Bình ổn xã hội từ Nga, sang Pháp, đến Mỹ

HỮU NGHỊ 21/03/2012 03:03 GMT+7

TTCT - Sau bầu cử tổng thống ở Nga, tới đây ông Putin sẽ phải điều chỉnh “thước ngắm” xã hội một chút. Ở Pháp, một tháng trước vòng một bầu cử tổng thống ai cũng chăm chăm vô bài toán xã hội.

Ở Mỹ, mặc cho kết quả các thăm dò dư luận cứ thay đổi như chong chóng, vẫn là bài toán an sinh.

Phóng to

Tổng thống Pháp Sarkozy thu hút dân Pháp ủng hộ trong chiến dịch vận động tranh cử tại Villepinte, ngoại ô Paris ngày 11-3 - Ảnh: Reuters

Nga: giành lại giới trí thức "viêm màng túi"!

Ba tuần trước khi người dân Nga đi bỏ phiếu, Trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Sberbank (1) cho biết họ đã cân, đong, đo, đếm trị giá bằng tiền rúp các hứa hẹn của ứng cử viên Vladimir Putin trong một bài báo đăng trên tờ Komsomolskaya Pravda trước đó: trong sáu năm tới, ngân sách liên bang Nga sẽ chi 5.100 tỉ rúp, tương đương 170 tỉ USD, để thực hiện những hứa hẹn tăng lương khu vực công, tăng chi trả phúc lợi xã hội, giảm phí thuê nhà...

Riêng khoản tăng lương, ông Putin sẽ tập trung vào nhóm bác sĩ, giảng viên đại học và giáo viên, với tổng cộng 3.500 tỉ rúp (117 tỉ USD) trên tổng số 5.100 tỉ rúp (170 tỉ USD) tăng chi. Các tính toán của Trung tâm Sberbank, cao gấp gần 5 lần của ông Putin, hàm ý sẽ có thể lạm phát khi việc chi trả này làm tăng GDP khoảng 0,84% mỗi năm.

Trong khi đó, theo bài báo đăng trên Komsomolskaya Pravda, ông Putin cho biết chi tiêu tăng lương này quy ra USD sẽ vào khoảng 30 tỉ, tức chưa phải là tiền đề cho lạm phát. Con số thực chi tới đây là bao nhiêu, 30 tỉ hay 117 tỉ USD để tăng lương, chưa rõ, và trong sáu năm tới ông Putin sẽ thực hiện hứa hẹn này đến đâu thật ra không đáng quan tâm bằng việc ông Putin muốn nhắm đến các lớp xã hội - nghề nghiệp nào trong xã hội Nga để “mua phiếu” cả trong hiện tại lẫn tương lai.

Nếu biết rằng ở Nga tỉ lệ bác sĩ cho 1.000 người bệnh khá cao (4,3 bác sĩ cho 1.000 bệnh nhân, đứng thứ 8 thế giới), tỉ lệ giường bệnh cũng khá cao (9,66 giường bệnh cho 1.000 bệnh nhân, đứng thứ 5 thế giới), thì có vẻ như ngành y tế Nga cũng khá đầy đủ về mặt nhân sự và cơ sở, song ngân sách y tế lại thấp có hạng, chỉ 5,4% GDP (năm 2009), xếp 132 thế giới (The World FactBook).

Chia ngân sách đó ra cho chừng đó bác sĩ (và giường bệnh), nhất định sẽ thấy tại sao ông Putin hứa tăng lương cho giới này. Cũng thế, nếu biết rằng chi ngân sách cho giáo dục chỉ chiếm 3,9% GDP (xếp hạng 107 thế giới) còn ít hơn cho y tế, sẽ thấy tại sao ông Putin muốn “tranh thủ” giới giáo chức.

Hai giới trung lưu này trong thang bậc xã hội song lại chưa “trung lưu” trong thu nhập, là đại diện cho giới trí thức “viêm màng túi kinh niên”. Đáng phiền là làn sóng biểu tình trước và còn tiếp tục (ít hơn) sau bầu cử xuất phát từ giới này. Đây là lý do khiến ông Putin đau đầu (2), nhất định phải giành lại bằng tiền. Cũng may là tỉ lệ thất nghiệp ở Nga còn nhẹ so với EU, chỉ 6,3% so với 10,7% nên tạm thời chưa là gánh lo cho ông Putin, tạm để ông dành sức cho hai nhóm kia.

Giới này đối nghịch với một giới khác, bằng cấp có thể ít hơn nhưng lại “có của ăn của để”, vốn là những cán bộ nhà nước, đặc biệt là trong các cơ quan công lực, mà người Nga gọi là giới “siloviki”... ung dung tiêu xài, thậm chí chuyển ngân lậu ra ngoài - tháng 1 vừa qua đã chuyển khoảng 10-17 tỉ USD (3). Bao năm qua, ông Putin muốn dẹp mà không xong.

Pháp: tranh nhau nhà ở xã hội

Hiện nay ở Pháp, chỗ ở không chỉ là một khó khăn kinh tế, mà còn là một khó khăn “xã hội” khi không ít thành phố không muốn tiếp nhận những cư dân mới thuộc thành phần khó khăn, di dân...

Trong một xã hội mà nhà nước đã có thói quen chăm lo chỗ ở cho người dân, khi từ ngữ “chỗ ở xã hội” còn là thước đo sự cống hiến cho dân của chính phủ, trên tổng số 27,849 triệu chỗ ở (năm 2009) đã có đến 5,143 triệu chỗ ở xã hội (4), thì làm sao gia tăng chỗ ở xã hội hơn cả chính phủ đương nhiệm chính là trọng tâm hứa hẹn của các ứng viên (5).

Đặc biệt hiện nay, chỗ ở không chỉ là một khó khăn kinh tế, mà còn là một khó khăn “xã hội” khi không ít thành phố không muốn tiếp nhận những cư dân mới thuộc thành phần khó khăn, di dân...!

Ứng cử viên Đảng Xã hội François Hollande tối chủ nhật vừa qua đề xuất nâng mức trần tiền gửi tiết kiệm miễn thuế thu nhập từ 15.000 euro lên gấp đôi, để có thể từ đó lấy tiền (ước tính khoảng 15-20 tỉ euro) xây 2,5 triệu đơn vị chỗ ở xã hội, trong đó có 150.000 chỗ ở “siêu xã hội” (siêu rẻ). Ông cũng đề xuất sửa đổi đạo luật SRU (tương tế và thay mới dân số đô thị) ra đời từ tháng 12-2000.

Do có một số thành phố không thích tiếp nhận cư dân mới thuộc thành phần kinh tế khó khăn, di dân, nên đạo luật SRU quy định các thị trấn có dân số trên 3.500 người phải xây dựng 20% đơn vị gia cư thuộc diện nhà ở xã hội để dành cho các đối tượng này. Theo ông Hollande, tới đây sẽ phải nâng tỉ lệ này lên 25%, trong khi nữ ứng cử viên Đảng Xanh Eva Joly thậm chí còn đòi tăng đến 30%.

Về phần mình, tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy khoe đã xây được 600.000 chỗ ở xã hội trong năm năm qua. Không dừng ở đó, ông Sarkozy còn tận hưởng ưu thế “đương quyền” khi đã “nhờ” được quốc hội thông qua vào tuần trước một đạo luật do chính phủ chuyển sang, theo đó các chủ dự án nay có thể xây thêm 30% diện tích được xây.

Mỹ: công ăn việc làm và giá xăng

Chiến tích kết liễu Osama Bin Laden đầu tháng 5 năm ngoái đã vực tỉ lệ ủng hộ ông Barack Obama từ 46% hồi tháng 1 lên đến 53% vào tháng 6, song đã không giữ uy tín ông được lâu. Sang tháng 10, tỉ lệ ủng hộ chỉ còn 43%. Phải nhờ đến những số liệu khả quan về công ăn việc làm mới, ông Obama mới lên được 50% trong 4/8 cuộc thăm dò dư luận chính yếu mới nhất (6). Điều đó càng tái khẳng định “quy luật tự nhiên” đã từng kiểm nghiệm cuối trào cựu tổng thống George W. Bush: được cả thế gian mà dân thất nghiệp, nào có ích gì!

Thế nhưng chỉ một tháng sau, tức tháng 3 này, tỉ lệ ủng hộ ông đã tuột xuống 46%, theo kết quả thăm dò của ABC News và Washington Post. Lý do? Ông đã để cho giá xăng tăng quá xá! Mà giá xăng tăng là do những tin đồn Israel dọa tấn công Iran. Bởi thế, chủ nhật tuần trước nữa ông đã lệnh cho báo chí: “Hãy ngưng đồn thổi chuyện tấn công Iran một cách dễ dãi!”.

Còn ai hưởng lợi từ giá xăng tăng? Các hãng dầu và ứng viên Mitt Romney thuộc Đảng Cộng hòa! Nếu bầu cử ngay bây giờ, ông Romney sẽ được 49% số phiếu, còn ông Obama chỉ được 47% (7). Tất nhiên từ nay đến đầu tháng 11 cũng còn xa lắm.

Trong bối cảnh khủng hoảng chung toàn cầu, có thể hoàn cảnh nước này giống hoàn cảnh nước kia, và nếu rút kinh nghiệm lẫn nhau cũng gọi là khả dĩ. Song điều đó chỉ là tương đối, do lẽ mỗi nước mỗi xã hội, mỗi vấn đề, mỗi tính cách, mỗi tập quán, mỗi tâm trạng và cũng còn tùy từng lúc. Ngược lại, thất bại của người này ở nước này, của người kia ở nước kia, cho dù hoàn cảnh có khác chăng nữa cũng vẫn luôn là bài học “tránh vết xe đổ” không hề vô ích.

__________

(1) http://themoscownews.com/business/20120217/189465230.html
(2) http://blogs.reuters.com/gleb-bryanski/
(3) http://themoscownews.com/siloviks_scoundrels/20120306/189514771.html
(4) http://www.insee.fr/fr/themes/tableau.asp?reg_id=0&ref_id=NATTEF05250
(5) http://www.boursier.com/actualites/economie/le-logement-theme-central-de-la-campagne-presidentielle-13751.html
(6) http://www.nationalpolls.com/articles/20120225001-obama-barely-fifty.html
(7) http://www.lefigaro.fr/flash-actu/2012/03/12/97001-20120312FILWWW00336-obama-en-dessous-de-la-barre-des-50.php

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận