Biến nhà tù thành... sân chơi nghệ thuật

PHÚC TIẾN 02/01/2011 16:01 GMT+7

TTCT - Thật không? Thì đây trước mắt tôi, mỗi xà lim là một không gian sắp đặt nghệ thuật (installation). Ở xà lim này chỉ có những ngọn đèn nhỏ li ti rải đầy nền như sao mọc lên trong hang đá. Ở xà lim kia người ta trưng ra một chiếc gương tròn và lạ chưa, khi nhìn vào gương sẽ thấy tay phải hóa thành tay trái!

Trong một xà lim khác có những gốc cây trắng xóa, hóa ra là những chiếc xô úp ngược. Và có xà lim dán đầy ảnh chụp những ô cửa sổ chung cư. Có xà lim được thiết kế như một gallery tranh thu nhỏ. Lại có xà lim để nguyên chiếc giường cũ của người tù nhưng đặt thêm vào đó... một ánh sáng nghiêng!

Trong đoạn hành lang qua các xà lim có một chiếc bàn gỗ thông bày ấm chén cho khách đi qua dừng chân “trà dư tửu hậu” với các tác giả. Cuối đoạn hành lang còn mọc lên một vài bức tượng làm bằng giẻ rách. Nhà tù nào, ý tưởng lạ vậy?

Phóng to
Một đoạn hành lang trước các xà lim trở thành khu trưng bày tác phẩm nghệ thuật

Nghệ thuật không dừng ở xà lim

Cửa sắt sơn xám nặng trịch. Tường sơn vàng lạnh lẽo. Gạch lát tường bên trong trần trụi. Nền ximăng gồ ghề. Những chiếc xà lim như thế, khoảng 1x3m, là thật. Đó là nơi giam tù từ hơn 100 năm trước. Vậy mà giờ đây khu xà lim này được gọi là “Prison art museum” - Bảo tàng nghệ thuật tù!

Ngoài xà lim, sân nhà tù và các phòng làm việc khác, kể cả những lối đi chạy giữa các dãy tường cao có dây thép gai đan kín, cũng trở thành không gian nghệ thuật. Người ta trưng bày không chỉ tranh tượng mà còn là đồ trang sức mỹ nghệ, sách vở, khăn nón, giày dép, quần áo, đồ nội thất sản xuất “độc bản”. Đúng là “hàng độc”, không đâu có! Khách muốn xem chơi, muốn mua, sao cũng được.

Thêm nữa, các nhóm kiến trúc sư cũng đem những bản vẽ thiết kế các dạng nhà cửa “quái đản” của mình đến trưng bày. Trên sân nhà tù, người ta dựng một sân khấu nhỏ, có màn hình video thật lớn để chiếu phim, hát hò, nói chuyện... Nhà tù nào, ý tưởng lạ vậy?

Phóng to
Cổng vào nhà tù Victoria đường Old Bailey nay mở cửa cho khách tham quan

Biến nơi u buồn thành cõi vui - sáng tạo

Đó là nhà tù Victoria, một dạng khám Chí Hòa, ngay trung tâm Hong Kong, được người Anh xây dựng năm 1841. Nơi đây, năm 1931, có một người tù chính trị nổi tiếng bị giam cầm là Nguyễn Ái Quốc, chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Vào những năm 1990, nhà tù Victoria chính thức “về hưu”.

Trước lúc Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, nhà tù này được xếp hạng di tích lịch sử đô thị vào năm 1995 nhưng chưa có kế hoạch cụ thể sẽ làm gì tại đây. Trải qua nhiều cuộc tranh luận, mãi đến đầu năm 2000, may mắn chính quyền không chủ trương phá bỏ bất cứ phần nào của nhà tù để xây cao ốc. Ngược lại, họ quyết định giữ nguyên trạng 18 tòa nhà xưa tại đây và giao cho Sở Du lịch quản lý. Song mãi đến năm 2006, lần đầu tiên nhà tù Victoria mới mở cửa cho du khách vào xem.

Tuy nhiên, từ năm 2004, Sở Bảo tồn cổ vật và tượng đài của Hong Kong đã quyết định biến nhà tù thành một không gian nghệ thuật, coi đấy là một cách phát triển di sản. Họ mời tư nhân tham gia đấu thầu việc sử dụng các không gian trong nhà tù.

Mới đây, cuối năm 2010, nhà tù Victoria trở thành địa điểm tiến hành sự kiện “DeTour” (tour tham quan design) và “Design Mart” (chợ thiết kế). Qua đó, các xà lim trở thành nơi cho các nghệ sĩ installation “thi công” cảm hứng của mình. Còn những không gian khác thì dành cho các nghệ sĩ khác mở quầy trưng bày tác phẩm.

Khi đến thăm DeTour và Design Mart, tôi thấy không những du khách, nghệ sĩ mà đặc biệt là giới trẻ Hong Kong vào xem rất đông. Nhiều người cầm máy ảnh chuyên nghiệp “chộp” từng viên gạch lịch sử cho đến những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày. Quả thật, “biến nhà tù thành trường học” đã là điều thú vị bất ngờ, nay “biến nhà tù thành sân chơi nghệ thuật” càng là điều thú vị, bay bổng hơn bao giờ hết.

Thế mới hay một đô thị phồn vinh, một quốc gia thịnh vượng đâu phải chỉ có làm ăn buôn bán mà còn biết cách ứng xử văn minh, biết “chơi” đầy văn hóa nữa mới xứng danh, phải không?

Phóng to
Một gian xà lim - nơi trưng bày các bức ký họa - Ảnh: Phúc Tiến
Phóng to
Phòng vệ sinh của tù nhân bây giờ là một tác phẩm nghệ thuật
Phóng to
Giường tù cũng được trang trí lại thành một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt - Ảnh: Phúc Tiến

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận