TTCT - “Bình đẳng giữa trường công và trường tư sẽ tạo ra sự cạnh tranh, phát triển cả về số lượng và chất lượng của hệ thống giáo dục ĐH” - TS Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP.HCM, trao đổi với TTCT. Vấn đề là nội hàm của sự bình đẳng ấy hiện ra sao? TS Phạm Thị Ly - Ảnh: Minh GiảngTheo TS Phạm Thị Ly, các nhà quan sát quốc tế tỏ ra rất ấn tượng về sự tăng trưởng của hệ thống giáo dục ĐH VN trong hai thập kỷ qua, xét về số lượng trường mới thành lập và số lượng sinh viên (từ 96 lên 414 trường, số sinh viên tăng gấp 17 lần so với năm 1977). Đặc biệt là sự xuất hiện các trường ngoài công lập (NCL), nay chiếm khoảng 1/4 tổng số trường ĐH.Đáng tiếc là thiếu vắng một sự phát triển tương xứng về chất lượng, các trường đang theo đuổi “thị trường sinh viên” thay vì theo đuổi những nhu cầu của thị trường lao động và nghiên cứu khoa học công nghệ.Bà có cho rằng Nhà nước thiếu chính sách hợp lý để hệ thống trường tư phát triển? Ở các nước phát triển, hệ thống giáo dục ĐH tư phát triển và góp phần giảm gánh nặng chi phí cho nhà nước, trong khi ở VN theo xu hướng ngược lại?- Quả thật chính sách nhà nước đối với trường tư còn thiếu thỏa đáng. Trường công đang được hưởng một nguồn lực rất lớn từ ngân sách công. Cần phải tính đủ không chỉ là ngân sách hoạt động bao gồm lương, chi thường xuyên, đầu tư xây dựng, kinh phí mục tiêu, mà còn là đất đai và hạ tầng. Khoản đất đai và hạ tầng này nếu quy ra thành tiền thì vô cùng lớn.Cần ghi nhận việc cho phép thành lập trường tư là một bước chuyển lớn trong tư duy của chính quyền, tuy vậy các nhà làm chính sách đã đối xử với các trường tư giống hệt như các doanh nghiệp và góp phần khiến họ xử sự chẳng khác gì các doanh nghiệp. Các trường NCL đang phải cạnh tranh không bình đẳng với các trường công: mức học phí cao hơn nhiều lần, đất đai và cơ sở vật chất hạn hẹp, không được hưởng các nguồn dự án và kinh phí nghiên cứu, không đủ nguồn lực để đầu tư dài hạn vào nguồn nhân lực...Bà có thể phân tích rõ hơn về các biểu hiện phân biệt công - tư hiện nay?- Hầu hết nguồn vốn đầu tư của trường công là nguồn ngân sách công, trong lúc nguồn vốn của trường tư từ cá nhân (đầu tư hoặc hiến tặng) hoặc tập thể (nhóm người, công ty, tập đoàn). Trường NCL cung ứng một dịch vụ để tìm kiếm lợi nhuận (đối với trường vì lợi nhuận) hoặc để thực hiện một sứ mạng phục vụ xã hội theo cách thức mà những người sáng lập mong muốn (đối với trường phi lợi nhuận), chịu sự điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường.Trường công thực hiện những nhiệm vụ mà Nhà nước giao, tức là bổ sung cho những khiếm khuyết của thị trường để bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của toàn xã hội. Lợi nhuận của trường công nếu có, bắt buộc được đầu tư trở lại cho sự phát triển của nhà trường theo các quy định cụ thể của Nhà nước. Lợi nhuận của trường tư được phép phân phối cho cổ đông và nhà đầu tư theo quy định của Luật doanh nghiệp.Nhưng nhiều trường công hiện cũng xử sự chẳng khác gì trường tư: mở nhiều hệ đào tạo, tìm cách tăng quy mô tuyển sinh để tận dụng cơ sở vật chất nhằm tăng nguồn thu. Bởi vậy đã diễn ra một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng trong việc giành giật sinh viên. Trường công nhờ nguồn lực nhà nước cấp, có thể thu học phí thấp hơn, từ đó giành được lợi thế. Nhưng như vậy có công bằng không khi chính gia đình các em học ở trường tư đang đóng thuế để cung cấp ngân sách cho các trường công đó?Sự phân biệt công - tư cũng nằm ở tâm lý công chúng. Vẫn còn phổ biến quan niệm cho rằng trường công được bao cấp, dành cho các em nhà nghèo học giỏi, còn trường tư tự hạch toán, dành cho các em không đủ điểm vào trường công nhưng có đủ tiền trang trải học phí.Đó là một quan điểm đã lỗi thời. Vì nó không công bằng như đã nói trên, cũng không phản ánh đúng sự khác biệt thực chất nên có giữa trường công và trường tư, cũng không giúp cả trường công lập lẫn NCL phát huy hết thế mạnh của mình. Một quan niệm như thế sẽ mặc định trường NCL là trường “hạng hai”, một điều không hẳn đúng trong thực tế cũng như không có lợi cho cả hệ thống.Thật ra sự phân biệt công - tư trong giáo dục ĐH thế giới ngày nay đã khác trước rất nhiều. Nhiều trường tư vẫn nhận được nguồn lực từ nhà nước dưới hình thức học bổng hay tín dụng sinh viên, được ưu đãi về đất đai, vì phần lớn các trường ĐH tư ở phương Tây vẫn là trường phi lợi nhuận, do đó sứ mạng của nó rất gần với trường công, hầu như chỉ khác về phương thức quản lý vận hành và giải trình trách nhiệm.Vậy điều này tác động thế nào đến việc phát triển hệ thống giáo dục ĐH?- Nếu tình hình hiện nay vẫn tiếp tục, hệ thống trường NCL thật khó tồn tại và phát triển. Điều này thật mâu thuẫn với mục tiêu mở rộng và đại chúng hóa giáo dục ĐH. Tỉ lệ người học ĐH ở nước ta vẫn thấp xa so với khu vực, và dĩ nhiên không thể chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước để phát triển.Số liệu năm 2010 cho thấy tỉ lệ người học ĐH trong độ tuổi của VN là 22% trong lúc con số đó ở Thái Lan là 46% và ở Malaysia là 40% (biểu đồ). Các trường tư chỉ có thể phát triển mạnh mẽ khi chính sách tạo ra một sân chơi bình đẳng, tạo điều kiện cho việc cạnh tranh về chất lượng đào tạo.Luật giáo dục ĐH đã có các quy định rõ ràng về vấn đề tự chủ - điều mà các trường rất coi trọng. Nhưng dường như luật vẫn chưa đi vào đời sống giáo dục ĐH, các trường vẫn phụ thuộc nhiều vào các quyết sách của bộ?- Mặc dù vẫn còn nhiều giới hạn, mức độ tự chủ của các trường đang được mở rộng, song bộ cần tiếp tục cải thiện cách quản lý lãnh đạo và giám sát đối với các trường. Rất ít ai nhận ra sức ỳ cản trở sự đổi mới không chỉ nằm ở sự hạn chế quyền tự chủ mà còn ở chính bản thân các trường, nhất là các trường công, vì tâm lý e sợ rủi ro.Có rất nhiều điều các trường có thể làm được để cải thiện hiện trạng, trong phạm vi quyền tự chủ đang được hưởng, nhưng họ đã không làm. Cuối cùng thì mức độ tự chủ của mỗi trường được xác định bằng tầm vóc, bản lĩnh của hiệu trưởng, bằng mức độ can đảm dám chấp nhận rủi ro, đương đầu với thách thức. Các trường sẽ không thể tạo ra thay đổi, không thể vươn tới sự ưu tú nếu họ không có khát vọng vươn lên, can đảm theo đuổi những sáng kiến và tầm nhìn của chính họ.www.uis.unesco.org - Đồ họa: L.T.Bộ GD-ĐT vừa cho phép một số trường NCL tự chủ tuyển sinh bằng một kỳ tuyển sinh vào mùa thu. Theo bà, chính sách này có tác động thế nào trong thời gian tới?- Việc thay đổi tư duy theo lối giao cho các trường được chủ động, kể cả trường tư chứ không chỉ giới hạn trong những trường “hàng đầu”, rất đáng hoan nghênh. Dĩ nhiên sẽ có người lo rằng khi trường tư được tự tuyển sinh, vì nhu cầu sống còn của mình sẽ ra sức “vơ bèo vạt tép” khiến chuẩn mực bị giảm sút. Tôi cho rằng không cần quá lo dù việc ấy hoàn toàn có thể xảy ra.Nếu các trường không cải thiện quá trình đào tạo để nâng cao chất lượng, họ chắc chắn sẽ tự hủy hoại mình, chẳng khác nào con rắn tự cắn đuôi mình để sống. Các trường sẽ tự định vị mình trên thị trường giáo dục qua cách họ tổ chức tuyển sinh, qua các tiêu chí mà họ xác lập, các mục tiêu và giá trị mà họ theo đuổi, và qua chất lượng đầu ra của người học.Bộ GD-ĐT không cần can thiệp việc tuyển sinh của các trường, chỉ cần đòi hỏi họ công bố công khai quy trình và tiêu chuẩn. Sẽ tốt hơn nếu bộ tách hai việc khảo thí - xét tuyển ra và chỉ kiểm soát một kỳ thi đánh giá năng lực chung, tổ chức nhiều lần trong năm. Các trường công cũng như tư có thể dựa vào kết quả đánh giá năng lực này cùng với các tiêu chí đánh giá khác do mình tự xây dựng phù hợp với đặc điểm của trường mình để xét tuyển. Được vậy thì có thể tránh được tình trạng “loạn chuẩn”.Tuy vậy, nhìn vấn đề trên toàn hệ thống sẽ thấy điều quan trọng hơn là tạo ra một hệ sinh thái ĐH hài hòa để trường công lập và NCL cùng tồn tại với những khác biệt bổ khuyết cho nhau và cạnh tranh trong một không gian bình đẳng. Sự tồn tại của trường NCL là một thực tiễn tất yếu trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục ĐH.Trong mấy thập kỷ qua, nhờ chính sách mở rộng hệ thống NCL, chúng ta đã huy động được một nguồn lực xã hội tương đối lớn để nâng cao năng lực cung ứng của cả hệ thống. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa trường công và tư, giữa các trường công hay giữa các trường tư với nhau chắc chắn là một điều có lợi cho cả hệ thống, nếu các nhà làm chính sách bảo đảm một sân chơi công bằng cho tất cả. Ba giải pháp tạo ra bình đẳng thật sự giữa các trường công và tư:- Tất cả các trường công hay tư đều được tự chủ tuyển sinh, theo nghĩa tự mình xây dựng tiêu chuẩn và quy trình xét tuyển, cũng như tự quyết định số lượng tuyển sinh. Nhà nước hỗ trợ tất cả các trường bằng cách tổ chức việc khảo thí một cách độc lập và chuyên nghiệp để đánh giá năng lực thí sinh theo một thang đo khách quan, tổ chức nhiều lần trong năm cho mọi học sinh, và các trường có thể sử dụng kết quả thi này của học sinh như một trong các tiêu chuẩn đầu vào.- Học bổng và tín dụng cấp trực tiếp cho sinh viên thông qua các “voucher”, sinh viên có toàn quyền lựa chọn bất cứ trường nào, công hoặc tư để học, nếu đáp ứng được các yêu cầu tuyển sinh của trường đó.- Các trường sẽ được kiểm định dựa trên những tiêu chuẩn minh bạch, công khai mà công chúng có thể kiểm chứng được, do các tổ chức kiểm định độc lập thực hiện. Trường nào đạt tiêu chuẩn kiểm định tối thiểu thì có thể thu nhận các “voucher” của sinh viên để nhận được khoản kinh phí nhà nước cấp cho các “voucher” này. Tags: Đại họcGiáo dục đại họcTrường tưTrường côngTS Phạm Thị LyBình đẳng công tư
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Thủ tướng họp bàn ứng phó việc Mỹ áp thuế 46%: Lập tổ phản ứng nhanh NGỌC AN 03/04/2025 Việt Nam mong muốn Mỹ có chính sách phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, với mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đi Mỹ trong bối cảnh căng thẳng đánh thuế đối ứng NGỌC AN 03/04/2025 Chuyến đi Mỹ của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc được kỳ vọng sẽ đàm phán lại việc đánh thuế đối ứng mà chính quyền tổng thống Mỹ đưa ra đối với Việt Nam lên mức 46%.
Mỹ áp thuế Việt Nam 46%, đề xuất 3 cách cứu vãn tình thế cần làm ngay BÌNH KHÁNH 03/04/2025 Chuyên gia Vũ Minh Khương cho biết với các nền kinh tế chịu mức thuế cao từ Mỹ như Việt Nam, việc thực thi sẽ bắt đầu từ ngày 9-4. Việt Nam có gần 1 tuần để đàm phán, trong đó cân nhắc tính toán lại thuế xuất khẩu vào Mỹ.
Xây cầu Nhơn Trạch 2 để đồng bộ với cầu Nhơn Trạch 1, thông suốt với TP.HCM ĐỨC PHÚ 03/04/2025 Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận về điều chỉnh tăng vốn vay ODA tại dự án cầu Nhơn Trạch nối tỉnh Đồng Nai với TP.HCM.