Canh giấc ngủ muôn đời người lính và cuộc chiến chống cướp mộ

LÊ ĐỨC DỤC - QUỐC NAM 21/12/2013 21:12 GMT+7

TTCT - “Cả những liệt sĩ Trường Sơn/cũng chọn nơi này làm đất sống” - câu thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Quốc Việt viết về đất Quảng Trị, vùng đất đặc biệt với 72 nghĩa trang liệt sĩ từ cấp xã đến cấp quốc gia, riêng cấp xã đã có hơn 60 nghĩa trang liệt sĩ.

Những người lính đã mang tuổi trẻ và xương máu của mình canh giữ Tổ quốc khi nằm xuống, những đồng đội may mắn trở về sau cuộc chiến lại canh giấc ngủ muôn đời cho các anh.


Hằng ngày ông Xinh vẫn đi thắp hương cho phần mộ các liệt sĩ tại nghĩa trang Cam Chính để hương hồn đồng đội ông bớt lạnh lẽo - Ảnh: Quốc Nam


Tháng 12 này, chúng tôi trở lại tìm những người lính đang âm thầm làm nhiệm vụ ở những nghĩa trang lặng lẽ nơi mảnh đất gió Lào cát trắng đó.

Người lính già ở nghĩa trang liệt sĩ xã

Đã hơn 30 năm, bao nhiêu điều thay đổi đã diễn ra trên mảnh đất này nhưng người quản trang ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng - một nghĩa trang cấp xã - thì vẫn chưa ai thay thế được. Ông là Hồ Xuân Thành, 58 tuổi nhưng đã có đến 34 năm làm quản trang.

Đây là nghĩa trang cấp xã lớn nhất tỉnh Quảng Trị với gần 2.000 ngôi mộ liệt sĩ, tức bằng 1/5 tổng số ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Trong số 2.000 ngôi mộ mà 34 năm qua ông Thành chăm sóc có gần 1.600 liệt sĩ từ các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc.


Ông Hoàng Anh Tuấn, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, cho biết sở đã đề nghị liên bộ LĐ-TB&XH, Tài chính, Nội vụ xây dựng chế độ cho nhóm đối tượng là quản lý nghĩa trang cấp xã nhưng đến nay chưa có kết quả. Theo ông thì nên có một cơ chế cho những người quản trang vì hiện tại địa bàn Quảng Trị chuyện mộ giả, cướp mộ xảy ra rất nhiều. “Chỉ có thể xã hội hóa việc chăm sóc, chứ không thể xã hội hóa việc quản lý nghĩa trang” - ông Tuấn nói.

Nhập ngũ từ năm 1977, khi mới 21 tuổi, sau ba năm làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, ông về lại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng sinh sống. Vừa trở về, ông được ủy ban xã “tín nhiệm” giao cho nhiệm vụ trông coi nghĩa trang xã, khi đó mới có vài trăm ngôi mộ liệt sĩ. Suốt từ đó đến năm 1990, cuộc sống của ông và gia đình dựa vào mấy sào ruộng. UBND xã thấy thương nên đề xuất phụ cấp cho ông mỗi năm 3 tạ lúa.

Từ năm 2000-2006, ông không được hỗ trợ lúa nữa mà được hỗ trợ tiền với mức 100.000 đồng/tháng, sau năm 2006 đến nay mức hỗ trợ tăng lên thành 150.000 đồng/tháng. “Xã cho bao nhiêu thì quý bấy nhiêu, chứ đã làm việc nơi nghĩa trang, chăm sóc liệt sĩ nằm đây thì không cần tính công gì cả” - ông nói.

Hằng năm, xã chỉ cấp kinh phí cho ông hương khói ở nghĩa trang vào dịp tết, lễ, ngày thương binh liệt sĩ. Những ngày còn lại, ông lấy tiền túi ra mua hương thắp cho liệt sĩ vì lo nghĩa trang lạnh lẽo. Ai cũng nghĩ công việc của những người như ông, chủ yếu quét dọn, chăm sóc các phần mộ và hương khói, là đơn giản. Nhưng ông thì coi nghĩa trang này như nhà mình.

“Hai ngàn liệt sĩ đang nằm đây, nhà của họ là nơi này. Họ cũng cần được ở trong ngôi nhà sạch sẽ như tui mà” - ông cười hiền rồi bảo “khi nào đi không nổi nữa thì tui hết chăm sóc các liệt sĩ”.

Mùa hè gió Lào khô khát, ai đến đây đều thấy dưới chân đài tưởng niệm luôn có một thùng nước mát ông Thành múc đầy đặt sẵn. Ông chỉ ra trùng trùng điệp điệp những ngôi mộ, bảo: “Để thùng nước cho “mấy chú” khát thì uống!”, như thể những liệt sĩ nằm đây vẫn sống cùng ông với buồn vui mỗi ngày.

Ông Hồ Xuân Thành với việc chăm lo cho 2.000 phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng - Ảnh: Quốc Nam

Trong cuộc chiến chống cướp mộ

Nếu ông Thành ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng có thâm niên 34 năm sống cùng liệt sĩ thì ở vùng Cùa xa xôi của huyện Cam Lộ cũng có một người quản trang đáng nể với hơn một phần tư thế kỷ chăm lo mộ phần các liệt sĩ. Trở về sau cuộc chiến tranh chống Mỹ, người cựu chiến binh già Cáp Kim Xinh (thôn Đốc Kỉnh, xã Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị) phải tiếp tục một “cuộc chiến” khác cũng khốc liệt không kém để bảo vệ phần mộ đồng đội...

Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Chính nằm tách biệt hẳn với khu dân cư. Nhà ông Xinh cách đó gần nửa cây số. Năm 1988, ông về sống ở đây và nhận nhiệm vụ quản trang, nơi mà “những người nằm ở đây đều là đồng đội tui”. Công việc hằng ngày của ông là thắp hương, quét dọn, chăm sóc cho hơn 800 phần mộ, mỗi tháng nhận phụ cấp 20.000 đồng trên xã.

Dạo đó, vùng Cam Chính toàn rừng rậm, ruộng vườn chưa kịp khai khẩn. Vợ ông phải cật lực ghé vai giúp lo chuyện cơm ăn áo mặc, để ông có thêm thời gian đi về với nghĩa trang - nơi ông coi như ngôi nhà thứ hai. Con ông, đứa thứ hai sinh ra bị dị tật do chất độc da cam phải nằm một chỗ, ba đứa còn lại nheo nhóc. Nhưng dân Cam Chính vẫn thấy ông ngày nào cũng vậy, lặng lẽ trong nghĩa trang với nắm hương và cây chổi trên tay.

Dịp lễ tết, khi xóm làng lo quét dọn nhà cửa, chuẩn bị đón ông bà, ông ở lại nghĩa trang cả ngày, việc nhà phó mặc cho vợ con. Vì “Tết nhất là khi nghĩa trang buồn và quạnh quẽ nhất. Mình không ra thì ai sẽ ra chăm sóc nữa” - ông giải thích.

Kinh phí của xã cấp chỉ đủ để ông mua hương thắp trong một ngày. Ông tự bỏ đồng lương ít ỏi của mình ra mua thêm hương thắp liên tục mấy ngày tết, rồi ngày đầu năm. Vì ông sợ cảm giác lạnh lẽo ngày tết trong nghĩa trang, thương đồng đội nằm cô quạnh không có mùi nhang trầm bao bọc.

Mức hỗ trợ 20.000 đồng mỗi tháng cho ông được xã duy trì đến hết năm 2007, tức gần trọn 20 năm, tức gần 7.300 ngày. Qua năm 2008, ông được nhận 200.000 đồng/tháng và duy trì đến nay. Thêm được hơn 6.000 đồng một ngày, công việc của ông cũng nhiều thêm, nhưng theo hướng nguy hiểm.

Ông bắt đầu đối diện với một mối đe dọa mới: bọn chuyên cướp mộ liệt sĩ. Ông kể có dạo cứ vài hôm lại gặp bọn chúng. Nhất là từ mấy năm nay, khi dịch vụ tìm mộ bằng ngoại cảm nở rộ. Một số người chuyên đi bốc mộ thuê bằng ngoại cảm cứ áp vào những phần mộ chưa biết tên trong nghĩa trang này để lừa gạt thân nhân.

Gần đây, Quảng Trị rộ lên câu chuyện về “nhà ngoại cảm dỏm” Nguyễn Thanh Thúy ở Bắc Giang lừa đảo thân nhân liệt sĩ trong việc cất bốc, quy tập hài cốt. Nhưng từ nhiều năm trước, vì quá tin vào các nhà “ngoại cảm”, không ít thân nhân đã tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ để bốc trộm mộ về quê. Và vì không mấy tin vào điều đó, ông Xinh đã nhiều lần chống lại chuyện đào trộm mộ, có khi suýt mất mạng!

Em Nguyễn Thị Phương - con gái chị Nguyệt, một quản trang ở nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh - giúp mẹ tô đậm tên liệt sĩ trên bia mộ. Em được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ năm 2004 - Ảnh: L.Đ.Dục

Khu nghĩa trang nhỏ mà ông làm quản trang 26 năm nay ít nhất đã có vài chục vụ cướp mộ. Một mình ông đối chọi với những mối nguy hiểm rình rập hằng đêm. Trong quyển sổ quản lý nghĩa trang hằng ngày ông vẫn ghi đầy đủ chi tiết về những vụ cướp mộ này.

Nhiều trang ông ghi bằng cả máu và nước mắt bởi ngay chính ông cũng suýt mất mạng vì cố công bảo vệ phần mộ liệt sĩ khỏi bị cướp: “Họ không có chứng cứ chứng minh thì tôi không cho bốc. Bởi bốc đi như thế thì thêm tội cho những hương hồn liệt sĩ. Họ lại phải đi phiêu dạt mà không phải nhà mình”.

Tối 20-8-2011, linh cảm có chuyện xảy ra ngoài nghĩa trang, ông cầm đèn ra kiểm tra thì phát hiện cổng nghĩa trang đã bị ai đó mở toang. Nhìn vào trong, chỗ vị trí phần mộ liệt sĩ Phạm Xuân Thu lập lòe đốm hương. Quanh đó, bốn bóng đen đang hì hục đào bới. Biết có người cướp mộ, ông lập tức hô hoán lên rồi xông vào cản.

Một người chạy ra, dúi vào tay ông cọc tiền 10 triệu đồng nói: “Ông cho tụi tui bốc ngôi mộ ni”. Ông trừng mắt: “25 năm qua ai cũng mua mộ như anh thì nghĩa trang này đâu còn mộ liệt sĩ”. Mua chuộc, năn nỉ không xong, người này cùng ba người còn lại nhảy vào dùng gậy đuổi đánh ông. Ông chạy quanh nghĩa trang chứ nhất quyết không chạy ra khỏi cổng vì sợ mộ bị bốc đi. May mắn, nghe tiếng động của ông, người làng chạy ra hỗ trợ, nhóm trộm mộ trốn mất.

Ông chỉ bị trúng mấy gậy. Lần khác, cũng vào đêm tối, linh tính mách bảo có người trộm mộ, ông lặng lẽ đi xe đạp ra nghĩa trang. Vừa ra đến cổng có hai đối tượng đang lẻn vào nghĩa trang định cướp mộ, một đối tượng hét to lên “tao là liệt sĩ”, rồi nhảy vào đánh ông. Ông tránh rồi nói: “Liệt sĩ không bao giờ đánh quản trang...”. Dùng dằng một lúc, hai đối tượng này cũng bỏ đi.

“Nếu người ta có đủ cơ sở bằng chứng chứng minh là thân nhân thật thì tui cho bốc, thậm chí tui còn giúp đưa về tận nhà. Nhưng nếu không phải thì làm như thế tội liệt sĩ lắm” - ông thở dài.

Sống, chiến đấu vì Tổ quốc trong thời chiến, sau đó lại tiếp tục cống hiến tuổi già cho đồng đội, đó đã có thể coi là một cuộc đời vĩ đại. Nhưng trong suy nghĩ của người cựu chiến binh ấy, mơ ước rất giản đơn, sửa được ngôi nhà làm đã hơn 20 năm nay đang xuống cấp trầm trọng và được an tâm rằng “các đồng đội tui được có chỗ yên nghỉ cho đàng hoàng, hơn hết là không bị ai cướp bóc quấy rầy hằng đêm”.

Gặp lại ông dịp này, ông Xinh khoe: “Từ đầu năm nay “lương” tui lên 500.000 đồng/tháng rồi chú ạ!”. “Lương” đó không phải quy định chế độ gì của Nhà nước mà được trích ra từ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” của địa phương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận