Bản quyền truyền hình World Cup: Có thật là quá cao?

HUY THỌ 25/09/2022 16:06 GMT+7

TTCT - 20 năm trước, chi phí bản quyền truyền hình cho toàn bộ các trận đấu ở World Cup 2002 ở VN chỉ là 1 triệu USD.


Bản quyền truyền hình World Cup: Có thật là quá cao? - Ảnh 1.

Ảnh: goal.com

Sau 5 kỳ World Cup, nay con số đã tăng lên gấp 15 lần. Dù tính cả trượt giá, lạm phát, thay đổi tỉ giá… thì vẫn khó thứ gì tăng giá khủng khiếp như vậy.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại cho sòng phẳng. Chuyện này cũng như chuyện ông vua dầu hỏa tặng người Trung Hoa chiếc đèn dầu cùng một ít dầu hỏa. Khi người Trung Hoa xài quen rồi, ông mới bán dầu để thu tiền tỉ. 

Tương tự, khi VN còn nghèo thì World Cup là một thứ hàng vừa bán vừa cho. Còn bây giờ ra khỏi nhóm nghèo rồi thì phải trả giá khác là chuyện bình thường. 

Để so sánh, năm 2018, bản quyền truyền hình World Cup được bán ở VN với giá 12 triệu USD, trong khi người Thái với dân số chỉ bằng 2/3 đã phải trả đến 44 triệu USD, đơn giản vì Thái Lan vẫn là một thị trường với sức mua lớn hơn gấp bội.

Lâu nay, các nhà đài chỉ lấy con số tăng phi mã và kêu lỗ, nhưng có thật thế không?

Vào giữa tháng 7-2022, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) tổ chức một hội nghị và công bố: Tính đến tháng 6-2022, VN đã có 16,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền và 38 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này ở trong nước. 

Dựa trên số liệu này, đã có người làm một phép tính đơn giản: mỗi thuê bao chỉ cần trả 1 USD là đủ coi World Cup 2022 xả láng.

Tất nhiên, không phải ai cũng thích xem World Cup để bổ đầu từng thuê bao mà thu tiền. Nhưng nếu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền cung cấp được nhiều gói cho khách hàng chọn lựa thì có lẽ cũng sẽ giải được bài toán, như ở nhiều nước đã làm.

Ví dụ, sẽ có gói cao cấp xem đủ 64 trận đấu không chèn quảng cáo, còn chịu xem quảng cáo thì trả giá thấp hơn, hay phát miễn phí trên truyền hình quốc gia thì đừng mong xem trọn gói. 

Nhiều bạn bè của tôi ở nước ngoài nói dân mình sướng, chứ bên ấy xem miễn phí may ra được tầm chục trận là hết. Còn lại, với dân ghiền bóng đá, chịu khó móc tiền túi mà trả nếu muốn xem đầy đủ, bởi không xem bóng đá cũng chẳng chết ai.

Ở một góc độ khác, một đạo diễn phim truyền hình có tên tuổi nói nhỏ với tôi: với số tiền 15 triệu USD, tương đương 350 tỉ đồng, cộng thêm một số chi phí kỹ thuật, bình quân một trận đấu World Cup có chi phí khoảng 6 tỉ đồng. 

Một trận đấu 90 phút là tương đương thời lượng hai tập phim. Phim mì ăn liền thì tốn tròm trèm 1 tỉ đồng cho hai tập, còn phim đầu tư kỹ thì có đài đã phải trả đến 2,8 tỉ đồng/tập.

Từ đó nhẩm tính, hàng chục kênh truyền hình phát trực tiếp World Cup - một loại chương trình truyền hình có chất lượng rất cao - thì họ sẽ tiết kiệm được bao nhiêu chi phí cơ hội, tức là đỡ tốn tiền để sản xuất, mua bản quyền các chương trình khác cho cùng thời gian phát sóng. 

Thêm nữa, bản quyền truyền hình World Cup đình đám vì có quá nhiều người chú ý, chứ so ra chưa chắc tốn kém bằng tiền mua bản quyền game show.

Cuối cùng, không thể không nhắc tới một nỗi khổ chung của các nhà đài VN: nạn ăn cắp và vi phạm bản quyền ở trong nước. Một cựu cán bộ ngành truyền hình đặt câu hỏi với tôi: ai vui nhất nếu VN không có bản quyền truyền hình World Cup 2022? Xin thưa, đó chính là mấy kênh xem lậu. 

Chúng ta chưa nghiêm trị được nạn xem lậu thì thị trường truyền hình trả tiền còn phập phù, còn vất vả với số tiền tưởng to nhưng thật sự không to là 15 triệu USD, để xem World Cup ở một đất nước 100 triệu dân.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận