Chiến sự và năng lượng xanh: Một trò bập bênh?

LÊ MY 25/03/2022 16:30 GMT+7

TTCT - Kể từ xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, “an ninh năng lượng” trở thành đối trọng mới nhất của “biến đổi khí hậu” trên các thể loại bàn nghị sự khác nhau, khiến tương lai về một thế giới giảm phát thải càng thêm bất định.

 
 Một công viên điện mặt trời nằm bên cạnh một nhà máy điện ở Lippendorf, Đức. -Ảnh: Krisztian Bocsi/Bloomberg

“Các quốc gia đang quay lưng lại với than đá”, chủ tịch COP26 Alok Sharma đã tuyên bố một cách tràn đầy hy vọng tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu hồi tháng 11 năm ngoái. Sharma cho rằng dấu chấm hết của than đá “đã ở trong tầm mắt", không ngờ rằng 4 tháng sau tầm nhìn lạc quan ấy bị một vật cản khổng lồ chắn ngang.

Chiến sự ở Ukraine đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, buộc các quốc gia còn lại phải khẩn trương tìm cách thay thế dầu khí của Nga. Và không loại trừ những giải pháp “bẩn” nhất, như sự trở lại của than đá.

Muốn ngưng đốt khí thì phải đốt than

“Tôi kêu gọi tất cả những người có ý thức trên toàn cầu hãy yêu cầu các công ty đa quốc gia cắt đứt mọi quan hệ kinh doanh với Nga” - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter ngày 5-3. Quan hệ kinh doanh ở đây có thể hiểu là mua khí đốt và dầu mỏ của Nga, do lẽ dòng tweet có nhắc đến thông tin Hãng Shell “lén lút mua dầu của Nga” một ngày trước đó.

Ngày 8-3 Mỹ tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Trong khi đó, thông tin mới nhất từ Liên minh châu Âu (EU) cho thấy mặc dù khối này sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt mới với các hãng dầu khí lớn của Nga (Rosneft, Transneft và Gazprom), sẽ không có lệnh cấm nhập khẩu nào được đưa ra, theo Reuters ngày 15-3.

“Cuộc chia tay với nhiên liệu hóa thạch chưa bao giờ phức tạp hơn thế” - Dieter Helm, giáo sư về chính sách năng lượng tại ĐH Oxford (Anh), bình luận. “Công cuộc dịch chuyển (sang năng lượng xanh) vốn đã gặp vấn đề khi 80% năng lượng thế giới vẫn là từ nhiên liệu hóa thạch” - ông nói với Financial Times.

Dù chưa cấm nhập dầu từ Nga, EU đã bắt đầu tìm cách giảm phụ thuộc vào khí thiên nhiên của Nga. Thật không may cho môi trường khi các nước châu Âu sẽ phải đốt nhiều than hơn - đồng nghĩa với lượng phát thải tăng cao - nếu muốn đốt ít gas của Nga lại. “Ngay cả khi giá nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất (tức than đá) tăng cao so với hầu hết các mặt hàng khác thì việc các nhà máy điện đốt than vẫn rẻ hơn nhiều so với khí đốt để sản xuất điện” - Bloomberg bình luận. Thượng tuần tháng 3, các nhà máy điện ở lục địa già đã đốt nhiều than hơn cùng kỳ năm trước 51%, trong khi nhu cầu nhập khí đốt đã giảm.

Trong các loại nhiên liệu hóa thạch, than đá là mục tiêu số 1 cần loại bỏ, vì nó tạo ra cả khí CO2 lẫn CH₄. Cần nhớ khả năng giữ nhiệt lại bầu khí quyển của methane (tức làm Trái đất nóng lên) mạnh hơn carbonic tới 80 lần.

Tại COP26 ở Glasgow, các chính phủ đã cam kết theo đuổi “phát thải ròng bằng 0 - net zero”, tức là khi lượng khí nhà kính thải vào bầu khí quyển bằng với lượng khí nhà kính thu lại. Thỏa thuận cuối cùng giữa 197 quốc gia cũng bao gồm việc cắt giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Những tiến trình này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng với tất cả những xung đột và tẩy chay đang diễn ra.

Ngoài ra, than đá vẫn chiếm ưu thế ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc - quốc gia phát thải hàng đầu thế giới, nơi đang cho xây dựng các nhà máy than mới. Đối với Trung Quốc, lượng khí nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm 5%, và với dầu mỏ là 10% (theo công ty dữ liệu IHS Markit), song Bắc Kinh khó mà miễn nhiễm với cú sốc năng lượng toàn cầu.

Xizhou Zhou, phó chủ tịch của HIS Markit, nhận định: “Nếu có bất kỳ sự thiếu hụt khí đốt nào, Trung Quốc có thể phải một lần nữa tăng sản lượng than trong nước - thường được các quan chức [Trung Quốc] xem là biện pháp cuối cùng để giữ an ninh năng lượng”.

 
 EU đang nỗ lực 

“Năng lượng của tự do”

Ngày 8-3, Ủy ban châu Âu công bố dự thảo kế hoạch lớn mang tên REPowerEU, với mục tiêu “độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga” trước năm 2030, bắt đầu với khí đốt. “Chúng tôi phải độc lập khỏi dầu mỏ, than đá và khí đốt của Nga… Càng nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo và hydro, kết hợp với tăng cường hiệu suất năng lượng chừng nào, EU sẽ càng sớm được độc lập thực sự và làm chủ hệ thống năng lượng của mình chừng ấy” - thông cáo báo chí về REPowerEU dẫn lời chủ tịch Ursula von der Leyen phát biểu.

REPowerEU sẽ tìm cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, nhanh chóng nhân rộng các loại khí đốt tái tạo (như biogas hay khí đốt tự nhiên tổng hợp SNG), đồng thời thay thế loại khí đốt đang dùng trong các hệ thống sưởi và phát điện. Những nỗ lực này có thể giúp EU cắt giảm đến 2/3 lượng khí đốt mua từ Nga trước cuối năm nay.

Một phần của REPowerEU là thúc giục cả khối đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Christian Lindner, bộ trưởng tài chính Đức, cho rằng năng lượng sạch nên được xem là “năng lượng của tự do”. Đức đã lên kế hoạch đẩy mạnh năng lượng tái tạo và đạt 100% năng lượng sạch vào năm 2035.

Nếu lý tưởng về “năng lượng của tự do” dựa trên năng lượng tái tạo tiếp tục được lan tỏa, nó có thể kích thích các quốc gia tập trung nhiều hơn nữa vào các mục tiêu năng lượng sạch. Đây chắc chắn là một tin tốt, bởi công cuộc lắp đặt năng lượng sạch trên khắp thế giới đang diễn ra chậm hơn tiến độ cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu. Song nó cũng bộc lộ một trong những điều trớ trêu của thời đại này: “an ninh quốc gia” dường như cấp bách hơn các “thảm họa khí hậu”.

“Sự thật là chúng ta chưa bao giờ coi biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp như nó vốn dĩ, như cái cách chúng ta hiện đang đối xử với cuộc chiến ở Ukraine” - Thijs Van de Graaf, nhà nghiên cứu về chính trị quốc tế tại ĐH Ghent (Bỉ), nói với Financial Times.

Dẫu vậy, trong một tuyên bố, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thừa nhận rằng trong ngắn hạn, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mua dầu khí của Nga. Nếu cương quyết nói không với nhập khẩu từ Nga, việc các công ty năng lượng châu Âu trước mắt phải phụ thuộc nhiều hơn vào than đá là khó tránh khỏi, theo Bloomberg.

Điều đáng nói là trước chiến sự Nga - Ukraine, than đá đã có sự trở lại “rực rỡ”, vì công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch đòi hỏi nhiều năng lượng. Sản lượng điện than vào năm 2021, dưới thời Tổng thống Joe Biden, cao hơn so với năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump (dù chỉ có Trump mới tự định vị mình là “vị cứu tinh” cho ngành than của Mỹ). Còn ngay tại châu Âu, điện than đã tăng 18% vào năm ngoái, mức tăng đầu tiên sau gần một thập niên. 

Đôi điều cần ghi nhớ

Đầu tiên là lịch trình để thế giới tiến tới net-zero vào năm 2050 vốn đã khá “chật”. Mức tiêu thụ than đá phải giảm hẳn một nửa trước 2030, cùng lúc đó sản lượng điện cần phải tăng thêm 40% mới đảm bảo tiến độ, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế. Và tất cả nỗ lực đó là để kịch bản khí hậu lạc quan nhất có thể xảy ra: sự nóng lên toàn cầu được giữ dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Thực hiện cả hai nhiệm vụ cùng một lúc - tăng sản lượng điện và cắt giảm than - đồng nghĩa với việc thế giới đang cần rất nhiều năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường khả năng lưu trữ điện. Nhét vào lịch trình trên một cuộc chiến nữa phải chăng là một bước đi quá sức?

Thứ hai, làm sao để quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch được diễn ra nhanh chóng không chỉ là bài toán của kinh tế học, mà còn là câu hỏi của chính trị. Xung đột đồng nghĩa với câu chuyện bắt tay hợp tác toàn cầu để chống biến đổi khí hậu - vốn không thể thiếu các nước phát thải lớn như Nga và Trung Quốc - sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bất chấp những trở ngại này, nhiều chuyên gia năng lượng vẫn tin rằng quá trình từ bỏ nhiên liệu hóa thạch vẫn đang diễn ra, dù có lẽ không nhanh chóng hoặc dễ dàng như mong đợi. Một cơ sở cho niềm tin này chính là sự suy giảm cơ cấu của ngành than.

Glencore, một nhà sản xuất và tiếp thị than lớn, cho biết: giá cao và lợi nhuận khủng của ngành than hiện nay một phần là do không có nguồn đầu tư vào các dự án than mới, dẫn đến nguồn cung giới hạn. Về dài hạn, công ty này có kế hoạch cắt giảm sản lượng và cuối cùng sẽ đóng cửa tất cả các mỏ than của họ ở Úc, Colombia và Nam Phi trong vòng 30 năm tới.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra ở Ai Cập vào mùa thu năm nay, các quốc gia sẽ đệ trình lên Liên Hiệp Quốc các bản kế hoạch chi tiết hơn. Nhưng thật khó giữ vững kỳ vọng vào COP27, khi mà “năng lượng xanh” vẫn còn bị đặt trên chiếc bập bênh, bất kể đầu bên kia là gì đi nữa.

Điện hạt nhân cung cấp năng lượng mà không thải ra khí carbonic, trở thành một giải pháp thay thế khác cho nhiên liệu hóa thạch. Thực tế là từ đầu năm 2022, cuộc khủng hoảng khí đốt đã buộc châu Âu phải “hồi sinh” năng lượng hạt nhân, với mức đầu tư 500 tỉ euro (586 tỉ USD), theo báo Pháp Journal du Dimanche. Mới đây, Philippines đã đưa điện hạt nhân vào chương trình năng lượng quốc gia. Hiện tại, 55 lò phản ứng mới đang được xây dựng ở 19 nước, và khoảng 1/3 con số đó thuộc về Trung Quốc.

Tuy nhiên, trước thông tin Nga đang kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine (mà Matxcơva phủ nhận), thế giới buộc phải suy nghĩ lại. Điện hạt nhân sẽ là lời giải cho năng lượng sạch, hay vũ khí, hay là một “huyệt đạo” gây mất ăn mất ngủ mỗi khi chiến sự nổ ra?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận