Bốn truyện ngắn ít được biết tới của Franz Kafka

FRANZ KAFKA 01/07/2020 15:07 GMT+7

TTCT - Bốn truyện sau nằm trong The Lost Writings, tuyển tập các đoạn viết mà ban đầu, các biên tập viên của The New Yorker cho rằng "chưa từng được xuất bản" của Franz Kafka. Nhà xuất bản New Directions dự kiến sẽ in và cho ra mắt ở Mỹ vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, sau khi chúng được đăng trên The New Yorker, người ta mới biết được rằng truyện đầu đã được dịch ra tiếng Anh, in trong The Complete Stories,và cả bốn truyện đã được in trong cuốn “Dearest Father: Stories and Other Writings” từ năm 1954.]

-------------------------------------

Truyền thuyết là một nỗ lực để giải thích cái không thể giải thích; mặc dầu xuất phát từ nền tảng sự thật, nó tất yếu sẽ kết thúc trong cái không thể giải thích.

Chúng ta có bốn truyền thuyết liên quan đến Prômêtê. Theo truyền thuyết đầu tiên, vì đã phản bội các vị thần để giúp đỡ loài người, ông bị xích vào một đỉnh núi cao ở Cápcadơ và các vị thần đã phái những con đại bàng đến moi gan ông trong khi lá gan cứ mọc trở lại.

Theo truyền thuyết thứ hai, nỗi đau của những cái mỏ chọc vào đã khiến Prômêtê ngày càng lún sâu vào những tảng đá cho đến khi ông trở thành một với chúng.

Theo truyền thuyết thứ ba, sự phản bội của ông đã bị lãng quên sau hàng thiên niên kỷ: các vị thần đã quên, những con đại bàng đã quên, chính ông cũng đã quên.

Theo truyền thuyết thứ tư, mọi người đã trở nên mệt mỏi với phương thức đó, thứ đã mất đi lý do tồn tại của nó. Các vị thần trở nên mệt mỏi, những con đại bàng cũng vậy. Ngay cả vết thương cũng trở nên mệt mỏi và khép lại.

Bí ẩn thực sự là những ngọn núi.

Bức tranh Torture of Prometheus (sơn dầu) của Salvator Rosa, một họa sĩ thời kỳ Baroque.
Bức tranh Torture of Prometheus (sơn dầu) của Salvator Rosa, một họa sĩ thời kỳ Baroque.

 -------------------------

Một người nông dân chặn tôi lại trên đường và nài nỉ tôi theo anh ta về nhà. Biết đâu tôi có thể giúp - anh ta cãi nhau với vợ và cuộc cãi vã của họ đang hủy hoại cuộc sống anh ta. Anh ta cũng có vài đứa con ngây ngô không lấy gì làm tốt đẹp; chúng chỉ đứng ngây ra đó hoặc bày trò nghịch ngợm. Tôi nói mình rất sẵn lòng đi cùng anh ta, nhưng không biết tôi, một người xa lạ, có thể giúp anh ta bằng cách nào; tôi có thể giao cho con cái anh ta một nhiệm vụ hữu ích nào đó, nhưng có lẽ tôi sẽ bất lực với chuyện cô vợ, vì sự cằn nhằn ở một người vợ thường bắt nguồn từ một phẩm tính nào đó ở người chồng, và bởi anh ta không hài lòng với tình hình này, có lẽ anh ta đã chịu khó thay đổi bản thân nhưng không thành công, vậy làm thế nào tôi có thể thành công hơn? Cùng lắm, tôi có thể chuyển hướng cơn giận của cô vợ sang mình. Thoạt đầu, tôi tự nói với mình hơn là nói với anh ta, nhưng rồi tôi hỏi anh ta sẽ trả cho tôi thế nào cho chuyện phiền hà này. Anh ta nói chúng tôi sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận; nếu thật sự có thể giúp thì tôi có thể lấy bất cứ gì tôi muốn. Đến đây tôi dừng lại và nói kiểu hứa hẹn mơ hồ này sẽ không thỏa mãn được tôi - tôi muốn một thỏa thuận đích xác anh ta sẽ trả cho tôi như thế nào mỗi tháng. Anh ta ngạc nhiên là tôi đòi hỏi cái gì như tiền lương hằng tháng từ anh ta. Đến lượt tôi ngạc nhiên là anh ta lại ngạc nhiên. Anh ta cho là tôi có thể sửa chữa trong vài tiếng đồng hồ những gì mà hai người đã làm sai suốt cả cuộc đời, và anh ta mong đợi tôi sau hai giờ đó sẽ lấy một túi đậu khô, hôn lên tay anh ta biết ơn, quấn mình trong mớ áo rách và tiếp tục đi trên con đường băng giá? Tuyệt đối không. Người nông dân im lặng lắng nghe, cúi đầu nhưng căng thẳng. Như tôi thấy, tôi bảo anh ta, tôi sẽ phải ở lại với anh ta một thời gian dài để làm quen với tình hình và suy nghĩ về những cải thiện có thể có, rồi sau đó tôi sẽ phải ở lại lâu hơn để tạo ra trật tự thích hợp, đấy là nếu điều đó là có thể, và đến lúc đó tôi đã già và mệt và sẽ không đi đâu nữa mà chỉ nghỉ ngơi và tận hưởng lời cảm tạ của các bên liên quan.

“Như thế không được”, người nông dân nói. “Ở đây anh đang muốn đặt mình vào nhà tôi và có khi sau này còn đuổi tôi ra khỏi đó. Thế thì tôi còn gặp rắc rối hơn cả bây giờ”.

“Trừ phi tin tưởng nhau, không thì sẽ chẳng có một thỏa thuận nào cả”, tôi nói. “Tôi chưa cho thấy là tôi tin anh sao? Tôi chỉ có lời của anh, chẳng phải anh có thể chối nó đi sao? Sau khi tôi sắp xếp mọi thứ theo ý muốn của anh, chẳng phải anh có thể đuổi tôi đi, hứa gì thì hứa?”.

Người nông dân nhìn tôi và nói, “Anh sẽ không bao giờ để chuyện đó xảy ra”.

“Anh muốn làm gì thì làm”, tôi nói, “và nghĩ thế nào về tôi thì nghĩ, nhưng đừng quên - tôi coi anh là bạn bè tôi mới nói thế này, như một người đàn ông với một người đàn ông - là nếu anh không đưa tôi về nhà, anh sẽ không chịu đựng được lâu hơn nữa đâu. Anh sẽ tiếp tục sống với vợ con mình như thế nào đây? Và nếu anh không tóm lấy cơ hội này mà đưa tôi về nhà, thì sao anh không từ bỏ mọi thứ và mọi rắc rối anh sẽ mãi gặp phải ở nhà mà đi với tôi. Chúng ta sẽ cùng nhau lên đường, và tôi sẽ chẳng để bụng mấy cái nỗi nghi ngờ của anh đâu”.

“Tôi không tự do làm như thế được”, người nông dân nói. “Tôi đã sống với vợ được mười lăm năm; chuyện đó rất khó khăn, tôi còn chẳng hiểu nổi tôi đã làm chuyện đó thế nào, nhưng dẫu vậy tôi cũng không thể bỏ rơi cô ấy mà không tìm mọi cách khiến cho mình có thể chịu đựng được cô ấy. Thế rồi tôi nhìn thấy anh trên đường, và tôi nghĩ mình có thể cố gắng làm cú chót, với anh. Anh hãy đi cùng tôi, rồi tôi sẽ cho anh bất cứ gì anh muốn. Anh muốn gì?”.

“Tôi không muốn gì nhiều”, tôi nói. “Tôi không ra đây để lợi dụng hoàn cảnh của anh. Tôi muốn anh nhận tôi làm người làm công cả đời. Tôi có thể làm mọi kiểu công việc và sẽ rất hữu ích cho anh. Nhưng tôi không muốn bị đối xử như những người làm công khác - anh không được ra lệnh cho tôi, tôi sẽ được phép làm những gì tôi muốn, lúc thì cái này, lúc thì cái kia, lúc thì chẳng làm cái gì cả, đúng như tôi muốn. Anh có thể đề nghị tôi làm việc gì đó miễn là anh phải thật nhẹ nhàng, và nếu anh thấy tôi không muốn nhận việc đó thì anh sẽ phải chấp nhận. Tôi sẽ không đòi tiền, chỉ cần có quần áo, chăn đệm, và ủng theo tiêu chuẩn bây giờ, và được thay lúc cần; nếu những thứ đó trong làng không có thì anh sẽ phải vào thị trấn để mua. Nhưng đừng lo về chuyện đó, quần áo tôi bây giờ còn mặc được thêm nhiều năm nữa. Tôi sẽ hài lòng với công lao động thông thường, tôi chỉ nhấn mạnh một điều là phải có thịt ăn hằng ngày”.

“Hằng ngày?”, anh ta xen vào, như thể bằng lòng với tất cả các điều kiện khác.

“Hằng ngày”, tôi nói.

“Tôi để ý thấy răng anh thật khác”, anh ta nói, tìm cách lý giải cho yêu cầu bất thường của tôi, thậm chí còn thò tay vào miệng tôi để sờ. “Rất sắc”, anh ta nói, “như răng chó”.

“Dù sao đi nữa, phải có thịt hằng ngày”, tôi nói. “Và bằng lượng bia rượu như anh”.

“Thế là rất nhiều”, anh ta nói. “Tôi uống nhiều lắm”.

“Càng tốt”, tôi nói. “Nếu anh tém cái bụng anh lại thì tôi cũng tém cái bụng tôi lại. Biết đâu anh uống nhiều như thế chỉ là do cuộc sống gia đình không hạnh phúc mà thôi”.

“Không”, anh ta nói. “Thế thì có liên quan gì chứ? Nhưng nếu anh uống nhiều như tôi, chúng ta có thể cùng nhậu”.

“Không”, tôi nói. “Tôi từ chối ăn uống cùng người khác. Tôi muốn ăn uống một mình”.

“Một mình?”, người nông dân kinh ngạc hỏi. “Mấy cái mong muốn này làm đầu óc tôi quay cuồng quá”.

“Đâu có nhiều đến thế”, tôi nói. “Tôi sắp xong rồi. Tôi muốn có dầu để thắp đèn cả đêm bên mình. Tôi có cây đèn đây rồi, đèn rất nhỏ gần như không tốn gì cả. Thực sự là không đáng nhắc đến, nhưng tôi cũng nhắc đến đây cho trọn, kẻo lại có tranh chấp gì sau đó giữa chúng ta; tôi không thích những chuyện như thế trong vấn đề trả công. Những lúc khác tôi là người ôn hòa nhất, nhưng những điều khoản đã đồng ý mà bị vi phạm, tôi sẽ nổi đóa, hãy nhớ cho. Nếu không được trả mọi thứ mà tôi kiếm được, cho đến chi tiết cuối cùng, tôi có thể đốt nhà anh trong lúc anh ngủ. Nhưng anh không cần phải từ chối những gì chúng ta đã đồng ý rõ ràng, và như thế, nhất là nếu bất chợt anh tặng cho tôi một món quà tình cảm - nó không cần phải có giá trị, chỉ cần một vật mọn khác lạ nào đó - tôi sẽ trung thành và chăm chỉ và rất hữu ích cho anh theo mọi cách. Và tôi sẽ không muốn gì ngoài những gì tôi vừa nói với anh, ngoại trừ vào ngày 24 tháng 8, ngày tên thánh của tôi, một thùng nhỏ hai galông rượu rum”. (*)

“Hai galông!”, người nông dân kêu lên, vỗ tay cái đét.

“Phải, hai galông”, tôi nói. “Đâu có gì nhiều. Có lẽ anh nghĩ anh có thể ép được tôi. Nhưng tôi đã giảm yêu cầu đến mức tối thiểu rồi, là vì tôi tôn trọng anh, tất nhiên; tôi sẽ lấy làm xấu hổ nếu có người lạ nghe thấy chúng ta. Tôi không thể nói như chúng ta vừa nói trước một người lạ. Vậy nên sẽ không ai được biết về thỏa thuận của chúng ta. Mà ai sẽ tin cơ chứ?”.

Nhưng người nông dân nói, “Tốt hơn anh cứ đi đường anh. Tôi sẽ về nhà và cố gắng làm lành với vợ. Phải đó, gần đây tôi đã đánh cô ta nhiều - tôi nghĩ nếu nhẹ tay hơn chút, biết đâu cô ta sẽ lấy đó làm biết ơn với tôi - tôi cũng đánh bọn trẻ rất nhiều nữa; lúc nào cũng lấy roi trong chuồng ra đánh. Tôi sẽ bớt một chút, rồi biết đâu mọi thứ sẽ được cải thiện. Nhưng anh đòi hỏi như thế là quá nhiều, và ngay cả khi không nhiều - nhưng không, như thế nhiều hơn tôi làm ăn ra được, không thể nào, thịt hằng ngày, hai galông rượu rum, và ngay cả khi có thể đáp ứng vợ tôi cũng không bao giờ cho phép và nếu cô ấy không cho thì tôi cũng chịu bó tay”.

“Thế thì sao phải thương lượng lâu thế”, tôi nói. ■

------------------------------------

Bức tranh Bánh mì của họa sĩ Matthew Hopkins.
Bức tranh Bánh mì của họa sĩ Matthew Hopkins.

Một ổ bánh lớn nằm trên bàn. Ba cầm một con dao vào để cắt nó làm đôi. Nhưng dù dao to và sắc, và bánh mì không quá mềm cũng không quá cứng, con dao cũng không thể cắt vào nó. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn ba. Ông nói, “Sao phải ngạc nhiên? Chẳng phải cái gì thành công mới đáng ngạc nhiên hơn là thất bại hay sao? Lên giường đi, biết đâu ta sẽ làm được sau”. Chúng tôi lên giường, nhưng cứ thỉnh thoảng, vào tất cả các giờ trong đêm, chúng tôi không đứa này thì đứa khác lại dậy và ngóc cổ lên nhìn ba, một người đàn ông to lớn mặc áo khoác dài đứng đó, chân phải trụ đằng sau, tìm cách ấn con dao vào ổ bánh mì. Buổi sáng chúng tôi dậy sớm, ba chỉ đặt con dao sang một bên và nói, “Các con thấy đó, ta vẫn chưa làm được, nó khó như vậy đó”. Chúng tôi muốn thể hiện, và ông cho phép chúng tôi thử, nhưng khó mà nhấc con dao lên được, cái cán gần như sáng loáng vì những cố gắng của ba; nó như chồm ra khỏi nắm tay của chúng tôi. Ba cười và bảo, “Kệ nó đi. Ta phải đi bây giờ. Đêm nay ta sẽ thử lại. Ta sẽ không để một ổ bánh biến mình thành một con khỉ. Rốt cuộc nó sẽ phải để cho mình bị cắt; tất nhiên là nó được phép chống cự, nên nó đang chống cự”. Nhưng đúng lúc ông nói thế ổ bánh mì dường như co lại, như cái miệng của một người vô cùng kiên quyết, và bây giờ nó quả thật là một ổ bánh rất nhỏ. ■

 --------------------------------------

Hết sức thành thật mà nói, tôi không quan tâm lắm đến toàn bộ vấn đề. Tôi đang nằm trong một góc, quan sát, bạn có thể thấy chừng nào từ một tư thế nằm, lắng nghe, thì tôi cũng có thể hiểu chừng đó, ngoài việc tôi đã sống trong một kiểu hoàng hôn trong nhiều tháng liền, đợi màn đêm buông. Bạn cùng phòng của tôi ở trong một tình hình khác, một nhân vật cương quyết, một thuyền trưởng. Tôi có thể hình dung ra tình hình của anh ta. Anh ta nhìn tình cảnh của mình như tình cảnh của một nhà thám hiểm vùng cực bị đóng băng trong một vùng băng tuyết ảm đạm nào đó nhưng chắc chắn sẽ được giải cứu, hay đúng hơn là đã được giải cứu, như người ta sẽ có thể đọc thấy trong một câu chuyện nào đó về việc thăm dò vùng cực. Và bây giờ có sự phân ly như sau: việc anh ta sẽ được giải cứu đối với anh ta không còn nghi ngờ gì, bất kể ý chí của anh ta là gì, chỉ đơn giản là nhờ vào sức nặng của tính cách kẻ-chiến-thắng của anh ta. Bây giờ, anh ta có nên mong chuyện đó hay không? Anh ta mong hay không mong cũng không ảnh hưởng gì, anh ta sẽ được giải cứu, nhưng vẫn còn đó câu hỏi anh ta có nên mong chuyện đó hay không. Có vẻ anh ta cũng đối mặt với câu hỏi dường như khó hiểu này: anh ta suy nghĩ mọi khía cạnh, anh ta bày nó trước mặt tôi, chúng tôi cùng bàn bạc. Chúng tôi không nói về cuộc giải cứu anh ta. Cho cuộc giải cứu, dường như anh ta có ý định ghim mọi hi vọng vào một cây búa nhỏ mà anh ta có được bằng cách nào đó, loại búa nhỏ mà bạn dùng để đóng đinh ghim vào bảng vẽ; anh ta không có đủ khả năng có thêm cái gì, nhưng anh ta cũng không dùng đến nó - sở hữu nó thôi cũng đã làm anh ta vui sướng. Đôi lúc anh ta quỳ bên cạnh tôi và giơ cây búa tôi đã thấy hàng ngàn lần lên trước mặt tôi, hoặc anh ta nắm lấy tay tôi, xòe bàn tay tôi xuống sàn và lần lượt gõ lên từng ngón tay. Anh ta biết là cây búa này không đủ sức gõ mảnh vụn nhỏ nhất rụng khỏi tường và cũng không tìm cách làm thế. Đôi khi anh ta lướt cây búa dọc theo các bức tường, như thể ra tín hiệu vận hành cho bộ máy cứu hộ vĩ đại đang chờ. Nó sẽ không diễn ra đúng như thế - đến lúc của nó, cuộc giải cứu sẽ bắt đầu, không quan tâm đến cây búa - nhưng nó vẫn là một cái gì đó, một cái gì đó có thể sờ thấy và có thể nắm bắt, một của tin, cái gì đó người ta có thể hôn, vì người ta không thể hôn cuộc giải cứu.

Tất nhiên, người ta có thể nói người thuyền trưởng đã bị sự giam cầm làm cho phát điên. Vòng tròn suy nghĩ của anh ta đã bị thu hẹp đến mức hầu như chỉ còn chỗ cho một ý nghĩ. ■

Nguyễn Huy Hoàng (dịch từ bản tiếng Anh của Michael Hofmann)

Chân dung Frank Kafka - tranh vẽ của Bruno Carro.

Franz Kafka, sinh năm 1883, trong một gia đình Do Thái ở Praha. Năm 1906 ông nhận bằng tiến sĩ luật và trong nhiều năm làm công chức cho một cơ quan bảo hiểm nhà nước. Chỉ một số ít tác phẩm của Kafka được xuất bản trong thời gian ông còn sống, trong đó có Hóa thân (1915). 

Sau khi ông qua đời năm 1924 vì lao phổi, trái với ý nguyện của ông, Max Brod bạn ông mới cho xuất bản những cuốn tiểu thuyết vĩ đại còn đang dang dở của Kafka: Phiên tòa, Lâu đài, và Amerika.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận