Bà cụ phơi nắng

TRẦN ANH (HÀ NỘI) 15/06/2014 21:06 GMT+7

TTCT - Sáng chủ nhật, tỉnh dậy đã là 8g30. Nắng đã chói chang xiên vào ô cửa căn phòng trọ trên lầu 4. Tôi bước ra đường, tính quẹo trái qua sạp rau cách đó vài trăm mét để mua đồ ăn nấu cơm trưa.

Minh họa: Salem

Không như mọi ngày, con hẻm rộng vắng tanh. Nhìn sang bên phải. Ô kìa, bà cụ vẫn ở đó.

Bà cụ đã già lắm, ngồi xe lăn, mặc áo mỏng, mái đầu chỉ còn vài sợi bạc lơ thơ. Hằng ngày, dắt xe ra khỏi nhà vào lúc 6g30, tôi vẫn thấy bà ngồi đó sưởi nắng. Bên cạnh là người đàn ông, đoán chừng là con trai cụ. Cũng có khi người đàn ông ngồi ở hàng nước gần đó uống cà phê, đọc báo. Nhưng hôm nay, có một sự ngẫu nhiên tình cờ nào đó khiến con hẻm tuyệt nhiên vắng lặng, không một bóng người. Quán nước không mở cửa. Không thấy người đàn ông kia.

Chỉ có mình bà cụ. Và nắng tháng 5 của Sài Gòn, giờ ấy, đã bắt đầu rát bỏng.

Tôi nhìn trước, nhìn sau. Không ai cả. Đắn đo mãi tôi tiến về phía bà cụ, gọi nhưng cụ không phản ứng. Chỉ có đôi mắt vẫn mở, lâu lâu chớp chớp. Đôi tay nhăn nheo gầy guộc, đầy đồi mồi buông trước hai đầu gối. Biết làm thế nào? Tôi chưa từng hỏi chuyện, cũng không biết nhà bà cụ ở đâu trong số hàng chục căn nhà như biệt thự kia.

Tôi đánh liều bấm chuông một căn nhà. Không thấy ai ra mở cửa. Một căn nữa. Một người giúp việc mới tới làm, không biết bà cụ là ai. Thôi, liều thêm một căn nữa. Một bà chủ đẫy đà nhòm qua ô cửa, sau khi nghe tôi trình bày, nói không biết gì hết, rồi lầm bầm quay vào.

Nắng đã lên cao hơn. Tôi trẻ mà còn thấy khó chịu. Đành đẩy xe đưa bà cụ vào nhà mình. Căn hộ cho thuê, tầng trệt chỉ là nhà để xe. Đành để bà cụ ở đó. Còn tôi mở toang cổng, ngồi mấp mé để xem có ai qua lại tìm bà cụ hay không. Suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, tôi vừa nghe ngóng, vừa lo lắng vì bà cụ đã có dấu hiệu quá mệt, mắt nhắm nghiền gật gù. Nói dại, nhỡ có chuyện gì với cụ lúc này, tôi biết làm sao?

Gần trưa. Một người đàn ông hớt hải chạy qua chạy lại trước nhà, nhớn nhác “má ơi, má ở đâu, có ai thấy má tui đâu không?”. Là người đàn ông hằng ngày tôi vẫn nhìn thấy. Tôi gọi ông vào. Gặp nhau, người đàn ông khuỵu xuống khóc như mưa. Ông nói hồi sáng sớm đang đưa bà cụ đi phơi nắng thì có điện thoại gấp từ đối tác nước ngoài. Ông quay về nhà, tính vài ba phút trở lại, nhưng công việc rắc rối quá ông mải miết làm rồi... quên luôn bà cụ, tới giờ ăn ông vô phòng tìm mẹ không thấy mới sực nhớ ra...

Bà cụ run run. Từ đôi mắt tưởng như vô hồn rỉ ra hai giọt nước.

Từ đó, tôi không bao giờ thấy bà cụ ngồi sưởi nắng vào sáng sớm nữa.

HOA MAI

Diều thành phố gặp gió ven sông

Tan sở, cô gái phóng xe đến phố Lương Văn Can, tìm mua một con diều. Đỏ hay xanh? To hay nhỏ? Đôi mắt tuổi ba mươi hấp háy niềm vui để chọn diều. Mải mê ngắm một con diều làm bằng vải dù màu xanh, rồi cô gái nói với chủ quán: “Mai về quê, quà cho cháu là con diều”.

Một cánh diều căng gió, mà phải là sức gió ven bờ sông Lam, cô nghĩ. Mỏng mảnh cánh diều thì làm sao đủ niềm phấn khích cho trẻ thơ. Chẳng nhẽ bước chân đuổi gió lại phải dừng phắt lại vì diều bỗng dưng gãy cánh? Cho nên cô gái cẩn thận chọn cho được một con diều xanh khỏe khoắn.

Chuyến xe đêm chở diều từ thành phố về miền quê chang chang nắng và lồng lộng gió. Háo hức tặng cho tuổi thơ một cánh diều khi mùa hè vẫy gọi. Tặng thêm cho ký ức một vùng trời bình yên mà ở đó cô gái đã từng chạy nhảy ven sông với ao ước có một cánh diều.

Những đứa trẻ lội sông tắm mát, rồi lên bờ chơi diều. Một cánh diều mà có nhiều đứa trẻ thì chúng lần lượt chia nhau quãng đường chạy đuổi gió. Diều càng bay cao, trẻ càng khoái chí. Tiếng cười giòn tan. Tiếng gọi tên nhau vọng từ sân nhà ai ra ngõ: “Ku Mét ơi, ra bờ sông thả diều”. Cánh diều đã tập hợp một lực lượng tuổi thơ đồng lứa.

Một cánh diều của phố lạc vào một vùng quê. Ý tứ của tuổi ba mươi trong cách trao niềm vui, sao mà thân thương và giản dị.

Diều ơi, hãy tích gió mà bay cao!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận