TTCT - Năm 2019 này đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Bauhaus tại Đức, trường kiến trúc và mỹ thuật công nghiệp có lẽ là có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20, nơi những bậc thầy hội họa và kiến trúc lớn nhất từng giảng dạy: Walter Gropius, Ludwig Mies van der Rohe, Wassily Kandinsky, Paul Klee, và nhiều người khác. TTCT xin giới thiệu với độc giả những chia sẻ của một cựu học viên Đại học Bauhaus Weimar của thời kỳ sau. Tòa nhà Bauhaus ở Dessau, nay là một di tích lịch sử. Ảnh: bauhaus-dessau.deTrong cảm nhận thông thường của hôm nay, Bauhaus được coi như biểu tượng của thứ kiến trúc tiền phong, thực dụng và thiên về công năng - toàn những tính từ thiếu nét lãng mạn và bay bướm, vốn được giới nghệ sĩ nâng niu hay thậm chí tôn thờ như vạch biên giữa nghệ thuật và công nghiệp.Hồi thập kỷ 1920, đó còn là cơn sốc, nhưng 100 năm qua cho thấy sức lan tỏa của tinh thần Bauhaus mạnh mẽ hơn mọi định nghĩa rập khuôn.Tư duy đi trước thời gianNhững mầm mống đầu tiên của Bauhaus nhen nhóm vào cuối thế kỷ 19. Bà đầm già Anh quốc lắm lục địa đến nỗi không lúc nào vắng ánh mặt trời, vốn được coi là quê hương của sản xuất công nghiệp tư bản và là siêu cường kinh tế ở châu Âu và thế giới, nhưng lúc bấy giờ đang bị nước Đức soán ngôi.Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử thì cũng phải công bằng nhận xét là nước Đức nhặt nhạnh khá nhiều từ các phương thức sản xuất công nghiệp và thủ công truyền thống từ Anh. Ở Đức - hay đúng hơn là đế quốc Phổ vào thời điểm ấy - có một mạng lưới các trường mỹ thuật danh tiếng, gần như tuyệt đối chỉ biết đào tạo theo hướng duy mỹ.Được thức tỉnh và chạm vào tính tự ái bởi nền văn minh máy hơi nước của James Watt (lại một nhầm lẫn lịch sử nữa, dù được các sách giáo khoa xác định bằng giấy trắng mực đen: động cơ hơi nước đầu tiên do Thomas Newcomen phát minh vào năm 1712, 24 năm trước khi Watt... ra đời), chính quyền Phổ bàn đến khả năng tái cơ cấu các trường mỹ thuật, bắt tích hợp vào chương trình hàn lâm một xưởng thủ công để các nghệ sĩ phải rời tầng mây thứ 9 mà nắm lấy kìm búa.Cơ sở của hướng phát triển mới này không hẳn là tính thực dụng vốn nằm trong gen dân tộc Đức, mà còn bởi họ sớm hiểu ra sản phẩm công nghiệp có tạo hình tốt sẽ là một yếu tố sống còn của nền công nghiệp Đức còn trẻ trung, giấc mơ xa hơn nữa là tạo ra dấu ấn mới đặc thù cho nền kinh tế hàng đầu châu Âu.Dusseldorf và Weimar ngày đó may mắn có hai trường mỹ thuật được các nghệ sĩ danh tiếng Peter Behrens và Henry van de Velde dẫn dắt. Nhìn từ cội nguồn này thì phong trào hay tinh thần Bauhaus không chỉ vụt sáng năm 1919, mà phôi thai của nó phải được coi là Hội Công nghệ Đức ra đời năm 1907 ở Munich. Tiêu chí viết trên lá cờ của hội này là sự hòa hợp giữa nghệ thuật, công nghiệp và thủ công, nhằm tới tổng số là một phong cách thống nhất và hoàn toàn mới cho cả nước Đức.Người Đức bảo thủ và duy lý như ta biết, một sáng thức dậy bàng hoàng đọc tin các tập đoàn kinh tế hàng đầu như Bahlsen hay AEG trao phòng thiết kế sản phẩm và công trình xây dựng của mình vào tay những nghệ sĩ của Hội Công nghệ Đức! Cách xa châu Âu một vạn dặm và một dàn máy hơi nước, châu Á vẫn rung đùi ngâm thơ Đường luật, không nhận thấy kỷ nguyên tiền Thế chiến I không chỉ là thời khởi sắc của kinh tế và lòng tự tôn dân tộc ở châu Âu, mà còn là giờ chào đời của tinh thần cải cách văn hóa sẽ thay đổi bộ mặt toàn cầu.Văn phòng giám đốc (phục dựng) của Gropius ở Đại học Bauhaus Weimar. Ảnh: penccilWalter Gropius, người phất cờCó lẽ vì Walter Gropius (1883-1969) - người sáng lập Trường Bauhaus - là kiến trúc sư nên sau này Bauhaus được cảm nhận như đất dụng võ của ngành xây dựng? Cũng không vô lý. Nhưng sẽ thiếu công bằng nếu chỉ ngắm những tòa nhà táo bạo của ông mà quên đi loạt sách nghiên cứu đặt nền móng cho một hướng đi mới.Ngay những ngày bị bắt đi lính (Thế chiến I), Gropius đã vạch đề cương cho loại trường công nghệ kiểu mới, như một lời kêu gọi cải tổ giáo dục mỹ thuật đã lỗi thời. Là thành viên Hội Công nghệ Đức từ năm 1912 nhưng ông tiên đoán nó sẽ chết yểu. Cuộc chiến tranh thế giới chấm dứt năm 1918 được ông nắm lấy như một cơ hội khi ông kế nghiệp hiệu trưởng Henry van de Velde của Đại học Nghệ thuật tạo hình ở Weimar và nhanh chóng cho nó một cái tên mới, và cả một hướng đi mới: Bauhaus. Đó là thời điểm 1920.Tòa nhà của Đại học Bauhaus Weimar. Ảnh: uni-weimar.deTôi lò dò vào Đại học Kiến trúc và xây dựng Weimar năm 1975, khi cái tên Bauhaus tạm thời chỉ còn là lịch sử. Hồn vía của nó còn lẩn quất trong các ngôi nhà cổ kính, dĩ nhiên, và cả trong các bài giảng của lớp giáo sư già, nhưng nước Cộng hòa dân chủ Đức đang trong giai đoạn say sưa với chương trình xây nhà giá rẻ và chất lượng trung bình cho toàn dân. Sự ưu ái tuyệt đối cho chương trình mang tính xã hội và xã hội chủ nghĩa tuyệt vời ấy không chừa nhiều chỗ cho cải cách và mơ mộng: lớp học vẽ khỏa thân buổi chiều của sinh viên kiến trúc chỉ có hai giá vẽ cho 15 sinh viên, số còn lại phải chồng bàn ghế lên nhau và lấy đinh ghim giấy vẽ vào mặt bàn; còn lớp dạy vẽ mẫu dệt vải thậm chí phải dùng mực đen trắng chứ không có màu.Trên đầu hồi giảng đường, chân dung Walter Gropius mỉm cười độ lượng với đám sinh viên tràn trề lý tưởng mà thiếu thốn tinh thần đột phá. Chắc ông sẽ thông cảm khi liên hệ tới bản Tuyên ngôn 1919 do chính ông chấp bút: “Mục tiêu cuối cùng của toàn bộ công tác tạo hình là tòa nhà!”. Và đúng thế, chương trình nhà ở lắp ghép tấm lớn WBS70 đem lại bốn bức tường ấm cúng cho người dân Đông Đức ngày ấy, khi đường ống sưởi trung tâm thế chỗ cho lò than mù khói và vòi nước nóng không qua đồng hồ đo.Các sinh viên khoa kiến trúc chúng tôi ngậm ngùi tiếp thu lời dạy của “ông Bành Tổ” Gropius: đưa kiến trúc, tạo hình và hội họa trở về thành nghề thủ công để tạo ra các tòa nhà tương lai. Nói một cách đơn giản, kiến trúc sư chỉ nên là thợ thủ công, không hơn và không kém.Phòng giải trí theo phong cách Bauhaus trong Dinh Thống Nhất (TPHCM). (Ảnh: T.T.D)Để giải thích cho ai không rõ từ nguyên: khái niệm Bauhaus xuất thân từ Bauhuette, là các xưởng thợ được dựng ngay trên công trường xây nhà thờ thời Trung cổ, nơi người thiết kế và thợ chế tác thủ công gần như là một. Trong tinh thần ấy, sinh viên dưới thời Gropius trong học kỳ đầu phải học về vật liệu xây dựng, sau đó họ được đưa vào xưởng gia công kim loại, làm gốm, dệt vải, đồ gỗ... và sau chót mới được dạy cách thiết kế bằng ngôn ngữ của hình dáng và màu sắc trong lớp chuyên sâu.Các xưởng thực hành ấy luôn có một cặp đôi giáo viên cùng phụ trách: một nghệ sĩ và một thợ cả. Walter Gropius luôn cố gắng nhận công việc của bên ngoài và biến thành nội dung giảng dạy, qua đó nhận thêm một nguồn tài chính đáng kể cho hoạt động của trường. Khỏi phải giải thích thêm ý đồ của Bauhaus, cũng đỡ phải ngẫm nghĩ vì sao nước Đức thành công với phương thức đào tạo nghề song hành và chế độ đại học tự chủ ngày nay.Ấm trà Bauhaus, do Marianne Brandt thiết kế. Ảnh: AFPThiết kế cho tương laiCác nghệ sĩ tạo hình kiêm thợ thủ công thời Bauhaus là cha đẻ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bauhaus, cung cấp thiết kế cho sản xuất đồ nội thất với số lượng lớn kiểu công nghiệp, ra đời năm 1925. Nền kinh tế tư bản vốn có đặc điểm mặc định là phân hóa giàu nghèo, nhìn vào đặc thù đó có thể gọi thế hệ Walter Gropius là thế hệ cách mạng với khẩu hiệu hành động “Volksbedarf statt Luxusbedarf” (“Đáp ứng nhu cầu quần chúng, thay vì làm ra xa xỉ phẩm”).Đây chính là hình ảnh còn đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng hôm nay: các sản phẩm tạo hình của Bauhaus luôn có hình dáng tiết kiệm đến tối giản, dễ sản xuất hàng loạt, tuân theo triết lý “ưu tiên công năng trước hình thức”.Nhiều sản phẩm từ lò thiết kế của Bauhaus, kể cả nhà cửa lẫn đồ tiêu dùng, cho đến hôm nay vẫn được coi là kinh điển trong hình dạng nguyên thủy hay cải tiến, ngay cả khi nhiều người không biết cội nguồn của nó khi vào cửa hàng UMA hay IKEA, hoặc thậm chí một số ngôi nhà ở Hà Nội, Sài Gòn mang phong cách Art Deco cứ tưởng học lỏm của Pháp. Trong các cửa hàng nội thất châu Âu, không hiếm dịp ta gặp lại Bauhaus ở bàn ghế, đèn, ấm nước, nồi xoong cho đến trang trí sân khấu và nhiếp ảnh thử nghiệm.Nôi trẻ em Bauhaus, do Peter Keler thiết kế. Ảnh: AFPBước chân ra thế giới bao laVẫn phải giải oan cho các bậc khai sáng: linh hồn của Bauhaus trước sau vẫn nằm trong kiến trúc, đơn giản vì các sản phẩm ấy hiển hiện trước mắt, và một phần cũng... “nhờ ơn Hitler”.Năm 1926, Gropius thiết kế và xây một loạt công trình mới cho bản doanh mới của Bauhaus ở Dessau, chân chống thứ hai của dự án Bauhaus vĩ đại. Có thể nói, đây là thời kỳ hoàng kim của Bauhaus vì nó chợt đề cao một hiện tượng mà mãi sau này mới được đặt thành khái niệm: nhà ở xã hội.Nền cộng hòa Weimar vốn đi vào lịch sử như một thể chế dân chủ lập hiến hiếm hoi, xiển dương một chính sách xã hội với nội dung cốt lõi là giải quyết vấn đề nhà ở cho quảng đại quần chúng. Ở một số khu đông dân cư như Stuttgart hay Karlsruhe, các kiến trúc sư Bauhaus cho ra đời một loạt khu nhà ở được xây dựng với giá thành hợp lý. Từ năm 1920, Frankfurt đã có công nghiệp nhà tiền chế với chi tiết xây lắp ghép quy mô lớn theo catalog - tiền đề cho xây dựng nhà ở hàng loạt sau này.Phối cảnh một khu căn hộ chung cư ở quận 9, TP.HCM, chào bán trong năm 2019, với lời quảng cáo trên trang chủ của dự án: "Được xây dựng với nguồn cảm hứng từ tiêu chuẩn chất lượng châu Âu và Bauhaus". Ảnh: hausneo.vnNgười ta có thể bĩu môi về tính thẩm mỹ của nhà lắp ghép, vẫn sẽ có người ưa bàn ghế mạ vàng và chùm đèn pha lê lóng lánh dưới trần thạch cao đắp nổi - không sao cả, nếu họ có tiền và xã hội cũng nên tôn trọng sự khác biệt; song là người trong nghề và hưởng lợi từ một chương trình như thế, tôi tin chắc là ý tưởng về nhà ở xã hội không thể thực thi và không thể có giá thành hợp lý nếu rời bỏ phương thức sản xuất công nghiệp tiền chế như Bauhaus phát động.Tuy nhiên, ý tưởng và cách thực thi cực đoan của các nghệ nhân Bauhaus không phải lúc nào cũng nhận được sự ưu ái của xã hội, ở thời điểm 1920 lại càng thấy rõ. Tinh thần quốc tế và thiên tả của Bauhaus như cái gai chọc vào mắt các tầng lớp thủ cựu. Với sự tàn lụi của Cộng hòa Weimar và bước lên ngôi của Adolf Hitler năm 1933, chủ nghĩa xã hội dân tộc và cảm tình cá nhân của Hitler với kiến trúc tân cổ điển đã khai tử tức thì với Bauhaus.Sự hình thành trục phát xít Đức - Ý - Nhật không thể biện minh cho cái tự ái dân tộc nửa mùa của Hitler, khi kiến trúc sư “tuột xích” đó thấy nhiều nét tạo hình của Bauhaus được du nhập từ Bỉ, Pháp hay thậm chí Nhật Bản thời Edo, và nhà họa sĩ nửa mùa Adolf đương nhiên không thể chấp nhận, một khi giờ đã nắm quyền sinh quyền sát trong tay. Một số nghệ nhân danh tiếng không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường lưu vong tới những mảnh đất an toàn như Pháp, Anh, Thụy Sĩ, và nhất là Hoa Kỳ.Một căn nhà kiểu Bauhaus ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: PinterestTừ những nơi đó, họ đã có công quảng bá tinh thần Bauhaus ra thế giới. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Laszlo Moholy-Nagy sáng lập New Bauhaus ở Chicago năm 1937, sau này mở rộng thành Trường Thiết kế Chicago, vẫn với ý tưởng cơ bản của Bauhaus nhưng đặt trọng tâm vào nhiếp ảnh.Walter Gropius và Ludwig Mies van der Rohe thành danh ở Hoa Kỳ với những công trình cho đến thế kỷ 21 vẫn được coi là biểu tượng của kiến trúc hiện đại, hay báu vật quốc gia của Mỹ. Một cách vô thức hay có chủ định, cho đến hôm nay ta vẫn dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của Bauhaus trong sáng tác của nhiều thế hệ kiến trúc sư và nghệ sĩ tạo hình.■ Tags: Kiến trúcThiết kếBauhausCông nghệ Đức100 năm Bauhaus
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.