Cảm ơn Iceland!

HÀ QUANG MINH 25/06/2018 21:06 GMT+7

TTCT - Chủ đề chính của lượt đấu đầu tiên vòng bảng World Cup 2018 có lẽ là sự vất vả đáng kinh ngạc của những đội bóng được xem là “đại gia” như Đức, Pháp, Anh, Brazil, Argentina. Trong sự vất vả của các đội bóng lớn, ai cũng nhắc đến những ngôi sao lớn như Lionel Messi, Neymar, Paul Pogba, Manuel Neuer... với nhiều trách móc lẫn nuối tiếc.

Khoảnh khắc kỳ diệu của Halldorsson. Ảnh: The Independent
Khoảnh khắc kỳ diệu của Halldorsson. Ảnh: The Independent

 

Điều đó vốn dễ hiểu, bởi những ngôi sao lớn là nơi người ta đặt kỳ vọng. Nhưng bóng đá đâu chỉ là cuộc chơi một chiều. Trận đấu nào cũng có hai phe đối đầu nhau và tôi tự hỏi tại sao người ta vội quên đi những đội bóng nhỏ gây bất ngờ, mà chỉ chăm chăm nhớ về những siêu sao chưa đạt được thành tích mong đợi.

Và tôi sực nhớ tới Iceland, sực nhớ tới đội bóng nghiệp dư nhất trong những đội tham dự vòng chung kết World Cup. Tôi cảm ơn họ vì giữa lúc bộn bề này, họ đã trả lại cho tôi đúng tinh thần của bóng đá ở vào thời đại mà môn thể thao ấy đã thành một ngành công nghiệp.

Tôi chưa bao giờ quên một ngày mùa thu cách nay 10 năm, tôi đã bị hút hồn vào tấm ảnh quảng cáo cho giải đấu FA Cup của nước Anh trên tờ nhật báo Telegraph. Trong bức ảnh đó, trung vệ John Terry của Chelsea đang dũng mãnh lao vào xoạc quả bóng và đối thủ nhảy lên né cú xoạc bóng của anh chính là một người giao sữa, với trang phục trắng tinh khôi của người bán sữa, tay vẫn cầm cái khay đựng những bình sữa tươi đầu ngày. Cú nhảy né xoạc bóng thật điệu nghệ, tinh tế, đầy mạo hiểm và dũng cảm đối đầu rủi ro, trong khi những bình sữa trên tay anh ta không hề sánh lấy một giọt.

Hình ảnh cách điệu đó được nhấn mạnh thêm bởi slogan: “FA Cup, nơi trận cầu trong mơ của bạn sẽ thành sự thực”. Tấm ảnh quảng cáo thể hiện đúng tinh thần của giải đấu, nơi mà một đội bóng nghiệp dư hoàn toàn có khả năng đối đầu một đội bóng siêu sao.

Ở World Cup 2018 này, Iceland như chính anh chàng giao sữa kia, đối đầu trước dàn sao chói lòa của Argentina. Họ đã không hề sợ hãi, không cảm thấy “vinh dự quá, tự hào quá” vì được đối đầu những Messi, Javier Mascherano, Sergio Aguero... Ngược lại, họ khiến đối thủ vĩ đại của mình trở nên nhỏ bé. Họ là những con người bình thường, đã từ chối sự tầm thường để hò hẹn với phi thường.

Trên Internet vẫn còn lan truyền đoạn video phỏng vấn hậu vệ Bikir Már Saevarsson của Iceland trong khi anh ta đang mang tạp dề. Saevarsson vốn là công nhân làm việc trong xưởng đóng hộp muối ăn, nhãn hiệu muối có tên Lava Salt. Anh chơi cho CLB Valur ở giải đấu cao nhất của Iceland, nhưng thực chất anh chỉ là cầu thủ bán chuyên.

“Tôi làm việc cả ngày, rồi buổi tối đi tập bóng đá. Cuộc đời cứ như vậy thôi” - anh nói. Để đến với World Cup, anh phải xin nghỉ phép ở nhà máy. Vậy mà lão tướng 33 tuổi ấy đã góp công lớn để hàng thủ Iceland khóa chặt các siêu sao tấn công của xứ sở tango, bắt họ phải nhận một kết quả hòa thất vọng và chứng kiến hơn 30.000 CĐV Iceland vỗ tay vang lừng theo điệu Viking ăn mừng trên sân Otkrytie.

Trận ấy, theo đánh giá của tờ L’Equipe, Saevarsson được đánh giá 6 điểm khi khống chế tốt hành lang phải của Iceland, trong khi siêu sao Angel Di Maria của Argentina chỉ được 3 điểm vì không thể nào khoét vào nơi Saevarsson trấn giữ.

Saevarsson không phải người duy nhất đã trả lại cho tôi cùng nhiều người mộ điệu khác một không khí bóng đá mơ mộng đúng nghĩa. Trước chấm 11m, trước một Messi lừng lẫy là thủ thành Hannes Halldorsson, cũng là cầu thủ bán chuyên nghiệp. Khi không đá bóng, anh ta là đạo diễn điện ảnh, làm việc cho Sagafilm. Halldorsson đã đạo diễn khá nhiều nội dung MV cho thí sinh Iceland trong cuộc thi hát Eurovision 2012.

Rồi khi anh sang chơi cho CLB Sander của Na Uy, ông chủ hãng phim đã hứa rằng “bao giờ giải nghiệp bóng đá, hãy quay lại đây tiếp tục làm phim cùng tôi”. Không biết có phải đôi mắt điện ảnh đã giúp Halldorsson vô hiệu hóa cú sút penalty của Messi hay không, nhưng đó thật sự là một khoảnh khắc thần kỳ.

Giữa thời đại bóng đá đã bị công nghệ và công nghiệp hóa đến mức tưởng như không còn khe cửa hẹp nào cho những mộng mơ của thập niên 1980 hay 1970 nữa, câu chuyện Halldorsson như một liều kích thích đối với những kẻ mộ điệu đã toan về già như tôi.

Ở họ, tôi nhớ về Mexico 1986, giải đấu lãng mạn cuối cùng theo cảm xúc của chính tôi, với một thủ thành Joel Bats vốn dĩ cũng là nhà thơ, một “bác sĩ” Socrates đẹp như tượng Hi Lạp. Nhưng ít ra, Bats và Socrates còn là những cầu thủ chuyên nghiệp, những ngôi sao thực sự của làng túc cầu.

Còn những người Iceland hôm nay họ gần như vô danh, họ chẳng khác gì bất kỳ người bình thường nào mà chúng ta có thể gặp hằng ngày: từ người thợ máy đến người giao hàng, từ ông chủ quán cà phê tới một người lái taxi. Sau giờ làm việc, lột tấm áo vất vả của mưu sinh ra, họ lại bay trong không gian của vận động trường, sống một giấc mơ khác, một tình yêu khác, một khát vọng khác...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận