Sa Pa sẽ chỉ là nơi để du khách trong nước lên ăn uống vào dịp cuối tuần, du khách nước ngoài sẽ không đến đây nữa vì họ đến Sa Pa không phải chỉ để ngắm những ngôi nhà cao tầng. Ông Giang nhắc lại, dù những năm trước, nhiều người lo ngại và cảnh báo nhưng không ngờ tốc độ lại quá nhanh như vậy. “Một thị trấn nhỏ như vậy mà dự kiến năm 2030 sẽ đón 5,2 triệu khách là con số khủng khiếp, không hạ tầng cơ sở nào có thể chứa từng đó người trong một khu vực nhỏ như vậy nếu không phá hủy những gì làm Sa Pa đáng giá như ruộng bậc thang, những con đường nhỏ và sự yên tĩnh trong trẻo của nơi này” - ông Giang nói. Trên thế giới đã có nhiều bài học đắt giá về phát triển nóng trong du lịch, việc Sa Pa không tránh được “vết xe đổ” là điều khiến giới chuyên gia ngạc nhiên. Và phía gánh chịu sẽ là cộng đồng bản địa, môi trường, thiên nhiên. PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cũng có cái nhìn tương tự và cho rằng hiện nay thực sự khó để “cứu” Sa Pa. “Đừng nhìn vào số lượng du khách ùn ùn đến Sa Pa mà nói rằng đó là thành công. Sa Pa phải làm được công việc chắt lọc khách và nhà đầu tư, những người yêu thích trải nghiệm và yêu thiên nhiên, thay vì những người ăn xổi, không ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên. Những chỉ tiêu Sa Pa phải đón mấy triệu lượt khách mỗi năm có ý nghĩa gì, khi những giá trị văn hóa, môi trường, thiên nhiên, cảnh quan không được bảo tồn?” - ông chỉ rõ nguy cơ. Từ góc nhìn của một nhà tổ chức tour, ông Lưu Đức Kế - giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist - nhắc lại lời cảnh báo về tình trạng xây dựng tràn lan ở Sa Pa để phát triển du lịch từ cách đây hàng chục năm. “Nhiều du khách nước ngoài phản ảnh khi tra các địa danh du lịch nổi tiếng ở Việt Nam thì Sa Pa luôn là địa điểm ưu tiên của họ, nhưng khi đến nơi thì họ thất vọng. Khách trong nước đến thị trấn nhỏ bé này cũng thất vọng chứng kiến tình trạng luôn quá tải ở thị trấn nhỏ bé này. Từng đoàn người đông đúc đến Sa Pa nhưng chỉ thoáng chốc rồi trở về” - ông Kế bày tỏ sự thất vọng.■ ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch): Mở rộng không gian cho Sa Pa Về nguyên lý, chủ trương và nguyên tắc phát triển du lịch bao giờ cũng phải gắn với mục tiêu bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường, thiên nhiên. Nhưng không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện được điều này. Sa Pa hiện nay đang bị nén với mật độ quá cao tại trung tâm thị trấn, từ đó bộc lộ ra tất cả hệ lụy với giao thông, môi trường, đời sống văn hóa người dân bản địa... Chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân phải nhận thức được sự tổn hại đó khi phát triển du lịch quá nóng, lại thiếu kiểm soát như thế. Thực trạng này sẽ phương hại đến lợi ích lâu dài của Sa Pa. Giải pháp khắc phục những hệ lụy của sự phát triển ồ ạt ở Sa Pa không dễ, cần phải có thời gian và các giải pháp đồng bộ. Khi tham gia làm quy hoạch cấp vùng, các địa phương, bao giờ ngành du lịch cũng đưa ra quan điểm và giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, văn hóa bản địa bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể. Nhưng thông thường, các địa điểm du lịch bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển thường diễn ra tương đối ồ ạt và nhanh, khi nhận ra hệ lụy của nó thì đã muộn hoặc quá muộn mà việc khắc phục không dễ. Sa Pa là bài học cảnh báo cho những điểm đến khác trên cả nước. Ông Nguyễn Đình Dũng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai: Phát triển nóng là tất yếu khách quan Những người quan tâm tới Sa Pa nói rằng họ lo ngại về sự phát triển du lịch quá nóng và không bền vững ở đây. Bằng chứng rõ nhất là hàng loạt công trình xây dựng đang mọc lên ở trung tâm thị trấn cũng như các vùng xung quanh với mật độ dày đặc. Ông nghĩ gì về ý kiến đó? Sa Pa phát triển nóng là một tất yếu khách quan vì Sa pa là một thương hiệu du lịch quốc tế lớn. Trước đây đến Sa Pa đa số bằng đường tàu và mất 8h giờ, nhưng từ khi có cao tốc Nội Bài – Lào Cai thì thời gian rút ngắn còn một nửa. Vì lượng khách tăng lên khiến Sa pa quá tải về dịch vụ du lịch như thiếu dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhiều dịch vụ khác. Khi lượng khách tăng nghĩa là “cầu” tăng trong khi “cung” Sa Pa đang gần như không thay đổi. Điều đó dẫn tới việc Sa Pa phải đầu tư thêm để đáp ứng nhu cầu của du khách, cũng đồng nghĩa với việc Sa Pa đang phát triển nóng để giải quyết bài toán cung - cầu. Chúng ta không nên nhìn Sa Pa theo hướng cực đoan mà phải trên quan điểm toàn diện. Khi có nhu cầu của du khách thì phải có cung ứng các dịch vụ đáp ứng. Lượng khách đến Sa Pa sẽ tăng mà nếu không đầu tư sẽ không đáp ứng nhu cầu du khách. Quy hoạch tổng thể Sa Pa thành khu du lịch quốc gia phạm vi rộng toàn huyện và phát triển mở rộng sang cả huyện Bát Xát. Như vậy tương lại đầu tư của Sa pa sẽ mở rộng xuống các trung tâm du lịch xung quanh thị trấn và bên ngoài thị trấn. Sa Pa sẽ phải mất một thời kỳ xây dưng, cải thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu du khách. Trong quá trình xây dựng đồng loạt không tránh khỏi vấn đề môi trường, vệ sinh ảnh hưởng. Nhưng chỉ mất một thời gian Sa Pa sẽ phong quang, sạch đẹp và vẫn là điểm đến hấp dẫn của du khách. Những dự án mở rộng ra thị trấn đều là những dự án được đánh giá tác động môi trường kỹ càng, khuyến khích các dự án du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường do đó Sa Pa vẫn phát triển theo hướng bền vững. Theo bản Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, dự kiến Sa Pa sẽ đón khoảng 5,2 triệu lượt khách. Liệu có quá tải với Sa Pa hay không? Đây là con số mong đợi dự kiến, trong thực tế có thể không đạt hoặc vượt số liệu này. Chúng ta nên có cách nhìn mở rộng về lượng khách đến Sa Pa trong tương lai. Nếu chỉ là khách lưu trú sẽ khó đạt con số trên, nhưng nếu lấy lượng khách trong ngày đến Sa Pa du lịch rồi về trong ngày bằng xe ô tô cũng không phải là ít khi mà tương lai có đường kết nối từ thành phố Lào Cai đến Sa Pa. Hơn nữa phạm vi quy hoạch khu du lịch quốc gia Sa Pa rất rộng (không bó hẹp tại thị trấn), nên số lượng khách trên Sa Pa hoàn toàn đáp ứng khi đầu tư Sa Pa mở rộng xa khỏi địa bàn thị trấn. Các chuyên gia đã cảnh báo, du lịch Sa Pa phát triển nóng, chạy theo số lượng sẽ kèm theo hàng loạt hệ luỵ … Vấn đề phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng đều có tính hai mặt nếu không kiểm soát tốt. Khi du lịch Sa Pa phát triển sẽ tác động tới cuộc sống của cộng đồng, có người được hưởng gián tiếp, có người hưởng trực tiếp, nhưng chắc nhìn rộng ra cộng đồng sẽ có lợi. Tất cả các dự án đầu tư đều có cam kết sử dụng từ 60% đồng bào địa phương thì du lịch sẽ là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề lao động và xóa đói giảm nghèo. Trong xu hướng phát triển, Sa Pa sẽ được quản lý bằng Quy chế du lịch. Nhà nước cũng nghiên cứu chính sách du lịch hướng tới cộng đồng đảm bảo phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn văn hóa, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực từ du lịch. Với phạm vi quy hoạch khu du lịch quốc gia rất rộng thì việc đón vài triệu lượt khách tới Sa Pa là hoàn toàn có thể chứ không chạy theo thành tích. Nếu đường giao thông tới Sa Pa tốt và đặc biệt đường giao thông từ thị trấn tới các khu du lịch vệ tinh tốt, dự đoán khách sẽ chọn nhiều khu sinh thái bên ngoài thị trấn thay bên trong thị trấn. Đó là phù hợp với xu thế phát triển của Sa Pa trong tương lai. Tags: Sa PaDu lịch Sa paPhát triển Sa PaPhát triển và đánh đổi
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.