Chiến thắng của quần chúng

DANH ĐỨC 11/11/2012 03:11 GMT+7

TTCT - 13g thứ tư 7-11 (giờ Hà Nội), CNN loan báo “Phiếu đại cử tri: Obama, 303 - Romney, 206”. Như vậy, ông Obama dư đến 33 phiếu so với số 270 phiếu cần thiết. Một lần nữa, cử tri Mỹ cho thấy họ muốn một chính quyền liên bang vì quảng đại quần chúng hơn là vì một thiểu số. Một cánh tả Mỹ hồi sinh.

Phóng to
Tổng thống Obama đón mừng chiến thắng cùng gia đình tại trung tâm chiến dịch tranh cử ở Chicago - Ảnh: Reuters

So với những dự báo hai ứng cử viên sẽ so kè sát nút, thậm chí có thể ngang phiếu ngay hôm trước ngày bầu cử, khoảng cách gần 100 phiếu đại cử tri này đủ lớn để cho ông Obama thêm tự tin tiếp tục nhiệm kỳ thứ nhì ngay từ bây giờ mà không đợi đến lễ nhậm chức. Đúng như khẩu hiệu tranh cử “Đi tới” của ông lần này.

“Đi tới" như thế nào?

Trong cuộc tranh luận thứ ba với đối thủ Mitt Romney, ông Obama đã quả quyết: “Chúng ta có thể bắt đầu xây dựng lại nước Mỹ. Và kế hoạch của tôi là làm sao đưa sản xuất công nghiệp về lại quê nhà để chúng ta có thể tạo được công ăn việc làm tại đất nước chúng ta, như đã làm với công nghiệp xe hơi. Bằng cách không tưởng thưởng những công ty nào đang xuất khẩu công ăn việc làm ra nước ngoài. Bằng cách làm sao cho chúng ta có được hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, bao gồm cả việc tái đào tạo người lao động của chúng ta cho những công việc của ngày mai” (1).

Tại sao ông Obama lại gắn kết hai mục tiêu “tạo công ăn việc làm” và “hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới” với nhau, khi ai cũng rõ rằng nền giáo dục Mỹ vẫn được xem là hình mẫu của sự kết hợp giữa nghiên cứu và triển khai, giữa học và hành? Chẳng qua nhà trường trung học Mỹ đã có lúc lẹt đẹt, chính vì thế ông nhấn mạnh: “Dưới trào tôi, điều chúng tôi đã làm là cải cách lại giáo dục, làm việc với thống đốc các bang. Và chúng ta đã trông thấy có tiến bộ… Các trường học cũng đã khởi sự có tiến bộ. Giờ đây, điều tôi muốn làm là tuyển thêm nhiều giáo viên hơn nữa, đặc biệt là môn toán và khoa học, do lẽ chúng ta thừa rõ rằng chúng ta đã bị tụt hậu khi đề cập đến môn toán và khoa học. Các giáo viên tuyển thêm đó có thể tạo ra sự khác biệt… Chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt trong thế kỷ 21 này bằng chính sách giáo dục của chúng ta”.

Có thể thấy logic của ông Obama như sau: Để “tái thiết nước Mỹ”, cần cải tổ lại nhà trường để từ đó hình thành một lớp trẻ mới có nền tảng khoa học hầu có thể bước vào thị trường lao động, đảm nhận những công việc không phải của ngày hôm qua, của thế kỷ trước, mà của ngày mai, của tương lai.

Tiền đâu để đầu tư vào nhà trường Mỹ? Ông giải thích: “Chúng ta phải làm sao đảm bảo giảm được thâm thủng ngân sách. Chúng ta phải làm điều đó một cách có trách nhiệm bằng việc cắt đi những chi tiêu không cần thiết, và qua việc yêu cầu những người giàu nhất đóng thuế thêm chút nữa. Bằng cách đó, chúng ta mới có thể đầu tư cho nghiên cứu và kỹ thuật vốn luôn giữ cho chúng ta vị trí tiên phong”.

Trong phát biểu sau thắng cử, ông Obama nhắc lại rằng học sinh, sinh viên Mỹ sẽ có “những nhà trường tốt nhất, những thầy cô giỏi nhất thế giới”. Được biết, theo chương trình tranh cử của ông (2), ông Obama dự trù sẽ tuyển thêm 100.000 giáo viên toán và khoa học, tái đào tạo người làm việc tại các đại học cộng đồng.

Xây dựng lại nước Mỹ

Tại sao ông Obama lại nói “xây dựng lại nước Mỹ”? Đó là do ông hiểu rằng bốn năm của nhiệm kỳ thứ nhất chưa hết này mới chỉ là để “đổ vỏ” cho hai nhiệm kỳ của ông Bush. Đầu tiên là chiến tranh Iraq và Afghanistan mà có dư luận cho rằng là vì… các hãng dầu có lợi ích ở Trung Đông. Không chỉ “đổ vỏ” trên chiến trường bằng sinh mạng của binh sĩ Mỹ và tiền bạc, ông đã và đang lái nước Mỹ sang một hướng mới: sử dụng năng lượng sản xuất trong nước Mỹ, bớt lệ thuộc vào các nguồn cung cấp ở nước ngoài.

Được biết, từ khi ông Obama lên cầm quyền, nước Mỹ đã giành lại vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất khí đốt, đã tăng gấp đôi sản lượng điện từ gió và mặt trời. Sản lượng dầu nội địa cao nhất 14 năm qua, lệ thuộc vào nguồn dầu nước ngoài thấp nhất từ 20 năm qua. Chính quyền Obama cũng đã đầu tư 5 tỉ USD cho việc sản xuất than sạch. Song song đó, ông cũng đã kích thích việc sản xuất xe hơi sử dụng nhiên liệu ít hơn, thay vì “uống xăng” như truyền thống “xe Hoa Kỳ”; ông đề ra mục tiêu đến năm 2025 giảm nhiên liệu cho xe hơi đến 2,2 triệu thùng dầu/ngày.

Trong nhiệm kỳ hai, ông sẽ mở thêm diện tích thăm dò và khai thác tài nguyên dầu, khí, kể cả trong vịnh Mexico và Bắc cực. Không vì thế mà môi trường sẽ chịu thêm gánh nặng: ông cũng đề ra mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 80% năng lượng từ các nguồn nhiên liệu sạch. Quan trọng hơn nữa là sẽ không phải “đổ vỏ chiến tranh” nữa. “Bằng cách gia tăng năng lượng sản xuất tại Mỹ, chúng ta sẽ giữ chân thanh niên Mỹ làm việc tại quê nhà, không phải đi chiến đấu tại nước ngoài” - ông nói.

Những năm gần đây, giới trung lưu Mỹ rên siết. L.C., một nữ bác sĩ Việt kiều công tác tại một viện nghiên cứu ung thư ở nam California, than: “Phải chi giàu hẳn hoặc nghèo hẳn đỡ cực hơn. Giàu thì nhẹ thuế, nghèo hẳn thì được trợ cấp, còn trung lưu thì đóng thuế!”.

Thật vậy, không ít gia đình thu nhập thấp đông con được hưởng trợ cấp thuê nhà lên đến cả ngàn USD/tháng. Giải cứu giới trung lưu cùng giới kinh doanh nhỏ vốn đang kẹt nợ tín dụng ngập đầu chính là một mục tiêu khác của ông Obama trong nhiệm kỳ hai này: “Tôi muốn cắt giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, và tiếp tục cắt giảm thuế cho các gia đình trung lưu”. Cụ thể, ông sẽ phải chiến đấu với Quốc hội Mỹ để giảm thuế cho 97% số doanh nghiệp nhỏ.

Chiến đấu với hạ viện

Năm 2010, Đảng Cộng hòa làm chủ Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, cơn ác mộng của ông Obama cũng bắt đầu từ đó khi các chủ trương và chính sách liên quan đến ngân sách liên bang và chính sách bảo hiểm y tế của ông (Obamacare) không ngừng bị Hạ viện cản phá. Năm 2012, bầu lại toàn thể Hạ viện và kết quả vẫn tiếp tục nghiêng về Đảng Cộng hòa với 224 ghế, trong khi Đảng Dân chủ vẫn là thiểu số với 172 ghế.

Cũng may là Thượng viện vẫn trong tay Đảng Dân chủ với 51 ghế vừa đủ để trở thành đa số. Liệu Hạ viện trong tay Đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục trói tay ông Obama như đã từng “treo” ngân sách vào năm 2010? Trong diễn văn chiến thắng, ông Obama đã kêu gọi Hạ viện do phe Cộng hòa nắm đa số cộng tác với ông.

Có thể chiến thắng bứt phá lần thứ nhì này sẽ làm cho Đảng Cộng hòa phải suy nghĩ lại, vì đây còn là sự trở lại của cánh tả Mỹ. Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đã là một cảnh báo cho giới tư bản. Lá phiếu ngày 6-11 là một khẳng định mới.

Báo chí thế giới nói gì về thắng lợi của ông Obama?

Ria Novosti (Nga): Một thắng lợi bộ ba cho Đảng Dân chủ: Ông Obama tái đắc cử tổng thống; Thượng viện Mỹ vẫn nằm trong sự kiểm soát của Đảng Dân chủ; trong số các thống đốc mới được bầu, phe Dân chủ cũng chiếm ưu thế.

Korea Times (Hàn Quốc): Dường như sẽ không có thay đổi lớn trong quan hệ với Hàn Quốc, nhưng quan hệ song phương có thể sẽ được thử thách trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc tháng tới.

Bangkok Post (Thái Lan): Vấn đề bây giờ là tình trạng bấp bênh của chính sách tài khóa, làm sao một Quốc hội chia rẽ có thể giải quyết nó?

New York Times (Mỹ): Một đa số phiếu vững chắc của cử tri nói lên rằng tổng thống G. Bush là người đáng trách cho tình hình kinh tế Mỹ hơn là ông Obama. Và cử tri cũng cho thấy họ tinh tế trong phân tích kinh tế hơn ông Romney có thể tưởng.

____________

(1) Remarks by the President and Governor Romney in the Third Presidential Debate, October 23, 2012
(2)
https://secure.assets.bostatic.com/pdfs/Jobs_Plan_Booklet.pdf

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận