Xin chào cuộc sống!

TRẦN NGUYÊN 03/03/2018 22:03 GMT+7

TTCT - Còn hơn 300 ngày nữa là đến mùa xuân mới, hi vọng sẽ được gặp lại một cái tôi mới, khỏe mạnh hơn, chăm chỉ hơn để lại mỉm cười an nhiên: Xin chào cuộc sống!

mh

Đầu năm, một cựu giảng viên đại học Mỹ gửi đến tôi lời chúc tết khá lạ: “Xin chào cuộc sống!”. Ông cũng gửi kèm đường link của một chương trình truyền hình thực tế, mà với ông, như một thông điệp an lành nhất của năm mới để gửi cho mọi người: “Tiếng hát Gia Lai lại tràn đầy thanh thản. H’Thep sẽ đến trường, học và chơi cùng bạn. Không còn lạnh lẽo nào trên gương mặt em. 30 ngày sau cuộc phẫu thuật, chương trình cùng với gia đình em đã vui sướng nhìn thấy nụ cười xinh đẹp nhất trần gian: nụ cười H’Thep”.

Từ “Vết sẹo của trái tim”

Và trong mấy ngày tết, tôi cứ ngồi coi không dứt ra được những chương trình đã phát của “Xin chào cuộc sống”.

Ở đó, cô biên tập viên Đỗ Thụy không trang điểm, không nói những lời hoa mỹ, đứng co ro trong sương sớm của núi rừng Tây Nguyên để kể một câu chuyện, một mảnh ghép khác trong chuỗi hành trình mà cô đã rong ruổi nhiều năm qua: chuyện về hạnh phúc, một cuộc sống mới khỏe mạnh hơn, nhiều năng lượng hơn và của nụ cười những em nhỏ được chữa lành khỏi những nỗi đau trần thế. Khi khỏe, chúng ta muốn rất nhiều điều, nhưng khi không khỏe, tất cả những gì mơ ước chỉ là được khỏe mạnh hơn.

Video clip mà vị giảng viên nọ chia sẻ, kể chuyện một cô bé bị sứt môi được chữa lành bởi các bác sĩ tận tâm ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. H’Thep từng sống với nỗi đau tưởng chừng sẽ gắn với em suốt cuộc đời, không thể hát những bài hát về cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, vẻ đẹp giản dị của lối xóm, sự hồn nhiên và trẻ thơ của các em nhỏ trên núi.

Chương trình tìm thấy em, rủ em về miền xuôi, gặp bác sĩ, nghe giải thích chi tiết các vấn đề của chứng bệnh mà em gặp phải, rồi cùng theo cô bé vào phòng giải phẫu để nhìn đường dao mổ, nhìn ánh mắt chăm chú, đôi tay điêu luyện mà cẩn trọng của bác sĩ mổ, các hoạt động hậu phẫu, để cuối cùng là nhìn thấy một nụ cười. Người xem nhận được nhiều hơn là một câu chuyện xúc động, mà còn là kiến thức về sức khỏe cộng đồng, chăm sóc y tế để có cuộc sống lành mạnh hơn.

Lại nhớ Đỗ Thụy, cô MC xinh đẹp tài năng thuở nào, bỗng dưng biến mất sau hàng loạt tin đồn. Cô đi Anh du học, như một cách bước lui khỏi những hào quang lẫn nhọc nhằn của cuộc sống, và trở lại với giải thưởng quốc tế dành cho phim tài liệu sinh viên hay nhất. Cô đặt tên cho bộ phim đoạt giải của mình là Vết sẹo của trái tim - có lẽ không chỉ là câu chuyện của cô bé Tình, bị tim bẩm sinh, bị mẹ ruồng bỏ, đi bán vé số mưu sinh ở một phố huyện nhỏ bé gắn với nắng, gió và cát - mà còn là câu chuyện vết sẹo của những thăng trầm trong cuộc sống mà ai cũng từng trải qua.

Có lần, Đỗ Thụy nói với khán giả của mình: “Những chuyến đi về nông thôn Việt Nam mang đến cho tôi những góc nhìn rõ nét về phần lớn người nghèo trong xã hội đương thời mà bộ phim có thể chuyển tải đến khán giả: Tình yêu có lẽ nên là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. 

Nhưng sự chông chênh cơm áo và những giá trị vật chất trước mắt đã làm mờ đi ánh sáng và sức mạnh của tình yêu, thậm chí đó là tình yêu tưởng chừng rất bền chắc: gia đình. Từ đó, trẻ em bị thiệt thòi rất nhiều: lao động mưu sinh, và không có tuổi thơ hạnh phúc bình thường”.

Nhưng cũng như Tình, như H’Thep, như Đỗ Thụy, ngày mới, nắng lên, họ lại tìm thấy nụ cười của mình. Khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

Đến “báu vật quốc gia”

Vẫn còn những ngày xuân thì nhận được thư nhà của gia đình chị Đặng Hương Giang - người làm dự án “Hành động vì đô thị” chuyên trị những việc nhỏ, nhưng có ích cho đời: xử lý nước cho một con kênh, dạy học về sáng tạo cho thanh thiếu niên, giới thiệu nghệ thuật đương đại cho người dân phố cổ Hội An. Năm nào gia đình này cũng viết một lá thư ngắn, kể chuyện bốn thành viên trong nhà của chị để gửi đến bạn bè.

Năm nay, thành tích của chị Giang là mở được một không gian ngồi thiền ở sân nhà, thường thì cả nhà tự tập với nhau, có khi mở cửa cho bạn bè và du khách Hội An cùng đến tập. Con trai chị thì kể chuyện bắt đầu tập đá bóng và chơi cờ vua, lại vừa có đai xanh một môn võ. Con gái chuẩn bị 13 tuổi thì khoe việc biến tiệc sinh nhật của mình thành buổi hòa nhạc cùng bạn bè để gây quỹ cho các hoạt động cộng đồng.

Đọc thư nhà của chị Giang, bất giác liên tưởng tới những đứa trẻ trong “Xin chào cuộc sống”. Thân phận và cuộc sống có khác nhau, nhưng dường như quyền được mơ ước về cuộc sống khỏe mạnh, không chỉ về cơ thể, mà còn cả tâm hồn, luôn là một trong những điều quan trọng nhất mà nhiều khi bị bỏ quên. 

Nó làm nhắc nhớ chuyện của ông tỉ phú Jack Ma - một người gây ra nhiều nguồn dư luận khác nhau - mà bản thân tôi rất không thích ông này. Vì không thích nên lại chịu khó ngồi xem hầu hết những bài nói chuyện của ông để tự rèn luyện khả năng suy nghĩ không thành kiến của bản thân mình.

Đúng là việc cổ vũ làm giàu của ông khiến nhiều người khó chịu, nhưng quan điểm về cuộc sống của ông thì thật đáng quan tâm: “Chúng ta đều muốn sống hạnh phúc. Nhưng chúng ta không thể hạnh phúc khi không có sức khỏe. Khoa học đang phát triển, nên con người sẽ sống lâu hơn. Sống lâu hơn, không đồng nghĩa với chúng ta khỏe mạnh hơn, vậy thì không thể hạnh phúc. Nếu thế thì sống lâu hơn để làm gì?”.

Ý của Jack Ma, như là một cách cụ thể hóa ở mức sơ khai nhất của triết lý mà Winston Churchill, thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel văn học, theo đuổi: “Những công dân mạnh khỏe là báu vật mà mỗi quốc gia có thể sở hữu”. Có lẽ người đàn ông mắc chứng nói không rõ lời này lấy mình ra làm minh chứng: ông là người lính, nhà báo, nhà văn, họa sĩ, chính trị gia và được bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử thế giới. Không có sức khỏe, lấy gì mà làm được chừng đó việc?

Và ông còn để lại một lời khuyên khác, dành cho những ai còn đang lo lắng về sự nghiệp của mình: “Tiếp tục cố gắng không ngừng, chứ không phải sức mạnh hay trí tuệ, mới là chìa khóa khai phá tiềm năng của mỗi người!”.

Sức mạnh của sự chậm rãi

Trong một thế giới mà mọi thứ đều đang trở nên nhanh hơn, vội vã hơn, lời khuyên của Churchill như một tiếng chuông, nhắc người ta quay lại với cuộc sống trên chính đôi chân của mình. Internet đang ngày càng nhanh, máy tính cũng nhanh, xe chạy cũng nhanh, và thậm chí người chạy bộ cũng nhanh hơn, thì chuyện cứ chăm chỉ, và kiên nhẫn, có vẻ khó.

Mấy hôm tết, ngày rộng tháng dài, có vẻ được sống chậm hơn một chút nên thử lục lọi xem những người giàu nhất, giỏi nhất thế giới đã nói gì về chuyện cứ phải kiên nhẫn và chăm chỉ. A, hóa ra ông nào cũng khuyên giống nhau.

Chẳng hạn người luôn có mặt trong danh sách giàu nhất thế giới, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett bảo rằng: “Điều tốt thì cần thời gian. Chúng ta đâu thể tạo ra một đứa bé trong 1 tháng bằng cách làm cho 9 người phụ nữ mang thai?”. Ông nhà giàu nhất châu Á Lý Gia Thành thì luôn dặn: “Làm gì thì làm, hãy nhớ chăm chỉ, và bắt đầu từ những điều nhỏ nhất”. Hay như một người “cha đẻ” của nước Mỹ là Abraham Lincoln thì cũng tự nhận: “Tôi là người đi chậm, nhưng không bao giờ thoái lui”.

Ngay cả “siêu nhân” Elon Musk cũng thừa nhận: “Có những việc muốn nhanh cũng không được!”. Chẳng hạn, công ty làm về giao thông 3D thông qua hệ thống hầm ngầm của ông, được đặt tên là “nhàm chán”, vì còn lâu mới thành hiện thực, phải giữ chân người hâm mộ bằng cách... bán nón. Mấy ngày tết, ông bán được 50.000 cái nón có dòng chữ “The Boring Co.”.

Lại nhận được thư của ông Samir Becic, sáng lập tổ chức “Cuộc cách mạng về sức khỏe”, trong đó ông nói về một người bạn đặc biệt của mình: ông chủ Facebook Mark Zuckerberg. “Ai cũng sẽ ngạc nhiên khi biết đây là con người sở hữu cuộc sống lành mạnh và chăm chỉ tập thể dục nhất. Anh cũng tập thể dục cho tinh thần của mình luôn minh mẫn, tràn đầy yêu thương và năng lượng mới của cuộc sống mới...”.

Còn hơn 300 ngày nữa là đến mùa xuân mới, hi vọng sẽ được gặp lại một cái tôi mới, khỏe mạnh hơn, chăm chỉ hơn để lại mỉm cười an nhiên: Xin chào cuộc sống!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận