Minh họa: Đỏ TTCT - Hơn nửa thế kỷ trước, bờ hồ Hoàn Kiếm là một sân chơi khổng lồ cho lũ trẻ ở phố. Đứa ở gần có thể ra chơi hằng ngày. Đứa ở xa cũng tìm cách đi nhờ trên 6 tuyến xe điện về ga trung tâm nằm gần nhà Thủy Tạ. Không gần bến xe điện, nhiều đứa lếch thếch đi bộ vài ba cây số tìm đến bờ hồ. Sân chơi khổng lồ ấy có quá nhiều trò chơi thích thú. Những đứa trẻ trai tìm manh chiếu rách cuộn tròn lại làm “lưới” bắt tôm. Hai đứa cầm hai đầu “lưới” kéo từ ngoài vào sát bờ đất. Những con tôm trong suốt nhảy tí tách lên bờ. Những con chuồn chuồn non rúc vội xuống bùn chạy biến. Đôi khi mẻ lưới bắt được cả những con vẽ nước đen nhánh như hạt na, chúng có tốc độ bơi trên mặt nước còn nhanh hơn cả một nét bút. Tôm nhỏ và vẽ nước đựng trong ống bơ để ngắm, chán chê lại thả xuống hồ. Trên bờ cỏ là đám trẻ cả trai và gái rút ngọn cỏ non làm cần câu kiến chọi, tìm những lỗ đất mòn nhẵn vết chân cho cọng cỏ vào. Loài kiến hung dữ này sẽ đóng ngập hai chiếc răng vào đọt cỏ non nên có thể kéo chúng lên dễ dàng. Kiến bắt được nhốt vào lọ thủy tinh. Phủi sạch một đám đất là có chỗ để thả chúng ra cho chọi, lũ trẻ vòng trong vòng ngoài vừa xem vừa hò reo. Tháng ba là mùa hoa gạo nở đỏ chói bên phía đền Ngọc Sơn. Đám trẻ gái rủ nhau ra nhặt hoa rơi xâu thành chuỗi đeo quanh cổ chơi trò cô dâu chú rể. Cuối tháng tư bắt đầu đến mùa ve sầu lột xác. Bọn trẻ chế những chiếc đèn dầu bằng ống bơ mang ra bờ hồ soi ve. Tầm bảy giờ tối đã thấy bập bùng ánh lửa đèn dầu lượn thoăn thoắt giữa những gốc cây. Lồng nhốt ve được làm bằng que kem buộc dây đồng chắc chắn, mang về nhà xúm xít quanh đèn chờ xem ve lột. Cái vỏ sừng nứt ra một khe giữa đỉnh đầu con vật, chú ve nhúc nhích trườn ra xanh non màu cốm mới. Mùa hè đến là lúc bọn trẻ lội xuống hồ tắm trộm. Chúng chọn buổi trưa vắng vẻ, trèo ra cành đa la đà mặt nước chỗ tháp Hòa Phong ùm ùm nhảy xuống. Nước nông và bùn mềm rất an toàn. Tắm chán lại lên bờ ven tháp xem ông hàng sáo trúc kém mắt biểu diễn miễn phí. Nhìn những ngón tay gầy guộc của ông thợ khoét sáo chạy thoăn thoắt trên hàng lỗ sáo, đứa nào cũng mê. Vài đứa mua về véo von tập thử. Sáo khoét bằng ống nứa mỏng tang cắm sau túi quần. Sơ ý ngồi phải giập vỡ, tiếng sáo rè rè phát ra như mèo hen. Cạnh ông bán sáo thể nào cũng có vài anh chàng khắc bút ngồi, với cây bút thép trong tay vạch lên thân bút máy những hình vẽ cực kỳ bay bướm, thường là hình Tháp Rùa hoặc đôi chim bồ câu tha dải lụa quấn quýt. Lũ trẻ gái cặm cụi đi nhặt cánh hoa phượng tước ra lấy màng mỏng dán lên mặt làm hề. Màu hoa phượng đỏ hồn nhiên trên những gương mặt sáng. Tháng bảy, hoa lộc vừng rắc xuống như mưa. Cả một mảng hồ quanh cây lộc vừng chín gốc nhuộm một màu đỏ thắm. Cầu Thê Húc những năm chiến tranh ít khi được sơn lại đã xuống màu nâu trầm lơ đãng in bóng trên mặt nước. Cổng đền rêu phong cổ kính im lìm dưới gốc cây đa rậm rì lá xanh. Đám trẻ dù hò reo nhộn nhịp bên ngoài, nhưng khi đã đặt chân vào cổng đền lập tức im lặng. Chúng đi nhẹ, nói thầm, nghiêng ngó nhìn lên tượng Văn Xương Đế Quân và Trần Hưng Đạo uy nghi mà hiền hậu... Giờ thì bờ hồ đã không còn những trò chơi như thế nữa. Người người chen chúc suốt từ sáng sớm tập thể dục. Không còn nhiều bãi cỏ xanh và những mảnh đất nâu trầm. Bờ hồ đã được kè bằng ximăng nhẵn nhụi. Không còn những chùm rễ cây già nua khắc khoải buông mình. Khái niệm về một bờ hồ xanh um cỏ và liễu rủ buông mành dường như đã xa lắm, ít ai còn nhớ. Những ngày cuối tuần, bờ hồ thành khu vực đi bộ. Đám trẻ được người lớn dẫn ra bờ hồ thuê ôtô điện lái chạy vòng vèo dưới lòng đường. Trẻ lớn hơn thuê xe cân bằng thi nhau điều khiển. Đám thanh niên rủ nhau ngồi xuống lòng đường bày những trò ca hát, đánh cờ. Hàng quà bánh xôn xao mời chào. Những nghệ sĩ đường phố trình diễn âm nhạc và vẽ tranh chân dung. Mặt nước, cỏ cây và di tích gần như không còn tham gia vào những trò chơi của lũ trẻ. Tất cả sẽ làm nên một ký ức bờ hồ khác hẳn vài chục năm trước của lớp trẻ ngày hôm nay. Dù để nhớ hay chỉ để quên, bờ hồ Hoàn Kiếm vẫn luôn là nơi thu hút tất cả những ai từng đặt chân đến Hà Nội. Năm tháng qua đi sẽ bồi đắp thêm vào những ký ức ấy câu chuyện của ngày hôm nay. Hình như không có gì bị quên lãng, nếu như nó từng có ở bờ hồ.■ Tags: Hồ Hoàn KiếmBờ hồĐể nhớ để quên
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ “lăn bánh” chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".