2024: Sự kiên cường của các nền kinh tế

HỒ QUỐC TUẤN 30/12/2024 05:32 GMT+7

TTCT - 2024 là một năm không dễ chịu đúng như các dự báo từ cuối 2023 với đầy bất ổn, rủi ro và những pha giật mình thót tim. Nhưng cuối cùng chúng ta đã bình an vô sự.

2024: Sự kiên cường của các nền kinh tế - Ảnh 1.

Ảnh: The Daily Star

Khoảng 1.200 người đã phải sơ tán khỏi tháp Eiffel ngày 24-12, sau khi lửa bùng lên trong một hố thang máy của công trình mang tính biểu tượng ở Paris. Truyền thông đăng tin: "Lửa cháy ở tháp Eiffel" và sau đó "không có gì đáng lo cả". 

Tôi có thể dùng hình ảnh tương tự để hình dung cho năm 2024 khi nghĩ về kinh tế. Trong cả năm, đã mấy lần thị trường tài chính toàn cầu "đứng tim" trước những diễn biến kiểu như vậy.

Nhiều lần chao đảo

Trước tiên là pha "lật mặt" nói cắt lãi suất rồi lại "quay xe" của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Cuối năm 2023, đa số giới quản lý quỹ đầu tư tin rằng Fed phải cắt lãi suất khá sớm từ quý 1-2024 để tránh kinh tế Mỹ đi vào "hạ cánh cứng". 

Thế nhưng kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, ít ra là dựa trên số liệu, so với các nền kinh tế phát triển khác như châu Âu, Canada và Úc, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại Fed có thể cắt lãi suất chỉ một lần trong năm 2024 vì lo lạm phát ở Mỹ sẽ tăng lại.

Suy nghĩ đó đã một lần khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo hồi tháng 5 và tháng 6, bao gồm những áp lực lớn lên tỉ giá ở các thị trường mới nổi. 

Có thời điểm, đã có những thảo luận là nên sử dụng dự trữ để bảo vệ đồng nội tệ của Việt Nam đến mức nào hay "buông" luôn phòng tuyến tỉ giá. 

Cuối cùng rồi Fed cũng cắt lãi suất vào tháng 9, giúp nhiều nước thở phào, và mọi việc lại suôn sẻ hơn dù áp lực tỉ giá có tăng lại vào cuối năm khi đồng USD tăng lên so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác.

Câu chuyện địa chính trị cũng diễn biến phức tạp và bất ngờ, tác động tiêu cực lên kinh tế. Chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, cộng với nhu cầu đầu tư vàng lớn ở Trung Quốc, có lúc đã đẩy giá vàng quốc tế tăng vùn vụt, kéo theo là tình trạng xếp hàng mua vàng "bình ổn" ở Việt Nam. 

Giá vàng SJC trong nước có lúc đã chênh lệch với giá thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng.

Giai đoạn tháng 5-2024, một số dự báo cho rằng giá vàng trong nước có thể vượt 100 triệu đồng/lượng vào nửa đầu 2025. 

Đến cuối năm thì nỗi lo giảm bớt, và giá vàng quốc tế lẫn trong nước ổn định hơn với sự trỗi dậy của đồng đô la và giới đầu cơ trong nước lẫn quốc tế đỡ đổ vào vàng hơn. Dù vậy, vàng vẫn là một trong những kênh đầu tư sinh lời tốt của năm 2024, với mức đóng cửa trước Giáng sinh trong nước vẫn trên 82 triệu đồng/lượng. 

Trên thị trường quốc tế, tùy vào hợp đồng và thời điểm chốt mà giá vàng tăng từ 24-33%, một trong những công cụ đầu tư có tỉ suất sinh lợi điều chỉnh cho rủi ro tốt nhất của 2024.

Hồi tháng 10 vừa qua, trong một chầu bia bên bờ sông Yarra ở Melbourne, một người bạn làm kinh doanh ngoại hối của tôi ở Úc nhận định: "Trong 10 năm trở lại đây thì 2024 là năm mà dân chơi vàng không cần dùng đòn bẩy cũng có thể ngẩng cao đầu với dân chơi cổ phiếu Mỹ". 

Giá vàng tăng mạnh năm 2024 cho thấy ở một vài nơi trên thế giới, người dân đã không còn tin tưởng nhiều vào các tài sản nội địa nữa. Trung Quốc là một nơi như thế khi mà giới trẻ cũng mua vàng, chứ không mua cổ phiếu.

2024: Sự kiên cường của các nền kinh tế - Ảnh 2.

Ảnh: iStock

Thảm họa đã không xảy ra

Cứ như vậy, những diễn biến tác động lớn nhất lên thị trường diễn ra vào cuối năm, khi Fed cắt lãi suất vào tháng 9, và bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả vào tháng 11. 

Trước khi bầu cử diễn ra, đã có nhiều cảnh báo rằng chính sách kinh tế của ông Trump sẽ gây ra lạm phát cao và đẩy nước Mỹ cũng như toàn cầu vào suy thoái khi ông hứa đánh thuế quan mạnh với hàng nhập khẩu vào Mỹ. 

Tuy nhiên thực tế, thị trường toàn cầu đã tiếp nhận tin ông Trump chiến thắng một cách đầy hưng phấn. Bitcoin vượt mốc 100.000 USD và chỉ số Nasdaq lần đầu vượt 20.000 điểm vào giữa tháng 12-2024.

2024 là một năm không dễ chịu đúng như các dự báo từ cuối 2023 với đầy bất ổn địa chính trị, rủi ro do quyết sách bất ngờ từ Fed, những pha giật mình thót tim từ Israel đến Hàn Quốc. Nhưng cuối cùng chúng ta đã bình an vô sự y như cái tin "lửa cháy ở tháp Eiffel". 

Mọi việc có thể đã chuyển sang chiều hướng xấu rất nhanh, từ những tai nạn nhỏ như vụ đóng khẩn cấp những khoản giao dịch chênh lệch lãi suất với đồng yen Nhật (tháng 8), một vài vụ sụp đổ bất động sản đình đám ở Trung Quốc và ngân hàng ở Mỹ, chính quyền địa phương Trung Quốc thiếu tiền tạm thời, Chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa, cho đến vụ việc thiết quân luật ở Hàn Quốc… Nhưng đã không có thảm họa nào xảy ra.

Như Quỹ Tiền tệ quốc tế hình dung, kinh tế thế giới trong 2024 đã rất "kiên cường", chịu sức ép rồi bật lại, chứ không ngã quỵ. Nhưng nếu nói đây là một năm tốt đẹp của kinh tế toàn cầu thì là tô hồng. 

Ngay cả khi kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng trên 7% trong 2024, vẫn có những dấu hiệu rất khó khăn ở một số khu vực của nền kinh tế, thì với một số nền kinh tế châu Âu gần như không tăng trưởng, hoặc kinh tế Mỹ vẫn chỉ tăng trưởng dưới 3%, và còn tiếp tục xu thế yếu dần đi, những chật vật là có thể hình dung được.■

Bữa tiệc kinh tế 2025 và gia vị bí ẩn Trump 2.0

2024: Sự kiên cường của các nền kinh tế - Ảnh 3.

Ảnh: CNN

Chúng ta sẽ bắt đầu 2025 với kỳ vọng về lạm phát toàn cầu tiếp tục nằm trong kiểm soát, cho phép các chính phủ tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất toàn cầu có thể không như kỳ vọng khi Fed đưa ra tín hiệu có thể họ chỉ cắt lãi suất hai lần nữa trong 2025.

Nếu Fed làm đúng như vậy, mặt bằng lãi suất chính sách của Fed vào cuối 2025 sẽ ở mức trên 3,5%, trong khi kỳ vọng thị trường là khoảng 3%.

Sự chênh lệch tưởng là nhỏ này sẽ đủ để gây tổn hại lên các khoản vay mua nhà và cho giới đầu tư trái phiếu hay các quỹ đầu tư chuyên vay tiền đầu cơ.

Cái mà số đông nhìn thấy được là mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang khá đắt đỏ ở Mỹ, trong khi sóng ngầm trên thị trường trái phiếu đang lan đi khi khoảng chênh lệch giữa kỳ vọng lãi suất về dưới 3,5% và thực tế là lợi suất trái phiếu vẫn duy trì trên 4%.

Với lợi suất trái phiếu Mỹ vượt mốc 4,35%, có thể ước tính đã có những quỹ đầu tư lỗ hàng trăm triệu đô la hoặc hơn, vì họ nghĩ rằng lợi suất trái phiếu sẽ dưới 3,75% vào tháng 12-2024.

Lợi suất trái phiếu Mỹ cao cũng tạo áp lực lên đồng tiền ở các thị trường mới nổi và cận biên, đẩy giá đồng USD lên cao so với các đồng tiền chính khác. Sự phân cực trong chính sách tiền tệ của Mỹ so với nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt có thể thấy rõ.

Trong khi Fed hạ lãi suất nhẹ và ra tín hiệu sẽ cắt giảm ít hơn trong năm 2025, một số ngân hàng trung ương khác bày tỏ họ có thể phải giảm lãi suất nữa vì nền kinh tế nước họ đang khó khăn hơn dự báo, thất nghiệp tăng và lợi nhuận doanh nghiệp giảm. Điển hình, một số nước châu Âu đã dự báo đồng euro sẽ về mức ngang với USD trong năm 2025.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới dự báo bi quan là vì người ta vẫn không biết ông Trump sẽ làm gì với chính sách thuế quan nói riêng, và trong quan hệ với châu Âu (và Trung Quốc, Mexico, Canada nữa).

Nói về chuyện điều chỉnh chính sách theo hành xử của ông Trump, Chủ tịch Fed Powell có một câu thần chú thú vị: "Không đồn đoán, không đầu cơ, không giả định".

Nói cách khác, ý ông Powell là đừng nghe những gì ông Trump nói, mà hãy cứ chờ những gì ông Trump làm rồi mới thích ứng và hóa giải. Vấn đề là làm gì có thể dễ như vậy.

Thị trường tài chính sẽ biến động theo từng dòng tweet của ông tổng thống Mỹ và doanh nghiệp sẽ hành xử để phòng ngừa trước những điều xấu nhất có thể xảy ra. Thật ra, chính chủ tịch Fed và những người ra quyết định ở Ủy ban chính sách tiền tệ FOMC của Mỹ cũng sẽ chẳng thể ngồi yên trước thời cuộc mà chờ đợi đâu.

Tương tự, ứng xử của Trung Quốc với chính sách thương chiến của ông Trump, xu thế chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững sẽ ra sao khi Mỹ rút khỏi một số cam kết môi trường và thương mại? Và AI sẽ như thế nào trong năm 2025 khi những quy định mới ở EU sẽ bắt đầu có hiệu lực?

Tuy ông Trump sẽ đóng vai trò đáng kể trong rất nhiều sự kiện này, những xung đột ở Trung Đông, AI sẽ trở thành bong bóng hay là xu thế vững chắc trong 2025, và việc đổ tiền vào các chính sách xanh và sạch, cũng như sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là các vấn đề sẽ không biến mất hay đột ngột đảo chiều vì một mình ông.

Những sự kiện và xu thế trên sẽ phải tiếp tục như là điều phải có của một buổi tiệc. Nhưng ông Trump làm tổng thống Mỹ lần thứ hai chính là gia vị bất ngờ của bữa tiệc đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận