Càng yêu, càng cần cân nhắc chu đáo

KIM OANH 22/09/2012 10:09 GMT+7

TTCT - Xin được hoàn toàn chia sẻ với tác giả bài báo rằng trẻ con rất cần tình yêu và niềm tin của người lớn, cụ thể ở đây là thầy cô giáo. Tuy nhiên theo thiển ý cá nhân, chỉ tin cậy và yêu thương thôi chưa đủ, thậm chí tin và yêu cũng cần đúng cách.

Phóng to
Giáo dục trẻ em, ngoài tình yêu thương còn phải sử dụng phương pháp một cách chuyên nghiệp - Ảnh: Như Hùng

Chuyên nghiệp trước, yêu sau

Cái thuở “các thầy cô 7+2, 7+3 đã đi dạy cấp II (...) mà bao thế hệ vẫn được giáo dục nên người”; “nhiều bà mẹ trình độ học vấn không cao mà vẫn dạy con thành tài”... đem so sánh với thời no đủ hiện nay e khập khiễng bởi mỗi thời điểm lịch sử mỗi khác, có thuận lợi và khó khăn riêng. Trẻ con bây giờ thông minh và nhạy cảm, chúng đâu dễ gì nể phục một người thừa tâm mà thiếu tài. Mặt khác, những người thật sự “thành nhân” trong hoàn cảnh ấy là do nhiều yếu tố tác động, bao giờ tự ý thức cũng đóng vai trò quan trọng nhất, chứ đâu chỉ nhờ vào tình yêu thương kia mà trưởng thành.

Ngay cả tình mẫu tử thiêng liêng vốn thuộc bản năng, hầu như bà mẹ nào cũng dành cho con là vô bờ bến, vô điều kiện song nuôi dạy chúng nên người được hay không còn do cách yêu thương nữa, mà điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng nhận thức của bà mẹ đó.

Rất đồng cảm với tác giả khi cho rằng “cái mà các em cần chỉ đơn giản là học cách suy nghĩ, tư duy độc lập, được khích lệ tinh thần sáng tạo, ham học hỏi”, song để khơi gợi được điều này nơi các em thì rất cần tầm nhìn của nhà hoạch định, người quản lý giáo dục và giáo viên, chứ đâu đơn giản cứ tình yêu và lòng tin là xong.

Hơn nữa, tình yêu trẻ không phải là mặc nhiên, người ta chọn nghề bởi nhiều lý do mà nếu đòi hỏi chỉ tuyển giáo viên vừa có trình độ phù hợp, khả năng truyền đạt và tương tác tốt, lại dồi dào lòng yêu trẻ e quá khó. Vì thế tình yêu trẻ có thể tác động từ từ và họ sẽ thấm dần ít nhiều theo thời gian, chỉ nên yêu cầu giáo viên có trình độ tương thích, có phương pháp sư phạm phù hợp, có trách nhiệm nghề nghiệp nghiêm túc.

Chỉ bấy nhiêu e cũng là nhiều, và chỉ bấy nhiêu e cũng vừa đủ cho họ làm tròn chức phận một nhà giáo. Những tiêu chí này dễ đào tạo và “cân đo” được hơn là yếu tố tình cảm.

Và phải biết cách yêu

Thiết nghĩ thế nào là yêu trẻ đúng mực cũng nên bàn bạc trước khi khuyến khích phổ rộng. Có thể chúng ta từng yêu trẻ sai lầm, tạo ra một thế hệ “công nghiệp” và “đồng phục”.

Vì tình yêu trẻ, chúng ta sẵn sàng chuẩn bị những gì tốt đẹp nhất cho mầm non tương lai, mạnh dạn đổi mới giáo dục, thậm chí nên tiến hành triệt để, toàn diện và có hệ thống. Vì vậy càng cần cân nhắc chu đáo, không thể cứ thí điểm mô hình này nọ rồi lại sửa chữa vì trả giá bằng cả thế hệ, trẻ em không phải là “chuột bạch” cho những loay hoay thử nghiệm của người lớn. Có lẽ hiếm lĩnh vực nào tối quan trọng lại nhiều phép thử - sai đến vậy.

Thí điểm mô hình mới trong một môi trường cũ “đồng bộ” (nếp sinh hoạt cũ, nền văn hóa tổ chức cũ, người quản lý cũ cùng tư duy cũ, giáo viên cũ cùng phương pháp cũ…) liệu có thực thi toàn vẹn? Bởi rất có thể thói quen cũ sẽ trì kéo rất nặng.

Nên chăng, nếu chưa thể tạo sinh khí mới toàn diện thì cố gắng làm mới thật sự ở một đối tượng có sức ảnh hưởng bao trùm, và chí ít là ở nhóm cần thí điểm. Cho rằng việc “tự học, tự giáo dục” của học sinh là trung tâm thì cần cởi bỏ ngay lối tư duy áp đặt và vâng lời nơi học đường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận