Bóng đá Việt và "phút bù giờ" Troussier

NGUYỄN NGUYÊN 24/11/2023 08:37 GMT+7

TTCT - Thắng Philippines 2-0 trên sân khách và thua Iraq 0-1 tại Mỹ Đình vào đúng những giây cuối của phút bù giờ 90+7 mang lại những cảm xúc trái ngược.

Hành trình của bóng đá Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026 vẫn còn rất dài phía trước, nhưng vấn đề nóng nhất của người hâm mộ và những nhà chuyên môn là một đội tuyển mới dưới tay "phù thủy trắng" Philippe Troussier vận hành như thế nào.

Cây bút chì mới

Người hâm mộ và giới chuyên môn chắc chắn vẫn không quên các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo và "nhiệm kỳ" 5 năm (2018-2022) của ông thầy người Hàn Quốc. 5 năm của thành tích và 5 năm rút ngắn rất nhiều khoảng cách của bóng đá Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA và những giải đấu lớn.

Tình huống Mohanad Ali đánh đầu tung lưới Văn Lâm phút 90+7. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tình huống Mohanad Ali đánh đầu tung lưới Văn Lâm phút 90+7. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cũng từ xuất phát điểm 2018 đấy, ở cấp độ bóng đá trẻ và ở sự đầu tư lớn của một doanh nghiệp, "phù thủy trắng" Philippe Troussier được mời đến Việt Nam làm giám đốc kỹ thuật Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF. 

Trong quá trình này, ông Troussier còn có thời điểm làm HLV trưởng đội U19 Việt Nam (2019), trước khi đặt bút ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) làm HLV trưởng đội tuyển U23 và đội tuyển Việt Nam sau khi HLV Park Hang Seo chia tay.

Chính vì ngồi ghế nóng ở thời điểm chuyển giao, lại tiếp nối công việc của một người có quá nhiều thành tích đến mức làm thay đổi hẳn bộ mặt bóng đá Việt Nam, nên ông Troussier bị soi rất kỹ. 

Với người hâm mộ thì những cái tên quen thuộc từng đưa các đội tuyển Việt Nam gặt hái thành tích như Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tấn Tài, Quang Hải, Văn Hậu... luôn là điểm tựa và hạt nhân quan trọng, nhưng dưới thời HLV mới Troussier, họ phải ngồi dự bị hoặc không được gọi lên đội tuyển.

Cách chơi khác, triết lý khác, con người khác dưới thời HLV Troussier đã làm nên một diện mạo khác buộc giới chuyên môn và người hâm mộ hay đặt ra những so sánh, và cả những dấu hỏi.

Có lần ngồi với một thành viên trong Hội đồng HLV và nghe lời chia sẻ khiến tôi buộc phải suy nghĩ rất nhiều: "Bóng đá Việt Nam thời HLV Park Hang Seo đã khai thác hết vốn rồi. Giống như người chuốt viết chì, chuốt mãi chuốt mãi thì phải hết. Giờ phải tính xa hơn, phải nghĩ xa hơn với cách làm mới, cả về con người lẫn lối chơi. Thế giới họ vẫn làm thế, thay đổi HLV để tìm cái mới, tìm sức sống mới...".

Trở lại nhiệm kỳ 5 năm của ông Park, bóng đá Việt Nam được gì từ đó? Gần nhất và dễ thấy nhất là khai thác đúng những tài năng, đặt đúng vị trí và chơi một thứ bóng đá dễ hiểu, phù hợp với cách "chiến đấu" của người Việt Nam. 

Nói nôm na là hình thành một phong cách chơi thực dụng có thể dùng yếu đánh mạnh bằng chiến lược, bằng mưu mẹo mà nhiều HLV vẫn nói vui là "đánh du kích", để tiết kiệm sức và che đi những phần khiếm khuyết.

Tạm bỏ qua phần ông Park đã xài hết vốn và không chịu ký hợp đồng nữa, nếu VFF muốn thay đổi người để làm mới đội tuyển và để phát triển hơn những gì mình đã có, hướng tới mục tiêu mà bóng đá Việt Nam đang đeo đuổi: Vòng chung kết World Cup 2026, thì con đường tương lai phải ra sao?

Một pha tranh bóng của Khuất Văn Khang với cầu thủ Iraq - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một pha tranh bóng của Khuất Văn Khang với cầu thủ Iraq - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ai cần thay đổi?

Nói HLV Troussier là người mới thì rõ ràng là không mới, bởi xuất phát điểm của HLV Park Hang Seo với bóng đá Việt Nam (cuối 2017 đầu 2018) thì ông Troussier cũng đã có mặt ở Việt Nam làm giám đốc kỹ thuật cho Trung tâm Đào tạo trẻ PVF từ 2018. 

Chỉ có khác là ông Park vận hành cả bộ máy đội tuyển và đi săn thành tích, còn ông Troussier thì ký hợp đồng với một doanh nghiệp xây dựng hướng đi cho quỹ đào tạo tài năng trẻ - cái tên PVF quả thật từng chiếm sóng hầu hết các giải trẻ quốc gia và làm nòng cốt cho U19 Việt Nam năm 2019.

Nhắc đến chi tiết đó để khẳng định rằng khi bước lên làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Troussier không hề chân ướt chân ráo, mà đã có một quá trình dài gắn bó và am hiểu cả bóng đá Việt Nam lẫn khu vực. 

Đó cũng là một phần lý do vì sao ông luôn có phần ưu ái cầu thủ trẻ, đặc biệt là những cầu thủ từng xuất thân từ cái nôi PVF, nơi ông cùng các HLV khác từng trực tiếp lên kế hoạch đào tạo (dù bây giờ PVF đã được chuyển giao cho đơn vị mới rất mạnh).

Nói cầu thủ xuất thân từ lò PVF quyết định tất cả thì không hẳn, nhưng nói ông Troussier tin vào sự tích lũy, thẩm thấu từ các cầu thủ trưởng thành từ lò PVF mà ông có nhiều thời gian gắn bó thì đúng. 

Tuy nhiên từ cái đúng đấy để xác định rằng đó là cái đúng trong cả một định hướng và đổi thay để đi đến thành công của một lối chơi hiện đại và phù hợp thì cần phải xem và phân tích nhiều mặt.

Trong khi nhiều người vẫn ca ngợi chiến thắng 2-0 trước Philippines, những nhà chuyên môn lại nhắc nhiều đến khả năng xử lý các tình huống của cầu thủ. Điều này, chính ông Troussier thừa nhận khi nói trận đấu lẽ ra phải được định đoạt sớm hơn và khỏe hơn, chứ không phải đợi đến phút bù giờ mới tin là thực sự có 3 điểm. 

Điều tương tự cũng được chính ông Troussier chia sẻ trong trận giao hữu thua Trung Quốc: nếu trong suốt 90 phút hơn đối thủ về phần kiểm soát bóng mà tận dụng được bàn thắng thì mọi thứ đã khác đi.

Trong khi nhiều người tiếc nuối bàn thua ở phút 90+7 trận gặp Iraq khiến đội tuyển Việt Nam vuột mất 1 điểm quý giá, những nhà chuyên môn lại lấy thông số suốt 90 phút (+9 phút bù giờ cho cả hai hiệp), các học trò HLV Troussier không có nổi một pha sút cầu môn, làm lo ngại. Chi tiết này tương tự với trận giao hữu thua Hàn Quốc 0-6 mà đối thủ ép sân toàn diện. 

Chỉ khác là Hàn Quốc tận dụng rất tốt các cơ hội, còn Iraq thì phung phí, và bàn thắng họ ghi ở phút 90+7 chỉ đến khi hậu vệ Tuấn Tài bị căng cơ mà vẫn phải gắng gượng đuổi theo đối phương và bất lực nhìn cầu thủ này căng ngang cho đồng đội đánh đầu tung lưới Đặng Văn Lâm. Cũng cần biết là Tuấn Tài trước đó bị căng cơ nằm sân, nhưng đội Việt Nam đã dùng hết 5 phiếu thay người từ phút 67.

Con đường phía trước của thầy trò HLV Troussier còn dài và mới hai trận đấu chính thức chưa thể nói lên hết mọi chuyện, nhưng khi nhìn những Hùng Dũng, Hoàng Đức phải mài quần trên ghế dự bị, hoàn toàn có thể hiểu họ chưa được trọng dụng vì "chưa phù hợp" với lối chơi của HLV Troussier.

Giờ thì đã có thể đặt câu hỏi họ (và nhiều tuyển thủ giàu kinh nghiệm khác) cần thêm thời gian hay HLV Troussier cần thay đổi, với lối chơi kiểm soát bóng hiện đại mà ông luôn xác định cầu thủ Việt Nam phải tuân theo? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận