Chọn cây đô thị ở Việt Nam: "lý tưởng và thực tế chưa khớp được"

L.M. GHI 19/04/2023 15:21 GMT+7

TTCT - Chính xác thì nước ta đang lựa chọn cây xanh đô thị như thế nào? Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã hỏi các chuyên gia lâm nghiệp đô thị.

Lý tưởng và thực tế chưa khớp được, vì đô thị thường trồng những cây có sẵn trong vườn ươm. Giả sử họ muốn trồng những loại cây rắn rỏi, ít gãy đổ hoặc có hệ rễ thích nghi với điều kiện ngập do nước biển dâng, thì mình phải làm thí nghiệm chớ! Nhưng mà mình không làm được, tại vì không có ngân sách.

Cho nên khi nghiên cứu, tôi không nói cụ thể phải chọn cây này, chọn cây kia. Tôi chỉ đưa ra cái tiêu chí lựa chọn cho từng vùng cụ thể. Trên cơ sở đó, họ chọn loài cây phù hợp nhất mà họ có sẵn. Ví dụ với đường phố ven biển, tôi đề ra bảy tiêu chí: đã và đang trồng ở các tỉnh thành khác, khả năng cho bóng mát, chịu đựng gió, giai đoạn đầu chịu đựng bóng che, tạo thẩm mỹ cho đường phố, chiều cao phù hợp và lưu ý về vật rơi rụng. Và quan trọng là phải quản lý cả vòng đời cây.

Ta chưa xem trọng cây xanh như các đô thị bên Mỹ. Trồng một cái cây 100 USD, người ta phải đầu tư cho một cái hố (phân bón, thay đổi đất) là 200 USD thì cây mới phát triển và không bị ngã. Với biến đổi khí hậu gây gió bão thường xuyên, chúng ta cần trồng cây non - cây ươm từ vườn, không được trồng cây bứng cho nhanh kiểu "mì ăn liền".

Các nghiên cứu về quy hoạch, về quản lý hiện vẫn chiếm đa số. Còn về kỹ thuật, thí nghiệm loài này loài kia, do ngân sách cấp quá ít nên mình không thể làm. Trồng cây chưa được quan tâm đầu tư thì làm gì có nguồn nhân lực. Hiện ta phải "mượn" người của những ngành khác, ví dụ chuyên gia sâu bệnh bên trồng trọt. Sinh viên về công tác ở công ty cây xanh thì nghề dạy nghề thôi.

PGS.TS Chế Đình Lý (nguyên viện phó Viện môi trường tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM)


Cây kèn hồng tại một con đường ở TP.HCM. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cây kèn hồng tại một con đường ở TP.HCM. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ngoài những vấn đề kỹ thuật, cây xanh còn mang những giá trị về văn hóa, đặc sắc cảnh quan của mỗi đô thị. Nhưng khi xem "danh mục các loài cây xanh khuyến khích trồng trong đô thị" của một số địa phương, tôi thấy các thành phố cứ na ná nhau. Có xu hướng "đô thị nhỏ học theo đô thị lớn", nhưng chẳng biết là đô thị lớn trồng thế có đúng hay không.

Có những cây được đưa vào danh mục khuyến khích trồng nhưng thật ra khả năng thất bại rất cao, ví dụ chò nâu, phong, anh đào, mỡ... Như vậy, việc lựa chọn cây đưa vào danh mục đã không đúng rồi.

Một xu hướng nữa là "chọn cây kiểu sính ngoại", thấy cây ở nước ngoài đẹp thì lại bảo nhau đem về trồng ở trong nước mà chẳng thí nghiệm gì cả, ví dụ như chà là Trung Đông, phong linh, kèn hồng. Trong khi đó, các chủng loại cây của Việt Nam rất đa dạng, có nhiều loài còn đẹp hơn, nhưng vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu.

Qua một vài câu chuyện trên, tôi thấy công tác chọn cây xanh đô thị ở nước ta còn nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu bài bản. Để chọn loại cây thích ứng biến đổi khí hậu thì phải đi từ nghiên cứu khảo sát phát hiện loài có trong vùng sinh thái đó, rồi chọn ra để trồng trong các đô thị đó. Những cây "di thực" từ địa phương khác, từ nước ngoài vào thì không đảm bảo tính lâu dài.

Ở Việt Nam, nguồn nhân lực hiện nay rất thiếu, nhưng số người đăng ký vào học ở ngành này không cao. Ngành lâm nghiệp đô thị ở ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông lâm Huế, ĐH Nông lâm Bắc Giang mỗi năm chắc không tuyển nổi 100 người.

PGS.TS Đặng Văn Hà (viện trưởng Viện kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị - ĐH Lâm nghiệp)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận