"Ăn kem thôi mà"!

ĐÔNG NHI (HÀ NỘI) 12/10/2011 23:10 GMT+7

TTCT - Đi Sài Gòn về, bạn hỏi chuyến đi có gì vui? Ờ thì bảo là vẫn thế thôi, năm nào chả vào đó ba bốn lần, lần nào cũng như lần nào. Hết công hết việc lại chạy xe đi ăn uống, cà phê gặp gỡ tụi bạn cũ.

Có thời gian thì đi lang thang mua sách, mua đĩa nhạc. Rảnh nữa thì ghé trung tâm thương mại ngắm nghía. Hết.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Ớ, nhưng lần này có cái vui “thiệt là vui”. Bạn hào hứng: sao, sao, có quen được anh chàng miệt vườn nào hay lại thêm được “project” mới ngon lành? Ừm, làm gì có, chỉ là “được ăn kem thôi mà”. Bạn xì môi: trời, tưởng chuyện gì.

Ừ, thì đúng ăn kem có gì là to tát, nhưng không phải là ăn kem của Bud’s, cũng chẳng phải là kem Fanny hay Pinky, càng không phải kem Celano hay Merino đủ vị... Nó là món kem ốc quế ăn ngay tại lề đường Ngô Tất Tố.

Ấy là khi trờ xe mua tờ báo, thấy ông cụ đẩy xe kem sơn màu xanh nhạt lững thững ngang qua. Mừng hết biết. Giữa trời Sài Gòn nóng rang, thấy xe kem khác nào thấy gió. Vội vàng gọi ông cụ, không rời mắt khỏi chiếc muỗng múc kem đưa lên đưa xuống nhịp nhàng. Một nhịp rắc lạc. Một nhịp rưới sữa. Thêm một nhịp sôcôla (thật ra là ca cao). Thế là hoàn tất một tuyệt phẩm kem đường phố!

Xoay nhẹ cây kem ốc quế trên tay, bắt đầu để môi chạm vào những mảnh - hạt - lạc sữa sôcôla, ngỡ như mình đang tận hưởng món ngon nhất trần đời.

“Bó tay, cứ như là ăn được sơn hào hải vị” - bạn lắc đầu chán nản.

Sơn hào hải vị dễ gì tuyệt diệu hơn cây kem ốc quế giữa trưa Sài Gòn nóng rang mà phải 20 năm mới được nếm lại. Nhớ cái thuở lên 6, lên 7, mỗi lần tan trường xiết bao sung sướng được mẹ mua cho cây kem ốc quế màu xanh, màu vàng, cũng rưới nào sữa, nào sôcôla, điểm xuyết vài hạt lạc rang hơi cháy. Vội vã cắn, vội vã để những “miếng đá” mát lạnh tan chảy trong cổ họng, vội vã để những hạt lạc kêu rôm rốp dưới răng. Sướng gì đâu...

Cho con cây nữa ông ơi. Con gửi ông tiền luôn ạ!

Của cô bốn ngàn!

Dạ?

Bốn ngàn của cô!

Con gửi ông. Ông khỏi thối ạ.

Cảm ơn cô, nhưng tôi chỉ lấy bốn ngàn thôi!

Đưa trả lại ba tờ hai ngàn phẳng phiu, ông cụ lại thong dong đẩy chiếc xe kem xanh nhạt về phía cây cầu vượt ầm ào xe cộ. Một đám trẻ vừa đi học về lao xao chạy lại. Hình như xa lắm, thấy ông cụ móm mém cười... Hình như gần lắm, mắt mình cũng cay cay...

Những tay đàn ông không muốn về nhà

Chiều về...

Thợ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ điện, thợ nước, thợ tiện, thợ hàn, thợ sửa xe, thợ sửa đồng hồ... kéo nhau ra quán cóc, vỉa hè, thành cầu, kè sông uống bia hơi hay rượu đế. Thức nhắm là cóc, ổi, xoài, ốc bươu, ốc quắn, cút nướng, bắp chiên...

Chiều về...

Giáo viên, nhân viên, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, viên chức, thương gia... rời chỗ làm đi nhậu. Tùy đẳng cấp, tùy hệ số lương, tùy bổng lộc, họ ghé quán nhậu, nhà hàng, resort phù hợp với túi tiền. Có thể uống bia hay rượu ngoại. Nhắm thịt chó, lẩu dê, gà nướng, tôm chiên, gỏi cá...

Chiều về, cả thành phố tưng bừng nhậu, dzô dzô và dzô dzô. Những phụ nữ có chồng gọi những kẻ đang nhậu đó là “những tay đàn ông không muốn về nhà”.

Làm một cuộc phỏng vấn nhanh “những tay đàn ông không muốn về nhà” này, thấy có quá nhiều lý do: Về nhà sớm chả biết làm gì. Ham vui với bạn bè. Đùn việc nhà cho vợ. A dua. Chứng tỏ dân chơi, sành điệu. Chán nản vợ con bíu ríu. Anh em réo điện thoại. Không chơi, chúng bảo mình sợ vợ. Có làm, có chơi... Uống riết rồi nghiện ly bia buổi chiều như nghiện ly cà phê buổi sáng vậy.

Nếu xem gia đình là tế bào của xã hội và xem đàn ông là phần nhân của tế bào đó, thì mỗi khi chiều về cái tế bào xã hội kia đang khiếm khuyết nghiêm trọng phần nhân của nó, khuyết từ bốn giờ rưỡi chiều và có khi kéo dài đến nửa đêm.

Làm gì với “những tay đàn ông không muốn về nhà” này bây giờ? Rắn tay với thú uống bia như Tổng thống Medvedev đã làm ở Nga chăng?(*)

__________

(*) Tổng thống Nga D. Medvedev hồi tháng 7 đã ký dự luật cho phép phân loại bia như rượu mạnh để kiểm soát việc kinh doanh, tiêu thụ bia như kiểm soát rượu.

Sẻ chia những khoảnh khắc xuân...

Bạn có những ký ức xuân về một thành phố từng đi qua, một góc phố cuối năm nào đó bạn đã hay đang sống? Mời bạn chia sẻ những khoảnh khắc đó cho Nhật ký thành phố, số đặc biệt ra vào đầu xuân Nhâm Thìn. Tin bài xin gửi tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố xuân 2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận