Cha con Snowden hội ngộ ở Nga

MINH NHIÊN 22/10/2013 08:10 GMT+7

TTCT - Mỹ vất vả tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng đóng cửa chính phủ, châu Âu xoay xở với dòng người tị nạn... Những vấn đề thời sự ồn ào này khiến ít ai để ý đến một cuộc hội ngộ tuần qua trên đất Nga của cha con nhà Snowden.

Snowden ẩn danh đi du lịch khắp nước Nga
Edward Snowden không mang tài liệu mật đến Nga

Phóng to
Ông Lon Snowden (trái) và luật sư Kucherena trả lời phỏng vấn kênh Russia 24

Ngày 10-10-2013, ông Lon Snowden, cha của cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, người đã rò rỉ thông tin NSA nghe lén công dân nước ngoài, kể cả các nước đồng minh - đã hạ cánh ở sân bay Sheremetyevo để đi thăm con trai. Hơn hai tháng trước, tại nơi này, con trai ông sau một chuyến bay từ Hong Kong quá cảnh Nga ngày 23-6 đã tá túc ở đây suốt năm tuần trước khi được Nga cho tị nạn tạm thời từ ngày 1-8-2013.

Từ đó đến nay, mặc cho cuộc săn đuổi và tìm kiếm ít nhất là của giới truyền thông, không ai biết cựu nhân viên tình báo này đang ở đâu. Theo kênh Vesti, lần duy nhất người ta “thấy” cựu điệp viên NSA này sau ngày 1-8 là trong một bức ảnh Interpol có được của “một người giống Snowden” tại một trạm đỗ xe ở một khu mua sắm Nga (1).

Ngay cả ông Lon Snowden ngày 10-10 cũng nói không hay biết gì về nơi cư trú của con trai, về dự định cũng như những diễn tiến vừa qua và sắp tới. Dễ hiểu vì sao ông Lon Snowden đã bị truyền thông “bao vây” ngay khi đặt chân đến Matxcơva. Chuyến đi tới Nga của ông đã bị đeo bám từ Mỹ, và cha cựu điệp viên cũng hành xử đầy cảnh giác.

Một nhà báo Nga của LifeNews (một hãng tin Nga được cho là khá “thân” với các nguồn tin an ninh và quân đội) theo sát ông từ sân bay New York cho biết Lon Snowden, đội mũ che khuất trán và đeo kính râm, đã đánh lạc hướng các nhà báo bằng cách ngồi chờ ở cổng máy bay bay đi... Trung Quốc.

Chỉ tới giờ G ông mới nhanh chóng chuyển sang cổng bay đi Nga. Trên máy bay ông Lon Snowden cũng chọn ngồi trong một góc cuối khoang, hạn chế tối đa trò chuyện với người xung quanh (2).

Vẫn thất nghiệp, dù được mời làm việc và... làm phim

Cho đến nay, tất cả liên lạc của Snowden với thế giới bên ngoài được thực hiện qua trung gian luật sư Anatoli Kucherena. Thật ra cũng có lần ông Lon Snowden đã “bắt liên lạc” với con trai và trò chuyện với con trên Internet trong một phòng chat mã hóa, bất chấp khuyến cáo của các luật sư Mỹ.

Vấn đề, như Itar Tass trích dẫn một nguồn tin, các luật sư không chỉ lo cuộc nói chuyện sẽ bị nghe lén, mà còn vì không thể xác định có đúng Lon Snowden nói chuyện với con trai không hay là ai đó khác. An toàn cho “người thổi còi” đang là quan tâm hàng đầu của các luật sư từ Mỹ cũng như Nga.

Đó là lý do trong cuộc trả lời báo giới hôm 10-10, cha cựu điệp viên cho biết từ tháng 4 đến nay ông không hề nói chuyện trực tiếp cùng con rồi “đẩy cây” cho luật sư của con trai. Được ủy quyền trả lời, luật sư Kucherena cho biết thân chủ của ông đang sống “rất khiêm tốn” vì những khoản tiền dành dụm đã cạn.

(Có lẽ khoản tiền mới nhất mà Snowden có được là 3.900 USD từ giải thưởng “Người thổi còi” của Hiệp hội Các khoa học gia Đức và Hiệp hội Các luật sư chống vũ khí nguyên tử IALANA trao hồi tháng 8-2013; còn giải thưởng “Vì tính liêm chính trong công tác tình báo” của Quỹ Sam Adams do WikiLeaks trao thì có vẻ có “tiếng” nhiều hơn có “miếng”).

Mặt khác, theo RT, một Quỹ bảo vệ nguồn tin báo chí (JSPD) vừa được thành lập hồi tháng 8-2013 nhằm hỗ trợ pháp lý và vận động giúp đỡ các nguồn tin báo chí đã chọn Snowden làm nguồn tin đầu tiên được JSPD hỗ trợ. Quỹ này hoạt động theo luật Anh và được công ty trụ sở ở London Derek Rothera & Company Charted Accountants điều hành, đến nay đã góp được 9.600 USD từ 160 người quyên tặng.

Tuy nhiên, như ông Kucherena cho biết, Snowden không muốn sống dựa vào tiền từ thiện và đang cân nhắc nên làm việc trong lĩnh vực IT hay chọn mảng bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu mạng. Nhiều khả năng cựu nhân viên tình báo này sẽ chọn một công việc IT có thu nhập cao. Đó là chưa kể luật sư Kucherena thường nhận được điện thoại đề nghị... làm phim về thân chủ mình.

“Ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại mời làm phim. Câu chuyện này được tất cả mọi người quan tâm. Người ta hỏi về Snowden hồi nhỏ, vì sao và như thế nào mà anh ấy như hôm nay. Có lẽ một lúc nào đó chúng tôi cũng sẽ thảo luận đề tài này” - ông cho biết.

Về những vấn đề pháp lý của Snowden, ông Kucherena cho biết đến nay Nga vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức nào của Mỹ về việc giao nộp Snowden, cũng như chưa nhận được lời buộc tội chính thức nào chống lại thân chủ mình.

“Với tôi, tức với một luật sư chuyên nghiệp, điều này có nghĩa việc truy đuổi vẫn tiếp tục, hiểm họa vẫn rất cao và tất cả lại nằm ngoài khuôn khổ pháp luật. Nga không giao nộp vì chúng tôi không có thỏa thuận dẫn độ, nhưng Mỹ vẫn có thể lên yêu cầu và gửi tới Nga, cũng như những cáo buộc chính thức”. Nhưng những điều ông chờ đợi vẫn không xảy ra.

Snowden đang phải “sống khép kín”, điều đương nhiên khi bị “một cường quốc hùng mạnh truy đuổi”, theo lời ông Kucherena. Ngày 10-10, khi ông cùng ông Lon Snowden tới trường quay của Russia-24, họ đã bị năm ôtô theo dõi nên phải ba lần đổi xe, vì vậy “vấn đề an toàn có ý nghĩa rất lớn”.

Phóng to
Người được cho là Snowden trong một khu mua sắm ở Nga

Ông Putin nói gì về Snowden?

Trên bình diện chính thức, ít nghe Tổng thống Nga V. Putin bình luận gì về vụ Snowden. Nhưng quan điểm của ông V. Putin về vấn đề này khá rõ ràng, được giới thiệu trong một trả lời phỏng vấn cho Hãng tin Mỹ AP nhân hội nghị G20 hồi tháng 8-2013 (3).

Tổng thống Nga V. Putin tiết lộ: lần đầu tiên Snowden gặp quan chức Nga là từ Hong Kong! Ông Putin kể: “Tôi được báo rằng anh ấy là nhân viên của một hãng tình báo. Anh ta muốn gì, tôi hỏi. Câu trả lời là anh ta đấu tranh cho tự do thông tin, chống các hoạt động bất hợp pháp và vi phạm luật quốc tế ở Mỹ.

Tôi bảo hãy nói với anh ấy là nếu muốn ở lại Nga, anh ấy phải chấm dứt bất cứ hoạt động nào làm tổn hại quan hệ Nga - Mỹ. Chúng tôi không phải là tổ chức phi chính phủ, chúng tôi cũng không có lợi ích lẫn quan tâm gì trong việc làm xấu đi quan hệ này.

Khi đó anh ta trả lời: “Không, tôi là nhà hoạt động nhân quyền, tôi kêu gọi các ông tham gia cùng tôi”. Tôi đáp: Không, chúng tôi không tham gia, và nếu anh muốn đấu tranh hãy tự mình làm điều đó. Sau đó anh ta ra về”.

Trong trả lời phỏng vấn này, ông Putin đã không ngại chê tình báo Mỹ không chuyên nghiệp! Ông kể đã được báo cho biết Snowden đang trên một máy bay bay sang Nga hai giờ trước khi máy bay hạ cánh. Nguyên văn trả lời của ông Putin: “Tôi hi vọng mình không làm bẽ mặt các cơ quan an ninh và giới ngoại giao Mỹ, song họ nên xử lý vụ việc một cách chuyên nghiệp hơn.

Thay vì cho phép anh ta vào một nước dễ cho họ tác nghiệp hơn, họ làm bẽ mặt tất cả, các nước Mỹ Latin lẫn châu Âu. Hoặc họ cần đón anh ta dọc đường, như họ đã làm với tổng thống của một trong những nước Mỹ Latin (*), mà nhân tiện tôi xin nói (việc làm ấy) hoàn toàn không chấp nhận được và không đáng làm đối với một đồng minh của Mỹ và châu Âu. Nó xúc phạm. Nhưng với Snowden thì có thể được. Tại sao họ không làm vậy?...

Hậu quả là lẽ đương nhiên anh ta ở lại sân bay chúng tôi và kẹt lại đây. Vậy chúng tôi làm gì bây giờ? Gửi anh ta trở lại à? Vậy thì hãy thảo một hiệp ước dẫn độ đi và hãy trao lại các tội phạm của chúng tôi cho chúng tôi. Còn nếu các ông không thích thì thôi, tại sao bắt chúng tôi dẫn độ trên cơ sở đơn phương? Chúng ta phải lấy lợi ích của nhau làm nền tảng để đưa ra các quyết định”.

Theo ông Putin, Nga không bảo vệ Snowden mà bảo vệ “những tiêu chuẩn hiện hành trong quan hệ song phương”.

Trả lời câu hỏi Snowden có trao cho Nga thông tin mật nào không, ông Putin cho biết “Nga không nhận được gì mà cũng không muốn nhận được gì” (từ Snowden).

Vị tổng thống cựu sĩ quan tình báo này giải thích: “Như những nhà chuyên nghiệp, chúng tôi nhận thức được rằng các đồng nghiệp tình báo Mỹ cũng đã nhận ra mọi thứ Snowden có thể nói cho chúng tôi. Họ cũng đã cân nhắc hết mọi nguy cơ có thể đe dọa họ, họ đã thay đổi, tiêu hủy hoặc thay đổi hết mọi thứ rồi.

Anh ta còn có lợi gì cho chúng tôi? Chúng tôi không muốn dây vào bằng bất cứ cách nào. Snowden là một kiểu người hoàn toàn khác, kể cả khi anh ấy được vẽ vời theo nhiều cách thức khác nhau. Tôi cũng hiểu mật vụ Mỹ thích xem anh ấy như một kẻ phản bội, nhưng anh ấy có một tâm thế khác. Anh ấy tin mình là một nhà hoạt động nhân quyền, dù có người không đồng ý nhưng đó là quan điểm của anh ấy”.

Được biết trong cuộc hội ngộ đầu tiên sau khi Snowden chọn cuộc đời tị nạn, hai cha con nhà Snowden thảo luận về nghề nghiệp sắp tới của Edward Snowden, về việc liệu Edward Snowden sẽ đi đâu sau khi hết hạn một năm cư trú tạm thời trên đất Nga.

Trả lời AP, ông Putin tâm sự cũng từng suy nghĩ về số phận của Snowden, về “một người trẻ mới ngoài 30 đã tự đẩy mình vào một cuộc sống khó khăn”, khẳng định Nga sẽ không dẫn độ Snowden và “cựu nhân viên tình báo này có thể sống yên bình ở Nga cho đến khi nhà cầm quyền Mỹ nhận ra anh ta không phải là kẻ phản bội mà chỉ nhìn mọi thứ theo cách khác họ, cho đến khi có một nhượng bộ nào đó”.

Còn giờ đây? “Đó là số phận, là sự lựa chọn của chính anh ta. Nếu anh ta tin rằng đó là một điều danh dự và xứng đáng để làm, hãy để anh ấy hi sinh” - ông Putin nói.

(*): Sau khi bay tới trạm trung chuyển Matxcơva hôm 23-6, có tin Snowden xin cư trú chính trị ở một nước Mỹ Latin. Ngày 3-7, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha đã không cho phép chuyến bay công cán của Tổng thống Bolivia Evo Morales từ Nga quá cảnh (do có tin đồn Snowden “trốn” trên chuyến bay này). Cuối cùng máy bay phải quá cảnh ở sân bay Vienna (Áo). Bolivia đã phản ứng khiến EU sau đó phải xin lỗi.

(1): http://www.vesti.ru/doc.html?id= 1140088

(2): http://lifenews.ru/#!news/120746

(3): http://rt.com/news/putin-interview-ap-channel1-431/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận