TTCT - Sự ra đời của thỏa thuận an ninh mới giữa Úc, Anh và Mỹ (AUKUS) đánh dấu một bước ngoặt địa chính trị ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Dù với cái giá trước mắt là sự nổi giận của Pháp với liên minh các nước nói tiếng Anh kia, điều quan trọng hơn trong dài hạn sẽ là những thay đổi mà AUKUS tạo ra với an ninh khu vực. Bộ ba Anglo-Saxon: từ trái sang, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Úc Scott Morrison ở Hội nghị thượng đỉnh G7 Cornwall, Anh, tháng 6-2021. Ảnh: news.com.au Cái lý của người ÚcNgười Pháp có lý do để nổi giận trước viễn cảnh Úc sẽ trở thành nước thứ 7 trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.Vào năm 2016, Tập đoàn Naval Group của Pháp đã ký hợp đồng đóng 12 tàu ngầm tân tiến cho Úc. Thỏa thuận này đã bị đình trệ vì vấn đề chi phí, trì hoãn, thay đổi thiết kế... và xem như chính thức bị AUKUS khai tử. Giải thích cho quyết định đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison trong một phát biểu hôm 19-9 khẳng định phía Pháp hiểu rõ Úc có những “lo ngại nghiêm trọng và sâu sắc” rằng lớp tàu cũ không đáp ứng lợi ích chiến lược của Úc, và Canberra phải đưa ra quyết định dựa trên lợi ích chiến lược quốc gia.Với Úc, AUKUS là một thắng lợi về mặt ngoại giao, khi họ trở thành quốc gia thứ hai sau Anh được Mỹ cam kết chia sẻ công nghệ hạt nhân. Về quốc phòng, giới chuyên gia Úc cho rằng lớp tàu hạt nhân này đại diện cho một sự quyết đoán của Úc về mặt chiến lược, và AUKUS sẽ tăng cường khả năng quân sự của Úc trước những thách thức an ninh hiện nay.Toan tính của AUKUSAUKUS có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang căng thẳng nhiều mặt. Giáo sư John Blaxland của Đại học Quốc gia Úc nhận định trên The Conversation rằng đây là bước đi thông minh của Úc, bởi sự có mặt của AUKUS sẽ khiến Bắc Kinh phải cân nhắc hơn trong các hoạt động của họ, xét tới việc giờ đây cái giá phải trả sẽ cao hơn.Nói cách khác, nếu biết rằng Trung Quốc sẽ duy trì chiến thuật “vùng xám” và tăng cường sức mạnh quân sự để khiến đối phương nản lòng, bỏ cuộc, thì AUKUS là một cách nhắc nhở rằng chính Bắc Kinh cần hiểu “vùng xám” ấy phải được thu gọn trong một phạm vi nhất định mà thôi.Đối với Mỹ, AUKUS là một khuôn khổ hợp tác quan trọng cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do nước này dẫn đầu. Nó cho thấy sự thay đổi hệ thống an ninh của Mỹ ở khu vực, theo tiến sĩ Satoru Nagao, nghiên cứu viên khách mời của Viện Hudson (Mỹ).Lâu nay, Mỹ đã duy trì hệ thống “hub-and-spoke” trong khu vực. Đây là mô hình lấy Mỹ làm trung tâm (hub), với các đối tác vệ tinh (spoke) xung quanh không có quan hệ an ninh mật thiết với nhau, vì vậy phải luôn dựa rất nhiều vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Nhưng trong bối cảnh an ninh hiện nay, cán cân sức mạnh đang thay đổi mạnh mẽ khi giai đoạn 2000 - 2009, Mỹ biên chế 21 tàu ngầm mới, còn Trung Quốc đưa thêm ít nhất 54 chiếc vào hoạt động.Để giải quyết vấn đề này, Mỹ đã kêu gọi đồng minh và các nước thân thiết chia sẻ thêm gánh nặng an ninh. Kết quả, một khuôn khổ hợp tác mới đã được phát triển với các cơ chế phối hợp không chỉ do Mỹ dẫn đầu, mà còn dựa vào các tam giác không có Mỹ, như Nhật Bản - Ấn Độ - Úc, Ấn Độ - Úc - Indonesia hay Ấn Độ - Úc - Pháp, tiến sĩ Nagao phân tích.Tuy nhiên, ông Nagao cho rằng hệ thống mới, bao gồm các nước trong “Tứ giác an ninh” (QUAD, gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) chưa cho thấy hợp tác quân sự hữu hình. Họ có thể tập trận chung, tổ chức các cuộc họp ngoại giao và trao đổi thông tin, nhưng không có các dự án phát triển vũ khí dài hạn và hợp tác toàn diện ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như AUKUS.“Trong trường hợp AUKUS, Mỹ và Anh hỗ trợ Úc phát triển đội tàu ngầm hạt nhân riêng. Trong quan điểm về địa lý, một tàu ngầm hạt nhân là vũ khí rất hiệu quả để triển khai ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, AUKUS là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Đối với hệ thống mạng lưới an ninh do Mỹ dẫn đầu, AUKUS là một ví dụ tốt cho dạng hợp tác ấy”, ông Nagao nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Chạy đua ở Ấn Độ - Thái Bình Dương?Với những toan tính ấy, thực tế chẳng ai tin Mỹ cố tình “bỏ quên” Pháp. Ngay cả với người Úc, thật khó tin khi họ cố ý “đâm sau lưng” một đối tác quan trọng như vậy, cả ở tầm toàn cầu và khu vực.Thực ra, Mỹ dường như đã bắn một tín hiệu mời gọi hấp dẫn. Nói như Foreign Policy 19-9, việc trao cho Úc quyền tiếp cận uranium là cách Mỹ ngầm nói rằng họ đang sẵn sàng chia sẻ công nghệ hạt nhân cho các đồng minh hơn. Vấn đề giờ đây là ai sẽ chấp nhận lên thuyền.Nhìn cách phản ứng của các nước sau khi AUKUS được công bố, có thể thấy số người muốn lên thuyền không ít. Canada từ lâu đã muốn sở hữu tàu ngầm hạt nhân. New Zealand tuyên bố phi hạt nhân, nhưng các nhà quan sát ở nước này không ngại nói thẳng họ đã bị Úc “bỏ rơi” trong AUKUS. Châu Âu và Pháp nói riêng, dù rất giận dữ, cũng không quên lấy sự kiện này để nêu bật nhu cầu tăng cường sự tự chủ về quân sự.Một điểm thú vị của AUKUS là thời điểm công bố: Canada và Đức sắp bầu cử, còn Pháp sẽ bầu vào tháng 4 năm sau.Tại Canada, các chính trị gia đối lập đã tấn công Thủ tướng Justin Trudeau vì Ottawa không có tên trong AUKUS. Hôm 16-9, lãnh đạo Đảng Bảo thủ Erin O’Toole cho rằng AUKUS là một ví dụ nữa cho thấy ông Trudeau không có sức nặng với các bạn bè và đồng minh. Ông O’Toole còn nhấn mạnh sẽ tìm cách tham gia AUKUS nếu đắc cử.Trong khi đó, đại sứ Đức tại Anh Andreas Michaelis viết lên Twitter: “Chính phủ mới được bầu ngày 26-9 tới sẽ đối diện với những thảo luận chiến lược quan trọng. Tranh luận về AUKUS mô tả sống động điều này. Đức luôn mong muốn sự đoàn kết và thống nhất của phương Tây”.Nói cách khác, những ý kiến trái chiều về cách ứng xử của bộ ba Anglo Saxon không thể phủ nhận thực tế rằng AUKUS đang đốt nóng tham vọng duy trì sự hiện diện của các đồng minh Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Áp lực trong nước sẽ buộc họ phải chạy đua thể hiện cùng Mỹ tại châu Á.■AUKUS là gì?AUKUS là hiệp định đối tác an ninh tăng cường ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ. Với tên gọi đơn giản là chữ viết tắt tên ba nước, (AU-UK-US), AUKUS bao gồm những kế hoạch hợp tác sâu rộng về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, và điện toán lượng tử. Nhưng trước mắt, thỏa thuận này gây chú ý nhiều nhất với giới quan sát ở nội dung chính là Úc sẽ sở hữu một đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.“Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, chính quyền Afghanistan đã lập tức sụp đổ. Vì vậy, hình ảnh “Mỹ bỏ rơi Afghanistan” đã lan truyền trên thế giới. Ngay sau sự cố ấy, chính quyền ông Biden chốt AUKUS và tạo lập hình ảnh “Mỹ bỏ rơi Pháp”. Đây không phải một cách ngoại giao khéo léo. Sẽ khó khăn cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu khi họ cần Pháp và các đối tác khác”Tiến sĩ Satoru Nagao(Viện Hudson). Tags: ÚcMỹAnhTàu ngầmTàu ngầm hạt nhânAUKUS
Tháng 2-2025 Quốc hội sẽ sửa một số luật để tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, giữa tháng 2-2025 Trung ương họp và cuối tháng 2 sẽ họp Quốc hội bất thường để sửa một số luật liên quan tinh gọn bộ máy.
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí cán bộ khi tinh gọn tổ chức bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Độc đáo cà phê nước mắm nhĩ Nam Ô, khách thích mê vì vừa lạ, vừa ngon THANH THÙY 10/12/2024 Sự kết hợp độc đáo giữa nước mắm nhĩ Nam Ô cô đặc cùng cà phê rang xay đã mang đến hương vị mới lạ cho thức uống vốn quen thuộc của người Việt Nam.
Tin tức thế giới 10-12: Israel chiếm đất Syria, Ai Cập lên án; Mỹ lên tiếng 'có lợi ích' ở Syria BÌNH AN 10/12/2024 Kế hoạch xây đại sứ quán mới của Trung Quốc tại Anh bị bác; Thái Lan bước đầu chặn được làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.