Ai thực sự chia sẻ với shipper?

NHƯ BÌNH 07/10/2021 19:05 GMT+7

TTCT - Xây dựng một mô hình hoạt động cho shipper mang tính bền vững hơn sau ngày 30-9 đến nay vẫn chưa rõ ràng.

 
 Shipper lấy hàng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM để đi giao cho khách sáng 23-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau gần một tháng được phép hoạt động liên quận trở lại, tình hình thiếu shipper ở TP.HCM vẫn chưa được cải thiện, chủ yếu do sự không ổn của các chính sách, điều kiện để shipper được hoạt động an toàn. Từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, việc quản lý lực lượng này bị chuyền đi chuyền lại giữa hãng xe và nhà quản lý, hiện nay là việc xét nghiệm COVID-19.

Khi shipper không dám chạy...

“Thực tế vẫn đang tắc, không được cấp giấy để chạy, không dễ bán được hàng vì gọi mãi chẳng thấy shipper” - ông Lê Xuân Trường, CEO Tasty Kitchen, nói như khóc khi nghe tin TP.HCM cho mở lại dịch vụ ăn uống mang đi.

Cả đội ngũ của doanh nghiệp này đã sẵn sàng cho phương án sản xuất “3 tại chỗ”, nghiên cứu những món ăn mới phù hợp với thị hiếu sau dịch, nhưng shipper vẫn là nút thắt ngoài tầm với của doanh nghiệp này. Tính đến 28-9, nhân viên giao hàng của doanh nghiệp này vẫn chỉ có thể giao nội quận, các đơn ship liên quận phụ thuộc vào đối tác thứ 3 với tỉ lệ nhận cuốc “nhỏ giọt”.

Rất nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ cũng đang hoạt động dưới công suất vì không có shipper giao hàng. “Hàng soạn sẵn, chờ mãi không có shipper đến, nhiều đơn hàng tươi sống, thịt cá không giao được trong ngày, đành phải bỏ đi” - đại diện siêu thị AEON Việt Nam nói trong những ngày mở bán online trở lại.

Trong bối cảnh người dân hạn chế đi lại, việc sử dụng các dịch vụ giao nhận, vận chuyển thực phẩm và hàng hóa liên quận là nhu cầu chính đáng và thiết yếu của đa số người dân. Shipper trở nên có “giá” và cước phí cũng “tăng giá” đến phát hoảng nhưng vẫn “đỏ mắt” tìm không ra. Theo Sở Công thương TP.HCM, tổng số lượng shipper được phép hoạt động của 34 doanh nghiệp ở TP xấp xỉ 100.000 tài xế. Tuy nhiên, số tài xế thực sự hoạt động thể thấp hơn nhiều. Theo con số thống kê không chính thức của nhà quản lý là chỉ khoảng 50%, khiến nhu cầu giao nhận hàng hóa, đi chợ hộ của người dân chưa thể được đáp ứng đủ.

Vì sao shipper chưa mặn mà chạy?

Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, phó tổng giám đốc Tiki, nói có rất nhiều lý do các shipper “tắt app” không dám chạy. Có người sợ ra đường bị phạt dù được trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, có shipper không chịu nổi vì bị “ngoáy mũi” hoài, có người thì sợ bị nhiễm bệnh. “Nhưng lý do nhiều shipper ngại nhất là tỉ lệ đơn hàng thành công thấp cho người nhận ở các khu vực bị phong tỏa. Nhiều địa điểm trên bản đồ rất ngắn nhưng phải chạy lòng vòng vì chốt chặn khắp nơi” - ông Khánh nói.

Trong mối quan hệ với giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ, shipper được gọi là đối tác. Vì là đối tác nên giữa hãng và shipper không được gắn kết bởi hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, tài xế được lựa chọn chạy hay không. Đại diện ShopeeFood cho biết để khuyến khích tài xế hoạt động, các phương án hỗ trợ cần thiết được hãng triển khai như hỗ trợ chi phí bảo hiểm nếu nhiễm COVID-19 nhằm giảm thiểu gián đoạn việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm. “Chúng tôi cũng đưa ra cả phương án hỗ trợ chi phí phạt hành chính trong trường hợp shipper bị phạt dù đã tuân thủ các quy định” - đại diện ShopeeFood nói.

Theo các công văn hiện hành, shipper đang được phát các bộ xét nghiệm nhanh miễn phí cho đến hết ngày 30-9-2021. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ cho doanh nghiệp tự chịu chi phí xét nghiệm cho shipper kể từ sau 30-9, đồng thời tự cập nhật thông tin xét nghiệm của đối tác tài xế lên cơ sở dữ liệu của thành phố. Hiện nay đã có 33/34 doanh nghiệp trên địa bàn cập nhật thông tin xét nghiệm của shipper lên cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ quản lý.

Đại diện Gojek Việt Nam nói nếu doanh nghiệp phải tự trang trải, đây sẽ là một gánh nặng chi phí lớn, trong khi hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp đều gần như ngưng trệ trong thời gian qua để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về phòng dịch, chưa kể rất nhiều chi phí phát sinh do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi trong đại dịch. “Chúng tôi kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ chi phí này hoặc áp giá trần các bộ xét nghiệm để tránh trường hợp làm giá, đồng thời chỉ định các cơ sở bán vật tư y tế uy tín”, Gojek Việt Nam nói.

Phía Grab dè dặt hơn, cho biết đang làm việc với các đơn vị được Bộ Y tế cấp phép và đàm phán với một số đối tác doanh nghiệp để có nguồn cung ứng bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 ở mức giá cạnh tranh nhất. Trước đó, đã có hãng xe tự thu phí của shipper và bị cơ quan quản lý “tuýt còi”.

Xây dựng một mô hình hoạt động cho shipper mang tính bền vững hơn sau ngày 30-9 đến nay vẫn chưa rõ ràng. Anh Minh, một tài xế của Hãng Be, cho biết thu nhập những ngày này khoảng 400.000 đồng/ngày với khoảng 10 đơn hàng, chủ yếu chạy nội quận. “Để được chạy, tài xế phải ngoáy mũi, ngán lắm. Nếu phải gánh thêm chi phí xét nghiệm sẽ chồng khó khăn thêm. Đồng nghiệp tôi bỏ về quê hết rồi” - anh Minh nói. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận