Xoay lại một góc nhìn

LÊ THỦY LỆ 08/06/2012 04:06 GMT+7

TTCT - Tôi nhận dạy vẽ cho mấy học sinh cấp I tại nhà, chuẩn bị thi học sinh giỏi vòng huyện môn mỹ thuật.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Trong bài tập vẽ tự chọn của một bé gái lớp 5, dù biết em đang vẽ gì, tôi vẫn hỏi để em trình bày thêm ý tưởng: “Màu sắc đẹp lắm! Nhưng em đang vẽ cái gì đây?”. Câu trả lời khiến tôi té ngửa: “Dạ con cũng hổng biết! Con vẽ “thí đĩ mẹ” cho xong!”.

Tôi bị sốc nhưng cố nén cười. Không mấy ngạc nhiên bởi tôi biết mẹ cô bé ấy, đó là đứa em họ của tôi, cũng y chang cái kiểu ăn nói ấy: ồn ào, bỗ bã, bốp chát, chửi thề không thua gì đàn ông. Sống trong môi trường gia đình như thế, cộng thêm những tác động hằng ngày của môi trường xã hội, đòi hỏi có được một em bé nhu mì, lễ phép quả là một điều rất khó.

Ngày còn đi dạy hay lúc đã nghỉ hưu, tôi vẫn thường gặp lại các học sinh cũ. Đa số các em vẫn kính trọng và lễ phép với thầy cô. Tôi hiểu điều đó khi có dịp ngồi lại nói chuyện với các em lúc gặp ngoài đường hay trong những dịp lễ tết. Đi ngoài đường, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những cách chào hỏi thầy cô mà dưới cái nhìn của nhiều người khác là thiếu lễ độ, lệch chuẩn...

Các em có thể bất ngờ reo lên ầm ĩ, vẫy vẫy cả hai tay gọi “Cô, cô” khi đứng một nhóm vài em ở đầu cầu, góc đường... Các em có thể chào thầy cô bằng những cách, những kiểu mà tôi không thể đoán ra trước. Và nếu gật đầu đáp lại, chắc chắn sẽ nhận được nơi các em những nụ cười sung sướng lẫn hạnh phúc.

Hồi xưa ba mẹ vẫn dạy tôi ra đường gặp bất cứ thầy cô nào, dù không dạy mình, cũng phải ngả nón, khoanh tay cúi đầu lễ phép chào! Tôi đã làm như thế, làm như bao đứa học trò ngoan ngoãn thời đó. Và tôi cũng đã mang những giá trị ấy đặt vào học sinh của tôi, xem như là khuôn mẫu, là chuẩn mực đạo đức của một học sinh được dạy dỗ tử tế ở gia đình và trường học.

Thế nhưng cuộc sống đã đổi khác và những giá trị sống cũng dần dần được thay thế đến mức những người đi trước nhìn thế hệ con cháu rồi buột miệng than thở: “Lũ trẻ bây giờ hư hỏng nhiều lắm rồi!”.

Công bằng mà nói, bên cạnh những đứa trẻ lễ phép đúng mực thì vẫn có một số em chẳng thèm chào hỏi thầy cô khi bất ngờ chạm mặt giữa đường. Thế nhưng nhìn chung, nhiều em vẫn là những đứa trẻ lễ độ và không quên ơn thầy cô. Có điều sự lễ độ và nhớ ơn đó đã thể hiện bằng một cách khác, rất khác: thoải mái hơn, thân thiện hơn...

Tôi vẫn phân vân giữa những câu hỏi rằng lớp người như tôi đang dần lạc hậu, đang sống trong sự khô cứng, giáo điều? Nếu người ta có thể thiết kế lại những giấc mơ, có thể tái cấu trúc một nền kinh tế thì tại sao người ta không thể thay đổi một chút những giá trị đạo đức, những chuẩn mực hành xử mà xem ra chẳng còn phù hợp với cuộc sống đang tiến lên từng ngày?

Không lý nào chúng ta tự tạo cho mình hình tượng vị thánh sống bằng cách xa rời người khác, tạo sự kính trọng và biết ơn bằng cách đứng chót vót trên cao? Lý nào chúng ta hô hào cho việc nối gần khoảng cách thế hệ bằng thái độ đứng ngoài những suy nghĩ, những tình cảm của các em?

Giơ tay chào các em khi các em chào thầy cô ngoài đường. Chủ động hỏi thăm các em trước khi các em hỏi thăm mình... Những điều đó chắc không làm “mất giá” thầy cô, ngược lại còn tốt hơn việc quay lưng trách cứ và ôm giữ cái hào quang lấp lánh của lớp người đi trước.

Có lẽ tới lúc phải xoay lại góc nhìn của người lớn. Có lẽ tới lúc phải nhặt thêm vào và bỏ bớt đi những thứ cần và không cần cho cuộc sống. Phải “tái cấu trúc” những giá trị sống, tập làm quen và chấp nhận những cách thể hiện tình cảm và tính cách của bọn trẻ để thấy chúng vẫn đáng yêu và cuộc đời vẫn đẹp đẽ vô cùng!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận