TTCT - Trung tuần tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Greenland trong một tuần. Tháp tùng Tổng thống Lee là một phái đoàn gồm một số bộ trưởng và đại diện những tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc. Chuyến đi này còn mang ý nghĩa của cuộc chạy đua khai thác tài nguyên ở vùng đất có chưa đầy 57.000 dân. Phóng to Bức ảnh của NASA chụp từ vệ tinh ngày 16-9 cho thấy diện tích băng ở Bắc cực giảm đến mức thấp kỷ lục so với mức trung bình trong 30 năm qua (vòng màu vàng) - Ảnh: Reuters Trong khuôn khổ chuyến thăm lịch sử trên, Tổng thống Lee Myung Bak đã có cuộc họp với thái tử Frederik, chuyên gia về Greenland của hoàng gia Đan Mạch và ông Kuupik Kleist, thủ tướng Greenland. Theo Greenlandtoday.com, Greenland và Hàn Quốc đã bàn về các quan hệ song phương, tình trạng biến đổi khí hậu, những điều kiện ở Bắc cực, tuyến hàng hải mới ở vùng cực và vấn đề hợp tác trong khai thác khoáng sản. Tại cuộc gặp đã có bốn bản ghi nhớ được ký kết, trong đó có hợp tác giữa Công ty Nuna Minerals của Greenland và Tập đoàn Korea Resources Corporation của Hàn Quốc. Nguồn tài nguyên khổng lồ chưa khai thác Năm 1988, Greenland đã ký với Đan Mạch một thỏa thuận cam kết không khai thác uranium trên đảo, có hiệu lực trong 20 năm. Nay thỏa thuận này đã hết hạn và Greenland đã được quyền tự trị về hành chính nên các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực thúc đẩy chuyện khai thác uranium.Greenland, vùng đất tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch, nằm giữa Bắc cực và Đại Tây Dương. Chuyến thăm của Tổng thống Lee cho thấy quyết tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong cuộc chạy đua giành quyền khai thác khoáng sản tại đây sau Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Úc, Anh và Mỹ. Hiện Hyundai và Tập đoàn Điện lực Korea đang ráo riết xúc tiến một dự án có số vốn đầu tư ban đầu là 15 tỉ kroner (hơn 2,6 tỉ USD) vào khai thác đất hiếm, uranium và kẽm tại vùng núi gần Narsaq ở phía nam Greenland. Theo các chuyên gia về địa chất của Đan Mạch, giá trị nguồn tài nguyên chưa khai thác trên đảo Greenland từ vàng, hồng ngọc, uranium, dầu mỏ, khí đốt, sắt, đồng, kẽm tới đất hiếm ước tính khoảng 10.000 tỉ kroner, tức hơn 1.754 tỉ USD (Metroxpress 3-9-2012). Về phía Trung Quốc, hai ngân hàng lớn nhất của họ là China Development Bank và China African Bank đã tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho dự án khai thác mỏ sắt Isua, cách thủ phủ Nuuk 150km. Dự án trị giá 14 tỉ kroner (2,4 tỉ USD) này là liên doanh giữa Tập đoàn khai thác khoáng sản London Mining (Anh) với hai tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là China Communication Construction Company và Sinosteel. Theo ước tính của London Mining, mỏ sắt Isua sẽ được khai thác trong 15 năm, mỗi năm cung cấp 15 triệu tấn sắt cho thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, Bộ trưởng đất đai và tài nguyên Trung Quốc Từ Thiệu Sử trong chuyến thăm Greenland vào đầu tháng 6 năm nay cho biết mỏ Isua chỉ là “một sự thử nghiệm” và nhấn mạnh Greenland là môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Việc các cường quốc công nghiệp đua nhau nhảy vào khai thác khoáng sản tại đây đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có chuyện uranium. Trữ lượng uranium tại Greenland theo ước tính có thể đứng từ thứ sáu đến thứ mười của thế giới. Năm 1988, Greenland đã ký với Đan Mạch một thỏa thuận cam kết không khai thác uranium trên đảo, có hiệu lực trong 20 năm. Nay thỏa thuận này đã hết hạn và Greenland đã được quyền tự trị về hành chính nên các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực thúc đẩy chuyện khai thác uranium. Tập đoàn Greenland Minerals & Energy của Úc đã được cấp phép thăm dò, khai thác đất hiếm và uranium tại Kvanefjeldet, phía nam Greenland. Tuy nhiên theo ông Per Stig Moeller - nguyên bộ trưởng ngoại giao Đan Mạch, đây không đơn giản là chuyện giữa Greenland và các nhà đầu tư mà phải do NATO quyết định vì liên quan tới an ninh thế giới. Chính quyền Greenland tuyên bố đây là chuyện nội bộ của họ. Các đảng phái tại đây cũng chia làm hai phe ủng hộ và phản đối chuyện khai thác uranium, nhưng phe ủng hộ có vẻ thắng thế hơn. Chuyện này sẽ ngã ngũ trong cuộc bầu cử tới đây của Greenland, tổ chức năm 2013 (Berlingske Business 22-6-2012). Trong khi mối quan hệ giữa Đan Mạch và Greenland bỗng trở nên căng thẳng vì chuyện uranium thì cuộc đua khai thác khoáng sản tại Bắc cực lại xuất hiện thêm ông “vua thép” Lakshmi Mittal, người giàu nhất Vương quốc Anh. Theo thông tin của tờ Berlingske Business, ông Mittal có kế hoạch đầu tư 28,5 tỉ kroner (5 tỉ USD) khai thác mỏ sắt lộ thiên khổng lồ Mary River tại phía bắc đảo Baffin, thuộc khu tự trị Nunavut của Canada, nơi nhiệt độ có khi xuống tới âm 50 độ C. Đây là mỏ sắt lớn nhất khu vực Bắc cực, có thể khai thác được 18 triệu tấn sắt mỗi năm trong thời hạn 20 năm. Mary River được phát hiện từ năm 1962, nhưng không được đưa vào khai thác do chi phí quá cao so với giá sắt trên thị trường quốc tế lúc đó. Những tác động tới môi trường Tập đoàn mỏ sắt Baffinland của tỉ phú Mittal cũng sẽ đầu tư lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển phục vụ việc khai thác và vận chuyển sắt, chủ yếu cho các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Dự án “siêu mỏ” này được sự ủng hộ của Chính phủ Canada nhưng lại làm dấy lên sự quan ngại của các chuyên gia khí hậu cùng những nhà hoạt động môi trường. Khu vực này tập trung rất nhiều hải mã, cá voi, gấu tuyết nên họ lo ngại việc khai thác mỏ Mary River sẽ có tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái nơi đây. Trung tâm Dữ liệu quốc gia về băng tuyết (NSIDC) của Mỹ hiện đang khảo sát tình trạng băng tan tại 83 độ bắc của Trái đất. Nhà khoa học của NISDC, bà Julienne Stroeve, cho biết trong mùa xuân hè năm nay đã có 10 triệu km2 băng tuyết tại địa cực tan chảy, nhiều nhất trong 30 năm qua. Trên đảo Greenland, theo ghi nhận của cơ quan NASA (Mỹ) trong tháng 7 năm nay đã có 97% lượng băng bao phủ mặt đất tan chảy, trong khi những năm trước lượng băng tan trong mùa hè chỉ là 50%. Báo cáo của Ủy ban Khí hậu Liên Hiệp Quốc năm 2007 cho rằng tới cuối thế kỷ này, mực nước biển trên Trái đất sẽ dâng thêm 60cm. Tuy nhiên với tốc độ tan băng tại Bắc cực như hiện nay, e rằng con số này đã trở nên lạc hậu. Khi băng tan nhanh còn tạo ra một hệ quả nữa là làm Trái đất ấm lên. Theo nguyên lý của hiệu ứng Albedo, khi mặt trời rọi xuống băng tuyết, băng sẽ phản chiếu ánh sáng, do vậy sẽ gửi lại một số nhiệt lượng lên không trung. Lớp băng càng dày, màu càng trắng, sức phản chiếu càng mạnh, mạnh gấp đôi tầng băng mỏng và gấp 10 lần mặt nước. Thế nên khi tầng băng trở nên mỏng đi hay tan thành nước, sức phản chiếu ánh sáng sẽ giảm, Trái đất sẽ hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn. Ông Jens Hesselbjerg Christensen, trưởng nhóm nghiên cứu của Cơ quan Khí hậu Đan Mạch DMI, cho biết trong mùa hè nhiệt độ của vùng biển bị phủ băng và không phủ băng chênh lệch tới 30 độ C. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới tình trạng Trái đất ấm lên hiện nay (Berlingske 20-9-2012). Khi nguồn cung cấp khoáng sản các loại ngày càng trở nên khan hiếm, việc các nước công nghiệp phát triển tìm tới những vùng tài nguyên chưa khai thác là tất yếu. Những năm trước đây họ ít quan tâm đến Greenland và khu vực Bắc cực nói chung vì công tác thăm dò, khai thác quá khó khăn và tốn kém. Nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà băng tuyết đã tan đáng kể, mọi việc trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn nên nghiễm nhiên vùng Bắc cực trở thành điểm nóng của thế giới. Điều đáng quan tâm là người ta chỉ nghe thấy các nhà đầu tư nói tới viễn cảnh tốt đẹp của nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, những nguồn thu khổng lồ từ việc khai thác dầu mỏ và khoáng sản, mà không đá động gì đến những tác động xấu của công nghiệp lên môi trường Bắc cực. Và không cần phải là nhà khoa học, người ta cũng có thể đoán biết điều gì sẽ xảy ra trong 20 năm nữa khi băng tuyết tiếp tục tan nhanh như hiện nay. Biển băng Bắc cực, một chỉ số quan trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, đang tan nhanh trong năm nay trước khi bắt đầu đợt giá lạnh mùa thu, theo các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về băng tuyết (NSIDC) của Mỹ. Vùng biển Bắc cực được bao phủ khoảng 14 triệu km2 băng tuyết. Mỗi năm bắt đầu từ tháng 5 băng bắt đầu tan chảy, tới giữa tháng 9 còn khoảng 7 triệu km2 băng trên mặt biển. Tờ Berlingske ngày 20-9 cho biết theo ghi nhận của NSIDC, tới giữa tháng 9 năm nay diện tích băng tuyết chỉ còn 3,43 triệu km2, bằng một nửa so với bình thường và là mức thấp nhất trong 33 năm kể từ khi vệ tinh ghi nhận các số liệu. “Lớp băng vốn đã mỏng nay tiếp tục tan chảy khi mặt trời xuống thấp và mùa thu đến gần” - một chuyên gia của NSIDC nói với Reuters. Những mô hình khí hậu gần đây cho rằng Bắc cực sẽ không còn băng trước năm 2050, nhưng tỉ lệ băng tan quan sát được, theo NSIDC, diễn ra nhanh hơn bất cứ mô hình nào. Trong tháng 10, NSIDC sẽ có một phân tích kỹ hơn về tình hình băng tan ở Bắc cực. Tags: Môi trườngUraniumBắc CựcBăng tanKhai thác tài nguyên
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.