Chặng chót khuấy đảo

TTCT - Cuộc bầu cử đang vào giai đoạn nước rút, hai phe đang dùng rất nhiều đòn dưới thắt lưng để tận dụng nốt những ngày cuối cùng hạ nhục đối phương, bằng những chiêu thức đôi khi chẳng khác gì những trò “đầu đường xó chợ”. Nước Mỹ đang bị chia rẽ nặng nề trong cuộc bầu cử này.

Nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống đầu tiên? -The Morning Call
Nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống đầu tiên? -The Morning Call


Khi tôi cùng anh bạn rời cuộc vận động của ông Donald Trump ở Tallahassee, Florida hôm cuối tuần, anh lắc đầu ngao ngán: “Tôi chỉ thấy sự giận dữ và đầy những ngôn ngữ phân biệt chủng tộc. Thật sự thất vọng”.

Sống ở Florida, bang tranh chấp quan trọng bậc nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, anh bạn tôi theo phe Cộng hòa. Anh tôn trọng những giá trị truyền thống của đảng này: những người chăm chỉ làm ăn, ủng hộ kinh tế tự do, giảm thuế, chính phủ thu nhỏ, đẩy mạnh quốc phòng, kiểm soát chặt nhập cư...

Nhưng năm nay anh chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Anh đến để nghe ông Trump đưa ra chính sách cụ thể gì - anh quan tâm đến thuế vì đó là chính sách các chính trị gia thường giữ lời nhất sau mỗi kỳ tranh cử. Những vấn đề quốc nội quan trọng khác với phe Cộng hòa như ai được mua súng AK, hôn nhân đồng tính hay phá thai, anh không quan tâm nhiều.

Chia rẽ nặng nề

Trong bài phát biểu hơn 45 phút của ông Trump ở Tallahassee, mọi người chỉ thấy những kêu gào giận dữ, đến mức thành chửi bới cực đoan như: “Clinton tham nhũng”, “Clinton lưu manh”, “Washington tham nhũng”, “làm sạch cái đầm lầy” (nói về chính giới Washington D.C), lật đổ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare.

Những khẩu hiệu như “Nhốt bà ấy lại”, “Clinton cho nhà tù 2016” được đám đông liên tục thét gào. Ông Trump luôn nói về “kế hoạch rất tuyệt”, “sẽ làm hay hơn cả Reagan” nhưng chi tiết cụ thể chính sách thì không có gì.

Nước Mỹ đang chia rẽ nặng nề trong cuộc bầu cử này. Sự chia rẽ này diễn ra trên cả hai góc độ kinh tế và xã hội.

Từ góc độ kinh tế, những người lao động chân tay da trắng ở các thị trấn nhỏ, đặc biệt những người không có bằng đại học, đang cảm thấy mình bị đẩy ra ngoài lề của nền kinh tế.

Toàn cầu hóa đối với họ chỉ có lợi cho những kẻ cực giàu - “nhóm 1%” - và những người châu Á cùng Mỹ Latin - nơi việc làm dịch chuyển tới. Đảng Cộng hòa vốn có truyền thống ủng hộ các hiệp định thương mại tự do (đúng với tinh thần ít can thiệp, tự do hóa kinh tế của họ), nhưng các cử tri nghèo và thu nhập trung bình của đảng này không thấy lợi ích từ việc ấy.

Về mặt xã hội, cơ cấu sắc tộc, giới tính xã hội Mỹ đang dịch chuyển mạnh. Người da trắng từng giữ vị trí chi phối tuyệt đối ở xã hội đang dần trở thành nhóm thiểu số.

Các nhóm thiểu số như da đen, Mỹ Latin và châu Á đang dần trở thành nhóm cử tri ngày càng mang tính quyết định hơn. Phụ nữ cũng có tiếng nói và vị thế lớn hơn nhiều so với quá khứ. Xã hội Mỹ, giữa những giằng xé, nhiều năm qua đã tiệm tiến theo hướng tôn trọng hơn quyền của người đồng tính.

Với nhiều nhóm bảo thủ ở Mỹ, đặc biệt là các nhóm tôn giáo, họ chưa sẵn sàng cho điều này - họ nhìn ông Trump với những tuyên ngôn bạt mạng như là cách giải quyết đột phá và nhanh chóng cho những thay đổi kinh tế, xã hội vốn dai dẳng mà họ đang đối mặt.

150 năm trước, những người da trắng còn là ông chủ thật sự trên mảnh đất này: những ông chủ nô lệ và đồn điền. Phải đến năm 1965, nửa thế kỷ trước, nước Mỹ mới thông qua luật về bầu cử bình quyền và chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc.

“Luật thông qua nhưng đầu óc con người không thay đổi nhanh đến thế” - Gregg, một cử tri da trắng ở Columbus, nói với tôi sau khi dự cuộc vận động của cựu tổng thống Bill Clinton ở đây hôm 29-10. Với nhóm người da trắng chi phối xã hội Mỹ từ trước tới giờ, họ đang trải qua những thay đổi đảo lộn chỉ trong vòng một thế hệ.

Trong khi đám đông ủng hộ ông Trump phần lớn là da trắng và người già, đám đông của bà Hillary Clinton đa dạng hơn hẳn về màu da lẫn tuổi tác.

Có lẽ đã nhiều năm rồi người ta mới lại thấy một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối lập về sắc tộc như thế. Hai phe ở trong hai thế giới khác nhau và họ hoàn toàn không muốn thông cảm, lắng nghe, hay thậm chí là thảo luận thôi ý kiến của phe còn lại.

Đó thật sự là hai tập hợp có rất ít các phần tử giao nhau. Đám đông của ông Trump sẽ xem Fox News và quan điểm của Fox rất đơn giản: Obama kém cỏi, yếu ớt và bất lực; phe Dân chủ xấu xa, và xấu xa nhất là Hillary Clinton; phe Cộng hòa là tốt và sẽ giúp nước Mỹ thay đổi, đơn giản có thế.

Bên phe Dân chủ, các đài truyền hình được ưa thích là MSNBC hay CNN với thông điệp cũng mang nặng tính bôi nhọ đối thủ: phe Cộng hòa tồi tệ, ông Trump là thảm họa. Tôi từng chứng kiến cảnh ông bạn chuyên xem MSNBC từ New York xuống nhà người thân xem Fox News ở Florida và cảnh họ chế giễu nhau khi coi thời sự thật vô cùng nực cười.

Vấn đề của người Mỹ là họ có quá ít lựa chọn. Sử gia lừng lẫy của Đại học Stanford, Niall Ferguson, nhận xét trong một bài viết trên The Sunday Times: “Tính chất lưỡng đảng của nền chính trị Mỹ đã trở thành đồ cổ ở một thế giới mà gần như mọi nền dân chủ đều đã trở thành các hệ thống đa đảng”.

Những cuộc thăm dò cho thấy gần 40% người Mỹ xác nhận họ “trung lập” về mặt chính trị, trong khi chỉ gần 1/3 khẳng định mình thuộc nhóm “bảo thủ” và 1/4 tự nhận họ là những người “tự do”. Cũng 4/10 cử tri Mỹ xác định họ là “cử tri độc lập”, không Dân chủ mà cũng chẳng Cộng hòa.

Nhưng ở cuộc bầu cử sắp tới, sẽ không có bất cứ cơ hội nào cho các ứng viên ngoài Trump và Clinton: Gary Johnson của Đảng Tự do, Jill Stein của Đảng Xanh và Evan McMullin, ứng viên độc lập, cả ba hẳn không mấy người bên ngoài nước Mỹ từng nghe tên.

Tính toán của New York Times hiện cho thấy cơ hội thắng cử của Clinton - Trump là 88%-12%

Ủng hộ việc nước Mỹ có một ứng viên độc lập làm tổng thống, Ferguson nêu tên cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg, dẫu ông cũng thừa nhận đó là điều “không tưởng”.

“Chúng ta sẽ không bao giờ biết nhiệm kỳ tổng thống của Bloomberg sẽ ra sao, nhưng tôi khá tin tưởng rằng đã tới ngày thành lập một Đảng Độc lập ở Mỹ. Đã đủ rồi các cuộc đấu tay đôi - Ferguson viết - Một hệ thống ba đảng là sự phản hồi hợp lý với thách thức từ nhà nước một đảng (ý chỉ Trung Quốc) đang nổi lên”.

Một sử gia danh tiếng khác, Richard Hofstadter, từng nói “những thời khắc kinh hoàng nhất của chính trị Mỹ thường xuất hiện khi một nhóm chi phối cũ cảm thấy mình đang mất dần quyền lực”.

Đây không phải lần đầu tiên diễn ra sự thay đổi mang tính đảo lộn với các nhóm vốn có vai trò chi phối trên chính trường Mỹ.

Hofstadter lấy ví dụ việc những người Tin lành, từng là nhóm chi phối, chống đối dữ dội thế nào trong thời kỳ cấm rượu (1920-1933) ở Mỹ, trước làn sóng nhập cư ồ ạt của những người Ý Công giáo La Mã tháo vát, gắn bó và rốt cuộc tạo ra ảnh hưởng rất lớn với chính trường Mỹ giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (khi John F.Kennedy đắc cử tổng thống năm 1960, ông là tổng thống Công giáo La Mã đầu tiên của nước Mỹ).

Còn lúc này là sự đảo lộn về sắc tộc. Những người da trắng ủng hộ ông Trump phần lớn là “những kẻ thua cuộc trong toàn cầu hóa”.

Ông Donald Trump trong chiến dịch vận động bảy thành phố liên tiếp tuần này ở bang Florida. Ông tuyên bố muốn Apple sản xuất các thiết bị của mình ở Mỹ thay vì tại “Trung Quốc và Việt Nam”-Thanh Tuấn
Ông Donald Trump trong chiến dịch vận động bảy thành phố liên tiếp tuần này ở bang Florida. Ông tuyên bố muốn Apple sản xuất các thiết bị của mình ở Mỹ thay vì tại “Trung Quốc và Việt Nam”-Thanh Tuấn

 

Cuộc chiến của xảo thuật

Cuộc bầu cử đang vào giai đoạn nước rút và hai phe đang dùng rất nhiều đòn dưới thắt lưng để tận dụng nốt những ngày cuối cùng hạ nhục đối phương, bằng những chiêu thức đôi khi chẳng khác gì những trò “đầu đường xó chợ”.

Những lời đe dọa của ông Trump về khả năng đây sẽ là “cuộc bầu cử bị gian lận” bởi phe Dân chủ đã dẫn tới việc một người ủng hộ ông ở Iowa tuần trước bị bắt vì bỏ phiếu hai lần.

Lời khai của bà này là lo sợ “gian lận trong bầu cử” nên mới làm vậy. Phe Dân chủ thì lên tiếng về tình trạng “những người đem theo chó” đến các điểm bầu cử sớm ở Cincinnati để dọa các cử tri da đen đi bầu cử sớm. Ông Trump trong khi đó đã liên tục kêu gọi cử tri của mình đi “giám sát bầu cử”, hành động bị phe Clinton chỉ trích là “dọa dẫm” các cử tri.

Ông Trump còn tiếp tục những tuyên bố vung trời không ngượng miệng của ông trong việc lôi kéo cử tri bằng mọi giá: hôm 30-10, ông dọa dân Mỹ rằng bà Clinton sẽ mở cửa cho 650 triệu người nhập cư vào Mỹ (gấp hai lần dân số Mỹ hiện tại)!

Với phe Clinton, sau khi dẫn khá xa trước đối thủ nhờ việc xuất hiện hàng loạt cáo buộc về quấy rối tình dục nhắm vào ông Trump, họ tưởng như đã có thể tự tin kết thúc cuộc tranh cử marathon đã kéo dài 18 tháng bằng việc tập trung hơn vào những vấn đề tích cực, xây dựng hình ảnh của bà Clinton như một nữ tổng thống sẽ làm nên lịch sử với viễn kiến lý tưởng cho tương lai nước Mỹ.

Nhưng quả bom mà giám đốc FBI James Comey, một người Cộng hòa, vừa ném ra với thông báo xem xét lại vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton đã lại khiến gió đảo chiều, và chiến lược tranh cử của phe Dân chủ ngay lập tức phải điều chỉnh theo.

Thay vì hướng chiến dịch tới hướng cao đẹp, với lời hứa trao cho nước Mỹ “điều đáng để bỏ phiếu”, bà Clinton quay lại cách từng giúp bà trong giai đoạn khủng hoảng: tấn công bằng cách đặt câu hỏi liệu tính cách của ông Trump có phù hợp để cai quản nút bấm hạt nhân, chỉ trích tình trạng tâm lý thất thường của đối thủ, và khuấy động nỗi sợ hãi về mối đe dọa của ông Trump với thế giới.

“Tôi đang chạy đua với một người nói rằng ông ta không hiểu vì sao chúng ta không dùng vũ khí hạt nhân - bà Clinton nói với khoảng 3.000 người ở Đại học Kent State, Ohio hôm đầu tuần - Ngay cả chuyện chiến tranh hạt nhân cũng chẳng khiến Trump quan tâm... Chúng ta phải không để bị phân tâm trong cuộc bầu cử này”.

Kèm theo nhận xét đó, một quảng cáo dùng hình ảnh cô bé Daisy - từng rất nổi tiếng ở Mỹ hồi năm 1964, thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh Lạnh và nỗi sợ thế giới bị vũ khí hạt nhân hủy diệt - đã được phe Dân chủ nhanh chóng tung ra.

Trong cuộc vận động ở Ohio, bà Clinton đặt câu hỏi với cử tri “Bạn hãy tự hỏi trong khủng hoảng, bạn sẽ tin tưởng ai hơn?”, rồi tự trả lời: “Donald Trump có cái nhìn đen tối và chia rẽ cho nước Mỹ. Điều đó có thể làm tan vỡ đất nước này”.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận