Bệnh ung thư định nghĩa lại tính cách, mục đích sống của tôi

TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG 21/11/2016 21:11 GMT+7

TTCT - "Ung thư đã cho tôi một ý nghĩa mới về sự can đảm, hi vọng, niềm vui và niềm tin. Ung thư làm thay đổi cuộc đời tôi. Nó định nghĩa lại tính cách, sự nghiệp, mục đích sống của tôi”

Bệnh nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vui Xuân yêu thương - Ảnh tư liệu


Những năm gần đây, qua nhiều dữ liệu thống kê khoa học cũng như đánh giá chủ quan của các bác sĩ lâm sàng, tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ngày càng gia tăng. Trường hợp thoát khỏi “án tử” mang tên ung thư không còn là cá biệt.

Tỉ lệ sống tăng cao

Một nhận định không thể tranh cãi: ung thư được chẩn đoán càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ.

Một nghiên cứu ở châu Âu (EUROCARE-4) đăng tải trên tạp chí European Journal of Cancer so sánh ở hai giai đoạn 1988-1990 và 1997-1999 cho thấy mức gia tăng tỉ lệ sống còn của ung thư phổi, dạ dày và đại tràng lần lượt là 2% (từ 6% lên 8%), 3% (từ 15% lên 18%) và 7% (từ 42% lên 49%).

Tiến sĩ Riccardo Capocacci (Trung tâm Dịch tễ học, kiểm soát và chăm sóc y tế quốc gia Rome, Ý) nhận định:

“Tỉ lệ này không chỉ bị chi phối bởi hoàn cảnh ban đầu (chẩn đoán và điều trị sớm), mà còn do có nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát ung thư”.

Ngoài ra, tỉ lệ bệnh nhân được chữa khỏi ung thư cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa một số quốc gia châu Âu, giữa hai giới nam và nữ, giữa các lứa tuổi.

Theo đó, đối với tất cả các loại ung thư, số lượng bệnh nhân được chữa khỏi có sự khác biệt giữa các nước, từ 21% đến 47% ở đàn ông và từ 38% đến 59% ở phụ nữ; cho thấy sự khác biệt trong công tác kiểm soát ung thư ở từng quốc gia, vì phản ánh quá trình chẩn đoán và chữa trị cũng như sự thành công trong việc ngăn chặn những ung thư nguy hiểm nhất.

Phụ nữ có triển vọng sống lâu hơn đàn ông và khả năng sống sót vì các loại bệnh mãn tính cao hơn, bao gồm bệnh ung thư và tim mạch.

Tỉ lệ sống còn của phụ nữ cao hơn đàn ông đối với 21/26 loại ung thư. Sự khác biệt đáng kể được phát hiện ở những ung thư vùng đầu - cổ, xương, tuyến giáp và dạ dày. Phụ nữ chỉ có tỉ lệ sống sót thấp hơn đối với các ung thư bàng quang, đường mật và thanh quản.

Đối với tất cả các loại ung thư và sau khi điều chỉnh sự khác biệt về quá trình phát triển ung thư theo giới tính, phụ nữ có lợi thế 2% so với nam giới về khả năng sống còn 5 năm (52% so với 50%). Đối với phụ nữ dưới 64 tuổi, lợi thế này là 4%.

Phải chăng hormone giới tính có thể có một vai trò nhất định trong tỉ lệ sống còn cao hơn ở phụ nữ?

Ngoài ra, tỉ lệ sống còn của người già (70-99 tuổi) thấp hơn bệnh nhân trung niên (55-69 tuổi). Nguyên nhân, theo tiến sĩ Capocaccia, là do giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán: những bệnh nhân già hơn thường được chẩn đoán quá muộn, có nhiều bệnh lý nghiêm trọng đi kèm cũng như thiếu sự chăm sóc cần thiết và chuẩn mực.

Với những bệnh nhân trẻ tuổi, tỉ lệ sống còn 5 năm đối với tất cả các loại ung thư thay đổi từ 81% (tuổi 0-14) đến 87% (tuổi 15-24). Sự cải thiện tỉ lệ sống còn càng thấy rõ đối với bệnh bạch cầu lympho cấp, ung thư hệ thần kinh trung ương ở trẻ em, u lympho không Hodgkin ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Sự khác biệt này cũng thu hẹp ở quy mô quốc tế.

Giáo sư Alexander M. M. Eggermont, chủ tịch Tổ chức Ung thư châu Âu, cho rằng những con số thống kê phản ánh sự tiến bộ vượt bậc trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư, kể cả ở những quốc gia mà trước đó tỉ lệ chữa khỏi ung thư rất thấp.

Tỉ lệ tử vong do ung thư trung bình của thế giới, các nước đang phát triển và phát triển lần lượt là 59,7%, 67,8% và 49,4%.

Ở Việt Nam không có con số chính thức, nhưng ước chừng quanh 75% và chưa có thống kê về bất kỳ sự thay đổi nào qua từng thập niên.

ngày hội Hoa hướng dương “Vì bệnh nhi ung thư” năm 2015 tại Q.7 TP.HCM sáng 22-11.
Bạn trẻ tham gia Ngày hội Hoa hướng dương “Vì bệnh nhi ung thư” năm 2015 tại Q.7 TP.HCM.

 

Đến niềm vui sống còn

Bất kỳ một bệnh nhân ung thư nào cũng trông chờ ngày mà bác sĩ thông báo việc điều trị đã hoàn tất. Từ lúc đó bắt đầu một hành trình mới: sự sống còn.

Trong ung thư, theo dõi tình trạng sống còn sau điều trị là vô cùng quan trọng vì giúp kiểm tra định kỳ tình trạng sức khỏe của người bệnh, tình trạng bệnh hiện tại bao gồm các dấu hiệu tái phát tại chỗ hay di căn xa, một bệnh ung thư mới... hay thậm chí những biến chứng muộn của các phương pháp điều trị trước đó.

Không một bác sĩ nào có thể khẳng định với bệnh nhân rằng bệnh đã được chữa khỏi. Sống còn đã là điều kỳ diệu. Phổ biến trong thống kê ung thư là tỉ lệ sống còn 5 năm, cho thấy tỉ lệ phần trăm những người còn sống trong 5 năm kể từ ngày được chẩn đoán bệnh.

Giờ đây, khi khả năng kiểm soát bệnh ngày càng cao với một số bệnh ung thư nhất định, đã có những thống kê tỉ lệ sống còn 10 năm, 15 năm...

Trong quá trình theo dõi, bên cạnh khám lâm sàng và các xét nghiệm chuyên biệt để đánh giá là hàng loạt thắc mắc của bệnh nhân: chế độ ăn thế nào, có cần dùng thêm các thuốc hỗ trợ hay không, dấu hiệu nào cảnh báo ung thư trở lại, khi nào có thể trở lại làm việc bình thường?...

Những vấn đề tâm lý, tinh thần vẫn còn đó: căng thẳng, trầm cảm, lo âu, mất ngủ... Nhiều trường hợp nghiêm trọng phải cần đến thuốc hỗ trợ tâm thần kinh. Nhưng nhiều bệnh nhân cảm thấy hạnh phúc và dễ chịu hơn khi chia sẻ cảm xúc của mình với người thân, bạn bè, các chuyên gia, những bệnh nhân khác... trực tiếp hay thông qua các câu lạc bộ, mạng xã hội.

Một số bệnh nhân trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động tình nguyện. Viết sách, chơi nhạc, vẽ tranh... được xem là những liệu pháp tốt.

Bìa cuốn sách  Joy of cancer
Bìa cuốn sách Joy of cancer

Anup Kumar - nghiên cứu sinh ngành vật lý hạt nhân Trường St. Stephen, Đại học Delhi (Ấn Độ), bệnh nhân ung thư - đã tâm sự trong cuốn tự truyện The Joy of cancer khá nổi tiếng:

“Tôi nghĩ tới hàng triệu người không may mắc bệnh ung thư trên khắp thế giới, họ vẫn sống sót và có những đóng góp đáng kể cho xã hội.

Tôi có thêm những trải nghiệm ung thư trong cuộc đời. Tôi chưa bao giờ nghĩ ung thư là kẻ thù, vì nếu vậy thì tôi biết rằng tôi chẳng bao giờ có thể tồn tại với nó.

Tôi chẳng thể được bình an. Tất cả chúng ta có những trải nghiệm khác nhau và theo cách riêng của mỗi người.

Ung thư đã cho tôi một ý nghĩa mới về sự can đảm, hi vọng, niềm vui và niềm tin. Ung thư làm thay đổi cuộc đời tôi.

Nó định nghĩa lại tính cách, sự nghiệp, mục đích sống của tôi. Nó đã làm cho tôi trở thành một con người hoàn chỉnh, một con người như tôi mong ước”.

Kevin Barnes - nhạc sĩ, diễn giả người Mỹ, người sống sót trước căn bệnh ung thư - nói về liệu pháp âm nhạc: “Về mặt kỹ thuật, âm thanh không tồn tại trong không gian. Nó cần một môi trường như không khí hoặc nước để rung động và lan tỏa.

Nhưng các hành tinh, các vì sao, gió, mặt trời... chiếu sáng trong một mối giao hòa tinh tế, nguyên thủy của cuộc sống và vì chúng ta không nghe thấy nó thì không có nghĩa nó không tồn tại.

Ung thư cũng vậy. Chúng ta không thể nhìn thấy các công việc cơ thể chúng ta đang làm trong nỗ lực tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng tôi tin vào nỗ lực tiếp tục sống.

Ta không thể tách rời khỏi những bản giao hưởng tế bào bên trong chúng ta. Ung thư chỉ là một nốt lỗi trong bản nhạc cuộc đời.

Và tôi tin với sự tích cực và tình bạn có ý thức với cơ thể mình, chúng ta có thể sống hòa hợp một lần nữa...

Và như thế âm nhạc là một phương pháp trị liệu hiệu quả, một giai điệu dễ chịu hơn rất nhiều nỗi lo sợ tái phát”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận