Bức tranh hai mặt của truy tầm ung thư

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 10/04/2011 01:04 GMT+7

TTCT - Ung thư vú có lẽ là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh ung thư và có xu hướng gia tăng. Mỗi năm nước ta có khoảng 12.000 phụ nữ mắc phải bệnh này.

Phần lớn những ca bệnh ung thư vú ở Việt Nam được phát hiện khá trễ. Các chuyên gia đều đồng ý nếu phát hiện sớm, ở giai đoạn khả quan và có phương tiện điều trị thì cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ được nâng cao. Vấn đề là làm cách nào để có thể phát hiện bệnh sớm hơn.

Không có gì là tuyệt đối!

Có nhiều cách để khám nghiệm truy tầm ung thư vú, nhưng tựu trung có thể nói là ba cách: nhũ ảnh (mammography), bác sĩ khám và tự khám. Phương pháp phát hiện bệnh ung thư vú thông dụng nhất là nhũ ảnh. Tuy nhiên, phương pháp này không có độ chính xác tuyệt đối. Khoảng 6-7% người có xét nghiệm dương tính nhưng thật ra không mắc bệnh ung thư vú.

Một cách để nâng cao độ chính xác của nhũ ảnh là tìm đúng đối tượng dựa vào yếu tố nguy cơ. Một trong những yếu tố nguy cơ mang tính tiên lượng cao là tiền sử cá nhân. Nếu một phụ nữ đã mắc bệnh ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh lần thứ hai có thể tăng 3-4 lần. Do đó, hầu hết chuyên gia đều đồng ý những bệnh nhân đã mắc bệnh ung thư vú nên tái khám bằng nhũ ảnh để phát hiện bệnh sớm hơn và hi vọng cứu sống bệnh nhân.

Đồng ý là một chuyện, còn bằng chứng có phù hợp với quan điểm đó hay không lại là chuyện khác. Rất nhiều nghiên cứu trong quá khứ cho ra nhiều kết quả có khi thiếu nhất quán và rất khó diễn giải hoặc gây ra nhiều tranh cãi. Cho đến nay, ở một số đối tượng, các chuyên gia vẫn chưa nhất trí phương cách truy tầm tối ưu nhất.

Truy tầm ung thư vú là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Gần đây, với nhiều dữ liệu nghiên cứu cho thấy truy tầm ung thư thường xuyên và đại trà không đem lại lợi ích cho cộng đồng. Quyết định tham gia những chương trình tầm soát ung thư vú cuối cùng vẫn là quyết định cá nhân và phải dựa vào những bằng chứng khoa học thích hợp cho người Việt.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) thẩm định độ chính xác của nhũ ảnh đối với những bệnh nhân đã có tiền căn ung thư vú. Trong nghiên cứu rất quy mô này, các bác sĩ phân tích dữ liệu của 19.078 phụ nữ với tiền sử ung thư vú ở giai đoạn I và II, và 58.870 phụ nữ cùng tuổi chưa từng bị ung thư vú.

Trong nhóm có tiền sử ung thư vú, có thêm 655 người (tức khoảng 3,5%) mắc bệnh ung thư vú lần thứ hai trong vòng một năm; trong nhóm không có tiền sử ung thư, tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú là 0,6%. Nói cách khác, phụ nữ với tiền sử ung thư vú có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lần thứ hai cao gấp sáu lần so với nhóm không có tiền sử ung thư. Phát hiện này thật ra không mới, nhưng câu hỏi kế tiếp là có thể sử dụng tiền sử ung thư để nâng cao độ chính xác của việc truy tìm ung thư hay không?

35% ca bệnh bị bỏ sót!

Một kết quả khá bất ngờ là độ chính xác của nhũ ảnh ở những bệnh nhân có tiền sử ung thư vú. Độ chính xác được đo lường bằng hai chỉ số: tỉ lệ dương tính thật và tỉ lệ âm tính thật. Dương tính thật có nghĩa là mắc bệnh ung thư. Âm tính thật là không mắc bệnh ung thư. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ dương tính thật và âm tính thật đều thấp hơn ở nhóm bệnh nhân với tiền sử ung thư vú.

Chẳng hạn tỉ lệ dương tính thật ở nhóm bệnh nhân với tiền sử là 65%, so với 76% ở nhóm không có tiền sử ung thư vú. Nói cách khác, nhũ ảnh bỏ sót đến 35% ca bệnh. Ngoài ra, khoảng 2% phụ nữ với tiền sử ung thư có kết quả dương tính nhưng trong thực tế họ không mắc bệnh ung thư lần 2. Tỉ lệ dương tính giả trong nhóm không có tiền sử ung thư là 1%. Những kết quả trên cho thấy phương pháp nhũ ảnh có độ chính xác thấp hơn trong nhóm có tiền sử ung thư vú.

Với những bất định như trình bày, có lẽ câu hỏi mà bệnh nhân cần biết là: nếu tôi có kết quả dương tính, xác suất tôi mắc bệnh ung thư vú là bao nhiêu? Dựa vào kết quả nghiên cứu này, câu trả lời là khoảng 30%. Nói cách khác, một kết quả nhũ ảnh dương tính không có nghĩa cá nhân đó thật sự mắc bệnh ung thư vú, nhưng chỉ có nghĩa rằng nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người có kết quả âm tính.

Những kết quả trên đây cho chúng ta một bức tranh hai mặt của truy tầm ung thư. Một mặt, phụ nữ với tiền sử ung thư vú có lẽ nên chụp nhũ ảnh hằng năm để phát hiện bệnh sớm hơn. Mặt khác, kết quả của xét nghiệm bằng nhũ ảnh có độ chính xác không cao và có thể dẫn đến nhiều xét nghiệm tốn kém và xâm phạm khác. Kết quả nghiên cứu trên cũng đặt vấn đề tìm những phương pháp mới, chẳng hạn phân tích các dấu ấn sinh học (marker) để nâng cao độ chính xác của xét nghiệm ung thư bằng nhũ ảnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận