Cách mạng công nghiệp 4.0 và nguy cơ “thua trắng" của đại học truyền thống

ĐÀM QUANG MINH - PHẠM HIỆP 07/09/2016 20:09 GMT+7

TTCT - Sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng đe dọa “tính trung tâm” của các trường đại học trong hai hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Trong bối cảnh đó, các trường đại học nếu không muốn bị “thua trắng” ngay trên sân nhà truyền thống thì cần phải tìm cách đổi mới chính mình.

Cuộc “lấn sân” mạnh mẽ của robot và đại học doanh nghiệp

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự phát triển của hệ thống thực ảo (Cyber Physical System - CPS) đã và đang tạo ra nhiều loại robot có thể chiếm mất nhiều việc làm vốn chỉ dành cho con người.

Năm ngoái, McDonald's công bố sẽ xây mới thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot. Thay vì quy mô 10-20 nhân viên một nhà hàng truyền thống như trước kia, nhà hàng theo khái niệm mới này sẽ chỉ cần 2-3 người để quản lý. Tháng 5-2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robot.

Tháng 11-2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn: sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới tại riêng Mỹ và Anh - tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này.

Giới nghiên cứu cũng đã chỉ ra CPS sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp, mà ngay cả những người có bằng cấp sau trung học (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể là đối tượng bị ảnh hưởng.

Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động thì giới đại học, nơi có chức năng truyền thống là cung cấp nguồn nhân lực, vẫn đào tạo theo cách đã làm trong hàng chục năm qua. Sinh viên thậm chí không biết các kiến thức, kỹ năng đang được dạy trong nhà trường hiện nay có thể hoàn toàn không hữu dụng hoặc đang dễ dàng bị robot thay thế trong tương lai gần.

Một xu hướng khác có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động đào tạo của trường đại học, vốn xuất hiện trước nhưng lại đang có xu hướng tăng tốc cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là các doanh nghiệp tư nhân cũng đang có đơn vị giáo dục của riêng mình, ví dụ như BBC Academy hay Microsoft Virtual Academy...

Sự ra đời của các tổ chức này trước tiên là nhằm mục tiêu đào tạo nội bộ cho nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng hiện nay phần lớn đã mở rộng đối tượng đào tạo học viên ngoài, cấp chứng chỉ và cạnh tranh trực tiếp với đại học truyền thống.

 

 Nhà khoa học hay những kẻ làm thuê?

Nguồn lực tài chính dồi dào cũng đang là lợi thế lớn của khu vực tư nhân so với các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu công nghiệp (Industrial Research Institute), trong năm 2016, tổng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tại khu vực công nghiệp ở Mỹ là 357,4 tỉ USD, gấp 5 lần con số tương ứng (72,5) tại khu vực đại học.

Không chỉ thua về tài lực, nhân lực cũng đang dần trở thành điểm yếu của giới đại học khi mà các kỹ sư, nhà khoa học xuất sắc nhất đang dần rời bỏ các khu campus đại học để chuyển tới các phòng thí nghiệm tại các doanh nghiệp hàng đầu.

Nguyên nhân chủ yếu là do mức lương khá chênh lệch giữa hai lĩnh vực. Trong một bài bình luận viết trên Linkedin, ông Vivek Wadhwa, một chuyên gia đang làm việc cho Trung tâm quản trị doanh nghiệp tại Đại học Standford, đã phải thành thật thừa nhận một nghịch lý hiện nay đối với giới đại học hàn lâm: đại học ngày nay buộc phải đứng trước lựa chọn hoặc là làm việc cho doanh nghiệp, hoặc là sẽ bị họ “cướp” mất những tài năng xuất sắc nhất của mình.

Như vậy, với nguồn tài chính ít hơn, nhân lực kém chất lượng hơn, giới đại học có vẻ đang phải “đi làm thuê” cho các doanh nghiệp công nghiệp.

Hướng tới mô hình đại học mới - Lựa chọn sống còn

Cách tốt nhất để giới đại học không bị thua ngay trên sân nhà của mình là kết hợp với chính đối thủ tạo ra một mô hình đại học mới: đại học doanh nghiệp (entrepreneurial university).

Mô hình này có thể được diễn đạt bằng cách thay đổi cách đào tạo từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường sẽ cần”.

Theo mô hình mới này, trường đại học và doanh nghiệp cũng xích lại gần nhau hơn về mặt địa lý khi cùng tọa lạc trong các khu công nghệ cao hay công viên khoa học (science park hay technopolis) để chia sẻ các nguồn lực chung: cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ tri thức vào thực tiễn cuộc sống.

Mặc dù được nhìn nhận và định hình từ khá lâu nhưng mô hình đại học doanh nghiệp mới chỉ được áp dụng ở phạm vi nhỏ các đại học và nền kinh tế phát triển. Điều này có nguyên nhân trước nhất là bởi sự nghi ngại của chính bản thân giới đại học về việc đánh mất bản sắc truyền thống hay thậm chí là “doanh nghiệp hóa” đại học.

Trong khi thực tế “đại học doanh nghiệp” chỉ làm cho các giá trị của đại học được mở rộng hơn, đa dạng hơn để phụng sự tốt hơn yêu cầu của cuộc sống.

Một lý do khác không kém phần quan trọng là trong suốt một thời gian dài, đại học hoàn toàn “độc quyền” trong hoạt động đào tạo cũng như nghiên cứu; và ngoại trừ một số trường hợp cá biệt, hầu như không chịu sức ép hoặc cạnh tranh để làm hai việc này tốt hơn.

Tuy vậy, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ập tới như đã phân tích ở trên, đã đến lúc giới đại học buộc phải lựa chọn thay đổi hay sẽ thành “kẻ bên lề” trên chính “sân nhà” truyền thống của mình.

Thung lũng Silicon và mô hình Technopolis

Thung lũng Silicon có thể xem như là mô hình Technopolis đầu tiên thành công trên thế giới, ra đời vào những năm 1950. Đó là thời điểm quy mô đại học ở Mỹ tăng trưởng đột biến do có một số lượng lớn quân nhân giải ngũ, được hỗ trợ học bổng của nhà nước quay lại trường đại học.

Nhận thấy nhu cầu việc làm từ bộ phận sinh viên đang ngày một tăng nhanh và có trình độ cao này, cộng với các ý tưởng thương mại hóa các kết quả khoa học từ phía các đồng nghiệp ngày càng nhiều, TS Frederick Terman, trưởng khoa kỹ thuật thời đó, đã đề xuất ban giám hiệu Đại học Standford ban hành chính sách dành một phần diện tích trong khuôn viên trường cho các nhóm có ý tưởng khởi nghiệp (ban đầu chủ yếu là từ giáo sư và sinh viên - quân nhân trong trường).

Nhờ chính sách này, một loạt công ty công nghệ đã được “ươm mầm” và phát triển, một số ngày nay đã trở thành những tập đoàn công nghệ nổi tiếng như HP hay General Electric. Chính sách này cũng chính là “bà đỡ” cho sự ra đời của Công viên công nghiệp Standford (Standford Industrial Park) - tiền thân của Thung lũng Silicon ngày nay.

Từ trường hợp thành công đầu tiên này, mô hình Technopolis tiếp tục được nhân rộng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có thể kể đến những ví dụ thành công nhất như Công viên khoa học và công nghiệp Hsinchu, Đài Loan (thành lập năm 1980), Công viên khoa học Cambridge, Anh (thành lập năm 1970) hay Thung lũng Wadi, Israel (thành lập năm 1961).■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận