TTCT - Vấn đề lớn nhất của những cuộc bạo động nổ ra trên khắp nước Pháp thời gian qua - cuộc tranh đấu gi-lê vàng - không phải là do nghèo đói, mà trước hết bởi bất công. Những người biểu tình gi-lê vàng ở Paris hôm 2-12. Ảnh: AFP Khởi nguyên từ cuộc Cách mạng Pháp 1789, khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” đã trở thành châm ngôn cho việc xây dựng nhiều chính quyền dân chủ hiện đại, nhưng những cuộc bạo động cho thấy khẩu hiệu đó vẫn chỉ là không tưởng.Hôm chủ nhật, 2-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đi thăm một vòng các tượng đài ở thủ đô Paris bị vẽ nguệch ngoạc và bị đập phá trong bạo động ở một số con đường mua sắm xa hoa bậc nhất châu Âu - và thế giới.Khắp cả nước, những cuộc biểu tình khiến 3 người thiệt mạng và hơn 260 người bị thương với hơn 400 vụ bắt giữ. Những lãnh đạo cảnh sát ở Paris đã gọi vụ bạo động là “tồi tệ nhất trong 50 năm qua” tại Paris và kêu gọi quân đội can thiệp, trong khi ông Macron họp nội các khẩn cấp và cân nhắc áp đặt tình trạng khẩn cấp.Đây rõ ràng là thách thức lớn nhất với chính quyền của Macron, kể từ khi ông nhậm chức năm 2017 với tư cách tổng thống trẻ nhất nước Pháp. Dẫu vậy, ông đã khăng khăng sẽ không nhượng bộ, quyết phải thông qua bằng được các cải cách luật lao động và giới kinh tế gia nói là sống còn với sự phát triển tương lai của nước Pháp. Đường lối cứng rắn đó cũng là lựa chọn của nhiều nền kinh tế phát triển hiện giờ, từ Mỹ tới Nhật Bản.Trong khi đó, những người biểu tình tuyên bố tổng thống chỉ biết có người giàu và đang tìm cách cân đối ngân sách trên lưng tầng lớp lao động.Nhưng nếu như những cửa sổ vỡ và những chiếc xe hơi bị đốt cháy ở các quận trung tâm Paris xuất hiện nhiều trên báo chí và truyền hình thì chính việc phong trào gi-lê vàng đã lan cả ra những thị xã nhỏ bé, những vùng đô thị hẻo lánh xa xôi trên khắp cả nước mới là điều đáng lo ngại nhất với chính quyền.New York Times đã kể lại một câu chuyện điển hình như thế của Florian Dou, nhân viên nhà kho có vợ và một con trai 9 tuổi ở thị xã 13.000 dân Guéret thuộc tỉnh Creuse, một trong những tỉnh nghèo nhất nước Pháp ở miền trung - nam. Dou kiếm được khoảng 1.300 euro mỗi tháng, số tiền mà anh nói “biến mất sau 10 ngày”. Tham gia phong trào gi-lê vàng, Dou thề cuộc bạo động sẽ chưa sớm chấm dứt.Tổ chức lỏng lẻo và chủ yếu dựa vào mạng xã hội, những cuộc biểu tình và bạo động dựa vào cơn cuồng nộ và thù hận của tầng lớp lao động, nhắm vào sự bất bình đẳng khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ.Những đợt bùng phát là không có mô thức nào cả, khó đoán trước, đôi khi đồng loạt khắp nơi, từ những vùng nông thôn hẻo lánh tới các trụ sở ngân hàng bên bờ sông Seine.Để biểu tình, Dou và những đồng chí đã chờ đợi cả đêm ở những bùng binh, trong mưa và giá lạnh, dưới những căn lều dựng tạm, hô vang các khẩu hiệu như “Macron là người của giới chủ, Macron chống lại nhân dân”.Động cơ của Dou, như anh nói với New York Times, là: “Khôi phục những ưu tiên của đất nước này. Những giá trị tự do, bình đẳng và bác ái”.Tất cả điều đó giải thích tại sao mồi lửa cho trận cháy lớn này là một đốm lửa nhỏ xíu: kế hoạch tăng thuế xăng của ông Macron thêm 7 xu euro (hơn 1.800 đồng) một lít.Những cuộc biểu tình và bạo động đã để lại nhiều hình ảnh ấn tượng, và một trong những hình ảnh lan truyền nhiều nhất trên mạng mấy ngày qua là một bức tượng Marianne ở bên trong Khải Hoàn Môn bị đập vỡ tan gần một nửa.Bức tượng bị đập vỡ. Ảnh: AP Marianne vốn là biểu tượng quốc gia của Cộng hòa Pháp, hiện thân của tự do và lý trí, là nhân vật chính trong bức họa nổi tiếng của Eugene Delacroix “Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân” (1830), xuất hiện ở hầu khắp các tòa thị chính tại Pháp, được nhiều minh tinh quốc bảo của nước Pháp tái hiện trên màn ảnh, nổi tiếng nhất có lẽ là Brigitte Bardot và Catherine Deneuve.Nhưng với những người như Florian Dou, biểu tượng đó đang ngày càng giống hơn với một ảo ảnh, và anh tin rằng ông Macron là người phải trả lời trước tiên.■ Tags: Cuộc tranh đấu gi-lê vàngBạo động ở PhápGi lê vàng
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Sân bay Belarus rực rỡ quốc kỳ chào đón Tổng Bí thư Tô Lâm DUY LINH 11/05/2025 Chiều 11-5, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao rời Nga, hướng tới Belarus cho chuyến thăm cấp nhà nước.
Một học sinh lớp 12 nhận điện thoại lừa ra khỏi nhà, yêu cầu gia đình chuyển 250 triệu TIẾN NGUYỄN 11/05/2025 Công an Quảng Ninh đã ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo gia đình học sinh lớp 12 số tiền 250 triệu đồng.
Dông mạnh đang kéo đến, cảnh báo mưa đá tại Củ Chi, Thủ Đức và nhiều quận huyện TP.HCM CHÂU TUẤN 11/05/2025 Tối 11-5, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên phát thông báo cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ tại TP.HCM.
PGS.TS Trần Khánh Thành đột ngột qua đời THIÊN ĐIỂU 12/05/2025 Sau sự ra đi đột ngột của PGS Phạm Văn Tình, giới văn chương và khoa học ở Hà Nội lại đón thêm tin buồn bất ngờ: PGS.TS Trần Khánh Thành - phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương - qua đời tối 11-5.