​Cây mềm và hoa đẹp

PHÙNG HI 18/09/2014 23:09 GMT+7

TTCT - Cây mềm dễ bị gió uốn cong, cây cứng gió chừa ra. Anh là cây mềm trong một cơ quan cấp huyện, huyện đồng bằng.

Minh họa: Trương Tiến Trà
Minh họa: Trương Tiến Trà

Cây mềm tìm cách núp gió, còn anh không làm được vậy bởi anh là cây mềm biết suy nghĩ, một cây mềm có lương tri. Bằng chứng về đây mấy tháng anh chưa đến nhà chào ông bác đương nhiệm phó chủ tịch huyện, ông này có tên trong bản khai lý lịch của anh. Cây mềm cũng là cây, không phải cỏ rác, anh không muốn núp bóng ai. 

Cây mềm càng vươn cao ngọn càng dễ gãy nên anh ráng làm bộ khù khờ, co vòi. Được cái này mất cái kia, người ta chê: “Cái thằng trông lù đù, chắc không được chuyện gì”.

Anh là cây mềm nên ai cũng muốn bẻ thử xem. “Cứ bẻ đi, đừng đào tận gốc trốc tận rễ tôi là được” - anh tự nhủ. Họ thích thú khi anh bị bẻ gãy và đương nhiên họ thấy mình mạnh lên. Hiếp kẻ yếu là đặc tính của sinh vật có chân lẫn không chân, đó không hẳn là tính xấu.

Cơ quan to lớn, nguy nga như cung điện. Hai tháng rồi anh vẫn chưa thuộc hết các phòng ban. Thuộc tên toàn bộ nhân viên chắc còn lâu. Có việc quái gì để làm mà đông đúc thế nhỉ? Phòng anh có năm người nhưng hết ba là lãnh đạo, thời của lãnh đạo, chuyên họp và viết báo cáo vì vốn dĩ các ban ngành ít tin nhau, chỉ có hai thằng thực sự làm.

Sáng anh chưa kịp pha trà, phó sếp rầy trong cuộc họp: “Thanh niên mà biếng nhác, không năng nổ, thiếu nhiệt huyết. Đất nước mong chờ gì ở các cậu”. Ô hô, đất nước đang cần người pha trà ư? Được, cứ dạy dỗ tôi đi rồi con cái các người sẽ trả. 

Anh lửng trí không cọ bồn cầu, nữ trợ lý sếp la trong cuộc họp: “Tôi bắt quả tang cậu sống kém văn minh, vô cảm”. Mẹ kiếp, dốt ưa nói chữ, mụ hiểu gì chữ “vô cảm” mà gắn vô chuyện không cọ bồn cầu? Được, cứ dạy dỗ tôi đi rồi con cái các người sẽ trả. 

Cờ tướng anh chơi ở hạng kiện tướng. Cờ vịt như sếp, anh quăng bớt một nửa xe pháo mã sếp vẫn chưa là đối thủ. Sếp oang oang: “Cờ tướng là thước đo trí tuệ. Cậu trình độ đại học mà đánh thua tôi”. Trời, trình độ đại học liên quan gì đến cờ tướng chứ. Những kẻ kém cỏi thường kiếm chuyện để hơn, uống bia giỏi chẳng hạn. Được, cứ hiếp đáp tôi đi rồi con cái các người sẽ trả.

Họ bảo anh đang tập sự, không được hưởng bất cứ phụ cấp gì ngoài lương. Lương của anh, nói theo ngôn ngữ kinh tế của Marx: “không đủ để tái sản xuất”. Nghĩa là năng suất làm việc của anh đến một ngày sẽ bằng 0.

Thế nhưng các khoản trừ vô lương: quỹ tình nghĩa, quỹ tình thương, quỹ mái ấm, quỹ khuyến học, quỹ khuyến tài, quỹ công đoàn, quỹ vì người nghèo, ủng hộ bão lụt, ủng hộ cháy chợ, ủng hộ trẻ em khuyết tật, ủng hộ hội người mù, nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ xây cầu treo, góp tiền giúp sếp bị bệnh, góp tiền mừng con dâu sếp đẻ... (còn nữa nhưng xin ngưng vì sợ độc giả phát điên), tuyệt đối anh không thoát được đồng nào.

Tiếng là tự nguyện đóng góp nhưng ai đó chống thử xem, tai vạ khôn lường. Được, cứ ăn hiếp tôi đi rồi con cái các người sẽ trả.

Mẹ sếp chết, không biết sếp ăn ở thế nào mà láng giềng không ai giúp khiêng chôn. Anh chị em cùng phòng sếp tới khiêng, người nào trong bụng cũng hầm hầm nhưng mặt hiền như ma-sơ.

Sếp tới cơ quan rầy anh trong cuộc họp: “Cậu thiệt vô tình, cậu thiệt vô tâm, mẹ tôi có khác gì mẹ cậu, anh em cùng phòng với nhau mà. Cậu giúp tôi rồi cậu ngã ngửa ra chết sao. Cậu tính toán với tôi, tôi sẽ tính toán lại với cậu. Cậu không tốt với tôi, tôi sẽ không tốt với cậu”.

Kết hợp lời rủa xả, đôi tay của sếp bóp chặt như gọng kềm. Mẹ sếp tháng trước còn mặc váy đi xe tay ga, mẹ tôi mới năm mươi lưng đã còng, khổ sở tụng kinh đều đặn mỗi tối, giống nhau ư? Được, cứ dạy dỗ tôi đi rồi con cái các người sẽ trả.

Việc của một ngày anh có thể tích cực làm trong mười lăm phút. Vậy là cây mềm bị phó sếp chê: “Mi tự cao tự đại”. Nguy hiểm hơn bị cho là thiếu đoàn kết nội bộ. Cái bọn nịnh thiếu đẳng cấp thường giẫm lên đầu người khác khi được dịp. Chúng không đáng xách dép cho Hòa Thân, vị nịnh thần có cỡ bên China.

Những kẻ ton hót làm anh sợ lộ ra mình là kẻ có tài, đời gì kỳ quái thế. Công việc rập khuôn, cấm chỉ sáng tạo, chỉ ở mức dành cho người học xong lớp 9 thì anh lấy gì để chứng minh mình hơn họ. Hơn để chết à? Nhũn như con chi chi nhưng vẫn bị ghét kìa.

“Đại học hả, tưởng ngon, trị cho biết tay”. Khóc thôi, làm gì bây giờ? Anh đi học thiệt uổng cơm uổng gạo, không khóc sao được. Chừng nào con cái các người trả đây? 

Ngày hai buổi, cây mềm cưỡi xe đi làm lượn qua khúc sông gấp cánh chỏ, nước đang hiền hòa chảy bỗng cuồn cuộn. Anh thấy ngộp ở lồng ngực tựa như người đứng trên lan can lầu cao, muốn nhảy ùm xuống sông chết phứt. Không hiểu cảm giác trước khi chết nó thế nào?

***

Hoa đẹp ai cũng muốn nhìn, thêm chút hương thì tuyệt. Em là hoa đẹp trong cơ quan. Và em biết rõ mình đẹp, quý ở chỗ đó.

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, cái nết đánh chết cái đẹp... Những câu nói giả dối, che đậy sự thèm khát cái đẹp, sở hữu không được thì tìm cách chối bỏ ấy mà. “Người đẹp và là đẹp nhất thì làm sao mà nết không đẹp kia chứ” - em tự nhủ. Một nụ cười duyên của em đem lại sự tốt đẹp gấp mười lần một cô gái kém nhan sắc nhưng tốt bụng.

Cái đẹp tuyệt đỉnh, sản phẩm tuyệt hảo của tự nhiên hiển hiện trước mắt nhưng được coi là khó tin. Cái đẹp luôn ẩn tàng tội ác, ví như sự tồn tại của một viên kim cương lớn cướp đi sinh mạng biết bao người. Vậy là em được gán nhãn hiệu hồ ly, xuất hiện bất ngờ trong mắt các phụ nữ sắp hưu, đùi các ông chồng luôn lưu cữu những vết bầm tím.

Mới ba ngày nhận việc, em ra vào cơ quan như công chúa của hoàng cung. Đẹp làm phụ nữ tự tin chứ không hẳn do học vấn. Hèn chi xưa người ta không cho phụ nữ đi học không phải không có lý. 

Hoa đẹp trẻ trung xinh như mộng. Em chả cần phải làm gì, sự có mặt của em đã là một giá trị. Giá trị khởi động ngày mới, giá trị kích thích sinh khí chẳng hạn. Phụ nữ quá xấu làm đàn ông không dám nhìn, nhưng bạn có tin không, em đẹp quá cũng làm vài kẻ yếu tinh thần không dám ngó, sợ cái “giá trị kích thích” kia đi quá giới hạn mà lòng phàm khó cản ngăn.

Đẹp nhất và xấu nhất, hai thái cực, đôi khi có những điểm tương đồng, ví dụ kẻ ngu muội và một học giả thực thụ đều an nhiên trước thời cuộc chao đảo.

Em là hoa đẹp, ai cũng muốn thò tay ngắt. Chính cái chỗ ai cũng ước mơ sở hữu nên em an toàn. Này cậu kia đừng có tơ tưởng coi chừng sếp đã chấm, liệu hồn mất việc về đuổi gà cho vợ. Bây giờ là thời của phụ nữ, phụ nữ đẹp càng được thời. Sắp thứ tự giá trị hiện nay: nhất lãnh đạo, nhì kiều nữ, ba đại gia, bốn mới đến kẻ sĩ.

Sáng, trời trong và mát, em đến cơ quan. Một bố vui tính: “Chào con gái, xinh quá, hôm nào đến nhà bố chơi. Bố giới thiệu thằng con trai tuyệt vời của bố, chủ một xưởng bóc hạt điều“. Hoa đẹp ngúng nguẩy cặp mông căng mọng làm bố xao động một hồi.

Hai cậu thanh niên cùng phòng, cạnh tranh tán:

“Chào em, chuyện em nhờ anh đã giải quyết xong, bao anh chầu cà phê chứ?”.

“Em trở thành người trong mộng của anh mất rồi. Em nghĩ sao nếu anh nguyện suốt đời đi bên em?”.

“Cha nội sến vừa thôi”. Cậu này đè bẹp cậu kia.

“Em mời cả hai anh cà phê” - em ngọt ngào.

Hai chàng giành nhau trả tiền trong một quán cà phê vườn thơ mộng, vẫn chưa đủ giá cho một nữ đồng nghiệp thông minh, xinh đẹp chịu ngồi nghe chém gió.

Hai sếp bàn việc công chuyển sang tư, không, vẫn việc công ấy chứ:

“Con bé xinh nhức mắt, học hành giỏi giang thế không biết nó có chịu làm với mình lâu dài không?”.

“Cơ quan ta có con bé, đem nhử mấy bác cấp trên đằng nào tiền đầu tư chẳng đổ về như thác lũ”.

“Ông biết con bé con ai không, mẹ nó cùng thôn vợ ông, và nó chưa biết ai là cha nó” (cười hóm).

“Thôi cha, cha cứ hăm như chuyện phim”.

Vợ sếp trốn việc đi ngang, xông vào:

“Á à, lão già dâm loạn, nó là con rơi ông à”.

“Cái bà này, vợ lãnh đạo mà hồ đồ thế”.

Một cơ quan hành chính không nhất thiết ai cũng làm được việc mà việc cũng không có nhiều để làm thường xuyên. Nó cần đến 80% nhân sự là các cây hài chọc cười cùng số người đẹp lượn lờ lên xuống các bậc cầu thang, xin chữ ký các sếp ở các phòng ban để anh em rửa mắt, “va quẹt” chút đỉnh, nhất là cặp mông.

Mỗi chiều hoa đẹp về với mẹ đang mót máy hái lượm trong vườn cây ăn trái, đi qua khúc sông gấp cánh chỏ, nước đục ngầu vì mưa ở thượng nguồn, đang hiền hòa chảy bỗng cuồn cuộn. Em chợt rùng mình như người đứng trên miệng vực, rất bất an.

***

Cứ thử đòi viên chức cấp huyện có bằng tiến sĩ, chắc chỉ sau một đêm ai cũng thành tiến sĩ mất. Nhưng chưa đến nỗi gấp thế, họ chỉ cần cử nhân, cử nhân hóa viên chức. Nhờ vậy cây mềm và hoa đẹp được về cơ quan tập sự. Hoa đẹp thỏ thẻ:

“Giúp em nhé, em lo lắm”.

“Không sao đâu, có tôi mà”. Cây mềm làm vẻ cứng hay tưởng mình cứng?

Hoa đẹp không ngờ nhan sắc lại hữu dụng chốn công đường đến vậy. Em nói với cây mềm:

“Anh có sức mạnh của tri thức. Anh vận dụng thử xem”. Hoa đẹp định nói như em đây nhan sắc hớp hồn các quan nhưng nghĩ thấy hai chuyện chẳng tương đồng. Ở đời, đâu phải mọi con vật có cánh đều biết bay. Vặt lông đối thủ, vặt lông kẻ hơn mình là cách mà những kẻ không có cánh ra tay trước, tiên hạ thủ vi cường.

Cây mềm không nhận ra sức mạnh tri thức nhưng hoa đẹp thì nhận ra nhan sắc có thể làm mờ mắt những kẻ u mê nhưng lúc nào cũng huênh hoang rằng ta là người văn minh cần nâng niu cái đẹp. Sau một năm hoa đẹp mất kiên nhẫn, nàng tội nghiệp cho cây mềm: “Hiền như anh khó lòng che chắn phong ba cho em”.

Hoa đẹp tránh dùng: “Khờ như anh khó lòng che chắn phong ba cho em. Nghèo như anh khó lòng che chắn phong ba cho em. Thật thà như anh khó lòng che chắn phong ba cho em”. Thiệt ra hiền - khờ - nghèo - thật thà có dây mơ rễ má với nhau.

“Cô nói đúng đó”. Ôi trời, với cây mềm thì hoa đẹp như một thứ hàng hiệu xa xỉ, nó cần đến đúng địa chỉ người mua.

Cây mềm như trút được gánh nặng. Hoa đẹp hơi bị hẫng, ý nàng mong một chút lâm ly, một chút níu kéo, kẻo lỡ quên nhanh cái tình ở mức cảm mến, tiếc chưa đủ dịp để trao thân. Bạn đọc chắc thích một cuộc tình trắc trở giữa hai người này để thành một truyện ngắn hay, kinh điển. Nhưng tôi chịu, không viết thêm được bởi thực tế chỉ có vậy.

Cây mềm và hoa đẹp tự cách ly mới là logic, là cái đẹp của cuộc sống giống như mấy cái clip “sống hay sống đẹp” trên VTV3. Cây mềm quay lưng. Hoa đẹp chớp mắt: “Có phải anh đã là cây cứng sau một năm không nhỉ?”.

Ố ồ, việc cơ quan hành chính là thế, thời nào chả vậy. Lạ là tất cả những người trong cơ quan, kể cả những kẻ xoàng nhất, đều nghĩ: “Thường cứ sau trận lụt, chuột bọ sặc nước chết hoặc trôi tuột ra biển”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận