70 năm Hội nghị Geneva: Hội nghị Geneva đã khai diễn như thế nào?

HỮU NGHỊ 21/07/2024 14:47 GMT+7

TTCT - Năm nay là kỷ niệm tròn 70 năm Hội nghị Geneva, nhưng rất có thể còn nhiều chi tiết liên quan chưa được công bố.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam dân chủ cộng hòa Tạ Quang Bửu (phải) ký hiệp định ngừng bắn tại Hội nghị Geneva. Người ngậm điếu thuốc lá ngồi bên trái là Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Nhiek Tioulong. Ảnh: genevasolutions.news

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam dân chủ cộng hòa Tạ Quang Bửu (phải) ký hiệp định ngừng bắn tại Hội nghị Geneva. Người ngậm điếu thuốc lá ngồi bên trái là Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Nhiek Tioulong. Ảnh: genevasolutions.news

Cách đây năm năm, Mark Tokola - phó chủ tịch Viện Kinh tế Hàn Quốc của Hoa Kỳ - đã công bố trên diễn đàn Asian Forum một biên khảo về diễn trình tiến tới Hội nghị Geneva 1954. 

Theo đó, từ ngày 25-1 đến 18-2-1954, ngoại trưởng của bốn cường quốc Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp đã gặp nhau tại Berlin để thảo luận về các vấn đề quốc tế chưa được giải quyết: phân chia nước Đức, Liên Xô chiếm đóng Áo, chiến tranh Đông Dương đang diễn ra và Hiệp định đình chiến Triều Tiên. 

Họ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến Đức nhưng đã đồng ý Liên Xô sẽ rút quân khỏi Áo đổi lấy cam kết trung lập của nước này. Họ cũng đồng ý triệu tập hội nghị ở Geneva vào ngày 26-4 để giải quyết chủ yếu là vấn đề Triều Tiên cũng như vấn đề Đông Dương.

Thỏa thuận triệu tập hội nghị

Bốn bên đã nhất trí thông qua văn bản sau, được giải mật trong tàng thư "Hoạt động ngoại giao của Hoa Kỳ 1952-1954", phần 1:

"Văn bản thỏa thuận đạt được trong Hội nghị về Triều Tiên và Đông Dương [gọi tắt là Văn bản].

Berlin, ngày 18-2-1954.

Các bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Pháp, Vương quốc Anh và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, gặp nhau tại Berlin,

Xét rằng việc thiết lập, bằng các biện pháp hòa bình, một Triều Tiên thống nhất và độc lập sẽ là yếu tố quan trọng trong việc giảm bớt căng thẳng quốc tế và khôi phục hòa bình ở các khu vực khác của châu Á,

Đề nghị tổ chức một hội nghị đại diện của Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hàn Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và các quốc gia khác có lực lượng vũ trang đã tham gia chiến sự ở Triều Tiên và mong muốn tham dự, sẽ gặp nhau tại Geneva vào tháng 4 - với mục đích đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Đồng ý rằng vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị, trong đó đại diện của Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các quốc gia quan tâm khác sẽ được mời tham dự.

Điều này được hiểu rằng việc mời tham gia hoặc tổ chức hội nghị nói trên sẽ không được coi là hàm ý sự công nhận ngoại giao trong mọi trường hợp". (Nguồn: Text of Agreement Reached With Respect to Conference on Korea and Indochina- Berlin, February 18, 1954).

Toàn cảnh hội nghị Geneva. Ảnh: ThoughtsCo

Toàn cảnh hội nghị Geneva. Ảnh: ThoughtsCo

Theo tác giả Tokola, Hoa Kỳ đưa vấn đề Triều Tiên vào chương trình nghị sự của Hội nghị Berlin vì cuộc đàm phán hậu đình chiến tại Bàn Môn Điếm với Trung Quốc và Triều Tiên đã hoàn toàn không có kết quả kể từ khi ký kết đình chiến sáu tháng trước. 

oa Kỳ tin rằng việc nâng các cuộc đàm phán lên cấp độ quốc tế có thể giúp phá vỡ thế bế tắc trong "vấn đề Triều Tiên", đặc biệt nếu Liên Xô tham gia tích cực và thúc đẩy thái độ hợp tác hơn từ đồng minh Trung Quốc. 

Lúc đó Hoa Kỳ không công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, trong khi Trung Quốc và Triều Tiên từ chối gặp mặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc vì coi chính Liên Hiệp Quốc là một bên tham chiến.

Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault do đó đề xuất giải pháp là bốn cường quốc triệu tập hội nghị, trong đó Hoa Kỳ sẽ mời Hàn Quốc; còn Liên Xô mời Trung Quốc và Triều Tiên. 

Trong nội bộ phe tư bản, Tổng thống Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman) của Hàn Quốc lo rằng các phái đoàn của phe họ sẽ phụ thuộc vào Hoa Kỳ tại hội nghị, song Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rõ đại diện các quốc gia thành viên của Bộ Tư lệnh thống nhất (tham chiến cùng Hàn Quốc trong chiến tranh Triều Tiên) sẽ có mặt, tham gia đầy đủ và bình đẳng, "không có sự phân biệt".

Trung Quốc có vai trò gì?

Đến đây, Tokola lưu ý chi tiết về sự xuất hiện của Trung Quốc: "Danh sách người mời và người được mời đã được các ngoại trưởng ở Berlin đồng ý, nhưng vì Văn bản chỉ liệt kê tất cả những bên tham gia dự kiến nên Liên Xô có thể sau này tuyên bố một cách công khai, nhiều lần, rằng Trung Quốc là một trong "năm cường quốc" đã triệu tập Hội nghị Geneva, một khẳng định mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã bác bỏ thường xuyên".

Có thể kiểm tra chi tiết sau cùng này qua một bức thư ngày 13-3-1954 của quyền ngoại trưởng Hoa Kỳ gửi tòa đại sứ Trung Hoa dân quốc lúc đó (Đài Loan), giải thích tại sao họ lại mời Bắc Kinh tham gia Hội nghị Geneva (và giải thích cho đoạn cuối cùng ở Văn bản: "không... hàm ý công nhận ngoại giao". 

Cần nhớ rằng Trung Hoa dân quốc (tức Đài Loan) giữ ghế ở Liên Hiệp Quốc tới năm 1971 mới bị trục xuất và thay thế bằng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Bức thư phân bua: "Hàn Quốc và các quốc gia dưới sự chỉ huy của Liên Hiệp Quốc sẽ đàm phán với phe cộng sản Liên Xô với tư cách là đối phương gây ra cuộc chiến... Hội nghị về Đông Dương được tổ chức đồng thời với Hội nghị chính trị Triều Tiên sẽ bao gồm Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa như những bên tham chiến... Do lẽ, không có thỏa thuận nào có thể hiệu quả nếu không ràng buộc những tác nhân của cuộc xung đột".

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ở hội nghị Geneva 1954. Ảnh: CGTN

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ở hội nghị Geneva 1954. Ảnh: CGTN

Trong khi phía Mỹ ra sức phân bua về việc Trung Quốc tham gia hội nghị, vô hình trung thành hình một thực thể "năm cường quốc" (bốn cường quốc kia là Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Liên Xô). 

Nghiên cứu "Mass Mobilization in the Democratic Republic of Vietnam, 1945-1960" do MUSE công bố giải thích rất rõ thái độ của Hoa Kỳ: "Hoa Kỳ không thích ý tưởng đàm phán với Trung Quốc, nhưng Pháp coi các cuộc đàm phán như vậy là phương tiện khả thi để thoát khỏi cuộc chiến ở Đông Dương".

Có thể thấy tuy Trung Quốc ở thời điểm đó không/chưa được các nước phương Tây thừa nhận, song trong các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, họ lại có những tác động thực tế trọng đại. 

Ngày 2-3-1953, Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai đã sơ lược đánh giá: "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tham gia hội nghị [Geneva] đánh dấu bước tiến lớn hướng tới giảm bớt căng thẳng quốc tế và do đó giành được sự ủng hộ rộng rãi của các dân tộc và quốc gia yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới".

Cũng chính ông vạch ra mục đích và yêu cầu "bằng mọi giá" của việc Trung Quốc tham gia: 

"Về vấn đề Đông Dương… chúng ta phải cố gắng hết sức để Hội nghị Geneva không kết thúc mà không có kết quả; ngay cả khi không đạt được thỏa thuận nào, chúng ta cũng không nên để cho cuộc đàm phán lập lại hòa bình ở Đông Dương bị phá hoại hoàn toàn, mà phải tạo ra tình trạng "vừa đánh vừa đàm"". 

Nôm na mà nói: Trung Quốc không bao giờ để hội đàm kết thúc trong đổ vỡ, mà phải đạt bằng được một kết quả, dù là tối thiểu, bất chấp sau đó có "vừa đánh vừa đàm". Cũng chính lời ông Chu Ân Lai: "Một cuộc ngừng bắn tại chỗ không hay bằng một sự chia cắt theo đường phân giới Nam - Bắc, tỉ như vĩ tuyến 16".

Thỏa thuận ngừng bắn ở bán đảo Triều Tiên được ký kết năm 1953. Ảnh: Wikipedia

Thỏa thuận ngừng bắn ở bán đảo Triều Tiên được ký kết năm 1953. Ảnh: Wikipedia

Tính toán của các bên

Trong bản đánh giá sơ bộ trên của ông Chu Ân Lai còn có một đoạn với nội dung phải nói là khá "đi trước thời đại": "[chúng ta phải chuẩn bị] các biện pháp mạnh mẽ nhằm phát triển quan hệ kinh tế, trao đổi thương mại giữa các nước, làm dịu hơn nữa tình hình quốc tế căng thẳng và phá bỏ sự phong tỏa, cấm vận của đế quốc Mỹ".

Để hiểu rõ hơn mục tiêu đó, có thể tham khảo bài viết "Chiến dịch chống phong tỏa, cấm vận và đóng băng vì tiến bộ ngoại thương (1950 - 1952)" trên website của Ngân hàng Trung Quốc. Bài viết tóm thuật tình hình lúc đó: 

"Năm 1950, Mỹ phát động toàn diện các biện pháp phong tỏa và cấm vận Trung Quốc, âm mưu thành lập Ủy ban Điều phối kiểm soát xuất khẩu (CCEC) và Tiểu ban Trung Quốc, nhằm thao túng việc Liên Hiệp Quốc thông qua đề xuất về cấm vận Trung Quốc". 

"Quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua Đạo luật Chiến đấu để buộc các quốc gia thành viên CCEC hạn chế vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc bằng cách đe dọa hủy bỏ viện trợ nước ngoài cho các nước này". 

"Ngày 16-12-1950, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban hành lệnh phong tỏa theo Đạo luật Phong tỏa tài sản chống lại Trung Quốc và Triều Tiên nhằm đóng băng tài sản hữu hình và vô hình, động sản và bất động sản, tài sản tiềm tàng và vốn chủ sở hữu của Trung Quốc và công dân nước này trong lãnh thổ Hoa Kỳ".

Càng nghiêm trọng khi lệnh phong tỏa và cấm vận được các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ áp dụng theo: 

"Sau khi Hoa Kỳ tiến hành phong tỏa, cấm vận và đóng băng toàn diện với Trung Quốc, một số nước phương Tây đã tiến hành cấm vận với Trung Quốc ở các mức độ khác nhau, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại thương và kinh doanh ngoại hối mới được nối lại của Trung Quốc". 

Đó chính là lý do ông Chu Ân Lai đề cập tới nhiệm vụ "phá bỏ sự phong tỏa, cấm vận của đế quốc Mỹ" qua tham gia Hội nghị Geneva.

Trong khi Bắc Kinh chuẩn bị sẵn tâm thế và kế hoạch tham gia hội nghị thì phía Hoa Kỳ cũng có những mục tiêu rõ ràng. 

Trong chỉ thị đề ngày 5-3-1954 gửi tất cả nhiệm sở ngoại giao Hoa Kỳ trên toàn thế giới, ngoại trưởng Hoa Kỳ giải thích rất rõ tên gọi của hội nghị: "Vì phía cộng sản đang nỗ lực hết sức để làm cho các cuộc họp ở Geneva có vẻ giống với "Hội nghị năm cường quốc ở Viễn Đông" mà họ đề xuất, nên vấn đề về thuật ngữ chính xác rất quan trọng. 

Giai đoạn của các cuộc họp ở Geneva về Triều Tiên, cuộc họp duy nhất hiện giờ được đưa ra lời mời, là "Hội nghị Chính trị Triều Tiên". Việc đề cập đến các cuộc thảo luận về Đông Dương có thể tạm thời được gọi là "Các cuộc thảo luận tại Geneva về Đông Dương"".■

Về phía Hoa Kỳ, tất nhiên có rất nhiều ý kiến song vào thời điểm trung tuần tháng 5-1954 đã nổi lên một tiếng nói có thể gọi là "tiên tri" về hậu vận của Hội nghị Geneva. Henry Cabot Lodge, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, cuối buổi chiều 13-5-1954 đã gửi cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một thư khuyến cáo có đoạn:

"Người dân Hoa Kỳ nhận ra rằng Pháp hiện phải chịu trách nhiệm chính, nhưng lo ngại rằng Hoa Kỳ bằng cách này hay cách khác sẽ phải gánh chịu trách nhiệm sau này. Họ sợ rằng những chàng trai Hoa Kỳ sẽ lại được gửi ra nước ngoài để chiến đấu cuộc chiến của người khác".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận