Chiếc gương trên bàn thầy giáo

NGUYỄN HỮU NHÂN 18/07/2012 01:07 GMT+7

TTCT - Ba tôi là người sống trọn đời với nghề dạy học. Thấy con theo bước mình, ông đã dạy tôi cách giữ hình ảnh một ông thầy ngay từ khi tôi mới ra trường: để một cái gương nhỏ trên bàn giáo viên.

Những khi không hài lòng về học sinh, sắp nổi cơn thịnh nộ thì nhìn vào đấy sẽ thấy không còn hình ảnh một người thầy mực thước.

Phóng to
Ảnh: Juan Gris

Bài học của ông càng làm sống động một kỷ niệm trong đời học sinh của tôi.

Năm đó tôi học lớp 8. Cô giáo văn của lớp tôi được nhà trường giới thiệu là cử nhân giáo khoa văn chương ngành Việt - Hán. Khi đưa cô xuống nhận lớp, thầy giám thị nói với chúng tôi cô tuy trẻ nhưng rất giỏi, được học với cô là hạnh phúc.

Quả thật ngay từ giờ dạy đầu tiên, cô đã cho thấy cô hiểu biết vượt trội, thông thái hơn những thầy cô chúng tôi từng được học. Cô rất chu đáo, kiểm tra thường xuyên những gì đã truyền thụ trên lớp cho chúng tôi với một quy tắc là phải làm đúng những gì cô yêu cầu. Cô nói sẽ không tha thứ cho học sinh nào làm trái ý cô.

Khi đó tôi chưa hiểu được thế nào là trái ý cô. Tôi nhớ chính xác bài thơ cô gọi kiểm tra tôi lần ấy là bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Tập tôi chép không thiếu một dòng, không sai một nét nguyên tác bài thơ. Phần phân tích của cô giảng tôi ghi chẳng thiếu ý nào. Tôi lại thuộc trọn vẹn bài thơ và ít nhiều cũng cảm nhận được nội dung.

Về hình thức, vở của tôi có bao bìa, dán nhãn rất cẩn thận, lại có bọc một lớp bìa bằng giấy kiếng nên tập rất đẹp. Thế mà khi bước lên bàn giáo viên và đọc bài thơ, cô không hề đặt ra một câu hỏi nào như thường lệ... Cô ngồi lặng thinh nhìn chăm chăm vào cuốn vở. Cả lớp không ai đoán được điều gì sắp xảy ra. Rồi cô đứng phắt dậy, bước khỏi bàn, tiến về phía tôi.

Chỉ tay vào tôi, cô gằn giọng: “Chữ viết như con cua, con còng còn bày đặt màu mè trang trí!”. Cô nói đúng quá, tôi cố gắng lắm cũng chỉ được 6 điểm trong giờ tập viết hồi tiểu học mà cũng chưa vượt nổi điểm số 14/20 trong giờ hội họa khi lên trung học. Đã vậy tôi không biết thân lại hay học đòi theo các bạn, lúc nào cũng trang trí tựa bài, nội dung với nhiều màu sắc.

Cô quay xuống lớp, cảnh cáo cả lớp phải cố gắng viết bài cho cẩn thận, rõ ràng, không được màu mè như tôi. Tiếp đó, cô đưa quyển vở của tôi ra trước rồi xé mạnh từng trang cho đến khi chỉ còn trang bìa. Chưa hết giận, cô quẳng bìa tập xuống rồi giẫm lên trước khi trở về chỗ ngồi.

Cho đến hết năm học đó, những giờ cô dạy là cực hình với tôi, dù đã hết sức cố gắng tôi cũng không tiến bộ nhiều... Một số bạn thấy “gương” của tôi, không giấu được sự sợ hãi khi đến giờ cô. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên hình ảnh gót giày của cô in trên bìa tập.

Sau này làm thầy giáo cũng có những lúc đọc chữ các em không được, khi trả bài kiểm tra có lẽ cơn giận của tôi không thua gì cô năm xưa, nhưng tôi cố dằn lòng. Một vài đồng nghiệp của tôi nghĩ đơn giản rằng bạo lực là tác động trực tiếp lên thân thể các em gây hậu quả trên thể xác chứ la mắng, xé tập... thì có gì nghiêm trọng. Nhưng tôi vẫn không quên vết thương đã thành sẹo trong tâm hồn thơ dại của mình.

Bây giờ đi dạy, tuy không để trên bàn cái gương nhưng lòng tôi vẫn khắc ghi lời dặn của ba mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận