Biển trời nhung nhớ

ĐỖ PHẤN 04/11/2015 03:11 GMT+7

TTCT - Thấm thoắt đã hơn một phần tư thế kỷ bộ đội tình nguyện Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Tháng 9-1989, sau những nghi lễ tiễn đưa long trọng của nước bạn, tôi cùng các chiến sĩ hải quân Vùng 5 lên tàu biển từ cảng Kongpong Som trở về căn cứ An Thới trên đảo Phú Quốc.

Bãi biển Gành Dầu  -Đ.P.
Bãi biển Gành Dầu -Đ.P.

Căn cứ hải quân nằm kề bên một làng chài thơ mộng với những nếp nhà tuềnh toàng trên cọc gỗ cắm lấn ra mặt biển. Mới chỉ hơn một tháng trời xa quê nhưng tôi đã thấy bồi hồi thảng thốt khi nhìn làn khói mỏng giăng mắc quanh xóm chài. Nhiều anh lính trên tàu đã có đủ mười năm trận mạc bên nước bạn hẳn là còn hân hoan hơn thế gấp nhiều lần.

Một thị trấn nhỏ bé với phần lớn là nhà lợp lá, lợp tôn, thưng vách bằng rất nhiều vật liệu nhặt nhạnh. Người Phú Quốc có vẻ như không quan tâm lắm đến nơi ăn chốn ở của mình. Hay có lẽ vì thiên nhiên ban cho hòn đảo này một đặc ân không đâu có thể sánh được. Mưa thuận gió hòa quanh năm, cá tôm đặc kín trong lòng biển.

Mấy chàng lính hải quân buổi chiều rỗi rãi cầm mớ lòng gà vừa thịt xong ra cầu cảng ngồi câu cá. Họ có cách câu rất tài tình. Chỉ một sợi dây cước buộc miếng mề gà thật chặt thả xuống chân cầu cảng. Chẳng cần đến chiếc lưỡi câu nào cả.

Vậy mà cá mú, cá hồng lôi lên đầy cả một xô chỉ trong vòng nửa giờ. Với một người Hà Nội như tôi, thời ấy cá biển chỉ là khái niệm nằm gọn trong một ô phiếu mua thực phẩm nhỏ bằng cái móng tay. Cả năm may lắm mới có vài lần mua được những con cá đồng tiền, cá nục ươn nhớt người ta đổ thẳng ra vỉa hè xúc lên cân đĩa bán cho khách.

Lính tráng dĩ nhiên ăn cơm tập thể. Sĩ quan có thể mang cá về doanh trại làm thịt đánh chén tưng bừng. Nhưng cũng chỉ là những khi có khách. Rượu White Horse rót ra chén thủy tinh quả hồng. Cá mú hoa luộc nồi quân dụng. Đến lúc ấy tôi mới biết trên đảo vô cùng thiếu rau. Cái bắp cải nhỏ như nắm tay chỉ đủ để thái sợi ăn sống rất dè sẻn. Hành, hẹ, rau thơm dĩ nhiên còn hiếm hơn nữa.

Sáu ngày mới có một chuyến tàu chạy từ Rạch Giá mang rau ra đảo. Rất may hạt tiêu ở đảo tự trồng được. Vậy là có thêm một thứ gia vị ngoài mấy quả ớt xanh.

Chuyến bay khởi hành lúc 7g sáng từ Hà Nội. Chưa kịp uống hết cốc cà phê tiếp viên vừa rót đã thấy cơ trưởng thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh trên đảo Phú Quốc. 26 năm và 1 giờ 45 phút cho cuộc trở lại lần này. Sân bay mới khang trang, đẹp đẽ như cuốn sách thơm mùi mực vừa ra khỏi nhà in. Xe của Sài Gòn - Phú Quốc Resort đón chúng tôi ngoài bãi xa.

Con đường mềm mại uốn mình ven biển dẫn vào thị trấn Dương Đông vắng vẻ, êm đềm. Những khu đất trống thênh thang mới chỉ có hàng rào tượng trưng hình như đã có chủ. Phú Quốc mùa mưa, cả hòn đảo mướt xanh như ngọc. Phố xá nhộn nhịp không khác gì trong đất liền. Nhà hàng, khách sạn, resort nối nhau trùng điệp ven biển.

Hòn đảo 8.000 dân của 26 năm trước giờ là chỗ cư trú của gần 8 vạn người, chưa kể khách du lịch chật kín phòng trong các khách sạn.

Chẳng biết có phải mùa này biển động nên các nhà hàng không mấy sẵn tôm cá. Người Phú Quốc rất thật thà chỉ vào mấy con cua biển buộc dây to sụ nói cho khách biết đó là hàng mang từ đất liền ra. Mấy con tôm sú ngo ngoe trong bể sục khí cũng vậy. Mùa này ở đây chỉ có cá mú, ghẹ và cá nhám, cá đuối. Nhưng chẳng sao cả.

Bữa trưa trong căn nhà rộng lợp tôn nhìn thẳng xuống dòng sông Dương Đông vẫn thịnh soạn đến ngỡ ngàng với nhiều món rau xanh mướt mát. Cơn mưa trưa bất chợt ào ạt trên mái. Nhìn ra dòng sông, những con tàu đánh cá cỡ lớn chậm rãi giữa mênh mang trời nước tưởng như chẳng có món ngon nào sánh bằng.

Mặt biển ấm. Sóng lim dim hấp háy như mắt cười. Tôi biết không nhiều người có diễm phúc như mình được nhìn hòn đảo thay da đổi thịt trong vòng hơn một phần tư thế kỷ qua.

Nhưng chẳng thể nào biết được như thế là may hay rủi khi mà những resort trong tương lai sẽ phủ kín toàn bộ bãi biển, khi những khu vui chơi giải trí đồ sộ phía bắc đảo sẽ đi vào hoạt động, khi tàu thuyền du lịch trên dòng sông Dương Đông sẽ thế chỗ cho thuyền đánh cá, khi dân số trên đảo tăng vọt như hơn 20 năm qua?

Liệu rằng cá tôm và các loài thủy sản trên đảo có phải đưa từ đất liền ra? Chỉ dám nghĩ đến đấy mà thôi!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận