TTCT - Cách dễ nhất để sỉ nhục một người là chê món quê hương xứ sở của họ. Năm 2019, Tom Pepinsky, học giả và chuyên gia về chính trị Đông Nam Á ở Đại học Cornell (Mỹ), đăng tweet xếp hạng các "món ăn quốc gia" (national dish) của khu vực này, trong đó Việt Nam đứng đầu, còn Philippines xếp chót.Dân Phi phẫn nộ với Pepinsky là chuyện đương nhiên, nhưng điều đáng nói là cả khu vực đều đồng lòng chỉ trích ông học giả người Tây. "Chẳng có gì khiến Đông Nam Á đoàn kết nhanh hơn là một gã da trắng sỉ nhục món ăn của họ" - tạp chí Vice nhận định. Trong vụ này, Kate Walton - một cây bút tự do người Úc đóng ở Jakarta, Indonesia - cũng phải lên tiếng xin lỗi vì lỡ "hùa" theo tweet của Pepinsky khi "còm" rằng thức ăn Philippines quả là nhạt nhẽo và dở nhất khu vực.So sánh ẩm thực chỗ nọ nơi kia đã là sai trái, và cái sai lớn hơn là gắn chuyện ăn uống với quốc gia dân tộc - làm thế thì kiểu gì cũng tạo cảm giác nước này "thượng đẳng" hơn nước kia, theo Fadly Rahman, nhà sử học thực phẩm ở Đại học Padjadjaran (Indonesia). Nhân vụ Kate Walton "đắc tội" với người Philippines, kênh SBS Food (Úc) bình luận: ẩm thực giữ vị trí trung tâm trong văn hóa Philippines, đụng tới nó là chạm vào lòng tự tôn của dân xứ đó vậy.Cũng vậy mà bất kỳ cuộc thảo luận về ăn uống trên không gian mạng, dù bắt đầu vô hại, cũng có thể dễ leo thang thành đánh nhau vỡ đầu. Tháng 12-2019, sinh viên Đại học Miami Jon Becker lên Twitter kêu gọi bà con "hãy để lại đánh giá về ăn uống gây tranh cãi của bạn, tôi rất khoái nghe". Theo tường thuật của The Washington Post, ban đầu mọi người, từ cây bút ẩm thực uy tín tới người nổi tiếng, rất vui vẻ hưởng ứng - họ bỉ bai đủ món trên đời, từ xốt mayonnaise tới pizza dứa.Chuyện chỉ hết vui khi yếu tố quốc gia dân tộc xuất hiện: "Đồ ăn Ấn Độ rất tệ và chúng ta chỉ vờ như không phải vậy" - Tom Nichols, chuyên gia về an ninh quốc gia, đưa ra ý kiến. Chính Nichols đã kể lại những gì diễn ra sau bình luận này của ông: có người nửa đùa nửa thật (ông không có vị giác à), có người thành tâm khuyên bảo (nên thử thêm món này món này, ông sẽ nghĩ khác), nhưng bất ngờ nhất là có người cho rằng ông có động cơ đen tối. "Tôi bị cáo buộc tội, với nhiều trạng thái giận dữ vô độ khác nhau, vì đã có những định kiến về người Ấn và làm trầm trọng thêm lịch sử áp bức" - Nichols viết trên USA Today.Theo The Washington Post, cách mở chủ đề thảo luận "muốn nghe ý kiến tranh cãi" này rất phổ biến với các lãnh vực như phim ảnh hay thể thao, nhưng với ẩm thực rõ là chuyện khác. Lý do đơn giản, như cây bút ẩm thực người Úc với trên 20 năm kinh nghiệm Ben Groundwater, đúc kết: đừng bỉ bôi đồ ăn nước khác.Năm 2018, Groundwater từng bị dân Kazakhstan mắng "cút về mà cưỡi kangaroo đi", thậm chí dọa giết, khi viết bài xúc phạm ẩm thực nước này: chê món beshbarmak (thịt ngựa luộc với mì ống và hành tây hầm) và kumis (sữa ngựa lên men).Trong một bài viết cho báo The Sydney Morning Herald, nhà phê bình ẩm thực này lý giải thêm ông hoàn toàn hiểu vì sao người Kazakhstan nổi giận. "Nếu văn hóa của tôi có món nào có thể tự nhận là của riêng, tôi có lẽ cũng sẽ thấy bị xúc phạm nếu bị người ngoại quốc chê bai (nhưng chắc chắn sẽ không dọa giết họ)" - ông viết.Ẩm thực là một trong những niềm đam mê phổ biến ở mọi nền văn hóa, quốc gia, dân tộc. Người ta sẽ đấu tranh vì nó, nếu buộc phải làm vậy. Và người ta sẽ bảo vệ đến chết món ăn yêu thích của mình - một món ăn gắn với tuổi thơ, với truyền thống gia đình, hay đao to búa lớn hơn, với "tâm hồn dân tộc".Vẫn là Groundwater: "Vì vậy, tin tôi đi, muốn đắc nhân tâm thì chớ chê ẩm thực xứ khác". Nhưng thứ người ta mong đợi ở một nhà phê bình là sự công tâm, khen chê rõ ràng. Cây bút người Úc kể nốt một chuyện cực kỳ liên quan: khi ông nói đồ ăn Singapore ngon, nhưng nhiều món là du nhập từ nước khác, dân bản xứ rõ là phật lòng. Nhưng lúc viết một bài hoành tráng khen ẩm thực Tây Ban Nha, ông lại được tổng lãnh sự địa phương mời tới tay bắt mặt mừng, thiếu điều cấp luôn quốc tịch.Người ta có quyền tự hào, tới mức cực đoan, về chuyện ăn uống. Tốt thôi, nhưng trước khi phẫn nộ "ai cho mày chê cơm tao dở", có lẽ nên nhìn xem ai chê. Một trang mạng nội dung do cộng đồng đóng góp, có lẽ không đáng. Ấy là nói trang trang du lịch ẩm thực nọ vừa khiến dân mạng Việt Nam phẫn nộ vì công bố danh sách 45 món "khoái khẩu nhất" - theo khẩu vị của dân ta - dưới cái nhãn "được đánh giá thấp nhất" - theo cái nhìn của dân mạng tứ xứ.Bức xúc mà chi với một trang nội dung do cộng đồng đóng góp, nay vừa tôn vinh Pháp đầu bảng (Xếp hạng 50 best cuisines, 6-2022), mai lại cho xếp sau cả Mỹ (Danh sách 95 best cuisines in the world, 12-2023), và không mong gì hơn là dân chúng cãi nhau ì xèo, để tên trang web lan xa, đổi lại là lượt truy cập, và cuối cùng là lợi ích kinh tế. Tags: Ẩm thựcPhê bình ẩm thựcTranh cãiTasteAtlasMón ăn
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.