Cây không chăm bón tốt, sao vẫn có quả ngọt?

VŨ THÁI HÀ 16/04/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Tư duy khoa học và thói quen nghiên cứu là gốc rễ, nếu được nuôi nấng và chăm bón tốt sẽ sinh ra quả ngọt, nếu không thì cái thu hoạch được chỉ là lắp ghép, lượm lặt, không kéo dài được lâu.

 
 Minh họa:behance.net/zmagumyana

Danh sách các dự án được giải của cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm nay chắc chắn sẽ khiến người ta ngạc nhiên, bởi các vấn đề mà chúng đặt ra và muốn giải quyết là thực sự lớn.

Giới chuyên môn và chính các thầy cô giáo cũng đã lên tiếng và đặt câu hỏi trực tiếp, rằng những đề tài như “Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư” hay “Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ” có phải là công trình của người lớn “trá hình” đi vào cuộc thi của học sinh? Và thực tế điều kiện giảng dạy và học tập của học sinh trung học, cũng như nhận thức và thói quen của cả học sinh và giáo viên ở cấp học này tại Việt Nam có đủ để nêu ra và giải quyết các vấn đề này hay không? Như người ta vẫn nói, hỏi tức là trả lời.

Cái đích mà các thí sinh của Việt Nam nhắm tới sau khi có thành tích ở cuộc thi quốc gia là Intel International Science and Engineering Fair (Intel ISEF), cuộc thi được Intel tài trợ và tổ chức suốt hơn 20 năm nay, dành cho các học sinh chứng minh được kiến thức của họ về khoa học và kỹ thuật nhằm hiểu thế giới sâu sắc hơn và cải thiện cách mà con người đang sống và làm việc.

Từ bảng thành tích của các cuộc thi hằng năm, hoàn toàn không tự ti hay mặc cảm, chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng đó là một sân chơi quá tầm đối với học sinh Việt Nam, vì hai lẽ: (1) Học sinh của chúng ta chưa bao giờ được đào tạo đủ để thực hành nghiên cứu và sáng tạo, và (2) Điều kiện để thực hành nghiên cứu và sáng tạo trong nhà trường ở Việt Nam là rất yếu kém.

Học sinh Việt Nam cũng từng đoạt giải tại ISEF, nhưng điều đó không nói lên được gì nhiều, ngoài câu hỏi: “Cây trồng không chăm bón tốt mà sao lại có được quả ngọt?”. Chỉ cần nhìn thẳng vào đội ngũ giáo viên và các phòng thí nghiệm, phòng thực hành trong các trường học hiện nay là có thể hiểu được vấn đề.

Nhìn ra thế giới, các hoạt động ngoại khóa nhằm khuyến khích tư duy khoa học và giúp học sinh hình thành thói quen nghiên cứu ngay từ trong trường phổ thông đã phổ biến từ rất lâu, trước cả khi mà từ khóa STEM đi vào câu cửa miệng của người làm công tác giáo dục.

Tuy nhiên, việc làm có tính hệ thống đó không đặt bất cứ một kỳ vọng nào vào kết quả mà các học sinh tạo ra! Mục đích của việc làm đó chưa bao giờ thay đổi: Học sinh nghiên cứu là để học chứ không phải để cứu thế giới, bởi việc ấy sẽ được làm và các em sẽ làm được khi đến tuổi trưởng thành.

 
 Một học sinh cấp 2  ở Mỹ chụp ảnh bên công trình dự hội thi khoa học với đề tài chiếu xạ hoa quả. Ảnh: WVNet

Suy nghĩ một cách giản dị, nhiệm vụ của nền giáo dục đối với học sinh phổ thông là chuẩn bị cho học sinh những gì cần thiết để các em sẵn sàng đón nhận trách nhiệm và có khả năng hoàn thành trách nhiệm của mình với xã hội khi đến tuổi trưởng thành, chứ không phải là bắt các em phải giải các bài toán của người lớn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Không phải vô cớ mà người xưa vẫn gọi tuổi học sinh là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Xét rộng ra, ghi nhận đúng thành tích và động viên đúng đối tượng sẽ tác động đến cả thế hệ tương lai, chứ không chỉ cá nhân một học sinh nào. Tất cả ý nghĩa của giáo dục là ở chỗ giúp cho học sinh từng bước hình thành nhân cách, chủ động vạnh ra con đường trưởng thành của mình và cắm các cột mốc quan trọng để đánh dấu quá trình trưởng thành đó. Thành tựu trong các cuộc thi là một cột mốc như thế, và dứt khoát đó phải là cột mốc mà các em tự tay cắm xuống.

Tư duy khoa học và thói quen nghiên cứu là gốc rễ, nếu được nuôi nấng và chăm bón tốt sẽ sinh ra quả ngọt, nếu không thì cái thu hoạch được chỉ là lắp ghép, lượm lặt, không kéo dài được lâu; nói cách khác, đấy là con đường dẫn đến thành tựu, mà bản thân con đường tốt đã là một thành tựu vượt bậc. Hãy nhìn vào việc học sinh nghiên cứu khoa học từ góc nhìn đó!■

Để học nghiên cứu khoa học, học sinh nên và chỉ cần nắm vững và thành thục bốn bước thực hành sau đây: (1) Tự đặt câu hỏi khi đứng trước một sự vật hay hiện tượng nào đó: bản chất của nó là gì, có thay đổi nó được không, cái gì sẽ khiến nó thay đổi?; (2) Lập giả thiết về sự vật hay hiện tượng đó: nếu có tác động thì điều gì sẽ xảy ra, điều kiện để tác động là gì?; (3) Tiến hành thí nghiệm, quan sát, ghi nhận kết quả bằng số liệu: tác động nào cho ra đến kết quả nào, điều chỉnh tác động và ghi nhận các kết quả tương ứng; và (4) Rút ra kết luận: giả thiết ban đầu là đúng hay sai, kết quả của thí nghiệm là gì, giúp ích gì cho việc xác nhận giả thiết và trả lời câu hỏi ban đầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận