Y không là y

TRUYỆN NGẮN CỦA PHÙNG HI 23/05/2012 22:05 GMT+7

TTCT - Nghe lời vợ, y bỏ thuốc. Khổ lắm, mười lăm năm với thú vui hút thuốc, cái thú riêng cho đàn ông, bây giờ cắt đứt đâu dễ dàng gì. Bỏ rồi hút hút rồi bỏ, bầm giập.

Y so sánh đàn bà cầm điếu thuốc thấy nghịch mắt chứ không oai, không “trí tuệ” như đàn ông. Hút thuốc được coi tăng phần nam tính (có trời biết), vì thế nam sinh nào cũng tập tành hút thuốc. Thời đi học y tập hút, sặc khói thuốc mắt nổ đom đóm. Ngày đầu bỏ thuốc, y sợ nhất cà phê sáng hay lúc rỗi nhìn dòng sông lững lờ chảy ngang nơi làm việc mà trên tay không có điếu thuốc, khác nào ra trận với hai tay không. Chẳng phải vợ lo chi sức khỏe của y, nàng lo cho nàng và nhóc trai năm tuổi.

“Nhà như cái hộp, anh hút thuốc mẹ con tôi lãnh đủ” - nàng nói. Nỗi lo chính đáng quá đi chứ. Nhưng nàng làm như chỉ nàng và con mới là người còn y không phải người, là đất cục. Bạn y chế nhạo: “Đất cục sinh được con”. Báo hại từ ngày bỏ thuốc, giấc mơ nào y cũng thấy mình hút thuốc khói bay thơm lừng. Hút lén lút, hút tội nghiệp và rất phê, phê hơn hút thiệt. Đang cơn phê máu dâng tràn khí phách: “Thà bỏ vợ chứ không bỏ thuốc”. Vợ nằm bên nghe tiếng được tiếng mất, dựng đầu y dậy lúc nửa đêm.

Phóng to
Minh họa; Thái Mỹ Phương

Tiếp đến bỏ nhậu. Nói thiệt, nhậu là lạc thú riêng cho đàn ông, nhậu để nổ. Đàn bà nổ không cần nhậu (không mất tiền), đó là ưu điểm số một của chị em. Ý vợ không bắt bỏ hẳn nhậu mà nên uống ít và đừng để tốn tiền. “Lương anh mấy đồng, thua lương tôi xa lắc còn đèo bòng ăn nhậu” - vợ cằn nhằn. Nàng làm sao hiểu được rượu nó luôn làm chủ con người, đã uống nó nó bắt uống tới bến.

Dân chơi sợ mưa rơi, mặt mũi nào uống ké bạn bè hoài, thôi dẹp luôn cho thanh cao. Mấy thằng ăn nhậu là con Ngọc Hoàng, ông vừa mất đứt đứa con, đành vậy. Còn nữa, thần rượu Bacchus có hàng tỉ đệ tử trên hành tinh này, không biết ngài có để ý đến y vừa mới “phản sư”? Mỗi chiều từ cơ quan chạy thẳng về nhà, len trong dòng người xe tấp nập, điện thoại réo liên hồi rủ nhậu: “Alô, làm chút mát mát đi”, “Alô, tụi tao chờ mày ở quán kè sông”..., y phải nặn ra đủ kế để chối từ.

Cũng may tạng người y chỉ ghiền cái khung cảnh rượu bia chứ không ghiền theo cơ chế nghiện của thân xác. Ngày ngày nghe phường trên xóm dưới dzô dzô, nói thiệt thèm nhậu quá trời nhưng y làm phách bảo vợ: “Mấy cha đó tục tằn, uống thì uống chứ cứ dzô dzô nghe nó vô học thế nào em nhỉ!”.

Chủ nhựt, y lấy cuốn sách mới mua ra đọc. Đọc sách làm sang trọng riêng cho đàn ông. Đàn bà đọc sách, có chứ không phải không, thậm chí có nhiều nhưng không thể đọc sách với tâm thế làm le như đàn ông rằng ta đây trí thức, rằng ta đây ham học hỏi. Từ đó mà suy, đàn bà dẫu có làm thơ, viết văn cũng chỉ tạo ra những văn bản yếu ớt, thiếu tự tin và có tính nội bộ phái nữ.

Vợ lật bìa sách xem, thấy giá hai trăm ngàn đồng, mắc quá, hít hà: “Anh đọc trên mạng chưa đủ sao còn mua sách chi nữa, mấy trăm ngàn chứ ít đâu, thôi dẹp đi”. Trời ơi, đến đọc sách cũng phải từ bỏ thì coi như xong! Năm ngoái về nhà mới, y hăm hở mua cái giá sách thiệt to định sưu tập, nay bỏ dở dang. Mấy quyển sách cũ thân phụ để lại xếp một góc nhỏ trên giá, thấy thảm. Không gian trang trọng của giá sách trống hoác, có thể leo vô nằm ngủ được.

Đàn ông sức khỏe phơi phới không hút thuốc, không uống rượu, không đọc sách thì chơi với ai, tán dóc với ai? Ngậm ngùi. Từng thú vui rời xa, rời xa, y lấy gì làm đối trọng cho nỗi buồn xộc tới hằng ngày bây giờ? Y lùng bùng hát câu: thôi rồi ta đã xa nhau/ kể từ khi vợ cấm vợ nhằn. Xa thuốc, xa nhậu, xa sách. Y hờn mát bảo vợ: “Chắc rồi đến lúc xa em luôn”. Nàng cười đắc thắng, cứ việc. Ôi y thương vợ con nhiều lắm, vợ chắc mẩm điều này. Cứ điệu này riết y không còn là y nữa.

Vợ chồng y làm việc hai nơi, hoạn lộ của y và nàng đi về hai hướng. Nàng thăng chức lên lương, ngày càng “hiện đại” và đẹp ra. Y tụt dần đụng đáy, thất nghiệp. Thời đại phụ nữ lên ngôi mà lỵ, ai cũng bảo thế. Thì đó, số học sinh bỏ học ở trường phổ thông con trai chiếm 70% còn bậc đại học mười đứa bỏ học hết chín là nam. Giảng viên vô lớp ngó xuống thấy toàn tóc dài, tưởng mất cân bằng giới tính, coi lại do nam sinh rơi rụng trên bước đường học vấn khô khan khó gặm.

Kiểu dạy và học bây giờ phù hợp với phụ nữ! Tri thức quyết định tất cả mà, thế giới này đến lúc về tay phụ nữ mất thôi. Một cảnh báo nổi da gà! Với phụ nữ tốt nghiệp đại học trở lên họ chẳng cần đòi hỏi nữ quyền. Họ học được gì ở bậc đại học hay cái bằng làm họ tự tin? Đàn ông sống chung với họ, nam quyền rón rén được đặt ra.

Ngày đầu tiên thất nghiệp, vợ an ủi vỗ về sông có khúc người có lúc anh à và ra ngay quyết định: “Thôi, từ nay anh đưa đón con đi học, khỏi mất tiền cho anh Tư xe ôm”. Không sao, y đưa con đến trường rồi ra quán thong dong uống cà phê nghe nhạc, nghe chim hót, tán gẫu với những thằng cùng mất việc chẳng phải vội vàng cũng thú.

Y nhớ lại chuyện mất việc, căn nguyên do bỏ nhậu. Không nhậu nên không đề phòng kẻ chơi xấu, không nhậu nên không sâu sát mặt tối cơ quan. Hôm bị vợ bắt “tại trận” ở quán cà phê, nàng nói: “Khỏi mất tiền xe ôm nhưng tốn tiền cà phê, bằng huề”. Vợ ra chỉ thị uống cà phê sáng tại nhà. Sau ít lâu không còn mống bạn bè nào liên lạc với y qua điện thoại nữa. Cắt đứt chuông reo tình bằng hữu từ đây.

Nàng thừa thắng xông lên, ôm y từ phía sau, vui vẻ nói: “Nấu ăn đâu có khó gì, em dễ tính lắm ăn sao cũng được, nay anh nấu cơm để chị Năm nghỉ. Dù sao anh chỉ ở nhà, có thể tra Google để biết cách chế biến thức ăn. À, anh kèm con học luôn, khỏi tốn tiền học thêm anh nhé”. Số phận cả thôi, hồi nhỏ y trai cả, phía sau là đàn em đông đúc nên nấu cơm, chỉ em học y vốn quen tay. Rõ ràng số phận đôi lúc được quyết định bởi hoàn cảnh, bởi lý lịch chứ không hẳn bởi tính cách.

Khổ nỗi vợ nói cái gì y cũng thấy có lý. Nàng thuyết phục y bằng nhục cảm của một cơ thể đẹp gần như toàn bích của nàng. Y mơ hồ lo sợ nàng xử sự tương tự như vậy ở công sở. Tiếp tục, chị Sáu giúp việc bán thời gian giặt giũ lau dọn, vợ cho nghỉ luôn để y đảm nhiệm. Nàng bẹo má y, âu yếm: “Có gì đâu anh, anh chỉ bỏ đồ vô máy giặt, bấm nút. Còn lau nhà em có thể phụ anh”. Tiền nào sức lao động nấy, lương càng tăng vợ càng mệt nhoài khi về đến nhà, còn mang cả việc cơ quan về nữa, nỡ lòng nào bắt nàng phụ việc.

Ba tháng sau khi thất nghiệp, vừa hết lương trợ cấp, y chính thức thành “bà nội trợ”. Phải vai đóng tuồng thôi con ạ, mẹ y đã dạy vậy. Y đi chợ và làm thân với cô nội trợ chính hiệu, xinh đẹp, mắt ướt rượt hút hồn ở cùng khu phố. Y thoáng ý nghĩ thôi thì mất thú vui này ta bày thú vui khác, vợ coi mà liệu hồn. Nghĩ thế thôi, chứ sau gặp cô ấy thường xuyên, y không đủ tự tin bản lĩnh đàn ông của mình nữa.

Nhiều người vì hoàn cảnh đành đánh mất mình, làm cái bóng của sếp, làm nô lệ cho người tình hay đang phiêu bạt xứ người chẳng hạn, trong cơn quẫn bách họ hét lên vô vọng: “Tôi là ai?” và la cả bằng tiếng Anh: “Who am I?” nữa cho nó thống thiết, cho nó mang tính toàn cầu. Trí nhớ còn, tư duy còn chứ đâu phải chấn thương sọ não mà hét toáng lên “tôi là ai” nghe đau đớn, bi kịch vô cùng.

Y cũng thế, đã tự hỏi nhiều lần “tôi là ai” trong cái gia đình này? Là chồng hay vợ? Theo y, “khái niệm chồng vợ” không phụ thuộc giới tính, nó phụ thuộc quyền lực và tiền bạc. Có ông nhạc sĩ cũng từng la: Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này đấy thôi. Lạ ở chỗ ông nhạc sĩ ngạc nhiên mình là ai sao lại quá yêu đời? Ông giễu nhại sự đời hay chỉ dấu tích cực cho tâm sinh lý? Ông vô ưu như cây cỏ hay ông mắc chứng tâm thần phân liệt?

Đến thời điểm này, y thực sự trọng thị những tay đàn ông còn dám khẳng định: “Tôi luôn là tôi chứ không là ai khác”. Đó là những anh hùng, ít ra trong mắt y thời nay. Không giải phẫu chuyển đổi giới tính, không bất ngờ kiểu hồn Trương Ba da hàng thịt, y chỉ từ từ không là y. Y thèm ngọt, thứ y ghét nhứt lúc còn ăn nhậu. Râu, lông không thấy rụng mà sao cứ thưa dần. Hai má y căng bóng, chân thon lại, ngực vun tròn. Đặc biệt thằng con y nó ôm y nói: “Người ba thơm phức à”.

Màu kỹ trị trong gia đình y nghiêng về đàn bà, thật đáng xấu hổ. Y dự đoán vài năm tới chính ngày 8 tháng 3 hay ngày 8 tháng 8 (hai cái còng số tám) sẽ là ngày quốc tế đàn ông, 364 ngày còn lại là của đàn bà. Một hoán vị thời thế. Một hoán vị khó cản ngăn.

Bụt dạy: Người là nương tựa của chính mình, còn ai khác có thể làm nơi nương tựa. Y không là y, y nương vào ai? Bất hạnh ở chỗ y biết rõ quá trình biến đổi nhưng vô phương cứu vãn. Ban ngày nghĩ sao đêm mơ vậy, y mơ thấy mình biến thành vợ còn vợ biến thành y. Vợ ngồi vắt chân hút thuốc, đọc sách ở phòng khách với mái tóc cắt ngắn như ca sĩ Mỹ Linh, trông oai, đẹp và sang trọng lạ thường, bảo: “Đi pha cho tôi ly cà phê”. Nàng lệnh nhưng mặt vẫn cắm vô trang sách. Y đi nhanh xuống bếp, vùng vằng kiểu của người lép vế: “Được, làm đàn ông chỉ tổ chết sớm thôi, cứ làm đi rồi trắng mắt ra”.

Sự chịu đựng, sự che giấu nào cũng tới hạn. Hôm có người đàn bà đến cổng nhà hỏi:

- Vợ anh đâu?

- Là tôi đây - y vô thức trả lời.

- Tôi hỏi vợ anh kia.

- Thì tôi đây, tôi chính là vợ tôi - y hét.

Người đàn bà trố mắt sợ sệt bỏ đi. Chắc bà ta nghĩ y mát. Mát thiệt rồi nhưng có sao đâu. Y tỉnh khô quay vô nhà, ẻo lả làm điệu bộ, hát: Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng, em là tôi và tôi cũng là em... Có vẻ như chỉ y mới thực sự hiểu câu hát này của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận