TTCT - Hăm tám tết về nhà nhìn khạp dưa mít, giá đỗ, dưa chua sau bếp của má mà thèm món bánh tráng cuộn. Má nói lu bu quá nên quên chưa mua bánh tráng, để mai má xuống chợ Phú Thứ. Phóng to Ảnh: L.N.H. Rồi má lại nói lúc trước mỗi lần cần bánh tráng, mấy bước chân qua rào nhà hàng xóm hay qua bên kia đường là có, còn giờ phải xuống chợ, mà chợ giờ cũng toàn bán loại bánh tráng tráng bằng máy, trắng tinh, cắt gọt tỉa xén trăm cái như một tròn đều dăng dăng ăn nghe lạt lẽo thế nào, không giống như bánh được tráng bằng tay, trắng màu đùng đục còn vương mấy cọng râu tre phên liếp mới đúng điệu bánh tráng quê... Vòng vèo con đường uốn lượn quanh Làng Tre qua xã An Điền, Bến Cát. Lặn lội mãi cuối cùng tôi cũng tìm được lò bánh tráng ở tận cùng con hẻm ngoằn ngoèo nhà cô Tám An, một trong hai lò bánh còn sót lại duy nhất ở nơi này. Trong gian bếp, cô Tám đang lặng lẽ một mình hai tay bánh một cách nhịp nhàng. Những vòng bánh mềm mại, nóng hổi qua đôi tay thuần thục của cô Tám nhẹ nhàng lăn tròn trên chiếc liếp tre đã xục xịch cũ kỹ. Vừa giở chiếc nắp nồi đã bong tróc như muốn rớt ra từng mảnh để gỡ bánh, cô Tám vừa kể chuyện tập tành công việc tráng bánh từ hồi còn con gái do mẹ cô chỉ dạy đến giờ đã hơn ba mươi năm (ảnh). Nghề này chủ yếu lấy công làm lời, mà lời được bao nhiêu cũng dành đó để mùa sau sắm sang lại những món đồ nghề mới. Ngồi suốt cả ngày tráng được mấy trăm bánh kiếm chỉ mấy chục bạc nên bà con xứ này giờ bỏ nghề muốn hết. Người trẻ rủ rê nhau đi làm xí nghiệp, chẳng còn mặn mòi với thứ bánh quê bình dị, rẻ tiền nên nghề tráng bánh truyền thống ở xứ này đang mai một dần... Hình ảnh cô Tám nhịp nhàng hai tay bánh bên chiếc lò đất nung lúc nào cũng hừng hực nóng trong gian nhà tranh chiều cuối năm làm tôi thật ngưỡng mộ! Ngưỡng mộ bởi tâm tư của một người yêu và gắn bó nghề bằng cả tấm lòng suốt mấy mươi năm: “Bánh cô tráng bán loanh quanh cho bà con trong xóm không kịp, bởi dù bỏ nghề nhưng bà con ai cũng quen với hương vị tấm bánh quê deo dẻo được tráng thủ công, nên cô làm nghề như muốn níu giữ chút tình với xóm làng, với quê hương...”. Ra về với xấp bánh tráng mang “thương hiệu” làng quê vừa gỡ còn thơm mùi nắng, tôi vui như mang được mùa xuân về nhà. Mấy ngày tết, mỗi lần ra vô nhóp nhép mấy cái bánh tráng đậm tình quê của cô Tám An lại nhớ: “Cô ráng tráng hết mùa này, để sang năm cô qua Phú Hòa Đông sắm sửa phên liếp mới, thay mấy món đồ nghề bị hư...”. Trước, mỗi lần về quê, từ ngã tư Phú Thứ quẹo qua An Điền hay thẳng lên Phú An, An Tây hai bên đường thấy sân nhà nào cũng rợp phên liếp là biết mùa xuân đang chạm ngõ thềm quê. Nay, xuân về đến ngõ mới hay... Xổ số hoa Hai mươi tháng chạp trở đi, hoa từ các làng hoa Ngọc Lãng, Đông Bình, Liên Trì theo xe tải vô Nam ra Bắc lên cả cao nguyên, số khác kéo về thành phố Tuy Hòa làm thành đường hoa với tổng chiều dài hơn cây số. Cúc, mai, quất, lay-ơn, tuy-lip, thược dược... và cây kiểng các loại rực rỡ trong nắng hanh vàng, rung rinh trong gió đông lành lạnh cuối năm, rộn ràng nhắc mọi người sắp đến tết rồi. Người đi chợ tết nhân tiện coi hoa đông đúc. Họ chỉ khảo giá chứ dè dặt khi mua. Ngó thời tiết, ngó một năm làm ăn được mất của bà con cũng đoán được phần nào hoa năm nay mắc hay rẻ, nhưng lắm lúc đoán sai. Đã thành lệ, đêm cuối năm đường hoa tràn ngập người, người thành phố và người vùng phụ cận. Người trồng hoa trông chờ dịp này để bán với giá cao nhất (có thể thấp nhất), người mua hoa cũng đợi giờ khắc cuối cùng để mua với giá rẻ nhất (có thể mắc nhất). Thành ra kẻ bán, người mua cứ “thi gan” với nhau từng phút tạo ra một cuộc “xổ số hoa” đêm ba mươi tết. Quãng chín giờ đêm cuối năm, nếu hàng hoa vơi nhanh thì hãy lẹ tay mua lấy một chậu hoa với cái giá cao ngất, bằng không sẽ không có hoa chơi tết. Cuộc xổ số hoa nghiêng phần thắng về người trồng hoa. Nhưng cũng khắc ấy, hàng hoa còn đông đặc thì xem chừng người trồng hoa phải lo bán rẻ, lấy lại tiền đúc chậu thôi! Có năm bi đát đến độ sắp giao thừa hoa bán như cho cũng không ai mua. Ngó qua ngó lại không thấy trật tự viên đường phố, người trồng hoa bèn bỏ “hoa” chạy lấy người. Chăm bẵm hoa cả năm trời, nâng niu tỉa tót rồi tiền giống má, tiền phân thuốc bây giờ chúng thành rác, một thứ rác gây nợ nần xin khất đến năm sau. Hên xui thôi, chẳng lẽ giận rồi không trồng hoa nữa - cái nghề cha truyền con nối, kinh nghiệm tràn trề - trồng thứ khác sao đặng? Về khuya sương xuống lạnh căm, qua giao thừa mà xác hoa dọn chưa xong… PHÙNG HI (Phú Yên) Tags: Nhật ký thành phố
Thủ tướng họp với các ngân hàng thương mại bàn giải pháp tăng tốc, bứt phá NGỌC AN 11/02/2025 Thủ tướng chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Ngoại trưởng Rubio: Không thể để Trung Quốc mạnh hơn Mỹ THANH HIỀN 11/02/2025 "Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với họ trong suốt thế kỷ 21 và hơn thế nữa. Lịch sử thế kỷ này sẽ xoay quanh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc".
Bộ GD-ĐT nói gì trước phản hồi trái chiều về quy định dạy thêm? VĨNH HÀ GHI 11/02/2025 Còn vài ngày nữa thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm có hiệu lực trong khi nhiều thầy, cô và phụ huynh vẫn ngổn ngang tâm tư.
Nhân chứng kể lại vụ tài xế Lexus liên tục đấm đá vào mặt nam shipper ở Hà Nội HỒNG QUANG 11/02/2025 Nhân chứng cho biết nam shipper bị khiếm khuyết ở bàn tay, nên gặp khó khăn trong việc lùi xe máy đang chở hàng nặng.