Xung đột Israel - Hamas: Người ra mặt và kẻ giấu mặt

DANH ĐỨC 13/10/2023 10:25 GMT+7

TTCT - Tin tức chiến sự suốt tuần rồi ở Dải Gaza giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và phái Hamas dễ tạo ra cảm nhận Hamas chính là Palestine, mà quên rằng đang có một Nhà nước Palestine và nhiều thế lực đằng sau nữa.

Tất nhiên, cũng có trách nhiệm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã mấy lần giữ chức vụ này, tổng cộng tới 16 năm.

Đến trưa thứ ba 10-10, chiến sự vẫn tiếp diễn, chưa có dấu hiệu giảm bớt, và số người thiệt mạng đã gần 1.200 người.

Hamas ra tay

Xe tăng của IDF đã được triển khai ở miền nam Israel, gần Dải Gaza. Ảnh: AFP

Xe tăng của IDF đã được triển khai ở miền nam Israel, gần Dải Gaza. Ảnh: AFP

Có thể thấy Hamas trong vị thế tấn công còn IDF phòng thủ, mà phòng thủ diện địa trên một diện tích hơn 20.000km2, phải bảo vệ tới 9,7 triệu dân, trong tình hình "xôi đậu" (71% là người Do Thái), thì với chỉ 169.500 binh sĩ thường trực, sát bên là Dải Gaza rộng 365km2 với dân số chủ yếu là người Palestine đông đến 2,2 triệu người không phải lúc nào cũng "hiền hòa".

Các cuộc chiến tranh quy ước năm 1967 và 1973 cho thấy dàn quân, dàn vũ khí ra đánh nhau với Israel đều dễ thua. Chỉ hình thức du kích mà phe Hezbollah trong cuộc chiến Lebanon - Israel 34 ngày năm 2006 đã dùng mới có thể ngăn Israel chiến thắng. 

Song Lebanon cũng phải trả giá: Kỳ đó, Hezbollah mất khoảng 300 - 500 binh sĩ, tổn thất vật chất chính phủ Lebanon phải tái thiết khoảng 2,8 tỉ USD. Còn phía Israel tuy không thắng, song chỉ mất 117 binh sĩ, tổn thất phải tái thiết 1,6 tỉ USD, theo kênh Al Arabiya 15-7-2016.

Cũng theo Al Arabiya thì trong cuộc chiến đó, Hezbollah, vốn đã được huấn luyện và chuẩn bị tốt cho chiến thuật chiến tranh du kích, có được lợi thế quyết định là chọn địa điểm và thời điểm giao chiến. 

7 năm sau, tới phiên Hamas vận dụng kinh nghiệm này: Đem chiến tranh tới Israel bằng chiến thuật tiền pháo hậu xung vào khoảng 6g30 sáng 7-10 (giờ Israel) với hơn 5.000 tên lửa từ Dải Gaza bắn vào Israel trong vòng 20 phút (theo các nguồn tin Israel thì trên 3.000 trái).

Các vụ nổ đã được ghi nhận ở các khu vực xung quanh Dải Gaza và tại các thành phố ở đồng bằng Sharon bao gồm Gedera, Herzliyya, Tel Aviv và Ashkelon. Còi báo động không kích được kích hoạt ở Beer Sheva, Jerusalem, Rehovot, Rishon Lezion, và căn cứ không quân Palmachim. 

Không chỉ tấn công trên bộ, Hamas còn nổ súng vào các tàu thuyền của Israel ngoài khơi Dải Gaza. Đến tối, Hamas phóng một loạt khoảng 150 quả rocket về phía Israel, các vụ nổ được báo cáo ở Yavne, Givatayim, Bat Yam, Beit Dagan, Tel Aviv và Rishon Lezion.

Hamas gọi đó là chiến dịch "Cơn lũ Al-Aqsa", theo tên đền thờ Hồi giáo trên Núi Đền ở Jerusalem - địa điểm linh thiêng với cả đạo Do Thái và đạo Hồi trong thành phố cổ Jerusalem. 

Mohammed Deif, chỉ huy trong bóng tối của lực lượng vũ trang Hamas, tuyên bố rằng hoạt động này là hậu quả của việc Israel "xúc phạm" ngôi đền này, đồng thời kêu gọi "Người Hồi giáo ở khắp mọi nơi nổi lên tấn công". Nghĩa là, người Do Thái xúc phạm đền Al-Aqsa, thì Hamas phải trả thù bằng súng ống và tên lửa.

Một trong những vụ kinh hoàng nhất là cuộc thảm sát - được video quay lại - những người Israel đang vui vẻ khiêu vũ trong một lễ hội âm nhạc gần Dải Gaza. Ít nhất 260 thi thể đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy. 

Đầu tiên, những người tham dự lễ hội kinh hoàng nhận ra có điều không ổn khi còi báo động không kích vang lên vào lúc bình minh. Những kẻ khủng bố Hamas sau đó cắt điện trước khi bắn tên lửa và nổ súng từ xe jeep mà họ lái vào địa điểm lễ hội, rồi rượt bắn những người tham dự đang cố bỏ chạy (The Iraqi News Agency - INA 8-10).

Lực lượng Israel đang phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza. Ảnh: Getty Images

Lực lượng Israel đang phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza. Ảnh: Getty Images

Kiếp nạn thứ 74 của ông Netanyahu?

Thủ tướng Netanyahu là nhân vật chủ trương "răng đổi răng, mắt đổi mắt". Cuộc đời sắp tròn 74 năm của ông (sinh ngày 21-10-1949) nổi bật những phản ứng kiểu này. Thành ra, ngay sau khi thủ đô Tel Aviv cùng các thành phố khác bị Hamas tấn công, ông đã đáp trả ngay bằng chiến dịch "Những thanh gươm sắt" do IDF đảm nhận. 

Trong tư duy người Do Thái, như được định nghĩa trong Kinh Thánh, từ ngữ "thanh gươm" mang ý nghĩa lớn hơn là một món vũ khí - đó là ẩn dụ về chiến tranh và công cụ của công lý thiêng liêng. "Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và đầy năng lực, sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu, đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, xét đoán các tư tưởng, và ý định trong lòng người" (Hebrew 4:12).

Ông Netanyahu tuyên bố: "Chúng ta đang ở trong chiến tranh", và quân đội Israel đã đáp trả lập tức. Máy bay chiến đấu của IDF được cho là đã tấn công 17 vị trí quân sự và 4 trung tâm chỉ huy tác chiến của Hamas ở Gaza.

Trong số các địa điểm bị tấn công có tòa tháp Palestine 11 tầng ở trung tâm thành phố Gaza, nơi đặt các đài phát thanh của Hamas trên sân thượng - tòa nhà này sụp đổ ngay quả tên lửa đầu tiên.

Chỉ trong vòng đêm 7-10, rạng sáng 8-10, Israel đã tấn công tới 426 mục tiêu ở Dải Gaza. Thị trấn Beit Hanoun gần như bị san bằng bởi các cuộc không kích. Nhà thờ Hồi giáo Al-Amin Muhammad bị phá hủy. Các mục tiêu cũng bao gồm nhiều khu nhà ở, đường hầm, nhà của các quan chức Hamas và tháp Watan, nơi đóng vai trò trung tâm cung cấp Internet trong khu vực.

BBC News 8-10 tường thuật cơn thịnh nộ của ông Netanyahu: "Sáng thứ bảy, người dân ở Gaza đã ăn mừng sau khi Hamas bắn hàng nghìn quả tên lửa vào Israel và tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới chết người". 

"Một ngày sau, cảnh tượng rất khác. Sau một đêm Israel pháo kích không ngừng, mọi người đều ở trong nhà. Các vụ nổ tiếp tục xảy ra suốt sáng chủ nhật. Âm thanh thật kinh hoàng. Những đám khói đen bao trùm các tòa nhà trên Dải Gaza". 

"Hamas cho biết 150 mục tiêu đã bị tấn công kể từ đêm qua, bao gồm các vị trí quân sự, nhà của các thủ lĩnh nhóm chiến binh, cũng như các ngân hàng do Hamas điều hành". Tất nhiên, cũng có tên bay đạn lạc: Israel tấn công hai bệnh viện, giết chết một tài xế xe cứu thương và một y tá. Một cuộc không kích khác của Israel giết chết 19 thành viên trong cùng một gia đình, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Thế nhưng, Israel là một quốc gia theo thể chế Cộng hòa nghị viện, hết nhiệm kỳ lại bầu mới. Ông Netanyahu cũng phải trải qua các cuộc bầu cử quốc hội để được trao chức thủ tướng, như cuộc bầu cử ngày 1-11-2022 khi đảng Likud của ông giành được 32 ghế, liên minh với các đồng minh cực hữu, trong đó có đảng tôn giáo Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái để đủ đa số ở quốc hội. 

Trong một chế độ nhiều tiếng nói như vậy, thủ tướng nào cũng chịu nhiều sức ép từ mọi phía, từ đảng đối lập, và có khi từ chính trong liên minh hay đảng của mình.

Xung đột vừa nổ ra hôm thứ bảy 7-10, qua chủ nhật 8-10, tờ Times of Israel đã đăng một bài xã luận tựa đề: "Trong nhiều năm, Netanyahu đã ủng hộ Hamas. Bây giờ nó nổ tung vào mặt chúng ta", kèm chú giải: "Chính sách của ông thủ tướng coi nhóm khủng bố là đối tác, gây bất lợi cho ông (Tổng thống Mahmoud) Abbas và nhà nước Palestine, dẫn đến những vết thương mà Israel sẽ phải mất nhiều năm mới hàn gắn được".

Theo tờ báo này, trong nhiều năm qua, các chính phủ khác nhau do ông Netanyahu lãnh đạo đã tìm cách chia rẽ quyền lực giữa Dải Gaza và Bờ Tây - buộc Tổng thống Palestine Abbas phải nhượng bộ, trong khi lại có những động thái ủng hộ nhóm khủng bố Hamas. 

Lý do là ông Netanyahu tính toán rằng để ngăn chặn ông Abbas - hoặc bất kỳ ai khác trong chính quyền Bờ Tây của Palestine - tiến tới thành lập một nhà nước đầy đủ. Do đó, trong nỗ lực nhằm làm suy yếu Abbas, Hamas đã được nâng cấp từ một nhóm khủng bố đơn thuần thành một tổ chức mà Israel chọn để đàm phán gián tiếp, thông qua Ai Cập.

Đống đổ nát ở Dải Gaza sau một cuộc không kích của Israel. Ảnh: Getty Images

Đống đổ nát ở Dải Gaza sau một cuộc không kích của Israel. Ảnh: Getty Images

Một trong những thẩm quyền mà các chính phủ của ông Netanyahu đã công nhận cho Hamas là quyền thương lượng để tăng số giấy phép lao động mà Israel cấp cho người lao động ở Gaza, qua đó giúp người Palestine ở Gaza có công ăn việc làm bên Israel - tất nhiên lương cao hơn ở Dải Gaza. 

Phía Israel giải thích rằng những giấy phép lao động này là công cụ mạnh mẽ để giúp duy trì hòa bình. Cũng theo Times of Israel, hậu quả là hầu hết thời gian, chính sách của Israel là coi chính quyền Palestine như đối thủ, còn Hamas là "tài nguyên" (đối tác nằm vùng, trong ngôn ngữ tình báo). 

Lãnh đạo đảng Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái Bezalel Smotrich cực hữu, hiện là bộ trưởng tài chính trong chính phủ Netanyahu, theo đường lối cứng rắn, đã nói thẳng như vậy vào năm 2015. 

Thế nhưng, Reuters 9-10 công bố các nguồn tin độc quyền theo đó phái Hamas đã giả bộ ôm ấp chính sách "lấy việc làm đổi yên thân" của các chính phủ Israel trong hai năm qua để che đậy việc chuẩn bị cho chiến tranh, bao gồm cử các tay súng ra nước ngoài luyện tập.

Hamas và còn ai nữa?

Bằng cách nào mà Hamas lại có thể tổ chức một chiến dịch hợp đồng liên quân, bắt đầu là pháo binh, từ cổ điển tới tên lửa, phi đạn các loại, rồi tới tấn công kiểu "đặc công" trên khắp lãnh thổ Israel như vậy? Không phải khơi khơi mà Hamas có thể, vào khoảng 6g30 sáng 7-10, khai hỏa từ 3.000 tới 5.000 quả rocket khắp Israel trong khoảng 20 phút.

Để làm được như vậy, họ phải: 

(1) Thu thập được thông tin tình báo đối phương chính xác về các địa điểm mục tiêu tác xạ, và nhất là chi tiết về hệ thống chống tên lửa "Vòm Sắt" lừng lẫy của Israel; 

(2) Tổ chức, luyện tập tác xạ vừa chính xác trúng mục tiêu, vừa triệt tiêu khả năng đánh chặn của hệ thống "Vòm Sắt"; 

(3) Có một ê-kíp huấn luyện tác xạ và chống "Vòm Sắt" vào hàng thượng thừa, xưa nay chưa từng thấy; 

(4) Có bộ máy chỉ huy cấp chiến dịch và cấp khẩu đội tên lửa, phi đạn; 

(5) Một hệ thống vận chuyển, tập trung kho đạn hợp lý; 

Và (6) một hệ thống phản gián ngăn chặn mọi rò rỉ thông tin hay dọ thám của Israel. (Và còn nhiều yêu cầu khác).

Người phát ngôn IDF, thiếu tá Nir Dinar, đã phải than rằng: "Đây là sự cố 11-9 của chúng tôi, và các cuộc tấn công đến rất nhanh từ nhiều nơi - cả từ trên không, trên mặt đất và trên biển". 

Trên tất cả là Hamas nghi binh suốt một thời gian dài, tạo cảm giác rằng người dân Palestine ở Gaza muốn chí thú làm ăn, còn họ thì muốn đình chiến, dù thực tế vẫn âm thầm chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công (Reuters 8-10).

Liệu Hamas có đủ sức một thân một mình tự lo hết mọi chuyện, từ cung cấp vũ khí và đào tạo, tự chỉ huy tham mưu lên kế hoạch, cho tới triển khai? Một bài trên báo Iran Tehran Times 7-10 chạy tít: "Iran ủng hộ chiến dịch quy mô lớn của người Palestine chống lại Israel" và tường thuật: 

"Phát biểu tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với thanh niên Palestine lần thứ 6, thiếu tướng Yahya Rahim Safavi ca ngợi chiến dịch này là "vinh quang". Ông nói: "Chúng tôi tuyên bố ủng hộ chiến dịch này và Iran sẽ sát cánh cùng lực lượng kháng chiến của người Palestine cho đến khi giải phóng Palestine và al-Quds". Qua hôm sau, tờ Wall Street Journal loan tin Iran đã giúp Hamas chuẩn bị "trong nhiều tuần trước".

Dù sau đó Iran đã phủ nhận sự liên can của họ, còn Mỹ ra tuyên bố nói "không có bằng chứng" về sự liên can này, thì sự thật chỉ những người trong cuộc mới biết!■

Nhà nước Palestine làm gì?

Tin tức chiến sự luôn nêu tên phái Hamas, khiến nhiều người không biết hay quên rằng thiệt ra đang có một Nhà nước Palestine được quốc tế công nhận, cũng đang bảo vệ đất nước và người dân Palestine theo một cách khác.

Nhà nước Palestine ra đời ngày 15-11-1988, tiền thân là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), và ông Yasser Arafat, chủ tịch PLO, đảm nhiệm chức danh tổng thống Palestine. Một tháng sau, nghị quyết 43/177 của Đại hội đồng LHQ thừa nhận tuyên bố của Nhà nước Palestine.

Chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas ở đâu, làm gì trong cuộc xung đột này? Bộ Ngoại giao Palestine có đăng mẩu tweet sau: "@pmofa: Chiến đấu cơ và pháo binh đang phá hủy khu phố Al-Karama ở phía tây bắc thành phố Gaza bằng một loạt cuộc không kích liên tục. Có người thương vong, trong khi xe cứu thương và xe dân phòng không thể tiếp cận khu vực do cường độ không kích và các tuyến đường chính bị phá hủy".

Cách đây hai tuần, hôm 26-9, Hãng tin PNN của Palestine vẫn loan tin Tổng thống Abbas nhận ủy nhiệm thư của đại sứ Saudi Arabia, Nayef bin Bandar al-Sudairi. Đại sứ Al-Sudairi đề cập đến những tuyên bố của thái tử Saudi vào tuần trước, trong đó "ông bày tỏ sự quan tâm lớn với vấn đề Palestine và người dân Palestine".

Ông cũng đề cập đến những tuyên bố của Ngoại trưởng Saudi Faisal bin Farhan về "tầm quan trọng của vấn đề Palestine và giải pháp cho vấn đề này trên cơ sở giải pháp hai nhà nước dẫn đến việc thành lập Nhà nước Palestine".

Tình báo đi ngủ hết rồi?

Ngay sau khi cuộc tổng tấn công của Hamas nổ ra, các hãng tin nhao nhao chêm bình luận đại ý "theo các nhà quan sát, đây là một thất bại tình báo khi (Israel) không hay biết gì về cuộc tấn công này", mà theo Hãng thông tấn AP, các tay súng Hamas đã tiến vào 22 địa điểm bên ngoài Dải Gaza, bao gồm các thị trấn và cộng đồng cách xa biên giới Gaza tới 24km. Ở một số nơi, họ bắn hạ dân thường và binh lính.

Có thể đi vô chi tiết trận địa này. Ít nhất cũng có thể đặt dấu hỏi về hiệu năng của 3 cơ quan tình báo Israel:

Thứ nhất là Mossad, tên đầy đủ là Viện Tình báo và Hoạt động Đặc biệt, là cơ quan tình báo quốc gia của Israel, chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo, hoạt động bí mật và chống khủng bố, với 7.000 nhân viên cùng ngân sách ước tính khoảng 10 tỉ shekel (2,73 tỉ USD). Giám đốc của Mossad chịu trách nhiệm trực tiếp và chỉ với thủ tướng.

Ngoài ra, còn có cơ quan tình báo quân sự Aman và cơ quan an ninh nội bộ Shin Bet. Aman là một đơn vị độc lập, không thuộc các binh chủng lục, hải, hay không quân, có nhiệm vụ chính là:

(1) Đánh giá thông tin tình báo cho chính sách an ninh, lập kế hoạch quân sự và "chính sách an ninh linh hoạt" cũng như phổ biến thông tin tình báo cho IDF và các cơ quan chính phủ;

(2) Đảm bảo an ninh thực địa cho Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan quân đội tất cả các cấp, bao gồm cả Đơn vị chiến tranh mạng 8200 và Đơn vị công nghệ bí mật 81. Cánh tay hành động của Aman là Đơn vị Trinh sát Bộ Tổng tham mưu.

Còn Shin Bet, có nghĩa là "Cơ quan an ninh", có khẩu hiệu hành động là "Tấm khiên vô hình", gồm các bộ phận: (1) Cục Ả Rập, chịu trách nhiệm chính về hoạt động chống khủng bố liên quan đến Ả Rập ở Israel, Bờ Tây và Dải Gaza; (2) Cục Israel và Người nước ngoài, chịu trách nhiệm ngăn chặn hoạt động gián điệp và đối phó những kẻ cực đoan có hành động chống lại nhà nước và chế độ dân chủ, gọi tắt là Cục Israel; và (3) Cục An ninh Bảo vệ: chịu trách nhiệm bảo vệ các yếu nhân và đại sứ quán, sân bay và cơ sở nghiên cứu.

Từ bảng cơ cấu an ninh đó, có thể thấy tình báo Israel "dày đặc", trải rộng và phân công rõ rệt. Chuyện tất cả các cơ quan tình báo này lại không ghi nhận được bất cứ tín hiệu mã hóa hay không mã hóa, hay thông điệp nói hay viết hoặc dấu hiệu, ký hiệu nào với một cuộc tấn công có hiệp đồng tác chiến ở quy mô lớn như vậy, từ một khu vực lập kế hoạch là Dải Gaza diện tích chỉ 365km2 và gần như do Israel kiểm soát vòng ngoài hoàn toàn, là điều rất khó hiểu.

Càng đáng nói ở chỗ Mossad cùng các cơ quan đồng sự từ lâu đã là "nguồn cung cấp" thông tin cho các cơ quan tình báo Mỹ từ sau khi nguồn lực con người và năng lực của CIA ở Trung Đông giảm sút.

Ở Iran thời hậu cách mạng Hồi giáo, CIA không còn hiện diện nữa, còn trụ sở CIA ở Lebanon gần như bị xóa sổ trong vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Beirut năm 1983.

Từ đó, Mỹ dựa vào Mossad và các cơ quan tình báo khác của Israel để biết thông tin về khủng bố, các phong trào Hồi giáo cực đoan, phổ biến vũ khí và các sự kiện khác liên quan đến Trung Đông. (Có nhiều nguồn cho vấn đề này, nói ví dụ tài liệu "Hợp tác tình báo trong hợp tác chiến lược Mỹ-Israel", Jewish Virtual Library).

Vấn đề không phải do Mỹ "buông" Trung Đông mà do họ chủ trương không muốn trú đóng thường trực ở đây nữa. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, "Trung Đông không còn tầm quan trọng hiện hữu với thịnh vượng và an ninh nội địa của Mỹ nữa" (The National Interest 10-10-2021).

Họ chuyển sang tận dụng ưu thế hầu như độc nhất là khả năng huy động tàu sân bay tới gần những khu vực đang báo động đỏ chỉ trong vài ngày, đủ gần để phóng ra và thu hồi các tốp máy bay tấn công đối phương, đủ xa để tên lửa đối phương không rớ tới được.

Lần này, chỉ một ngày sau cuộc tổng tấn công của Hamas, hải đội tàu sân bay tấn công USS Gerald Ford đã trực chỉ phía đông Địa Trung Hải.

HỮU NGHỊ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận