Chợ quê, chợ rác

ĐỖ HOÀNG CHINH ĐỨC 07/11/2009 19:11 GMT+7

TTCT - Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy ba chục cây số, đi về hướng nào cũng có thể gặp những chợ quê.

Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy ba chục cây số, đi về hướng nào cũng có thể gặp những chợ quê.

Ảnh: Hà Hùng Dũng

 

Chợ quê là chợ phiên của làng, của xóm, thậm chí của cả một xã. Chợ tồn tại lâu đời, trước chỉ bán những sản phẩm của làng, xã, những con gà, quả trứng, con cá bắt được dưới ao, dưới sông, cân muối, chai nước mắm, mét vải phin may áo, cái kim, sợi chỉ...

Bây giờ chợ quê còn bán nhiều thứ khác, được mang từ tứ xứ về phục vụ nhu cầu của dân. 

Chợ có nhiều mặt hàng hơn, phiên họp cũng dày hơn, từ năm ngày, mười ngày một buổi thành ra mỗi ngày mỗi phiên, từ chỉ bán rau cỏ mắm muối, nải chuối, con gà giờ có vẻ có tất tật mọi thứ quần áo, giày dép đến đồ điện gia dụng. 

Cổng chợ lại mọc lên mấy cửa hàng điện tử, xe máy, mấy sạp treo quần áo “made in China” xanh đỏ lòe loẹt.

Trong chợ những hàng tạp hóa, hàng khô bán đủ các thứ nước uống, nước quả trông y như những sản phẩm được quảng cáo trên tivi nhưng nhìn kỹ thì không phải. Nó chỉ có hình dáng giống giống thôi. 

Người đi chợ, cả ngày làm việc ngoài đồng, nào có nhìn thấy những sản phẩm được quảng cáo trên tivi bao giờ, hỏi người bán hàng: Đây có phải là sản phẩm trên tivi không? Trả lời, đúng rồi. Ngon lắm đấy, tốt lắm đấy, mua đi. 

Tần ngần một tí, nhấc lên nhấc xuống một tí. Nghĩ đến ông chồng đi làm đồng vất vả, được ngụm nước ngọt và mát thế này nhẹ cả người, lại có mãnh lực như hổ thế kia. 

Lại nghĩ đến đứa con đang ốm, nó vẫn thích uống sữa này, cao lớn như siêu nhân, lại nghĩ đến mẹ già lớn tuổi, có gói bánh gatô cuộn trong giấy bóng kia mà ăn thì chắc mềm lắm... 

Tần ngần một lúc rồi mua, chẳng bao giờ đọc được rõ nhãn mác, chẳng bao giờ nhìn hạn sử dụng hay cơ sở sản xuất. Chỉ thấy cái vỏ bao bì giống giống quảng cáo trên tivi thì mua.

Thế là mua với tấm lòng hiếu đễ, với tâm tình thủy chung, với trái tim nhân hậu. Làm sao người đi chợ quanh năm ngày tháng ở trong làng ngoài đồng biết được thế nào là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng? Vẫn mua và vẫn dùng các sản phẩm ấy như dùng một thứ rác của thành phố.

Hàng thật về đến chợ quê thì hạn sử dụng có khi đã hết, rồi hàng nhái, hàng kém chất lượng cứ thế mà hoành hành thôi. Ở chợ quê mấy khi có đội quản lý thị trường hay đội vệ sinh an toàn thực phẩm cảnh báo về những sản phẩm kém chất lượng ấy. 

Lại cách đây mươi mười lăm năm, bia lạ tràn về các tỉnh phía Bắc, cứ đóng trong những chai nhựa màu xanh. Lại phải sang mới có bia mà uống, chỉ nhà nào có tiền mới dám mua chai bia, mà ở quê tuy nhiều người nghèo nhưng cũng không thiếu những người có thể uống bia. Thế là người ta đua nhau uống bia.

Giờ những chai bia lạ đựng trong những chai nhựa 1 lít màu xanh không còn nữa, mà có những bom bia cỏ, không có nguồn gốc, chẳng rõ chất lượng bày bán nhiều ở ven đường, gần chợ. Đám thanh niên hò nhau vào uống, đám trung niên cũng hè nhau vào uống, các cụ già thì được con cháu mua về, uống mát cả ruột...

Có ai biết bia ấy lấy từ đâu, chỉ biết là người làng lấy về bán, người ta bảo tốt thì tin thôi. Mà rõ ràng uống bia ấy mát, tỉnh cả người, chỉ đau đầu chút chút, nhưng ai chả biết có men thì bia nào chả đau đầu. Uống riết rồi quen, lại lấy việc ngồi ngoài quán bia làm sang.

Xóm kia có một ông thợ máy xúc bị chết vì ung thư dạ dày. Những ngày nằm dưỡng bệnh, ông chợt nói mình cậy lái máy xúc nhiều tiền, toàn mua các loại nước ngọt không nhãn mác để uống, bánh trái không nguồn gốc để ăn. Lại lấy đó làm oách, sau mỗi ca lái máy thể nào cũng làm vài chai.

Trước khi chết ông than: đúng là bệnh từ mồm mà vào, họa từ miệng mà ra.

Ấy là ông nói thế chứ cũng có thể ông mắc ung thư vì ti tỉ lý do khác, bởi hàng xóm sát vách nhà ông vẫn tiếp tục uống nước ngọt không nhãn mác và bánh kẹo không nguồn gốc, không hạn sử dụng hăng ngày đấy thôi. Có ai cảnh báo gì về những sản phẩm ấy đâu. 

Có ai biết ai mắc bệnh vì ô nhiễm môi trường từ những thứ rác ở thành phố đưa về, từ những nhà máy xả nước thải, từ những thứ mua ở chợ quê, từ những cái chợ rác của thành phố?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận