TTCT - Một cuốn tiểu thuyết ngắn và thời gian chỉ gói gọn trong 24 giờ, nhưng đó là một ngày thật đặc biệt của nhân vật chính - George - trong quãng đời khó khăn mà ông đang thích ứng sau cái chết của Jim, người đã chung sống với ông suốt 16 năm. Phóng to Khoác lên mình mặt nạ của một giáo sư văn học ở Nam California, đáng kính, tinh tế, hài hước song bên trong George hết sức cô độc. Thân phận thiểu số đặc biệt của ông - một người đồng tính - chỉ là một trong những khuôn mặt của chính ông - "được bảo quản như những tầng hóa thạch cứ xếp chồng lên nhau, lớp này đến lớp khác" và giờ đây, tất cả những khuôn mặt đã chết ấy phải đối mặt với thế giới trở nên xa lạ khi người ông yêu không còn trong đó nữa. Ông lặp lại những hoạt động thường ngày: ăn sáng, gọi điện, gặp đồng nghiệp, lái xe, lên lớp giảng cho sinh viên, gặp bạn bè... trong tâm thế của một người đã cảm thấy sự vô nghĩa của tất cả hoạt động sống, nhưng không vì thế mà dừng lại. Christopher Isherwood (1904-1986) là một tiểu thuyết gia lớn của thế kỷ 20, người có những đóng góp tích cực trong phong trào đấu tranh quyền lợi cho người đồng tính, tác giả của hơn 40 tác phẩm nổi tiếng trong những năm giữa thế kỷ 20. Các tiểu thuyết tiêu biểu: Tạm biệt Berlin (1939), Prater Violet (1945), Thế giới về đêm (1954), Người cô độc (1964)... Năm 2009, Người cô độc được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, với đề cử Oscar nam diễn viên chính dành cho Colin Firth. Cuốn sách bắt đầu bằng sự trống rỗng khi George thức giấc và bắt đầu ý thức về hiện tại cũng như cái tôi đang hiện diện của mình. Những trang sách sau đó, ông cố gắng lấp đầy dần hiện tại và cái tôi đó bằng những hoạt động thường ngày, xen lẫn những suy tư không khoan nhượng về người Mỹ, về sự sống và cái chết, thiểu số và đa số, sự sợ hãi của con người, sự cô độc của chính ông. Quan hệ của ông với bạn bè, các sinh viên, gia đình, hàng xóm và cả những cuốn sách ông đọc, đều đã trở nên buồn bã. "Thế giới của những con người khác ngoài kia" từ chối ông. Toàn bộ nỗ lực của George là để duy trì những vai diễn xã hội, đè nén ham muốn được nối kết với đồng loại bằng bản ngã đích thực của mình. Mỗi một giây phút, ông đều phải chống lại sự e dè, hiểu lầm, sự cảm thông giả hiệu và cả nỗi sợ cái chết, sợ bị lãng quên. Khi đã mất đi con người không thể thay thế trong lòng, George mới ý thức được gánh nặng của nỗ lực đó. Cái thân thể tạo hóa tạo ra đó sẽ cứ vật lộn không ngừng cho đến khi nó không còn có thể tiếp tục được nữa. Không phải vì nó kiên cường, mà vì nó không thể hình dung ra một con đường khác. Khi được xuất bản lần đầu năm 1964, Người cô độc (*) đã gây ra một cơn chấn động ở Mỹ. Qua thời gian, cuốn sách vẫn luôn được coi là tác phẩm tiêu biểu về cộng đồng người đồng tính, và được nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng Anthony Burges xếp vào danh sách 99 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất kể từ năm 1939. Điều làm Người cô độc trở thành một sáng tác văn chương đẹp đến nhức nhối là ở cách mô tả chính xác những trạng thái tâm lý u ám nhất, nhưng vẫn đậm chất hài hước sâu cay và nét duyên dáng khó tả. Cái thường nhật và khoảnh khắc hiện tại được tái hiện một cách chân thực trong dòng chảy của nó, trong cách mà George không thôi nhạy cảm với những phút rực sáng bất thần, để tìm lấy lý do mình vẫn còn tha thiết với cuộc đời: "Hình dung hai con người, sống cùng nhau ngày qua ngày, tháng đoạn tháng, năm tiếp năm, trong một khoảng không gian nhỏ hẹp, khuỷu tay chạm khuỷu tay khi đứng nấu nướng bên bếp lò, ép vào nhau trong những bậc thang chật chội, cùng đứng cạo râu trước tấm gương nhỏ trong phòng tắm, không ngừng đụng chạm, huých đẩy vào thân thể của nhau vô tình hay hữu ý, với tràn đầy nhục dục, mạnh bạo, ngượng ngùng và nóng vội, trong thịnh nộ cũng như trong ý tính - hình dung những gì mà họ đã khắc dấu vô hình vào trong từng khoảng không, từng ngõ ngách của căn nhà... Và cũng tại đây, hầu như mọi buổi sáng, khi George đặt chân tới nấc cuối cùng của bậc thang, ông lại có cảm giác bất chợt như thấy mình đang ở trên một tấm răng cưa lởm chởm, tàn độc và vỡ vụn ra từng mảnh - cho dù những dấu vết đã phai nhạt và chìm trong đổ nát". Không cần đến cốt truyện hay tình tiết gay cấn, những điểm nhấn rất tinh tế trong hành trình 24 giờ trong cuộc đời George vẫn đặc biệt cuốn hút, liên tục đòi hỏi người đọc phải tập trung để tìm được cái mã ẩn bên trong, nó kéo dài mỗi giây phút thành vô tận để phát lộ một con người, một tâm hồn đặc biệt và duy nhất. THANH VÂN ____________ (*): Người cô độc, tiểu thuyết của Christopher Isherwood, Trần Nguyên dịch, NXB Hội Nhà Văn và Công ty cổ phần sách Trẻ, 2012. Tags: Đọc sách cùng bạnThanh Vân
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Đặt tên phường theo địa danh xưa, nhớ ơn người khai hoang lập ấp KHÁNH YÊN THỰC HIỆN 09/04/2025 1986 từ
Từ 17h45, TP.HCM mưa dông tối trời, nguy cơ kẹt ngập nhiều nơi PHƯƠNG NHI 10/04/2025 Chiều tối 10-4, sau một ngày nắng hầm hập, TP.HCM mưa dông tối trời, nhiều nơi mưa khá to kéo dài hơn 30 phút.
Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream THANH HIỀN 10/04/2025 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền của Campuchia, kiên trì ủng hộ Campuchia phát triển hòa bình, ổn định và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm trưởng Ban Chỉ đạo thu hồi tài sản trong vụ Vạn Thịnh Phát THÂN HOÀNG 10/04/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Những tuyến đường nào đang nối TP.HCM - Bình Dương trước thềm sáp nhập? CHÂU TUẤN 10/04/2025 TP.HCM và Bình Dương vốn có sự gắn kết chặt chẽ về hạ tầng, giao thương với lượng người và hàng hóa qua lại rất đông. Do đó nếu sáp nhập sẽ trở thành một siêu đô thị mang tầm vóc lớn.