Alfred Riedl và lần thứ ba, từ tuyển VN đến Indonesia

BAN CẦM 08/12/2016 00:12 GMT+7

TTCT - Rất khó để nói rõ ràng xem rốt cục thì di sản của huấn luyện viên Alfred Riedl là gì ngoài năm lần... về nhì ở đủ các giải khác nhau với đội tuyển quốc gia và câu nói bất hủ: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.

HLV Alfred Riedl (giữa) cùng HLV Nguyễn Hữu Thắng (bìa phải) trước trận giao hữu giữa đội tuyển Indonesia và VN tại Hà Nội hôm 8-11 -N.K.
HLV Alfred Riedl (giữa) cùng HLV Nguyễn Hữu Thắng (bìa phải) trước trận giao hữu giữa đội tuyển Indonesia và VN tại Hà Nội hôm 8-11 -N.K.

Dám nói, nhưng chưa thể làm

Phát biểu đó là một lần thẳng thắn hiếm hoi của ông Riedl ở VN và đã trở thành kinh điển, dù được huấn luyện viên (HLV) người Áo nói ra từ 18 năm trước sau một thời gian ngắn tiếp quản đội tuyển quốc gia.

Điều đó chứng tỏ rằng ông Riedl là một nhà chiến lược có tầm nhìn xuất sắc, đã nhận ra rất nhanh bản chất của bóng đá VN và khái quát trong một câu nói mà đến giờ vẫn còn giá trị thời sự.

Nhưng ông Riedl và rất nhiều HLV ngoại khác đến VN không thể trở thành một nhà cách mạng cho nền bóng đá, dù ai cũng nhận ra hạn chế của nó.

HLV người Brazil Tavares từng sửa cách chơi đủng đỉnh của các cầu thủ bằng việc nhồi cho họ tập thể lực đến mức mà các quan chức liên đoàn sợ cả đội tuyển... ho ra máu (cuối cùng thì họ chạy như “lên đồng” ở Cúp Độc Lập năm 1995).

HLV Karl-Heinz Weigang từng gí đồng hồ vào mặt từng cầu thủ vì họ đến sân tập muộn, và đe dọa đuổi một nhóm cầu thủ mà ông nghi rằng họ “bán độ” ngay khi Tiger Cup 1996 đang diễn ra.

HLV người Anh Colin Murphy, một tín đồ của 4-4-2, thì cảm thấy ngạc nhiên vì tiếp quản một đội tuyển vẫn còn chơi theo sơ đồ 5-3-2.

Ông Riedl khi mới đến VN rất băn khoăn với chuyện các câu lạc bộ ở đây họp chiến thuật kiểu “đánh trần” ngay bên ngoài đường piste, và cũng bị ám ảnh với sơ đồ 4-4-2.

Đấy là những người đầu tiên cảm thấy “sốc văn hóa” khi đặt chân đến VN vào thời điểm bóng đá còn bao cấp và nghiệp dư, nhưng cuối cùng thì chỉ có Riedl trụ lại, không phải một mà những ba lần, giành được tình cảm đến mức bây giờ trong người ông là một quả thận của người Việt.

Có lẽ là vì ngoài “bóng đá VN xây nhà từ nóc”, ông hầu như không chỉ trích bất kỳ ai, từ lãnh đạo liên đoàn cho đến cầu thủ và rất chịu khó thỏa hiệp: Ở Tiger Cup 1998, ông đã bỏ ý định cho tuyển đá 4-4-2 và quay về với 5-3-2 cổ lỗ chỉ sau hai trận.

Lần cuối cùng cầm tuyển VN, ông đã tự nộp đơn từ chức sau thất bại ở SEA Games 27, ra đi một cách hòa bình, đúng như những gì đã thể hiện từ trước đến giờ.

Và lần thứ ba với Indonesia

Vì thế, dù có gần chục năm làm việc ở VN và được lòng đa số cầu thủ của thế hệ vàng năm nào (gồm cả HLV tuyển VN Hữu Thắng), nhưng nếu hỏi những học trò cũ xem ảnh hưởng của Riedl là gì, có lẽ họ cũng khó trả lời rành mạch.

Riedl không phải một người đủ kiên định và quyết liệt để tạo ra thay đổi, mà đơn giản là một giải pháp trung dung, an toàn thường được tính đến khi mất phương hướng. Các cuộc đàm phán giữa ông với LĐBĐ VN luôn đơn giản và chóng vánh, thậm chí dễ dàng đến mức có đồn đại rằng ông Riedl đã chấp nhận giảm cả lương để có ghế nóng.

Nhưng những lời đồn đại đó hóa ra lại rất logic với lần thứ hai của ông Riedl tại Indonesia. Ba năm trước, LĐBĐ nước này đã ký một hợp đồng kèm theo điều khoản khá “bất lịch sự”: hoặc ông giúp Indonesia vô địch AFF Cup 2014, hoặc bị sa thải trước khi thời hạn ba năm của hợp đồng kết thúc.

Một HLV khái tính hơn có thể phát khùng vì điều này, nhưng Riedl thậm chí bảo rằng ông “hạnh phúc khi trở lại Indonesia”, và “chấp nhận thử thách của LĐBĐ Indonesia”.

Indonesia bị loại ngay từ vòng bảng AFF 2014 và ông Riedl ra đi, trước khi... trở lại vào tháng 6 vừa rồi. Trước đó, LĐBĐ Indonesia đã mất phương hướng đến nỗi tuyên bố muốn mời từ Jose Mourinho cho đến Guus Hiddink, rồi cuối cùng họ lại quay về với giải pháp an toàn và luôn luôn dễ chịu: Alfred Riedl.

HLV người Áo là một bậc thầy trong việc tạo ra cảm giác an toàn, bằng sự dễ chịu và trung dung đến mức chịu đựng rất Á Đông, những phẩm chất đã giúp ông được VN và Indonesia mời đi mời lại ba lần (với Lào là hai lần).

Nhưng cũng có lẽ vì thế ông đã bốn lần vào chung kết với các đội tuyển Đông Nam Á (2 ở AFF Cup và 2 ở SEA Games) nhưng không giành được gì cả. Riedl là một giải pháp cân bằng từ chuyên môn, quan hệ, cho đến... thành tích. Ông không tệ, nhưng luôn thiếu một cú rướn, một khoảnh khắc liều lĩnh, một chút “đánh mất” mình... hoặc đại loại thế để vươn đến đỉnh cao.

Với bóng đá VN, lần duy nhất ông “dám” liều lĩnh là phê phán rằng cả nền bóng đá này đang được xây từ nóc. Nhưng tất cả chỉ có thế.

Từ đó đến giờ ông luôn là một “Riedl-tròn-trịa”, một giải pháp được lòng tất cả nhưng cũng chẳng dẫn đến đâu. Bóng đá VN đã trải qua cảm giác này, và bóng đá Indonesia có lẽ cũng sẽ hiểu rõ điều đó sau AFF Cup 2016. Trước mắt là cuộc chạm trán giữa hai đội tuyển tại bán kết lượt đi vào thứ bảy này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận