2025: Mạng xã hội sẽ 'vì xã hội' hơn

PHAN BẢO 08/01/2025 06:54 GMT+7

TTCT - Năm 2025, mạng xã hội sẽ "thay da đổi thịt" để trở về với đúng tôn chỉ là "nền tảng vì lợi ích chung của xã hội" (prosocial media). Đây là xu hướng được các trang tin công nghệ dự đoán.

Đây có vẻ cũng là mong mỏi của không ít người dùng mạng xã hội vốn đã quá ngán ngẩm với thế giới hỗn tạp trên Internet.

Mong bình cũ sẽ có rượu mới

Về nội dung, các nền tảng truyền thông xã hội chính thống hiện tại không khác gì tấm gương phản chiếu của nhau. Tất cả chúng đều có cùng các tính năng và thậm chí đôi khi là cùng một nội dung. Tính thiếu sáng tạo khiến truyền thông xã hội mất đi sự mới lạ.

Không chỉ nhàm chán, các nền tảng mạng xã hội có vẻ còn đang đuối sức. Chúng đã lệch đi rất xa so với định hướng ban đầu là một phương tiện để chia sẻ thông tin cập nhật và giữ liên lạc với người khác. Thay vào đó, chúng trở thành một trung tâm mua sắm kỹ thuật số, nơi quảng cáo được ưu tiên hơn nội dung chia sẻ của con người.

Về ảnh hưởng, đến giờ phút này, bất kỳ ai dùng mạng xã hội hẳn đều không lạ gì tác hại của chúng lên sức khỏe tâm thần của con người.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu về tâm lý và xã hội học chứng minh rằng thời gian dành cho các nền tảng như Instagram và TikTok làm tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm, cảm thấy tiêu cực về hình ảnh bản thân và giảm lòng tự tôn. Những kết quả nghiên cứu này nhan nhản trên các nền tảng phát trực tuyến, không khác gì kiến thức phổ thông.

Tin vui là, nhiều người lạc quan tin rằng người dùng mạng xã hội sẽ biết cách tự cứu lấy mình. Rất nhiều người trẻ đang tự hỏi cuộc sống, sức khỏe cá nhân, cảm xúc và tinh thần của họ sẽ như thế nào nếu không có mạng xã hội.

Năm 2023, công ty nghiên cứu công nghệ Gartner dự đoán rằng 50% người dùng sẽ từ bỏ hoặc hạn chế đáng kể việc sử dụng mạng xã hội vào năm 2025.

Nhìn vào những xu hướng phổ biến trên mạng, ngòi bút Jessica Byrne của trang thred.com tin rằng dự báo trên có khả năng cao sẽ thành sự thật. Tất nhiên, sẽ không có chuyện hàng triệu người dùng xóa tài khoản mạng xã hội của họ ngay lập tức hoặc chỉ trong một đêm, mà thay đổi bắt đầu từ việc người dùng không còn tương tác liên tục trên các nền tảng. Byrne tin rằng thế hệ Z (sinh từ 1996 đến 2012) sẽ dẫn đầu sự thay đổi này.

Theo phân tích của Byrne, đối với thế hệ Z, cuộc sống của họ luôn xoay quanh điện thoại thông minh. Theo mặc định, mạng xã hội cũng luôn hiện diện trong cuộc sống của họ. Vì vậy, sang năm 2025, thế hệ Z sẽ chọn giải pháp giảm dùng mạng xã hội chứ không bỏ ngay. Quan trọng là cách họ sử dụng cũng sẽ thay đổi.

Khao khát một thực tế họ chưa từng trải qua - thế giới thời "tiền Internet", thế hệ Z đang hồi sinh những sở thích đã mai một kể từ khi con người chuyển cuộc sống lên mạng. Những người trẻ tìm đến các hội nhóm chạy bộ và câu lạc bộ sách trên mạng xã hội. 

Họ tìm cách mới để kết nối với những người bạn cùng tuổi mình thay vì chỉ thích và chia sẻ bài đăng. Họ tìm kiếm điều thật sự có ý nghĩa trong cuộc sống. Sự tò mò mang đến cho họ động lực nội tại thúc đẩy tìm kiếm trải nghiệm mới.

Mạng xã hội vì xã hội

Tác giả Audrey Tang của tạp chí Wired gọi sự chuyển dịch này là prosocial media - mạng xã hội vì lợi ích chung của xã hội. Tang giải thích: Prosocial media là phương tiện truyền thông không chỉ thu hút sự chú ý của người dùng mà còn thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa họ, trao quyền cho mọi tiếng nói, đồng thời thúc đẩy khả năng lắng nghe những khác biệt.

Một trong những bước đi đầu tiên mà chính bản thân các mạng xã hội đã thực hiện trong những năm gần đây là tạo ra tính năng cho phép mọi người cùng nhau thêm ngữ cảnh (Community Notes) vào thông tin có khả năng gây hiểu lầm. 

Một nghiên cứu gần đây cho thấy tính năng Community Notes trên X (trước đây là Twitter) giúp giảm gần một nửa số lượt chia sẻ lại các bài đăng có khả năng gây hiểu lầm và tăng 80% khả năng người dùng xóa tweet.

Tại Đài Loan, Cofacts, một nền tảng kiểm tra thông tin do cộng đồng cung cấp, đang đưa khái niệm này tiến xa hơn nữa bằng cách trao quyền cho người dùng để họ ngữ cảnh hóa thông tin trong các nhóm riêng tư. 

Được cộng đồng công nghệ g0v ra mắt vào năm 2017, nền tảng này đã được áp dụng thành công tại Thái Lan vào năm 2019. Nghiên cứu của Đại học Cornell cho thấy Cofacts đã xử lý các truy vấn thông tin sai lệch nhanh hơn và chính xác hơn so với các trang web kiểm tra thông tin chuyên nghiệp.

Prosocial media cũng giải quyết vấn đề quyền quản lý chỉ tập trung trong tay một số ít gã khổng lồ công nghệ, bằng cách sử dụng các giao thức mạng xã hội phi tập trung cho phép nội dung truyền tải liền mạch giữa các nền tảng mạng xã hội khác nhau. 

Ví dụ, năm ngoái Threads của Meta đã tham gia Fediverse, một nhóm các nền tảng mạng xã hội có thể tương tác với nhau, bao gồm Mastodon và Wordpress. Nhờ vậy, người dùng trên Threads có thể theo dõi các tài khoản và đăng bài trên các mạng xã hội khác. 

Tháng 2 năm nay, một nền tảng phi tập trung khác là Bluesky cũng đã ra mắt công chúng dưới sự tài trợ của người sáng lập Twitter Jack Dorsey.

Sự phi tập trung hứa hẹn một không gian mạng dân chủ hơn, nơi mọi người nắm quyền kiểm soát dữ liệu và trải nghiệm của bản thân lớn hơn. Đây là yếu tố ngày càng được người dùng coi trọng. Một nghiên cứu tại Đại học Cincinnati cho thấy người dùng quyết định tham gia mạng xã hội phi tập trung như Mastodon chủ yếu vì yếu tố này.

Tất cả hiện vẫn chỉ là dự đoán. Ai cũng có hàng triệu lý do khác nhau để tiếp tục đắm mình trong mạng xã hội. Dẫu vậy, những thay đổi trên hoàn toàn có thể xảy ra vào năm 2025 và duy trì ít nhất cho đến khi phát minh lớn lao tiếp theo xuất hiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận