Xót xa văn miếu Quảng Nam

DƯƠNG VĂN ÚT 14/02/2012 22:02 GMT+7

TTCT - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhiều công trình văn miếu ở Quảng Nam đang bị rơi vào tình trạng xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích.

Phóng to
Khổng Miếu ở Tam Kỳ đang được trùng tu - Ảnh: Dương Văn Út

Vào thế kỷ 19, Quảng Nam xuất hiện năm khu văn miếu lớn là Cẩm Phô Miếu (TP Hội An, đầu thế kỷ 19), Văn Miếu Chiên Đàn hay Khổng Miếu (TP Tam Kỳ, năm 1840), Văn Miếu Hàng huyện (huyện Duy Xuyên, năm 1850-1860), Văn Miếu Hà Lam (huyện Thăng Bình, năm 1856) và Cồn Văn Miếu (huyện Đại Lộc, cuối thế kỷ 19). Đó là những công trình kiến trúc - văn hóa - nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu cho truyền thống hiếu học của mảnh đất “Ngũ phụng tề phi”.

Ngoài văn miếu ở Hội An được chăm sóc kỹ hơn nơi khác, gần đây khi trở lại thăm những văn miếu này, thấy vui khi Khổng Miếu ở TP Tam Kỳ đang trong giai đoạn trùng tu, tôn tạo. Nhưng không biết ở những nơi khác ra sao? Nhìn những tấm văn bia tại khu Văn Miếu Hà Lam bị vứt lăn lóc, nằm ngổn ngang trên hành lang của một nhà thờ tiền hiền làng Hà Lam ai không xót xa. Còn văn bia Hàng huyện nay chỉ còn hai trụ đổ nát đứng trơ trọi ngay sát tuyến quốc lộ 1A qua thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) chắc chẳng bao lâu nữa sẽ ngã đổ.

Hiện nay, trong tám văn miếu, duy chỉ có khu Khổng Miếu đã được xếp hạng di tích quốc gia (2006) và hai di tích cấp tỉnh gồm khu phế tích Văn Từ Phủ Điện Bàn (2008) và Cồn Văn Miếu (2007). Năm di tích còn lại gồm Văn Miếu Hội An, Văn Miếu Cẩm Phô, Văn Chỉ Minh Hương, Văn Miếu Hàng huyện, Văn Miếu Hà Lam thì chưa có “danh phận”.

Phóng to
Những tấm văn bia ở Văn Miếu Hà Lam nằm lăn lóc - Ảnh: Dương Văn Út

Chưa kể những khu văn miếu nằm chờ... công nhận, các khu văn miếu đã được công nhận đều cần sự chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng, nếu không chẳng biết chúng còn tồn tại được bao lâu trước sự bào mòn của thời gian.

Ông Trần Ngọc Đội, trưởng Phòng văn hóa - thông tin huyện Thăng Bình, bức xúc: “Nhìn những tấm bia nằm lăn lóc, ngổn ngang, bừa bộn, chúng tôi không khỏi xót xa, bức xúc và chạnh lòng... Tất cả chỉ vì kinh phí của tỉnh eo hẹp nên khó khăn trong việc bảo quản những tấm bia này. Trước mắt, tỉnh chỉ có thể tu bổ những di tích đã được xếp hạng. Để có cơ sở pháp lý, tỉnh đang lập hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để công nhận là di tích cho khu văn miếu cấp tỉnh, sau đó là công nhận di tích cấp tỉnh cho những khu văn miếu còn lại”.

Văn miếu cùng với những văn bia là một minh chứng cho truyền thống hiếu học của người Quảng Nam. Bởi vậy, ngay bây giờ cần có những biện pháp kịp thời để bảo vệ những khu văn miếu hay cụ thể là những văn bia còn lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận