Cái dây phơi

ĐÔNG HÀ (HUẾ) 31/03/2012 22:03 GMT+7

TTCT - Những buổi chiều thường có vài người đàn ông ngồi nói chuyện phiếm bên chiếc bàn con đặt sau vườn. Một bình trà, vài cốc con con. Bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất như rơi vào những chén nước vàng óng ả ấy cả.

Bỗng một ngày, phía góc vườn bên kia hàng xóm thốt nhiên lại “nở” ra một khoảng trời sắc màu. Những chiếc áo trẻ con xinh xắn, những chéo vải ngộ nghĩnh giăng đầy. Và có tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh. Mọi người biết vị hàng xóm vừa đón một tiểu công dân trong gia đình.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Không dưng câu chuyện buổi chiều cứ xoay quanh vị công dân vừa chào đời kia. Ở thành phố, chuyện nhà ai nấy tỏ nên sự tò mò càng mịt mùng. Anh bạn trẻ lên tiếng: “Chắc là con trai. Nhưng cái kiểu phơi đồ ngang xương vậy khó ngó quá!”.

Bác trung niên trần hơn, nhớ thuở hàn vi phải loay hoay kiếm chỗ phơi phóng cho mấy vị công chúa hoàng tử trong khu tập thể chật chội mà chắt lưỡi “hồi đó tụi tao cực hơn nhiều, có chỗ đâu mà phơi nhiều nhức mắt như vậy”.

Mỗi người một ý kiến. Chẳng qua là vì họ vừa mất một không gian hiếm hoi của những chiều gặp gỡ khi chiếc dây phơi đồ trẻ con kia căng lên, rồi việc ai người nấy về chứ mấy ai để bụng.

Chỉ duy một ông già cứ nấn ná lại rất lâu và ra về sau cùng. Chừng như bắt gặp cái nhìn nhiều dấu hỏi của tôi, ông lặng lẽ rít hơi đầy tẩu thuốc, chiêu một ngụm trà, chậm rãi nói: “Cái dây phơi ngó vậy chớ biết nói đấy cô ạ. Cứ nhìn nó trĩu căng những chiếc áo đầy sắc màu, đủ kiểu dạng ngộ nghĩnh vậy là biết sự hiện diện của đứa trẻ đã đem lại cho cha mẹ niềm hạnh phúc dường bao.

Hẳn người mẹ kia đã phải công phu, tỉ mẩn lắm để chuẩn bị đón đứa con chào đời. Không có gì hạnh phúc bằng quyền được thực hiện thiên chức làm mẹ ở người phụ nữ phải không cô?”.

Rồi ông trìu mến nhìn cái dây phơi căng mình trong gió như đang nhìn một đứa trẻ nô đùa dưới khu vườn. Bất giác tôi nhớ lại những cái dây phơi đã giăng qua cuộc đời mình. Có một thời sợi dây phơi đã im ỉm suốt năm tháng bởi ngôi nhà ấy không có mẹ tôi. Cha tôi gom đồ đưa ra tiệm giặt!

Khi quả bóng còn lăng

Giữa Sài Gòn phồn hoa tồn tại một chốn vừa lặng lẽ vừa náo nhiệt như vậy. Đó là một sân bóng đá gần như thuộc về khuôn viên một trường đại học, nằm khuất sau con đường Nguyễn Trãi chen chúc những cửa tiệm, shop quần áo sang trọng mà chúng tôi vẫn gọi vui là “con đường tơ lụa”.

Nơi đó nhiều vô kể những câu chuyện đời vui có, buồn có. Có chị quản sân làm ca sáng vừa niềm nở vừa vui tính đến từ miền biển Phan Thiết, vào Sài Gòn cũng như bao người đi tìm một hi vọng đổi đời ở “miền đất hứa”. Có anh sinh viên năng động nhận quản ca chiều vì vừa thích bóng đá, vừa muốn kiếm thêm thu nhập để gia đình ở quê đỡ được một khoản chi tiêu.

Có những đứa trẻ cấp I, cấp II mỗi chiều tan học là chạy nhanh đến sân, thuê một khoảnh sân nhỏ để đá bóng nhựa. Có chú bán bánh chưng, bánh giò chạy chiếc xe đạp cũ kỹ, mặc chiếc áo bạc màu sờn vai ghé đều đặn mỗi chiều, không ai mua bánh thì ngồi xem đá bóng. Một vài bạn sinh viên thuê nhà trọ gần đấy chiều nào cũng ghé sân chơi như thể ghé thăm một người thân.

Rất nhiều những mảnh đời khác nhau, không hẹn mà gặp nhau ở đó. Giản dị và bình thường lắm, họ ngồi, xem và bình luận những pha bóng trong sân cỏ. Họ khác nhau nhiều thứ nhưng hơn ai hết, tôi biết họ cùng chung niềm đam mê, ngắm quả bóng tròn lăn...

Khi quả bóng còn lăn là khi nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền lúc nào cũng làm nặng lòng những người xa xứ tạm lắng xuống. Khi quả bóng còn lăn, những con người xa lạ đến từ mọi miền đất nước quây quần cạnh nhau như thân thiết từ rất lâu.

Khi quả bóng còn lăn là khi những người đến sân bằng chiếc xe tay ga bóng lộn, đắt tiền, hay những người không thể sắm cho mình một đôi giày thể thao đều như nhau khi vào trận. Ở đó, cái ranh giới giữa kẻ giàu - người nghèo gần như được rút ngắn. Còn niềm vui thì chan hòa, thơ trẻ như nhau.

Tìm một nơi như thế giữa trung tâm thành phố thật sự không dễ, tôi thấy mình may mắn vì được biết nơi này nên chia sẻ vài dòng với Nhật ký thành phố...

TTCT cảm ơn các bạn: Nguyễn Thị Thùy Vân, la dua keo, Phạm Hoài Phong, Trần Thị Hoàng Mỹ, Phạm Đình Sang... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận