Chỉ dấu kinh tế nóng giòn, đẫm vị bơ

TRÚC ANH 26/05/2024 07:00 GMT+7

TTCT - Điều không muốn với nền kinh tế có thể là tin vui với phòng vé rạp chiếu phim.

Chỉ dấu kinh tế nóng giòn, đẫm vị bơ- Ảnh 1.

Những con số trăm tỉ tiền bán vé phim Việt hay các thống kê doanh thu phòng vé theo tuần bên Hollywood cũng có thể là một chỉ dấu nghịch chu kỳ (counter-cyclical) cho sức khỏe của nền kinh tế, với tên gọi nghe đã thèm: chỉ số bắp rang bơ (buttered popcorn index).

Gọi là nghịch chu kỳ bởi khi kinh tế càng khó khăn thì số người đi xi nê lại tăng. Trong thời khốn khó, muốn thoát khỏi muộn phiền thường nhật hay chạy trốn bất an về tài chính, chi bằng tạm quên trong phim ảnh - một lựa chọn không quá tốn kém.

Lịch sử đã cho ta vài ví dụ về chỉ số bắp rang bơ, và điều đáng chú ý là, xu hướng này diễn ra bất kể chất lượng phim đương chiếu lúc đó hay dở thế nào. 

"Nói chung, trong từ sáu tới tám đợt suy thoái trước đây, cứ kinh tế bắt đầu đi xuống thì lại thấy số người đi xem phim tăng" - nhận định của Patrick Corcoran, cựu người phát ngôn Hiệp hội các chủ sở hữu rạp chiếu phim quốc gia Mỹ, với tờ Entertainment Weekly năm 2011, cho tới nay vẫn được dẫn lại mỗi khi có ai nhắc tới chỉ số bắp rang bơ.

Theo Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, xu hướng doanh thu điện ảnh tăng cũng ghi nhận trong các giai đoạn khủng hoảng 1981-1982 và 1973-1974. 

Thử đọc một bản tin cũ trên New York Times tháng 2-2009, một năm sau khi khủng hoảng tài chính bắt đầu: "Trong khi phần lớn nền kinh tế đang bấp bênh giữa phá sản và giải cứu, ngành công nghiệp điện ảnh lại giật mình trước sự tăng vọt doanh thu phòng vé gần như chưa có tiền lệ trong thời hiện đại. Đùng một cái, dường như mọi người đều đi xem phim, với doanh thu bán vé năm nay tăng 17,5%, đạt 1,7 tỉ USD...".

Bản tin cẩn thận nói thêm, doanh thu tăng không chỉ vì tiền vé đắt hơn, mà số người ra rạp thật sự tăng gần 16%, và dẫn lời Martin Kaplan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Norman Lear thuộc Đại học Southern California, cho biết người Mỹ đơn giản chỉ muốn lánh đi một chút trong thời tăm tối. "Đâu có gì khó hiểu, người ta muốn quên nỗi muộn phiền, và người ta muốn ở cùng ai đó" - ông nói.

Trong một phát biểu năm 2019, Ravi Shankar Prasad, bộ trưởng phụ trách thông tin và truyền thông Ấn Độ, cho rằng "kinh tế vẫn ổn" vì chỉ ba bộ phim Bollywood mà đã thu về 1,2 tỉ rupee (17 triệu USD theo tỉ giá lúc đó) trong ngày lễ mừng ngày sinh lãnh tụ Gandhi 2-10 (Lễ Gandhi Jayanti).

Trong cách hiểu của ông bộ trưởng, doanh số bán vé phim cũng tương quan với sức khỏe nền kinh tế, nhưng theo hướng thuận chu kỳ thay vì nghịch như chỉ số bắp rang. Với ông phim hốt bạc như thế chứng tỏ kinh tế phà phà có chi đâu? 

Tất nhiên dư luận không đồng tình, vì kinh tế Ấn Độ lúc đó không ổn tí nào. Chẳng hạn, tờ India Times khi đưa tin này đã nhắc lại khảo sát của cơ quan thống kê cho thấy tỉ lệ thất nghiệp đang cao nhất trong vòng 45 năm (6,1% trong giai đoạn 2017-2018).

Gần đây nhất, có thể nhìn phòng vé Trung Quốc mùa hè 2023: từ 1-6 đến 31-8, các rạp phim toàn quốc thu về 17,8 tỉ nhân dân tệ (2,2 tỉ USD) - con số kỷ lục cho mùa phim hè, theo Cục Điện ảnh Trung Quốc.

"Điều khiến cả giới quan sát điện ảnh và tài chính ngạc nhiên với con số này là Trung Quốc đang trải qua sự phục hồi kinh tế yếu ớt một cách bất ngờ kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào năm ngoái" - trang MarketWatch bình luận. 

Chi tiêu tiêu dùng là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất, nhưng người ta vẫn sẵn sàng móc hầu bao đi xem phim. Đáng chú ý, phim nội, "những bộ phim quy mô lớn, theo kiểu Hollywood nhưng gần gũi với người tiêu dùng Trung Quốc" đã thắng lớn, theo Chris Fenton, một nhà làm phim người Mỹ đến từ tổ chức US-Asia Institute. 

Phim hay, giá phải chăng, và trải nghiệm tuyệt vời, tất cả khiến người dân Trung Quốc ùn ùn ra rạp, bất chấp kinh tế buồn bã.

Chỉ số bắp rang, suy cho cùng, cũng chỉ có giá trị tham khảo. Nó được xếp vào nhóm "những chỉ dấu kinh tế có lẽ bạn chưa biết", cùng với những chỉ số son môi (khi thắt chặt chi tiêu phụ nữ chỉ còn biết tìm vui bằng mua son, rẻ hơn quần áo, túi xách) hay chỉ số thùng các tông - doanh số thùng các tông, đại diện cho vận chuyển hàng hóa, càng cao nghĩa là kinh tế đang sôi động, mua bán tấp nập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận